Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một ngày để tri ân những người làm trong ngành giáo dục - những thầy giáo, cô giáo. Những người đáng kính, nhưng cũng đáng thương và đáng trách.
Chẳng có cái nghề nào thiếu thốn như nghề giáo! Những nhà giáo gánh trên vai những trọng trách to lớn mà cũng phải khoác trên mình cái lớp vỏ của những người thiện lương. Trọng trách to lớn là phải làm nhiều mà lớp vỏ thiện lương thì nghĩa là không được đòi nhiều. Chính là cái nghề mất thì nhiều mà được thì chẳng bao.
Một cô giáo dạy tôi hồi cấp 3 từng chia sẻ thẳng thắn: "Cô tốt nghiệp thạc sĩ, cô cũng vào biên chế rồi, nhưng nếu không có lớp dạy thêm chúng mày thì cô cũng bỏ nghề lâu rồi, vì lương giáo viên không bằng lương osin". Bên cạnh đó cô còn khuyên thẳng 1 đứa bạn lớp tôi là thi gì thì thi, đừng thi sư phạm. Cô tôi là một giáo viên giỏi, trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, cô luôn có cách làm rất hay và cách giảng bài lôi cuốn mặc dù môn học của cô không phải môn tôi yêu thích, tôi tin cô cũng từng là một cô gái đầy hoài bão như chúng tôi năm 18, bước chân vào cánh cửa đại học rồi vẽ ra thật nhiều mục tiêu cho mình, nhưng có lẽ cái sự nghiệt ngã trong nghề giáo đã lấy đi những ước mơ thuở đầu của cô giáo tôi, để cô phải trở thành kiểu giáo viên mà học sinh ghét nhất - trù dập những học sinh không đi học thêm.
Có khoảng thời gian tôi đã ví tiết học của cô ấy như những canh bạc, chúng tôi càng gỡ càng mất, mà kể cả có là kẻ thắng cuộc thì cũng phải chơi đến ngày trắng tay. Bởi vì những bạn không đi học thêm cô sẽ luôn bị cô gọi lên bảng làm bài, cô sẽ tạo 1 khoảng thời gian nhất định tầm 5 phút cho mỗi đứa phải trình bày và tính toán, vì những áp lực như vậy khiến nhiều bạn bị điểm kém, càng kém thì lần sau lại phải xung phong lên bảng làm bài để gỡ điểm, nhưng không học thêm cô thì cô sẽ luôn có cách khiến điểm bạn phải kém. Ví dụ một bạn học lực trung bình, tầm dưới 4 điểm sẽ bị cô bắt giải bài mức 8 điểm, 10 lần gỡ điểm mà 10 lần làm bài quá sức thì chỉ có gỡ từ trung bình xuống yếu. Lúc này giải pháp lại là đi học thêm cô. Gọi là học thêm thì thật không đúng, như tôi thì tôi thích gọi là học "trước" hơn, vì sáng chúng tôi sẽ học ở lớp học thêm trước, cô cho luôn các bài mẫu để luyện, chiều đến trường thì học lại bài đã học hồi sáng còn bài tập ở lớp chỉ thay số, và hiển nhiên mấy đứa mất gốc như tôi vẫn được 9 điểm bằng chính sức mình dù mất gốc môn này bởi tôi đã học như con vẹt.
Thời gian đầu chúng tôi cũng ghét cô, có những đứa đi học thêm trong sự uất ức nhưng có những đứa bất chấp điểm không như mong đợi vẫn kiên cường không học thêm. Sau này tiếp xúc với cô nhiều và trưởng thành hơn, chúng tôi mới hiểu cái nỗi khổ của người làm nhà giáo như cô. Học sinh như chúng tôi có quyền lựa chọn lấy điểm cao hoặc điểm khá, trung bình theo năng lực học, còn cô thì không thể lựa chọn bỏ lớp học thêm. Khác với những giáo viên được liệt vào danh sách yêu thích của tụi học sinh, thường là các cô giáo giàu (có chồng giàu), đi dạy vì đam mê chứ tiền là phụ, học sinh không cần quà cáp hay học thêm, cũng chả cần thành tích, thì cô giáo tôi cũng là một người phụ nữ phải san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với chồng mình, nguồn thu nhập của cô là 1 phần quan trọng của gia đình và vì trách nhiệm với gia đình, cô không thể ưu tiên cái tâm của nghề giáo lên trên, vì nếu cứ lương thiện và từ bi, chả học sinh nào cần đến lớp học thêm của cô cả, khoảng thời gian tôi học lớp 12, có người cũng đồn về chuyện cô ly hôn với chồng và cô giành quyền nuôi con, tôi nghĩ một người như cô, nếu nhìn ở góc độ người con thì cô là một người mẹ đáng kính, còn qua cái nhìn của học sinh, cô là một người đáng trách. Nhưng dù qua cái nhìn của ai, thì cô cũng đáng thương.
Nghề giáo cũng là một nghề mà người ta phải lao động để có thu nhập, nhưng lại khác với các công việc khác. Trong kinh tế, người ta nói mỗi chúng ta đều là kẻ ích kỉ, chúng ta luôn tối đa hóa lợi nhuận của bản thân và vì vậy mọi nghề nghiệp khác người ta đều có quyền thể hiện sự ích kỉ 1 cách rõ rệt, đặc biệt là trong kinh doanh. Nhưng với nghề giáo thì không được, dù đồng lương ít ỏi nhưng họ không thể công khai tối đa hóa lợi nhuận của họ vì sợ bị gọi là vô lương tâm.
Vấn đề là khi đồng lương quá thấp, nó không đủ để đảm bảo được những khoản chi tối thiểu của cuộc sống (đa phần lương giáo viên trường công lập, kể cả vào biên chế, mỗi tháng chỉ có nhiều nhất là 6-7 triệu, nhưng giáo viên dạy môn phụ như sử, địa hay thể dục thì lương cáng thấp hơn giáo viên dạy môn chính) thì người giáo viên không thể lựa chọn lương thiện mãi được. Cũng là lương, nhưng họ buộc phải chọn cái lương khác với lượng thiện.
Cái lương này sẽ đến từ nhiều nơi, ví dụ như quà tết, quà 20/11, quà 20/10, quà 8/3.... mà đa phần lương "ngoài giờ" đến từ các lớp học thêm hay đôi khi còn là phong bì phụ huynh gửi để cô tạo cơ hội cho con gỡ điểm. Dần dần cái lương ngoài giờ nó không phải là của riêng 1 cá nhân nữa mà nó bắt đầu có tổ chức. Như trường cấp 2 của em tôi đang học có thời khóa biểu chính khóa là buổi sáng, buổi chiều là phụ đạo nhưng 100% học sinh phải đi học với lí do là nếu không đi sẽ không đảm bảo được kiến thức để thi vào cấp 3. Học sinh nào chai lì không đi thì cô giáo sẽ tác động đến phụ huynh, hoặc mạnh tay hơn là cho làm bài kiểm tra vào giờ học phụ đạo để cho điểm vào sổ, ai không học phụ đạo buổi chiều thì không có điểm kiểm tra. Tất nhiên dưới sự "bảo kê" của nhà trường, những lớp học phụ đạo này chả khác gì các khóa học được PR đầy ở ngoài các trung tâm, kiểu học ở trường mới là kiến thức đúng, ở ngoài chỉ dạy vớ vẩn thôi, nhưng đại loại các phụ huynh cứ tự phải ngầm hiểu là để con đi học thì yên thân, còn không thì đừng hòng. Giống như 1 sự lừa đảo có tổ chức và bảo kê, họ cứ ngang nhiên vận hành từ năm này qua năm khác chả hỏi ý kiến ai, học sinh cứ 100% cun cút đi học, chẳng có 1 biên bản hợp đồng nào cam kết những đứa trẻ ấy sẽ đậu cấp 3 công lập, hay ít nhất là cho cha mẹ chúng thấy 1 con số. Những người lái đò ấy cứ đi trên một con đường mờ mịt không nhìn thấy phía trước, mà đáng buồn là cũng chẳng biết họ đang đi giật lùi.
Bên cạnh tiền học thì các trường có 1 khoản tiền rất nổi tiếng là chuyện đi tham quan. Các trường học cứ hợp tác với mấy công ty du lịch để dẫn khách đi đi lại lại mấy điểm du lịch cũ rích, Mộc Châu, Thái Nguyên, Hạ Long,.... Với những chương trình kiểu 2 ngày 1 đêm, đốt lửa trại, thịt nướng,... để thu hút học sinh tham gia, nhưng ai cũng biết là điều kiện cơ sở vật chất ở những điểm tham quan mà đám trẻ đi thấp như thế nào. Tôi từng trải nghiệm chuyến đi 2 ngày 1 đêm với lớp do trường cấp 3 tổ chức ở Thái Nguyên, chúng tôi có nhạc hội thật, nướng thật, nhưng là tự nướng, nhạc cũng do học sinh trường tự hát tự nhảy, điều kiện thì tồi tàn vì lớp phải ở nhà sàn, nằm trong túi ngủ và không có nước nóng để tắm vào mùa đông, hôm đó cả lớp tôi không tắm là cái chắc, còn cả trường thì chắc mấy người tự đun chục ấm nước sôi để tắm thì chắc có. Những dịch vụ như vậy mà vẫn có khách thì chỉ có năng lực marketing của giáo dục mới làm được chứ tôi tin chắc không một chuyên gia nào làm được. Trường cấp 3 tôi còn thuộc diện thoải mái, nghĩa là chúng tôi đi tham quan vì tò mò 2 ngày 1 đêm, chứ không đi thì chả sao nhưng đa số các trường quanh nhà tôi, ở Hà Nội nhé, thì họ có 1 cách "kick sale" rất thú vị, đó là ai không đi tham quan phải tới trường lao động, có lí do gì phải viết đơn trình lên cô chủ nhiệm, cô không đồng ý vẫn phải đi! Không có chuyện lấy lí do là em đi địa điểm đó rồi, nhà em không có tiền hay đơn giản là em không thích, trừ trường hợp nhà em có đám tang, chứ còn có đám cưới thì chưa chắc là được nghỉ.
