MẠNG XÃ HỘI HỦY HOẠI XÃ HỘI NHIỀU HƠN BẠN NGHĨ
Mạng xã hội không chỉ lấy đi thời gian của người dùng. Nó còn âm thầm hủy hoại cuộc đời họ.
Vào năm 2014, Timothy D. Wilson - giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Virginia - cùng các cộng sự của mình đã tiến hành một nghiên cứu rất đáng chú ý về tâm lý con người. Có lẽ nó sẽ khiến bạn phải giật mình nhìn lại bản thân, và đặc biệt là nhìn lại cách giáo dục trẻ nhỏ nếu bạn là một giáo viên hoặc một phụ huynh có con nhỏ.
Trong phần đầu của cuộc nghiên cứu, nhóm tác giả đưa các đối tượng tham gia vào một căn phòng trống và ở lại đó từ 6 đến 15 phút. Họ chỉ được quyền ngồi yên trên ghế và làm bạn với những suy nghĩ bên trong mình. Không có màn hình ti vi, điện thoại, sách báo, tranh ảnh, hay bất cứ công cụ giải trí nào. Có tới 57,5% người tham gia nói rằng họ cảm thấy khó tập trung vào suy nghĩ của bản thân. Và 89% nói rằng đầu óc họ luẩn quẩn một cách vô định cho dù không hề có bất cứ thứ gì trong căn phòng lôi kéo sự tập trung của họ. Kết quả này có lẽ không khiến nhiều người bất ngờ. Sự tập trung là vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại. Nhưng phần sau của cuộc nghiên cứu mới là đáng chú ý.
Các đối tượng tham gia nghiên cứu được thử trải nghiệm một cú điện giật và trả lời xem liệu họ có sẵn lòng bỏ ra 5 đô la để tránh bị giật thêm lần nữa hay không. Một số ít người chấp nhận tiếp tục bị giật thay vì mất tiền. Nhưng phần lớn thì thà mất tiền còn hơn là bị giật thêm lần nữa.
Sau đó, họ tiếp tục được đưa vào căn phòng trống như phần đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, lần này các đối tượng có một phương tiện để giải trí. Đó là một chiếc một chiếc nút đặt trên bàn. Mỗi khi bấm nó, họ sẽ bị điện giật. Nhóm nghiên cứu muốn quan sát xem liệu các đối tượng có thể chịu đựng sự nhàm chán trong vòng 15 phút, hay họ sẽ giải trí bằng cách tự giật điện chính mình. Kết quả thu được rất bất ngờ.
Có tới 67% (12/18) nam giới và 25% (6/24) nữ giới bấm nút tự giật điện bản thân. Càng đáng nói hơn nữa khi mà thống kê này chỉ tính đến những người sẵn sàng 5 đô la để không bị giật điện trước đó. Họ thà chịu đựng đau đớn thể xác hơn là chịu đựng sự nhàm chán trong 15 phút. Có thể bạn cho rằng những người này thật kỳ quặc. Nhưng sự thật là phần lớn chúng ta cũng kỳ quặc như vậy.
Cũng trong nghiên cứu này, các tác giả đã thống kê được rằng 95% người Mỹ trưởng thành sử dụng ít nhất một hình thức giải trí nào đó trong vòng 24 giờ gần nhất. Nhưng chỉ có 17% nói rằng họ đã dành thời gian để suy nghĩ cũng trong khoảng thời gian này. Các hình thức giải trí rõ ràng hấp dẫn hơn rất nhiều so với việc phải động não suy nghĩ.
Chắc chắn rồi, tư duy là một công việc đầy nặng nhọc. Chúng ta sinh ra không phải để tư duy. Tâm trí con người có xu hướng thích giải trí và bị phân tâm bởi môi trường xung quanh. Đây là kết quả của sự tiến hóa. Từ thuở xa xưa, tổ tiên chúng ta liên tục đối diện với nguy cơ chết đói hoặc trở thành bữa ăn cho các loài săn mồi. Vì thế, họ phải học cách chú ý đến từng chi tiết nhỏ của môi trường xung quanh. Việc quá tập trung vào một đối tượng hoặc công việc có thể khiến người tiền sử bỏ qua dấu hiệu của một con sư tử hoặc rắn độc ở ngay gần kề. Đó chắc chắn là một sai lầm chết người.
Tư duy cũng không phải một công việc được khuyến khích. Bởi đây là một hoạt động rất nặng nhọc. Bộ não là một cỗ máy ngốn ngấu năng lượng. Chỉ với 2% khối lượng cơ thể, nó sử dụng tới 30% năng lượng. Vì thế, nó chỉ tư duy nếu bắt buộc phải làm vậy. Đây là chiến thuật tiết kiệm năng lượng hợp lý trong bối cảnh người tiền sử phải lang thang kiếm ăn từng bữa và có thể chết đói bất cứ lúc nào. Và dậu duệ của họ, chính là chúng ta ngày nay, vẫn còn giữ nguyên những bản năng đó. Chúng ta lười động não, thích giải trí, và luôn có xu hướng chống lại sự tập trung trí óc vào những công việc cụ thể.
Đây là lý do mà những người tham gia nghiên cứu phía trên không thể chịu đựng được sự nhàm chán. Khi bị ép buộc phải suy nghĩ và không có gì để giải trí, họ cảm thấy khó khăn, đến mức mà nhiều người phải tìm kiếm sự giải thoát bằng cách tự làm đau bản thân với những cú giật điện. Trong thời đại hiện nay, với sự phổ biến của smartphone, internet, mạng xã hội, cùng vô số hình thức giải trí khác, con người hiếm khi phải chịu đựng sự nhàm chán như các đối tượng tham gia thí nghiệm. Bạn có thể gọi đó là một sự giải thoát, một sự may mắn cho chúng ta. Nhưng khi suy xét kỹ, đó chính là một nỗi bất hạnh.
Hãy lấy giấy bút và viết ra những khoảnh khắc và hoạt động mang lại ý nghĩa hoặc giá trị lớn cho cuộc đời bạn. Và bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả chúng đều nhàm chán. Nụ hôn đầu tiên, khoảnh khắc nhận ra ý nghĩa cuộc sống, thời điểm biết mình sắp được làm cha làm mẹ, giây phút tìm ra một ý tưởng sáng tạo để đời, hay giọt nước mắt chia tay một người bạn thân… Tất cả đều diễn ra trong sự tĩnh lặng và riêng tư. Bạn sẽ ghi nhớ chúng đến cuối đời. Còn bữa tiệc tuần trước, lễ hội cách đây vài ngày, hoặc video hài mà bạn vừa xem trên tiktok sẽ nhanh chóng biến mất không một dấu vết trong kho ký ức.
Những công việc tạo ra giá trị cũng thường là nhàm chán. Ngoại trừ một số ít người làm công việc đặc thù như tổ chức sự kiện, thuyết trình bán hàng, hay ngôi sao giải trí. Và các ý tưởng làm thay đổi thế giới cũng thường đến trong khi tác giả của chúng đang ở 1 mình và để đầu óc trống rỗng, chứ không phải khi họ đang xem phim, lướt mạng xã hội, hoặc tham dự một lễ hội ồn ào.
Đặt bản thân vào môi trường tĩnh lặng và nhàm chán cũng giúp con người cảm thấy vị tha hơn, yêu cuộc sống hơn. Không phải vô cớ mà các nhà tu hành đều thiền và khuyến khích mọi người thiền. Bằng cách rời xa khỏi cuộc sống ồn ào cùng những thú vui giải trí để trải nghiệm sự tĩnh lặng trống rỗng, tư duy của con người trở nên thông suốt hơn, tâm hồn họ trở nên yên bình hơn.
Khi cho phép bản thân đắm mình trong thế giới giải trí, chúng ta không có cơ hội trải nghiệm tất cả những điều tuyệt vời trên. Thứ mà chúng ta đánh mất không chỉ là thời gian, mà còn là những khoảnh khắc ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng đó chưa phải là tất cả, vẫn còn một thứ quý giá khác nữa mà chúng ta đánh mất.
Đó là khả năng tập trung và tư duy. Nếu bạn nghiện các hoạt động giải trí trên mạng xã hội. Có lẽ bạn sẽ thấy bản thân giống với những người tham gia thí nghiệm tâm lý phía trên. Khả năng tập trung của bạn bị giảm sút cả về chất và lượng. Bạn không thể tư duy sâu vào một công việc cụ thể. Bạn cảm thấy bồn chồn khi làm một việc gì đó quá vài phút. Bạn bỏ ngang nhiệm vụ đang thực hiện để lướt facebook hoặc tiktok. Những bài viết dài hơn 15 dòng khiến bạn cảm thấy quá tải. Những nội dung giàu hàm lượng tri thức khiến đầu óc bạn quay cuồng và từ chối tiếp nhận. Trong cộng đồng Spiderum thì có lẽ không có ai như vậy, nhưng tôi tin tất cả chúng ta đều quen nhiều người như vậy.
Bộ não, cũng giống như cơ thể, muốn khỏe mạnh thì cần phải tập luyện. Còn những thú vui giải trí thì chẳng khác nào bánh kẹo, khoai tây chiên, hay nước ngọt. Thưởng thức chúng khiến bạn thỏa mãn, nhưng dần dần sẽ khiến cơ thể bạn suy yếu, đánh mất khả năng thực hiện những công việc đòi hỏi sức mạnh và sự dẻo dai. Tôi coi đây mới là thứ đáng sợ nhất của thế giới giải trí ngày nay. Chúng không chỉ ngốn ngấu thời gian của người dùng, tước đi cơ hội trải nghiệm những khoảnh khắc ý nghĩa, mà còn âm thầm hủy hoại năng lực tư duy của họ.
Đó là lý do mà đã nhiều lần tôi nói với những người xung quanh rằng mạng xã hội tiktok là một thứ đáng sợ. Tôi không hình dung nổi người ta có thể học được gì từ những video chỉ dài 1 phút. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để truyền tải trọn vẹn một bài học có ý nghĩa, hoặc những vấn đề đỏi hỏi tư duy phân tích. Đó là thế giới của những thú vui giải trí chốc lát. Một bộ não đắm chìm trong thế giới của những video giải trí ngắn như vậy sẽ dần đánh mất khả năng tư duy và sự kiên nhẫn. Qua đó, họ cũng đánh mất năng lực thực hiện những công việc quan trọng mang lại giá trị, đánh mất khả năng lắng nghe, thấu hiểu người khác.
Nếu buộc phải lựa chọn 1 trong 2 thứ, tiktok hoặc game, tôi sẽ lựa chọn game. Khi đắm chìm vào game, tôi cũng lãng phí thời gian của cuộc đời mình. Nhưng ít ra tôi rèn được khả năng tập trung, tư duy chiến thuật, phối hợp đội nhóm để đánh bại đối thủ.
Đúc kết lại
Thông điệp mà tôi muốn truyền tải trong bài viết này là: Các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta không phân tách thành những ngăn riêng biệt. Cách bạn giải trí sẽ ảnh hướng đến cách làm việc, đối xử với đồng nghiệp, với bạn đời, với con cái, hoặc hành xử trước những tình huống khó khăn của cuộc sống. Khi cho phép bản thân đắm mình trong những thú vui giải trí chốc lát, thứ bạn đánh mất không chỉ là thời gian mà còn hơn như thế rất nhiều. Và để kết thúc bài viết này, tôi xin được mượn 1 câu nói rất tâm đắc của nhà toán học và triết học người Pháp Blaise Pascal:
“Mọi vấn đề của loài người đều xuất phát từ việc họ không thể ngồi im một mình trong phòng.”
PS:Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất