Utopia-Địa đàng trần gian_Thomas More
Cuối cùng mình cũng đã đọc xong cuốn sách mà hết lần này đến lần khác mình đặt lên rồi lại để xuống. Thú thực lý do là khúc dẫn khiến...
Cuối cùng mình cũng đã đọc xong cuốn sách mà hết lần này đến lần khác mình đặt lên rồi lại để xuống. Thú thực lý do là khúc dẫn khiến mình không tiêu hóa nổi. Rõ ràng đã đọc những dòng đó rồi nhưng nó cứ trôi tận đâu đâu, để đến khi rê mắt đến trang cuối cùng thì lại quên sạch nội dung đầu. Nhưng mà cũng không quan trọng lắm, vì phần kế tiếp mới là nội dung về Utopia, mà khúc này thật sự cuốn hút mình. Phù.
Utopia? Zootopia? Bạn nghe có quen không? Cách đây hai năm có một phim hoạt hình của Disney mang tên "Zootopia", chỉ khác ở Utopia là thế giới con người, còn Zootopia là về con vật. Cả hai nơi này đều là thế giới trong mơ, với sự hài lòng của những cư dân tại đó luôn ở mức cao nhất.
Utopia kể về đất nước cùng tên – một bán đảo ở xa thật là xa. Ở đó người ta xây dựng đất nước mà tất cả những thể chế, quy định, quan niệm,… đều phục vụ mục đích tối thượng và cao quý duy nhất: sự thỏa mãn của con người. Sự thỏa mãn ở đây không đến từ vàng bạc, của cải, thậm chí người ta còn coi khinh những thứ ấy và chưa bao giờ xếp chúng vào tiêu chuẩn để làm thước đo kính trọng hay nể sợ một con người, mà sự thỏa mãn được hiểu là khi tinh thần và sức khỏe con người đạt đến ngưỡng cao nhất. Ở đó, vàng được hạ xuống làm vật dụng thấp kém nhất, chỉ dành để trừng phạt mà thôi. Đọc đến đây mình chợt nghĩ, Giá trị của điều gì đó đúng là do chính mình định đoạt. Bản thân nó không sẵn tốt hay xấu, không tự dưng có giá hoặc rẻ mạt, chẳng qua nó được gán với tên gọi và giá trị như thế nào.
Ở Utopia, mỗi ngày công dân ở đây chỉ dành 6 tiếng hoặc ít hơn để làm việc, thời gian còn lại họ đi học, nâng cao kỹ năng, hay giải trí. Vì có làm việc, họ không bao giờ phải lo về no đói hay ăn mặc nữa, thậm chí còn dư sản phẩm để xuất và bán sang những nước phụ cận. Việc này lý giải vì sao vàng bạc bị coi khinh đến thế, cũng như không hề tồn tại khái niệm "ganh đua" khi làm việc. Họ cho rằng nếu không cần phải lo lắng về nhu cầu để tồn tại là ăn và mặc, thì có dự trữ vàng cũng chẳng để làm gì, và ai cũng chẳng làm những công việc giống nhau, trải nghiệm như nhau, nên ganh đua là không cần thiết. Vật chất chỉ đơn giản là duy trì tồn tại, có sức khỏe tốt, từ đó tận hưởng đời sống tinh thần trọn vẹn nhất có thể.
Mấy hôm nay đọc truyện, mình có nghĩ về tư tưởng và nhận thức của người Utopia, và liên hệ xem nếu thế giới hiện tại đang sống theo Utopia sẽ như thế nào? Một thế giới không có tranh đấu, không có nỗ lực để hơn người, không có thúc đẩy kiếm tiền thì sẽ khó có động lực để luôn tiến lên phía trước, không thấy sự biến đổi đáng kinh ngạc của phát minh, công nghệ, cũng như sự hưởng thụ của con người cũng không được đa dạng như hiện tại. Mình cho rằng tất cả những điều này là kết quả của sự ganh đấu. Đó là sự tiến bộ.
Nhưng mình lại nghĩ lại, có nhất thiết phải có những thứ đó không? Nhà cao tầng, smartphone đẳng cấp, xe siêu sang,… có thực sự là những thứ chúng ta rốt ráo phải truy đuổi và bắt được tới cùng hay không? Nếu phải thì tốt rồi, chúng ta đang sống một cuộc sống thật lý tưởng, khi mọi người đều hừng hực sự tiến lên – hoặc không. Còn nếu không phải thì sao? Thì nghĩa là chúng ta cho cùng cũng chỉ mong ước một cuộc sống yên bình, không lo nghĩ cơm áo gạo tiền, đời sống tinh thần đạt đỉnh tối đa. Mọi người sẽ thật tình thương mến thương, được cùng sống trong một thế giới bác ái và dường như không tưởng.
Đúng là không tưởng thật. Vốn dĩ mỗi người sinh ra đã là một cá thể tách biệt. Họ không được sinh sản vô tính để ai cũng tư duy giống nhau, cũng có mục đích sống giống nhau, để cư xử y chang nhau, và nhận thức y đúc nhau. Một khi tư duy khác nhau thì hành động cũng khác nhau, do đó việc tuân theo răm rắp những điều luật cho dù có đơn giản và hợp lý đến đâu cũng là điều khó khăn vô cùng tận.
Mình hiểu góc nhìn của Utopia, nhưng mình cũng thông cảm cho thế giới không-được-lý-tưởng như hiện tại, vì đó là chuyện không thể chối cãi. Lại một lần nữa, sự đòi hỏi công bằng trong cuộc đời này là chuyện bất khả thi. Do đó, một thế giới như Utopia cũng chỉ là nơi bạn được bước vào đâu đó trong giấc mơ của mình. Biết đâu khi ở đó rồi bạn lại muốn tỉnh dậy ngay vì khao khát được quay lại thế giới hỗn loạn nhưng đầy hỷ nộ ái ố mà bạn đang sống như bây giờ thì sao? Con người mà, khi nào cũng muốn yên ổn, nhưng mấy ai “chịu” yên ổn cơ chứ?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất