Đầu tiên, xin cảm ơn tác giả Tonard đã trích dẫn hai bình luận của tôi trên Monster Box cho bài viết về Lòng yêu nước:
Lý do để tôi viết bài này là vì đọc bài viết của Tonard đã quá nghiên về các lập luận lề trái phản bác Lòng yêu nước và sự yếu kém về Nho giáo nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung.
Như Plato đã nói:" Tôi không thể dạy cái gì mà con người không có sẵn". Nghĩa là Plato thừa nhận rằng nếu con người không có sẵn mầm mống của những phẩm chất tốt đẹp thì không thể nào dạy dỗ ra những con người tốt đẹp. Và Lòng yêu nước cũng phải là một đức tính bẩm sinh thì mới có thể dạy dỗ ra những con người yêu nước.
1/Lòng yêu nước đến từ đâu?
Bất kỳ thứ tình cảm nào cũng phải đến từ những thứ bình thường nhất, Lòng yêu nước cũng đến từ lòng yêu như thứ bình dị quanh mình: yêu cha mẹ, bạn bè, yêu quê hương rồi mới đến lòng yêu Tổ Quốc.
Nhưng tình cảm thôi thì chưa đủ, Lòng yêu nước còn phải có những cố kết vật chất giữa bản thân và đất nước. Thạch Lam nói: Người nông dân không phải lúc nào cũng yêu đồng ruộng, họ phải sống được trên đất đó thì mới có sự gắn bó dài lâu. Mở rộng câu nói của Thạch Lam, nghĩa là: Để khởi phát tình yêu nước cần có những quan hệ lợi ích thực tế giữa con người và đất nước. Mong muốn bảo vệ đất nước cũng là mong muốn bảo vệ lợi ích riêng của mình.
2/ Nho giáo hay văn hóa Phương Đông cổ có "Lòng yêu nước" hay không?
Điều mà Tonard trích dẫn về văn hóa Nho giáo lộ rõ tác giả không hiểu về Văn hóa phương Đông.
Người Trung Hoa cổ đại không nói về Lòng yêu nước hay chủ nghĩa Ái quốc là vì chưa xuất hiện cụm từ này nhưng tinh thần đã có từ lâu. Một trong những chiến công lớn nhất của một ông vua hay một sĩ phu không phải là đánh thắng bao nhiêu trận, mà là "an Thiên hạ" - Làm thiên hạ bình trị.
Thiên hạ là gì?
Trong Kinh Thi có viết:
Phổ thiên chi hạ
Mạc phi Vương thổ
Suất thổ chi tân
Mạc phi vương thần.
Nghĩa là: Dưới gầm trời này không đâu không là đất của vua Chu, người sống trên đất ấy không ai không là bề tôi.
Đoạn Tonard nói rằng Khổng tử đem tri thức của mình phục vụ nước khác ngoài nước Lỗ là biểu hiện trống vắng của chủ nghĩa ái quốc - điều này là sai. Về danh nghĩa, nước Lỗ hay nước Tề hay cả Trung Hoa cổ đại đều là đất của nhà Chu, nhà Chu phân đất cho các chư hầu để giữ lấy bờ cõi. Và trên thực tế thì các nước Yên, Tần, Tề, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn hay các nước nhỏ hơn: Tống, Lỗ, Trung Sơn... đều có chung một ngôn ngữ. Vậy nên "Đất nước" nên hiểu là cả thiên hạ của nhà Chu chứ không phải là Lỗ hay Tề, Tống, Vệ... Vậy Chủ nghĩa Yêu nước được thể hiện bằng cách Khổng tử đi tuyên truyền học thuyết của mình nhằm khôi phục Lễ Nhạc - thứ ông cho rằng có thể khôi phục lại nhà Tây Chu thời Văn Vương - Võ Vương. Thông qua điều ông cho là mẫu mực, Khổng Tử hy vọng có thể làm đất nước bình an.
Nếu thay từ "Đất nước" thành "Thiên hạ" thì ta sẽ thấy cả mấy trăm năm Xuân Thu - Chiến Quốc, các nhà trí thức thuộc Bách Gia chư tử đều là những người có lòng ái quốc nhưng họ đi theo những chủ trương khác nhau - nhưng mục đích chính là An Thiên Hạ - làm cho Thiên Hạ bình ổn hay chính xác là làm cho Tổ quốc mà nhà Chu đại diện được bình yên.
Tuy so sánh có phần khập khiễng, nhưng rõ ràng tinh thần ái quốc thì đã có từ xa xưa chứ không hẳn là Tân Tạo như Tonard đã nói.
3/ Thời cổ chỉ có "Trung quân" chứ không có "Ái quốc"?
Lã Thị Xuân Thu viết:"Người ta có thể phế vua, nhưng không thể phế bỏ đạo làm vua".
Mạnh Tử nói:"Giết Kiệt, Trụ có phải là g.iết vua (thí quân)? Không, đó chẳng qua là giết hai tên thất phu!".
Các học giả thời Xuân Thu - Chiến Quốc không cho rằng ông vua hay Thiên tử là cái gì đó quá thiêng liêng như Tonard trình bày. Vua thì bình thường nhưng Vương Đạo - hay Đạo làm vua thì thiêng liêng. Ông vua đánh mất Đạo làm vua thì chỉ là tên thất phu bình thường, nhược bằng người bình thường đạt được Đạo làm vua thì thiên hạ theo về như trường hợp kinh điển là Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn vậy. Ở đây không bàn nhiều về Vương Đạo - Đạo làm vua, vì sẽ làm loãng chủ đề, xin hẹn dịp khác.
