Nếu tôi là 1 cô gái, tôi sẽ chọn người như thế nào để lấy làm chồng?
Nếu 1 ngày cô con gái nhỏ bé của tôi hỏi tôi là "khi nào thì nên lấy chồng", tôi sẽ trả lời nó thế nào?
Xuất phát từ những quan điểm đó, tôi mạnh dạn viết bài này. Đây là quan điểm riêng của cá nhân, và theo tôi nghĩ, nó chỉ mang tính "chém gió" là chính. Chứ tôi không phải là 1 cô gái, và con gái tôi cũng phải 2 chục năm nữa mới hỏi câu ấy, nên những gì nói ra thời điểm này đều chỉ mang tính thời điểm. Nó sẽ lỗi thời theo thời gian, và tôi sẽ cần update liên tục. Hơn nữa nó lại phiến diện và mang đậm tính cá nhân, tiêu chuẩn cá nhân. Không dùng nó làm tiêu chuẩn chung được đâu nhé.
Rồi, bắt đầu nào. Ai thích nghe chém gió chuyện chọn chồng thì vào đây. Qua đang muốn kiếm gạch xây lâu đài :)))
(Ảnh minh họa)

Ý chí của đàn ông

Bản thân là con trai nên tôi thường chỉ đánh giá những người đàn ông khác qua ý chí. Ý chí thể hiện qua:
- Mục tiêu trong cuộc sống
- Sự chịu đựng gian khó
- Sự kiên trì trong hành động
- Sự ganh đua trong công việc
Nói tới ý chí là nói cả lúc tiến, lúc lùi.
Lúc thành công (hoặc trên đà thành công, hiểu chung là lúc mọi thứ thuận lợi) thì người đàn ông thể hiện ra sao.
Lúc khó khăn, thất bại, sa cơ lỡ vận... thì thái độ và hành động của họ ra sao.
Nếu chưa nhìn thấy hết cả 2 mặt đó của 1 người đàn ông, sẽ chẳng thể đánh giá đúng về họ. Bởi thế, lời khuyên là hãy cùng anh ta trải qua cả 2 khía cạnh đó, đừng chỉ thấy anh ta đang thuận lợi mà vội quyết định. Chính những gian khó mới là cái giúp "bóc" lớp vỏ của người đàn ông để xem "chất" của anh ấy.
Ngợp mắt trước lớp vỏ rồi vội vã quyết định, đó là sai lầm.
Việc vượt qua gian khó cũng có những điểm giới hạn riêng. Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để ngay lập tức vững vàng trong gian khó. Có khi bạn thấy họ gục ngã, thấy họ khóc, thấy họ suy sụp... Nhưng vấn đề là sau đó thì sao? Họ có tự vực dậy được không, hay đắm chìm vào vực thẳm? Ý chí là ở chỗ đó. Dám tự đứng lên, dám chấp nhận từ số 0, dám chấp nhận sự hoài nghi, dè bỉu của xã hội để trở lại lần nữa.
Cái này cần có 1 quá trình mới thấy được, nó không phải chuyện ngày 1 ngày 2. Bởi thế khi yêu đừng vội vã.

Cách thể hiện tình yêu

Không gì hạnh phúc hơn việc người bạn muốn lấy làm chồng đã, đang và sẽ yêu thương bạn. Nhưng làm thế nào để nhận ra anh ta đã, đang và sẽ làm điều đó? Hãy chú ý cách anh ta thể hiện tình yêu.
Thể hiện tình yêu, chứ không phải thể hiện tình yêu với bạn. Đừng có nghĩ anh ta chỉ yêu 1 mình bạn. Khi đang tán tỉnh, khi đang trong mối quan hệ yêu đương thì tất nhiên lúc nào bạn chẳng thấy anh ta tỏ ra yêu thương bạn. Thế thì phải đặt mình ra ngoài mới thấy được bộ mặt còn lại của anh ta.

Thứ cần nhìn thấy nhất, chính là tình yêu cho gia đình.

