Vô tình thấy lý thuyết “Những công việc ngớ ngẩn” của David Graeber, mê mải đọc.  Vì cái con người luôn luôn tự hỏi đi làm để làm gì nhỉ thì lý thuyết này quả là hay ho. Viết ra tý cho vui!

Những công việc ngớ ngẩn là những công việc nhảm nhí, vô nghĩa, không cần thiết, đến mức ngay cả người làm nó cũng không thể biện minh cho sự tồn tại của nó, nhưng họ vẫn phải giả vờ tìm ra một số lý do để nó tồn tại. Nếu những công việc này, hoặc toàn bộ nền công nghiệp này biến mất, thì cũng chẳng cháy nhà chết người, thậm chí thế giới còn trở nên tốt đẹp hơn.
Có 5 loại công việc ngớ ngẩn:
(1) Flunkies: Những công việc mà mục đích chính là khiến người khác cảm thấy quan trọng. Ví dụ: những anh chàng giữ cửa bảnh bao ở trung tâm thương mạị, việc duy nhất họ bỏ năng lượng ra làm là kéo cửa, mở cửa, cúi chào, ở thời điểm năm covid này thì thêm động tác đo thân nhiệt + xịt nước rửa tay cho khách. Họ thường mặc những đồng phục an ninh, trông rất oách. Hoặc những chị em thanh mảnh đứng ở quầy tiếp tân, với công việc duy nhất là dùng 1 cái thẻ bấm thang máy cho khách.  Vị trí này chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc khiến khách cảm thấy bản thân thật là VIP được phục vụ tận tình và giữ an toàn.
(2) Goons: Những công việc với tính chất hung hăng, công kích, tồn tại chỉ vì có ai đó thuê họ. Ví dụ rõ nhất là quân đội. Một đất nước có quân đội là vì những nước khác cũng có quân đội. Nếu chẳng nước nào muốn đánh nhau thì quân đội cũng chẳng để làm gì. Ngoài ra những vị trí như quan hệ công chúng, vận động hành lang, tiếp thị qua điện thoại, luật sư công ty, cũng là nhảm nhí hết.
(3) Duct tapers: Duct tape là cái băng keo vải siêu dính, chuyên “chữa cháy” gắn kết tạm thời những vết nứt. Duct tapers là những người chuyên chạy theo sửa chữa một lỗi nào đó, nhưng bản chất cái lỗi đó đáng lẽ không nên xảy ra. Ví dụ, có cái thứ việc là hàng ngày nhận form mẫu yêu cầu sửa lỗi IT từ nhiều nơi, rồi copy and paste những thông tin ở mẫu đó vào một cái mẫu khác. Hoặc có cái việc là ngồi đọc báo cáo tài chính của một ông chuyên gia nghiên cứu tài chính, tìm ra các lỗi trong báo cáo, rồi chạy theo ổng yêu cầu viết lại… mà đương nhiên ổng sẽ từ chối… cái báo cáo lại được đưa lên giám đốc… mà cái ông giám đốc này lại không biết tý gì về tài chính.
(4) Box tickers: là những công việc được vẽ ra để giúp một công ty thể hiện rằng họ đang làm gì đó, nhưng sự thực là họ chẳng làm gì. Ví dụ, có cái công việc của cô kia là hàng tháng đi thu thập ý kiến phân tích điều tra xem dân cư khu nhà thích những hoạt động giải trí nào nhất. Tuy nhiên, thực tế, thì chủ tòa nhà chẳng thèm quan tâm xem người dân thích gì cả, bằng chứng là tất cả các hoạt động giải trí vẫn như cũ sau nhiều lần phân tích điều tra. Nếu được hỏi thì chủ toà nhà có thể trả lời là chúng tôi luôn luôn lắng nghe ý kiến mọi người, có hẳn 1 cô kia chuyên đi hỏi còn gì!?
(5) Task masters: Có hai loại: Loại 1 là những người quản lý tầm trung, họ chẳng làm gì nhiều ngoài việc giao việc và theo dõi tiến độ việc của người khác. Loại 2  là những người chả làm gì ngoài ngồi nghĩ ra thêm những việc nhảm nhí nêu trên cho người khác. Mấy người chuyên gia kiểu như “xây dựng chiến lược dài hạn” sẽ thường chỉ ăn và nghĩ xem có thể cần bao nhiêu flunkies, goons, duct tapers, box tickers và task masters. 
Gần đây nhất, mình được giao nhiệm vụ ký kết thỏa thuận nghiên cứu với một bên đối tác. Khi đã xong phần kỹ thuật, thì mình phải đưa vào một mẫu thỏa thuận chung của công ty và phải được thông qua bởi một cô Luật sư công ty. Ở bên phía đối tác, cũng có 1 cô Luật sư, tất cả ý kiến của cô Luật sư bên này sẽ được cô bên kia trả lời… nhưng ngớ ngẩn nhất là phải đi qua mình. Tức là cô A nói cái này là cái gì, sửa được không => gửi cho mình => mình chuyển cho cô B, diễn tả lại cái ý của cô A => cô B trả lời và nhiều lúc hỏi lại cái gì đây, sửa được không => gửi cho mình => mình đọc, tóm tắt, chuyển ngược về cho cô A… Cái tiến trình này nó kéo dài tầm 2 tháng. Sau đó cái bản thỏa thuận ấy lại được gửi cho 1 ai đó ở một bộ phận khác, hoàn toàn không biết gì, người này lại yêu cầu mình có 1 cái bản tóm tắt nội dung đã được đồng ý giữa hai bên rồi kẹp vào thỏa thuận (méo hiểu! :D).
(còn tiếp)