Nguyễn Thái Học là một con đường tuy ngắn nhưng thật thẳng, và cũng là con đường lớn nhất ở phường Cầu Ông Lãnh.
Nhưng có một điều đầy ý vị mà không phải ai cũng hiểu, đó là sự đặt cạnh nhau của những cái tên đường Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Nguyễn Khắc Nhu, Ký Con và Phó Đức Chính. 
Họ đều là những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng. 
Ngày nay, họ chỉ xuất hiện trong vẻn vẹn một trang của sách giáo khoa lịch sử 12, câu kết của trang sách đó là: “Vai trò lịch sử của Việt Nam Quốc dân đảng, với tư cách là một chính đảng cách mạng trong phong trào dân tộc, vừa mới xuất hiện đã chấm dứt cùng với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái”.
Nhưng ý nghĩa thực sự của V.N.Q.D.Đ., muốn hiểu được, cần phải có một sự tò mò ghê gớm lắm. Mà tò mò thì không phải lúc nào cũng tốt.
Ngoài sự đặt cạnh nhau của các thành viên V.N.Q.D.Đ., còn một liên hệ thú vị khác nữa - khiến tôi đồ rằng Thuần Phong Ngô Văn Phát đã từng đọc Nhượng Tống viết về Nguyễn Thái Học.
Một trong những cuốn sách đánh dấu sự trở lại của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân.
Nhượng Tống từng hỏi Nguyễn Thái Học:
“Tư tưởng cách mệnh của mày nẩy ra từ hồi nào?”
Nguyễn Thái Học đáp:
“Từ năm độ lên mười tuổi. Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đầu làng bên cạnh. Làng ấy là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hoá như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại hồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Đấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra ở trong óc tao từ đấy!”
Ra là, tư tưởng cách mệnh của Nguyễn Thái Học nẩy ra khi anh thấy một bà cụ phát điên vì mất con trong khởi nghĩa Thái Nguyên. 
Cái gọi là "tư tưởng cách mệnh" của Nguyễn Thái Học nghe chất phác như cái mà Ilya Ehrenburg gọi là "lòng yêu nhà yêu làng xóm yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc". Đó cũng là "tư tưởng cách mệnh" duy nhất của những nhân vật trong khởi nghĩa Yên Bái. Không cần gì những thậm xưng to tát. 
Chợt nhớ đến Viết cho mình lúc nửa đêm của Phan An/Cầm Bùi, hay cái đoạn thoại của Khái Hưng trong Bể dâu của Nam Dao về nationalism communism.
Phụ nữ tân văn, số ra 9 ngày sau vụ hành quyết 17/6/1930
Phụ nữ tân văn, số ra 9 ngày sau vụ hành quyết 17/6/1930
Nguyễn Thái Học là người bị chém thứ 13 trong cuộc hành hình ngày 17/6/1930. Trước anh là Phó Đức Chính, người đòi nằm ngửa để xem lưỡi dao guillotine rơi xuống như thế nào. Tất cả 13 người trước khi chết đều hô to hai tiếng “Việt Nam”.
Cô Giang (Nguyễn Thị Giang) tự vẫn theo chồng.
Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc), em gái của Cô Giang, bị đày chung thân.
Nguyễn Khắc Nhu tuẫn tiết ngay sau khi Hưng Hóa, Lâm Thao thất thủ.
Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp) bị tử hình khoảng 2 tháng sau cái chết của Nguyễn Thái Học.
Ngoài 6 nhân vật nói trên, còn rất nhiều những người đã sống, chiến đấu và chết, nhưng ngày nay chỉ còn là một vài cái tên trong những cuốn sách xưa khó kiếm, hoặc thậm chí là vô danh.
Trung Bắc Chủ Nhật, 15 năm sau vụ hành quyết 17/6/1930.
Trung Bắc Chủ Nhật, 15 năm sau vụ hành quyết 17/6/1930
Và báo Độc lập của tháng 6 năm 1946, giai đoạn nhiều chuyển biến.
Ở hội nghị tại Võng La, Nguyễn Thái Học đã nói:
“Gặp thời thế không chiều mình, đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em đến cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các nơi phòng ngục trại giam. Âu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta không thành công thì thành nhân, có gì mà ngần ngại?”
Những con người của V.N.Q.D.Đ là những con người biết thất bại mà vẫn dám mở đường. Bởi vì họ hiểu, cần phải có một tiếng gọi được cất lên để nhận về lời hồi đáp. Máu đổ ở Yên Bái năm 1930 là một tiếng gọi, và Điện Biên Phủ của 1954 chính là lời hồi đáp.
Ngày mai là 10/2/2020, tròn 90 năm sau vụ Yên Bái bắt đầu.
Viết ở Hồ Chí Minh, ngày 9/2/2020