Review sách Quân Vương - Cuốn sách bị nguyền rủa
Một trong những cuốn sách bị phỉ báng và căm ghét nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng đồng thời cũng là một trong những cuốn sách quan trọng nhất từng được viết ra.
Một trong những cuốn sách bị phỉ báng và căm ghét nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng đồng thời cũng là một trong những cuốn sách quan trọng nhất, được đánh giá cao nhất, ứng dụng nhiều nhất. Giá trị của nó vẫn còn nguyên sau 4 thế kỷ cho đến tận ngày nay. Và chắc chắn chừng nào con người còn tồn tại trên mặt đất thì nó vẫn còn được đón đọc như một trong những tác phẩm quan trọng nhất từng được viết ra trong lịch sử.
Quân Vương được viết và hoàn thành bởi Nicolo Machiavelli vào năm 1513. Nó là món quà ông dành tặng riêng cho Lorenzo di Piero de' Medici - vị quân vương cai trị nước Cộng Hòa Florence của mình. Trong sách là những quan sát và lời khuyên mà Machiavelli dành cho Medici về nghệ thuật trị quốc được ông đúc rút ra sau 14 năm kinh nghiệm hoạt động chính trị. Và bởi vì đây là món quà dành riêng cho bậc quân vương cho nên Machiavelli không hề có ý định xuất bản nó. Chỉ sau khi ông qua được được 5 năm thì người ta mới đem cuốn sách đến với đông đảo công chúng nhờ sự cho phép của giáo hoàng Clement VII. Tuy nhiên, ngay từ khi còn là bản thảo chép tay, đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung và phạm trù đạo đức mà cuốn sách nhắc tới.
Tôi có thể chia nội dung cuốn sách thành 2 phần khác nhau. Trong nửa đầu cuốn sách, Machiavelli phân loại các vương quốc và chỉ ra đặc thù của mỗi loại. Đồng thời ông cũng phân tích những thuận lợi và khó khăn đối với vị quân vương khi ở vào vị trí lãnh đạo từng loại vương quốc đó. Đâu là những việc nên làm nếu muốn giữ vững ngai vàng? Đâu là những sai lầm tuyệt đối không được mắc phải? Trong đó, tác giả dành một phần rất lớn để nói về việc cai trị những vùng đất mới thôn tính được, hoặc quy cách ứng xử khi có 2 vương quốc khác đang gây chiến với nhau.
Đối với độc giả thời nay, những điều như thế nghe thật xa lạ. Tuy nhiên, khi đặt cuốn sách vào đúng bối cảnh lịch sử, xã hội mà nó ra đời, ta sẽ hiểu lý do vì sao Machiavelli lại nhắc đến chiến tranh nhiều như vậy. Ông sống vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16. Đó là thời kỳ mà châu Âu nói chung và nước Ý nói riêng bị chia rẽ thành rất nhiều vương quốc nhỏ. Chúng thường xuyên gây chiến, xâm lược lẫn nhau để thỏa mãn tham vọng xưng bá của kẻ đứng đầu. Và mối quan hệ giữa giai cấp quý tộc và nhân dân là mối quan hệ thù địch giữa kẻ bóc lột và kẻ bị bóc lột. Những khái niệm như nhân quyền, bình đẳng, chủ quyền quốc gia… không hề tồn tại. Nó khác hoàn toàn với thời kỳ mà chúng ta đang sống. Thế giới của Machiavelli là một thế giới tàn bạo, mạnh được yếu thua, nơi các vương quốc chỉ có 2 lựa chọn: xâm lược hoặc bị xâm lược, và công lý thì thuộc về kẻ mạnh.
Bên cạnh những yếu tố mang tính đặc thù của thời kỳ đó, tác giả cũng đưa ra những quy luật mà vẫn còn đúng đến tận ngày nay. Ví dụ như vị quân vương nếu muốn giữ vững được giang sơn thì nhất định phải có được sự ủng hộ của nhân dân. Đó là nền tảng cho mọi vấn đề, từ phát triển đất nước, giữ vững bờ cõi, cho đến dấy binh đi xâm lược nước khác. Điều này cũng phù hợp với triết lý quản trị “lấy dân làm gốc” của phương Đông. Một chính quyền không được lòng dân thì sớm muộn gì cũng sụp đổ. Điều này đã, đang, và sẽ luôn đúng.