Dần dần giáo viên ở lúc này trở thành cái nghề siêu nhàn mà cũng siêu nhàm (chán) vì họ lúc nào cũng có học sinh học mình, họ chẳng cần đi tìm, hàng chục năm cứ cuốn sách giáo khoa ấy, cứ bộ giáo án đó, lười quá thì lên mạng tải file powerpoint về giảng, họ cứ ôm khư khư cái bộ máy cũ kĩ để đưa cho bao nhiêu thế hệ dùng mà chẳng nhận ra là nó không còn phù hợp nữa và đã lỗi thời từ lâu. Giáo viên trong mắt tôi dần trở thành những người lười học hỏi và lười trau dồi, những gì họ mang đến lớp cho chúng tôi học toàn là những thứ hết sức sơ sài, những tờ giấy photo đầy vết nhòe mực như biểu hiện của tờ một bài đã dùng từ lâu, các thầy cô chẳng mấy ai giới thiệu được cho sinh viên được mấy đầu sách hay để tìm đọc mà chỉ dành vài giây gõ trên google tìm một bài báo nói sơ qua về điều họ đang dạy, cô giáo trình độ thạc sĩ phát âm tiếng Anh sai nhiều vô kể.
Một cô giáo dạy tôi còn từng mạnh miệng tuyên bố: "Đám học sinh trường dân lập làm sao bằng được các em (học công lập), đám học quốc tế còn dở nữa, cứ thử cho chúng làm đề thi đại học xem", tôi nghĩ tư duy của đám nhóc chúng tôi đã cách cô giáo này hơi xa rồi, chúng tôi đủ hiểu cái bài thi đại học mà chúng tôi làm chẳng thể hiện chúng tôi là ai, chúng tôi biết nếu ném chúng tôi vào bất kì 1 vấn đề thực tiễn nào, đơn giản như việc bảo chúng tôi không dùng sách giáo khoa mà làm research từ tài liệu tự kiếm và trình bày trước lớp, không đọc note, tôi dám cá là chúng tôi chẳng biết phải làm gì vì chúng tôi chỉ giỏi lí thuyết và chẳng bao giờ rời khỏi đống giấy tờ, nói cách khác là mấy đứa nói được nhưng đếch làm được. Chúng tôi biết chúng tôi đang học trong môi trường hạn chế ra sao và chúng tôi phải nỗ lực thế nào, vì chúng tôi biết những người đứng trên bục giảng kia sẽ không vì chúng tôi mà nỗ lực. Đối với họ, nếu chúng tôi gục trên con đường này là do chúng tôi dễ từ bỏ chứ không phải do chúng tôi biết mình đã đi sai hướng.
Nghề giáo đáng kính, đáng thương, đáng trách và cũng có nhiều khi đáng khinh. Bởi vậy nên giáo viên cũng được chia thành nhiều kiểu, có những người rất thích làm giáo viên, dạy hay và kiến thức chuyên môn tốt, nhưng giáo viên ở đây không phải là giảng dạy ở trường học, mà chỉ dạy thêm bên ngoài thôi, đỡ áp lực, lại tự do, thu nhập cũng tốt mà chẳng cần làm mấy cái việc vô lương tâm. Giáo viên dạy trường công lập thì bên cạnh việc dạy còn chạy thi đua, bắt học sinh đi tham quan, kêu gọi học sinh nộp tiền ủng hộ người nghèo, danh sách nào cũng phải nhiều nhất, cao nhất mới xếp hạng thi đua tốt, dạy thì không được dạy ngoài sách vở, phải dạy trọng tâm vào cái thi thì học sinh mới được điểm cao, như vậy mới có thành tích, ví dụ môn văn không được cho thi những tác phẩm có tác giả chống phá nhà nước, hay bài văn tả bà thì lúc nào cũng là tóc trắng như mây và kể chuyện cho em mỗi tối chứ không được viết là bà mắng em suốt ngày. Trong số bạn bè tôi cứ tầm 10 người thì 8 người sợ nghề giáo, 1 người bảo sẽ theo nghề giáo... nếu không làm được gì, 1 người sẽ theo nhưng chỉ dạy thêm thôi, cho tiền cũng chẳng làm nhà nước. Nhiều người còn lí do nữa lí giải cho việc theo đuổi ngành sư phạm là do dễ lấy chồng, hay do nhà có người trong ngành nên dễ xin. Mà đa phần những người giỏi có nhiều sự lựa chọn, ít ai lại đi ưu tiên ngành sư phạm, những người giỏi tôi biết ai cũng ưu tiên theo kĩ thuật, y dược, công nghệ hay kinh tế chứ chẳng ai chọn sư phạm, chung quy cũng vì không có đất dụng võ, ít nhất là ngành sư phạm ở nước mình, mà chính xác là nhiều ngành nghề còn rất hạn chế. Ai muốn phát triển chuyên môn lúc nào cũng phải đi nước ngoài, đi xong thì chả mấy ai muốn về, vì về rồi sợ đến đời con họ lại phải đi.
Như vậy cách vận hành của giáo dục đã tạo ra một vòng luẩn quẩn không hồi kết!