Image result for the goldfinch
Bức Con Sẻ Vàng của Fabritius
Bởi với Proust, quá khứ được nhào nặn trong chiếc bánh madeleine nhúng trà, cho nên có lẽ quá khứ cũng ăn được, mà đã ăn được thì sẽ tiêu tán.
Mấy ngày trước khi đọc Con Sẻ Vàng, tôi cặm cụi đọc Những Lời Bộc Bạch của Rousseau. Nói thực là khi bắt đầu tôi cũng chẳng thích thú gì với cuốn sách đó. Tôi đọc tới quyển 10 thì ngưng để đọc Con Sẻ Vàng, đọc xong Con Sẻ Vàng  không biết sao tôi lại có hứng đọc cho hết Những Lời Bộc Bạch. Tôi nhận ra hình như đến một quãng đời nào đó người ta bắt đầu sống bằng Quá khứ nhiều hơn là sống bằng Tương lai hay Hiện tại. Rousseau chắp bút viết hồi ký. Proust dành một phần tư đời mình để tìm lại thời gian. Mà dường như những cuốn sách về ký ức không có cuốn nào ngắn. Viết về Tương lai người ta có thể viết rất ngắn nhưng viết về Quá khứ thì bao giờ cũng dài. Người ta có nhiều Quá khứ hơn Tương lai.
Đọc vài chương đầu của Con Sẻ Vàng, tôi cứ đinh ninh cậu bé Theo sẽ dấn thân vào một chuyến du hành kỳ bí. Một cậu bé mồ côi được ông già xa lạ giao cho giữ gìn một bức tranh quý thì chả phiêu lưu còn làm gì. Nhưng nó đã không diễn tiến như vậy. Thì đúng là cũng có phiêu lưu, nhưng không có gì quá kỳ bí ngoài dăm chương cuối cùng. Đa phần là về việc cậu lớn lên, và trong quá trình lớn, cậu ghi nhớ và hồi tưởng.
Proust đi tìm thời gian đã mất nhưng Theo thì chẳng phải tìm. Cậu luôn có và rồi mất. Đầu tiên cậu có một người cha và một người mẹ. Cậu mất cha rồi mất mẹ. Cậu tìm được cha và lại mất cha. Cậu thích một cô gái nhưng cô không bao giờ là của cậu. Cậu thích cô gái thứ hai nhưng họ không thuộc về nhau. Cậu có người bạn thân thứ nhất và cậu mâu thuẫn với nó. Cậu có người bạn thân thứ hai mà sau khi bỏ đi, cậu không còn gặp lại. Cậu có người bạn thân thứ ba, rồi họ chia tay, rồi họ tái ngộ trong cái hoàn cảnh kỳ quái, cùng vào sinh ra tử, rồi đến cuối ai cũng về với cuộc sống của mình. Đến bức tranh Con Sẻ Vàng mà cậu luôn giữ khư khư bên mình, một ngày cậu cũng phát hiện ra suốt chục năm qua nó đã bị đánh tráo, tới khi cậu tìm lại được nó thì nó lại được trả về cho các bảo tàng.
Image result for the goldfinch

Ta có nó và ta mất nó nên việc sống chính là việc hồi tưởng. 

Khi ở New York, Theo nhớ mẹ. Khi ở Vegas, cậu nhớ New York. Khi quay về New York, cậu nhớ Vegas. Quá khứ cứ len lỏi và rồi đột ngột hiện lên như những quảng cáo bất thình lình xuất hiện trên màn hình máy tính không hề báo trước, muốn xem tiếp cái cần  xem thì phải xem vài giây quảng cáo, cậu ta muốn đi đến tương lai thì phải soi vào tấm gương hồi niệm. Thằng Boris gọi cậu là Potter, Potter trong Harry Potter, cậu đeo cái gánh nặng quá khứ lên mình cũng như Harry Potter có chiếc thẹo trên gương mặt, không có thẹo đã không là Potter, không có quá khứ đã không là Theo Decker.

Vấn đề là Tương lai sẽ đến nhưng nó không bao giờ thuộc về chúng ta cả.

Theo đã nghĩ  ra bao nhiêu thứ nó có thể cùng làm với Boris khi hai đứa chuồn khỏi Vegas để đi New York. Chúng mình có thể ra bãi biển Brighton đi hóng nắng, cùng ăn trứng xông khói với cá tầm; chúng mình có thể dạt nhà, đứng một góc quảng trường xóc cốc ăn xin; chúng mình sẽ ăn sáng trên đồng ngô khi bình minh tới; chúng mình có thể làm rất nhiều thứ cùng nhau nhưng vì Boris quyết định ở lại nên sau chót tất cả  những khả dĩ đó đều chẳng thành gì cả. Và rồi tất cả chỉ còn lại cái  giây phút đó khi thằng Boris hôn lên môi Theo, và Theo, dắt theo con chó, nhảy phóc lên xe, không bao giờ nói điều rất muốn nói ra nhưng chẳng cần nói làm gì vì nó biết Boris đã biết, cái câu “tao yêu mày”, và rồi chỉ còn lại cái ký ức khi Boris nghiền ngẫm Thằng ngốc của Dostoevsky, cái giọng Boris hát The Velvet Underground hay những lần hai thằng bày mưu đi ăn cắp. Chúng ta chỉ có Quá khứ.

Dù đến Quá khứ cũng không hề là một khối hình vững chắc. 

Bởi vì đến Quá khứ nữa, ta có và rồi ta cũng mất. Cái nhà của mẹ vẫn còn ở đó khi Theo rời khỏi New York. Cái nhà không còn khi cậu trở về. Cậu đã giữ Con Sẻ Vàng suốt nửa đời mình để rồi phát hiện ra nó không phải là Con Sẻ Vàng của cậu. Cậu định sẽ gọi cho Andy nhưng luôn lần lữa và khi cậu vẫn chưa có ý định gọi cho Andy thì Andy đã chết. Neo mình vào quá khứ nhưng một ngày cái bến chìm xuống, cái neo mòn gỉ, rồi cũng chẳng thuộc về đâu.
Trong Con Sẻ Vàng có một nhân vật chuyên gia cố những món đồ cũ kỹ. Ông sơn sửa, đục đẽo những cái ghế, những cái bàn, những chiếc đồng hồ, những cánh cửa, những tấm kính, những thứ đã bỏ đi, những thứ hư hao mà thời gian lột bỏ. Cả một đời ông làm việc ấy, lưu cữu những ký ức không rõ của ai, không rõ ở đâu, không rõ bao giờ. Như Proust. Ngày Proust viết phần kết cho Đi Tìm Thời Gian Đã Mất cũng là ngày Proust từ giã cõi đời. Tôi luôn nghĩ, nếu Proust không chết vào ngày đó, thì câu chuyện sẽ chưa khép lại ở đó. Nếu ông sống đến tuổi 55, nó sẽ có 8 phần, sống đến tuổi 60, 10 phần, sống đến tuổi 100, nhiều nhiều phần nữa.
Chỉ riêng việc hồi tưởng thôi đã là đủ để cuộc đời bận rộn.
Hiền Trang
---
The Goldfinch, bản dịch Con Sẻ Vàng, của Donna Tartt (dịch giả Nguyễn An Lý) là tác phẩm đoạt giải #Pulitzer năm 2014, mới được xuất bản ở Việt Nam