Trong phần thứ hai của cuốn sách, Machiavelli nói về các quy tắc đạo đức mà một vị quân vương nên làm theo. Và đây chính là phần khiến cho cuốn sách và bản thân tác giả bị người đời căm ghét khi mà ông khuyên bậc quân vương nên sống keo kiệt, tàn bạo, tráo trở, thủ đoạn. Chúng ta hãy cùng xem một vài trích đoạn:
Sự hào phóng được thực hiện mà không mang lại danh tiếng thì chỉ có hại cho Chúa công; vì nếu Chúa công thực hiện nó một cách thực lòng theo lối thông thường thì có thể chẳng được ai biết tới.
Một bậc quân vương nếu khôn ngoan sẽ không sợ mang tiếng bủn xỉn… Trong thời chúng ta những việc lớn toàn là do những người bị cho là bần tiện thực hiện; những kẻ mang tiếng hào phóng thì chẳng làm được gì.
Đây là một quan sát rất tinh tế của Machiavelli. Những người cho đi một cách thực lòng thì sẽ không phô trương về sự cho đi của mình, không được nhiều người biết đến và ủng hộ. Và vì thế thường thua thiệt. Còn những người cho đi với mục đích tư lợi cho bản thân thì sẽ tìm cách rêu rao nó nhằm đánh bóng hình ảnh cho bản thân. Và hẳn nhiên họ sẽ thu lợi được từ đó. Họ chỉ tỏ ra hào phóng khi biết rằng mình sẽ nhận lại được một giá trị lớn hơn sau đó. Quy luật này vẫn còn đúng cho đến hiện tại. Nhiều người chỉ sẵn lòng làm từ thiện với điều kiện là thiên hạ phải biết đến hành động từ thiện ấy của họ. Các công ty chỉ tài trợ cho một sự kiện hoặc chương trình nhân đạo nào đó nếu tên và logo của họ xuất hiện một cách trang trọng ở vị trí trung tâm. Và nhiều người chỉ dang tay giúp đỡ những kẻ mà họ tin rằng sau này sẽ mang lại lợi ích cho họ. Muốn vươn lên và thành đạt, con người ta cần cho đi một cách đầy toan tính như thế. Mặc dù đây là một sự thật mà không nhiều người muốn thừa nhận. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, nó không phụ thuộc vào việc có được thừa nhận hay không.
Miễn là bậc quân vương thống nhất và gìn giữ được lòng trung thành của thần dân mình thì chẳng cần phải bận tâm đến lời chê trách mình tàn bạo.
Nếu không tàn bạo, ngài không bao giờ giữ được quân đội của mình đoàn kết hoặc không thể điều binh khiển tướng.
Dù làm điều thiện hay điều ác, bậc quân vương cũng có thể bị oán ghét như nhau, vì vậy, như thần đã nói, đấng quân vương muốn giữ được vương quyền thường buộc phải làm điều ác.
Người ta yêu mến ai là tùy theo ý họ, còn họ sợ Chúa công là tùy theo ý của Chúa công. Một bậc minh quân nên đặt mình trong sự kiểm soát của chính mình chứ không phải trong sự kiểm soát của người khác.
Machiavelli khuyến khích bậc quân vương trở nên tàn bạo. Làm cho thần dân sợ hãi thì sẽ dễ dàng cai trị hơn là khi làm cho họ yêu mến. Bởi sự yêu mến có thể biến mất dễ dàng sau một biến cố nào đó, còn nỗi sợ hãi thì khó xóa bỏ hơn và do bậc quân vương hoàn toàn tự chủ. Một lần nữa, tác giả lại đúng. Những vị vua nhân từ thường được thần dân bên dưới đáp trả lại bằng sự coi thường hơn là lòng yêu mến, và hiếm người trong số họ có kết cục tốt đẹp. Và nguyên tắc này của Machiavelli vẫn được áp dụng đến tận ngày nay. Các vị tướng lĩnh quân đội đều xuất hiện với hình ảnh là một con người đầy khắc nghiệt và nguyên tắc. Họ đòi hỏi cấp dưới phải phục tùng tuyệt đối. Bất cứ một sự trái ý nào đều phải trả một cái giá rất đắt. Nếu họ không như vậy, thật khó để giữ được kỷ luật và tính tổ chức cho các đội quân trên thế giới.
Những bậc quân vương dựng nên đại nghiệp đều không bận tâm nhiều lắm đến chữ tín, mà biết dùng mưu trí để lừa đối phương, và rốt cuộc thắng được những kẻ khăng khăng quân tử nhất ngôn. Chúa công nên biết có hai cách để tranh thắng với người khác, một bằng luật pháp, một bằng vũ lực. Cách thứ nhất thích hợp với con người; cách thứ hai là của dã thú; nhưng vì cách thứ nhất thường không hiệu quả, cho nên cần phải nhờ đến cách thứ hai.
Nhưng cần phải biết cách ngụy trang tính cách này, và phải là một người vờ vĩnh và giả đạo đức thật giỏi. Con người vốn khờ khạo, dễ bị cuốn hút vào các nhu cầu trước mắt, cho nên kẻ nào muốn lừa người khác đều luôn luôn tìm thấy con mồi sẵn sàng cắn câu.
Tỏ ra là khoan dung, tín nghĩa, nhân đạo, mộ đạo, chính trực… nhưng trong lòng Chúa công phải sẵn sàng để khi không cần phải như thế thì Chúa công có thể trở mặt được ngay…. Để duy trì được nhà nước, bậc quân vương thường buộc phải hành động trái với tín nghĩa, tình thân hữu, lòng nhân đạo, và tôn giáo.
Rõ ràng bạn không thể thắng một đối thủ chơi ăn gian nếu bạn cứ khăng khăng chơi đẹp, trừ khi bạn mạnh hơn đối thủ rất nhiều. Nhưng thực tế cho thấy người ta càng mạnh thì càng hiếp đáp kẻ yếu, tìm cách áp đặt luật chơi của mình buộc họ phải tuân theo. Điều này giúp kẻ mạnh luôn thu được nhiều lợi ích hơn và ngày càng trở nên mạnh hơn. Ví dụ gần gũi nhất chính là cuộc chiến tranh mà Nga phát động tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Mỹ là kẻ lớn tiếng lên án nhất. Nhưng khi nhìn lại thì chúng ta thấy rằng chính Mỹ mới là kẻ mang quân đi xâm lược nước khác nhiều nhất. Tôi không có ý biện minh cho hành động gây chiến đáng xấu hổ của Nga. Mà tôi muốn chỉ ra thói đạo đức giả của Mỹ. Và rõ ràng, nếu không hiếu chiến và đạo đức giả như thế, Mỹ không thể duy trì vị thế siêu cường số 1 hành tinh như hiện tại.
Giờ chúng ta hãy nói một chút về những sự phản đối dành cho Quân Vương và tác giả của nó. Ngay từ khi xuất hiện, cuốn sách đã bị kinh miệt khắp nơi, đặc biệt là tại Anh và Pháp. Từ các triết gia, các nhà đạo đức học, cho đến nhà thờ công giáo đều chỉ trích và muốn ngăn cấm nó. Thậm chí người ta còn sáng tạo ra một tính từ mới là “Machiavellian” với hàm ý là gian trá, thủ đoạn, và quỷ quyệt.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có không ít nhà tư tưởng lớn ủng hộ nó. Rousseau ca ngợi Machiavelli như là một trong những nhà tư tưởng xuất sắc nhất. Và cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này.
Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng Machiavelli viết cuốn sách này để dành tặng riêng cho vị chúa công của mình trong một thời kỳ mà thế giới không hề có khái niệm nhân quyền, nhân văn, bình đẳng. Ông không có ý định xuất bản nó. Cho nên việc ông trình bày vấn đề một cách thẳng thắn, trần trụi là hoàn toàn dễ hiểu. Người ta chỉ cần phải vòng vo, úp mở, che dấu sự thật phũ phàng bằng những lời dối trá hoa mỹ nếu họ có ý định nói chuyện với công chúng.
Ngoài ra, cái cách mà người ta phản đối cuốn sách làm tôi liên tưởng đến hành vi của cư dân mạng Việt Nam mỗi khi có vụ việc gây tranh cãi nào đó lan truyền trên mạng. Người ta dễ dàng buông lời phản đối, chế diễu, miệt thị ngay cả khi chưa tìm hiểu vấn đề. Tôi tin rằng phản ứng của người đương thời dành cho Quân Vương và Machiavelli cũng tương tự như vậy. Đa số những người phản đối cuốn sách thậm chí còn chưa từng được cầm nó trong tay.
Một số người khác lại nêu lên nỗi lo rằng những điều Machiavelli nêu lên có thể làm hư hỏng độc giả, khiến họ có xu hướng sống thủ đoạn, đạo đức giả. Tôi hoàn toàn hiểu tâm tư của họ. Bản thân tôi là 1 ông bố. Và tôi cũng thường cố gắng bảo vệ con mình khỏi những thói hư tật xấu từ thế giới bên ngoài. Nhưng bảo vệ khác với tránh xa. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ bị bố mẹ bao bọc quá mức lại rất dễ sa ngã khi lớn lên. Điều chúng ta nên làm không phải là giữ trẻ tránh xa cái xấu. Bởi cuộc sống đầy rẫy chuyện tiêu cực. Bạn không thể cứ mãi giữ con trong vòng tròn của những điều tốt đẹp. Thay vào đó, hãy chỉ cho chúng thấy cả mặt tốt và mặt trái của xã hội, qua đó giúp chúng biết tự bảo vệ bản thân trước những cám dỗ và xấu xa mà sớm muộn gì chúng cũng phải đối mặt.
Trong cả cuốn sách này tôi không hề thấy Machiavelli cổ súy cho lối sống vô đạo đức. Mà ghi chép của ông là sự mô tả về những gì thật sự diễn ra. Lịch sử cho thấy để sinh tồn trong môi trường chính trị khốc liệt, con người ta cần phải quỷ quyệt, thủ đoạn. Đó là một nhận định sát đáng bất kể bạn có thích nó và chịu thừa nhận nó hay không. Sự thật luôn là sự thật. Trái Đất không cần sự cho phép hoặc đồng tình của chúng ta để quay quanh Mặt Trời. Nó đã, đang, và sẽ luôn như vậy ngay cả khi bạn không thích và chối bỏ. Machiavelli bị ghét vì ông đã nêu ra một sự thật trần trụi mà đa số xã hội không dám thừa nhận và đối diện, chứ không phải vì con người ông xấu xa. Những sự thật trái ý nghịch lòng thường gây tổn thương cho con người. Và đa số chúng ta không thể để chịu đựng điều đó. Chỉ những người mạnh mẽ nhất mới có khả năng thừa nhận thực tế như nó vốn có, bất kể nó trần trụi ra sao.
Đúc kết lại.
Cuốn sách này tốt hay xấu? Nó không tốt mà cũng chẳng xấu. Một số người không dám thừa nhận sự thật trần trụi mà Machiavelli đưa ra. Một số người lo ngại nó sẽ ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. Một số khác nhìn thấy trong cuốn sách những lời khuyên tuyệt vời cho sự nghiệp chính trị của họ. Và một vài người giống như tôi, nhìn nhận những vấn đề mà cuốn sách đưa ra bằng con mắt khách quan, để hiểu biết thêm về thế giới mình đang sống và những quy luật chi phối sự vận động của nó. Mỗi độc giả thấy nó tốt hoặc xấu tuỳ thuộc vào thế giới quan của họ. Để kết thúc bài review này, tôi xin gửi gắm một thông điệp như sau:
Sự thật luôn là sự thật. Nó đã, đang, và sẽ luôn ở đó, bất kể bạn có muốn thừa nhận hay không.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất