Những hào nhoáng hạnh phúc là sự tan vỡ của những đứa trẻ
Tôi có một người bạn, ba mẹ cậu ấy có vấn đề từ khi cậu ấy học cấp 1. Sau đó một thời gian giằng co kéo dài, họ ly hôn khi cậu ấy vào cấp hai, khi đó đứa em trai của cậu chỉ mới 5 tuổi. Thời điểm đó thế giới của cậu ấy bị đảo lộn bởi những cuộc cãi vã giữa ba mẹ, và việc phải đổi nhà liên tục trong một tuần. Cứ dăm ba ngày qua ba thì dăm ba ngày sang mẹ. Qua ba thì nghe ba hằn hộc về mẹ, về mẹ thì lại thấy những giọt nước mắt tủi thân và oan ức.
Cả tuổi thơ vốn dĩ vô âu vô lo của cậu trải qua không được mấy suôn sẻ với mối quan hệ đổ vỡ với ba, và sự thương cảm nhưng không gắn kết với mẹ. Vì hai người chia nhau ra chăm sóc mỗi người một đứa con, nên mẹ cũng làm việc vất vả hơn và ít thời gian hơn để ở cạnh con cái. Mà ba thì… thôi không cần kể thì cũng hiểu ông ấy cũng chẳng mấy mặn mà với việc chăm sóc con mình.
Có một lần cậu bạn ấy kể với tôi bằng chất giọng cợt nhã, rằng mình đi chơi đến 1 giờ sáng chưa về, điện mẹ thì mẹ chỉ bảo con cứ đi về là được, đừng qua đêm nhà người khác rồi cúp điện thoại trong mệt mỏi. Mặc dù cậu ấy không hề trách cứ và còn nói với giọng điệu vui vẻ, nhưng cậu ấy rất buồn. Tôi có thể cảm nhận được nỗi buồn đó của cậu qua cách cậu nhìn người khác bị mẹ hối thúc về nhà.
Có những nỗi phiền muộn của người khác lại là sự khao khát của một ai đó.
Bẫng đi một thời gian, khi cậu đi du học cũng tầm 1 năm. Dưới sự háo hức mong chờ về Việt Nam và có thể đi chơi với cả ba và mẹ, ba cậu ấy báo cho cậu ấy một tin động trời rằng :” Ba có người mới rồi!”
Câu nói đó chẳng khác nào là câu nói chấm dứt cho sự hàn gắn mà cậu hy vọng.
Chấm dứt luôn cả sự giả tạo ba mẹ đang dần vui vẻ lại với nhau qua cái group chat gia đình.
Thế là cái group chat thì bị bỏ xó, mẹ cậu thì khóc nức nở trong tủi thân, còn cậu thì chỉ có thể dùng thái độ hòa nhã để nói chuyện với ba mình.
Ngày cậu về, ba cậu còn chắc nịt một câu:” Mẹ đón thì ba không đón.”
Phũ phàng đến mức khiến cậu chạnh lòng. Cậu lớn lên từ bé với mẹ, cậu hiểu rõ người phụ nữ nhỏ bé đó đã chịu đựng những gì, và khổ sở đến mức độ nào với người đàn ông này. Nhưng người đó là ba cậu, cậu có thể làm gì khác đi được không? Câu trả lời đương nhiên là không.
Ngày cậu về, mẹ không thể ra đón vì ông cậu trở bệnh nặng nhập viện. Ba vội vàng ra đón với thái độ bực dọc, quần áo thì không chỉnh tề.
Vừa đón chào cậu sau hơn 1 năm xa xứ là khung cảnh cậu không mong đợi nhất. Ba cậu và người phụ nữ khác.
Cô ấy trẻ đẹp và tài giỏi. Không phải dạng lẳng lơ lợi dụng tiền của đàn ông, cậu cho là vậy. Vì cô ấy có một sự nghiệp riêng cũng khá là lớn, ba cậu thì cũng thế. Hai người họ độc lập tài chính và hiện đại.
Nhưng còn người mẹ đã dành hết tuổi thanh xuân của mình cho ba thì sao?
Ông cho đó là sai lầm của tuổi trẻ, cho rằng bản thân ông lúc đó không thật sự yêu.
Những lời ông tâm sự có thể khiến mẹ cậu chết lặng trong đau đớn vì yêu quá nhiều, hy sinh quá nhiều và đợi chờ quá lâu. Nhưng hơn hết người tổn thương nhất chính là cậu.
Hai người họ không có tình yêu, vậy thì cậu là gì ?
Là một tác phẩm lỗi trong lúc nhất thời?
Là một trách nhiệm trong những giây phút không kiềm chế được của ba cậu?
Hay là một gánh nặng mà chẳng ai muốn gánh vác?
Cậu cũng chẳng biết.
Người phụ nữ mới của ba rất tốt, mua cho cậu đủ thứ đồ, đi chơi cùng cậu và dành thời gian cho cả ba cậu, em cậu và cậu. Nhưng cậu có muốn không? Ba lại chưa từng hỏi cậu điều đó.
Hạnh phúc và sự dịu dàng ba có với người phụ nữ đó, tại sao lại không thể dành cho mẹ?
Những giọt nước mắt của mẹ hóa ra lại chỉ là dư thừa.
Cậu đã nghĩ như thế, nhưng chỉ có thể bấm bụng cười trừ mà thôi.
Hằng ngày người phụ nữ đó vẫn đăng những thành công của cô ấy lên mạng xã hội, sự hạnh phúc và sung túc của cô ấy có với người đàn ông của mình – là ba của cậu.
Sự hào nhoáng đó khiến ai cũng ngưỡng mộ, khiến ai cũng trầm trồ.
Tôi là người ở giữa!
Tôi thấy cô ấy hạnh phúc và thành công. Cuộc sống mà ai cũng khao khát có được.
Một sự nghiệp vang dội
Một người bạn trai tuyệt vời.
Tôi là người ở giữa!
Tôi thấy bạn tôi với những câu chuyện khiến cậu ấy chỉ muốn bật khóc vì tan vỡ.
Tôi thấy bạn tôi đã từng chịu đựng một người ba vừa bạo lực vừa không dịu dàng và hay hạ nhục cả vợ và chính đứa con của ông ấy.
Tôi thấy bạn tôi đã từng mệt mỏi trước những lời nói xấu mẹ từ ông.
Tôi thấy giữa sự hào nhoáng của một cặp đôi, là sự tan vỡ của những đứa trẻ. Kể cả đứa em trai đã 11 tuổi của cậu.
Họ giàu có.
Họ thành công.
Họ hạnh phúc.
Nhưng là họ - một người ba chưa hoàn thành đầy đủ trách nhiệm.
Một người phụ nữ hiện đại cho rằng việc ly hôn và tái hôn là chuyện bình thường, những đứa con của bạn trai cô ấy sẽ chấp nhận, người vợ cũ sẽ thôi đau lòng.
Họ hạnh phúc trên chính sự đau khổ của người khác.
Đương nhiên người phụ nữ mới của ông chồng không có tội. Cô ấy hoàn toàn có thể sống cuộc sống hạnh phúc của cô ấy, cô ấy có quyền làm như thế, và vì cô ấy chẳng việc gì phải sống cho người khác, còn là người không liên quan đến cuộc đời của mình. Cô ấy chẳng việc gì phải cảm thông cho đứa con hay người vợ cũ. Đó không phải việc của cô ấy.
Nhưng một người đã từng sai lầm, điều đó có thể lặp lại trên chính cuộc đời của cô ấy.
Một gia đình đã tan vỡ, và những đứa con thì đáng thương vô cùng.
Đôi khi cuộc sống này không phải lúc nào cũng đẹp đẽ như chúng ta tưởng. Nhìn vào một người, chúng ta lại chẳng thể biết được toàn bộ những vấn đề sau vẻ hào nhoáng đó.
Có thể hạnh phúc mà chúng ta đang khao khát, lại là sự khổ sở của một ai đó âm thầm lặng lẽ đằng sau ánh hào quang.
Sự hiện đại, tư duy tiến bộ đôi khi lại tàn nhẫn đến mức quên mất những đứa con có thể thông cảm và chấp nhận ba hay mẹ mình tiến thêm bước nữa, nhưng chúng cũng sẽ tổn thương đến vô vàn.
Ba và mẹ đều có quyền có hạnh phúc riêng, nhưng đôi lúc sự vô tư đó lại là hạnh phúc trên nỗi đau của những đứa trẻ.
-Lâm Duệ Nghi-