Có thể tác giả Tonard đã nhầm lẫn Nho thuật và Nho giáo và Nho giáo với Bách gia chư tử - mà Nho giáo chỉ là một trường phái trong đó.
Cụ thể: Nho thuật là phiên bản được chính trị hóa của Nho giáo - nó biến một ông vua trở thành trung tâm của tất cả - một ông vua con người được thần thánh hóa - trộn lẫn giữa Nho gia và Pháp gia để ra Nho thuật chấp vá nhầm củng cố quyền lực chính trị của Nhà Hán. Nhưng thực ra chẳng có mấy ai đồng ý với điều này, vì thế mà những cuộc lật đổ cung đình, khởi nghĩa xảy ra cũng rất thường xuyên và những nho sĩ cũng rất hay góp phần vào đó.
4/ Phải chăng người Việt chỉ biết có Làng mà không có Nước?
Tác giả Tonard dự trên truyện tích Thánh Gióng để nói rằng người Việt chỉ biết có Làng mà không quan tâm đến Nước. Theo nghiên cứu về Làng, xã Việt Nam, các tác giả đã đưa ra nhận định: Làng Việt Nam là một đơn vị hành chính tự trị cổ xưa, có từ trước khi chính quyền phong kiến ra đời. Quan hệ giữa Làng với chính quyền TW vừa là thỏa thuận, vừa là lệ thuộc lẫn nhau. Làng nộp thuế, lương thực, nhân công cho TW, đổi lại chính quyền TW trao cho Làng mức độ tự trị trong cộng đồng thông qua Hương ước, đôi khi hương ước còn mạnh hơn cả luật pháp vì thế mà có câu "Phép vua thua lệ làng" là vậy. Nhưng không vì thế mà người ta chỉ biết có Làng mà không có Nước, và các bô lão cũng không phải chỉ có tính tư duy cục bộ, mà trái lại họ rất tích cực tham gia vào việc chung của đất nước. Ta thấy trong hội nghị Diên Hồng, nhà Trần đã triệu tập các bô lão đứng đầu các lãng xã để thống nhất ý chí cả nước đồng tâm đánh giặc.
Tonard đem Hịch tướng sĩ ra làm ví dụ cho chuyện nhà Trần chỉ cổ động binh sĩ chứ chẳng nói gì đến nhân dân nhưng lại bỏ qua hội nghị Diên Hồng. Sách giáo khoa trung học dạy mỗi loại văn bản phải hướng đến một loại đối tượng nhất định và phải có văn phong phù hợp: "Hịch Tướng Sĩ" hay "Dụ chu tì tướng hịch văn" thực ra là văn bản nhằm đến đối tượng là tướng sĩ, quan lại trong triều đình thì viết như thế là đúng mục đích, nhằm khích lệ tinh thần đang nao núng của tầng lớp tướng sĩ trước quân Mông Nguyên hùng mạnh. Còn chuyện nhân dân thì đã nói với các bô lão ở hội nghị Diên Hồng cả rồi!
5/ Chủ nghĩa yêu nước có phải là chiến lược chính trị của chính quyền nhằm tập trung ý chí toàn dân?
Về điểm này, tôi đồng ý với Tonard một phần: sử dụng sự cố kết của người dân với quê hương, đất nước, chính phủ đẩy mạnh truyền thông về lòng yêu nước như một tiêu chuẩn đạo đức căn bản - kẻ không yêu nước là một kẻ chẳng ra gì. Nhưng nếu trong chính người dân không đánh giá như thế thì chính phủ có truyền thông thế nào cũng bằng thừa, Tonard đã đánh giá quá cao về tác dụng của tuyên truyền rồi.
Để sử dụng chiến thuật Chủ nghĩa Ái quốc thì chính phủ phải hiểu điều mà Thạch Lam nói, rằng người dân chỉ yêu nước khi họ nhận được lợi ích từ chính đất nước. Từ đó, chính phủ phải hiểu rằng: dân phải no đủ, sung túc thì mới có thể khởi phát lòng yêu nước. Phải xây dựng thiết chế sao cho người dân có điều kiện tham gia vào công việc chung. Khi người dân có tham gia xây dựng thì ý chí bảo vệ Tổ quốc mới tăng cao.
Kết: Lòng yêu nước cũng như bất kì tình cảm nào khác, đều nằm sâu thẳm trong tâm hồn con người - nó bị thui chột hay được phát triển đều là do sự giáo dục của các thế hệ đi trước và điều kiện xã hội có khuyến khích hay không. Kết bài xin mượn một đoạn văn mà tôi đã học hồi tiểu học, lâu lắm nên nhớ cũng không rõ ràng:
Tình yêu nước cũng gắn bó, gần gũi và bắt nguồn từ những điều bình dị, thân thuộc “Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu người thân, yêu nơi chôn rau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên”. Tình yêu nước không phải điều gì xa lạ, lớn lao, mà nó xuất phát, hình thành từ chính tình thân: tình yêu thương cha mẹ, ông bà, anh chị em, tình cảm gia đình là nguồn cội để xây đắp tình yêu nước.