Bởi đó là thứ sẽ quyết định lớn nhất tới cuộc đời bạn sau khi chọn anh ta làm chồng.
Hãy xem anh ta đối xử, tỏ thái độ thế nào với bậc sinh thành. Với kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm sống của tôi, tôi dám nói "đàn ông mà bất hiếu với cha mẹ, thì là đồ bỏ".
Thế nhưng phải chú ý "thế nào là bất hiếu". Việc không nghe lời, cãi lại lời cha mẹ chưa chắc đã là bất hiếu. Có thể anh ta có quan điểm riêng, không đồng nhất với cha mẹ, và anh ta cũng nên tự quyết định cuộc đời của anh ta, thì không đồng tình với cha mẹ là điều "không bất hiếu".
Để xét có "bất hiếu" hay không, hãy xem cách anh ta chăm sóc cha mẹ lúc họ ốm đau, hay hỏi anh ta tại sao lại không nghe lời khuyên của cha mẹ. Nếu anh ta chỉ trả lời kiểu "không thích, không thèm nghe..." thì có khi bất hiếu thật. Bởi thế ranh giới nó cũng mong manh. Nếu không chú ý điều này, rất có thể bạn sẽ bắt nhầm tín hiệu, dẫn tới sai lầm khi quyết định.
Cách anh ta nói chuyện với bố mẹ (trực tiếp hoặc qua điện thoại), cách anh ta nói chuyện về những thứ anh ta mong muốn làm cho gia đình, cho cha mẹ, xem tần suất anh ta nhắc tới họ trong các vấn đề hàng ngày... sẽ phản ánh nhiều thứ. Có thể bạn không đọc hết được các thông điệp, nhưng điều gì đó mà khiến bạn thấy "không ổn" thì bạn nên chú ý, tham khảo thêm ý kiến người có kinh nghiệm. Bởi chính thứ không ổn đó sẽ là điều bất ổn lớn nhất sau này.

Thứ cần nhìn thấy tiếp theo là cách cư xử với người thấp kém hơn

Với người lớn tuổi hơn, người địa vị cao hơn, thường họ hay cố gắng tỏ ra tốt. Bởi nó thường gắn với mục đích nào đó. Còn những người thấp kém hơn, chẳng có lý do gì để họ phải tỏ ra tử tế.
Về quan điểm này, bản thân tôi cũng nghi ngờ, bởi nếu họ biết bạn đánh giá họ qua tiêu chí này, hoàn toàn họ có thể làm giả để bạn tin. Bởi thế để dùng nó phải thật khéo và tại những thời điểm anh ta ít đề phòng nhất, cũng phải thật tự nhiên nữa.
Bởi cuộc sống sau hôn nhân, bạn và con cái sẽ thường ở vào địa vị thấp kém hơn anh ta. Cha mẹ già cũng sẽ trở nên yếu hơn và phải dựa vào anh ta. Lúc đó anh ta sẽ là "Chủ gia đình" thực sự. Cách anh ta cư xử với người thấp kém hơn trước khi cưới bạn cũng sẽ phản ánh anh ta sẽ đối xử với bạn, cha mẹ, con cái bạn sau này.
Bởi thế, đừng chỉ nhìn 1 thời điểm, 1 khoảnh khắc tử tế của anh ta mà đã vội tin. Bạn cần thời gian để kiểm thử nhiều mẫu. Và nếu có khoảnh khắc nào đó bạn thấy không ổn, thì điều đó đừng vội bỏ qua.
---
Lưu ý:
Hai tiêu chí trên chỉ đúng khi chính bạn đã có cách thể hiện tình yêu tốt. Bởi nếu bản thân bạn không tốt, bạn sẽ thấy cái không tốt của anh ta là bình thường, ko có vấn đề gì.
Do đó, nồi nào úp vung nấy. Chọn người tương xứng với mình chứ chẳng thể chọn người quá tốt hơn mình được. Bởi tốt của anh ta chưa chắc đã tốt với bạn.
---

Quan điểm về tiền bạc

Quan điểm về tiền bạc thường gắn với 3 yếu tố: Kiếm tiền, tiêu tiền và giữ tiền.

Kiếm tiền

Xét về đàn ông mà nói, không thể tự nuôi được bản thân thì là kẻ ăn bám. Mà đã ăn bám thì thường ý chí không cao.
Anh ta có sẵn sàng chấp nhận thử thách cao hơn để kiếm được nhiều tiền hơn không (không chơi kiểu thử thách như buôn ma túy, cướp giật đâu nhé). Thử thách ở đây là những thứ khó hơn những cái anh ta đang làm. Nó sẽ giúp bạn thấy anh ta có ý chí vươn lên trong công việc hay không. Nếu chỉ bằng lòng với những thứ đang có, bạn sẽ có thể phải hình dung 1 cuộc sống mà người vợ làm chủ gia đình đó.
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Ai kiếm được nhiều tiền hơn thì người đó có tiếng nói quyết định trong gia đình. Quan điểm của tôi là vậy. Nên kể cả tôi chiều vợ, cho vợ cầm hết tiền, rửa bát giặt quần áo cho vợ... thì cô ấy cũng không bao giờ phủ nhận được quyền quyết định của tôi, bởi tôi là người kiếm tiền chủ lực trong gia đình.
Bởi thế, nếu 1 người đàn ông mà chỉ biết chiều chuộng bạn, biết làm bạn vui, biết XIN TIỀN bố mẹ để chiều bạn, thì đó là 1 vấn đề rất không ổn. Hãy vui khi anh ta tự kiếm ra tiền, thay vì thấy anh ta xin được nhiều tiền.

Giữ tiền và tiêu tiền

Việc này sẽ phản ánh anh ta có biết cân đối các vấn đề trong cuộc sống không, có biết sử dụng tiền làm ra một cách hợp lý không.
Thái độ với đồng tiền rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn hiểu được tính cách của họ một phần.
Đàn ông cờ bạc ko xấu, nhưng dành nhiều tiền vào cờ bạc thì ko tốt chút nào.
Đàn ông rượu bia nhậu nhẹt cũng ko xấu, nhưng 1 tháng tốn tới số tiền còn lớn hơn số tiền chia tiêu trong nhà thì vấn đề lắm.
Mua quà tặng bạn cũng không xấu, nhưng phải đi vay tiền để mà tặng thì nguy hiểm đấy.
Nhìn 1 cách thẳng thắn vào cách người đàn ông sử dụng tiền, tỷ lệ tiền tiêu cho các mối quan hệ : gia đình, người yêu (sau này cưới thì gộp vào gia đình), bạn bè thân, bạn xã giao, sở thích cá nhân... bạn sẽ biết anh ta coi trọng cái gì, dành nhiều thời gian cho cái gì.
Về cá nhân tôi mà nói, nếu anh ta không giữ được trên 50% thu nhập cho chi tiêu, tiết kiệm trong gia đình thì chưa nên cưới.
---
Quan điểm về tiền bạc thì mỗi người 1 khác. Có người đàn ông tập trung nhiều hơn cho sự nghiệp riêng, cho các mối qhe xã hội hơn là gia đình. Nhưng điều đó ko có nghĩa là anh ta không tốt.
Bạn phải cân nhắc được xem như thế có phù hợp với mình không. Bởi cả 2 đều mải kiếm tiền thì ai chăm sóc cha mẹ, con cái, nhà cửa? Nếu bản thân họ không tự cân bằng được thì phải xem ở chung với nhau, có thêm người thì có cân bằng được không. Hãy giúp nhau san xẻ, thay vì tăng thêm gánh nặng, áp lực.

Quan điểm về tình dục

Đừng bao giờ xem nhẹ yếu tố này. Tôi đã gặp nhiều cặp đôi sống không hạnh phúc vì vấn đề tình dục rồi, nó nghiêm trọng hơn cả sống trong cảnh nghèo khó thiếu thốn vật chất.
Thiếu thốn hoặc mất cân bằng tình dục là thứ sẽ khiến 2 người không còn muốn gần gũi nhau. Nó tạo ra khoảng cách và làm đứt gãy các liên kết khác trong gia đình. Bởi thế việc hợp - có thể đáp ứng - không thấy ghê tởm là những tiêu chí đặc biệt quan trọng khi cân nhắc vấn đề này.
Bạn có thể ngại không chia sẻ vấn đề này với người ngoài, nhưng đừng giấu nó với người bạn yêu.
Bạn có thể giữ trinh tiết cũng được, nhưng nên biết cách giúp anh ta thoả mãn bằng cách khác nếu anh ta yêu cầu mà ko ảnh hưởng tới quan hệ 2 người.
Việc 1 người đàn ông đòi hỏi vấn đề này là rất bình thường. Ngay cả đòi hỏi trước khi cưới cũng bình thường. Vấn đề là thái độ tôn trọng và bảo vệ bạn trong tình dục.
Ngoài ra trách nhiệm trong tình dục cũng là thứ cần quan tâm. 2 người có thể khá thoải mái chuyện này, nhưng ko được phép tuỳ tiện và vô trách nhiệm. Ko để xảy ra hậu quả, biết bảo vệ người yêu, biết giữ mình khỏi cám dỗ... là những tiêu chí quan trọng thể hiện tinh thần trách nhiệm.
Tất nhiên chỉ có bạn mới biết vấn đề này, bởi tôi là đàn ông nên tôi chẳng rõ người đàn ông khác hành xử thế nào trong vấn đề này. Quan điểm của tôi là nếu ko đủ bản lĩnh trong tình dục, gồm tinh thần trách nhiệm, bảo vệ, giữ gìn bản thân thì ko nên chọn làm chồng.
---

Mẹ chồng

Nếu 1 người đàn ông tưởng chừng tuyệt vời về mọi mặt, thì mẹ anh ta lại là thứ bạn cần phải lưu tâm.
Cá nhân tôi mà nói, có 1 kinh nghiệm là "hãy chọn mẹ chồng có tính cách giống mẹ của bạn" chứ đừng chọn mẹ chồng "chăm và khéo mồm".
Tôi chứng kiến nhiều trường hợp (cụ thể bà chị gái tôi) lúc chưa cưới thì khen mẹ chồng hết lời, nào là chăm, nào là khéo... đến khi cưới rồi mới vỡ mặt. Bà khắt khe với con dâu, đòi hỏi cao, cái gì cũng ko hài lòng.
Bà thông gia ấy ngược hẳn tính của mẹ tôi. Nên lúc đầu bà chị tôi khoái lắm. Thấy toàn ưu điểm nên chẳng còn để ý gì khác. Nhưng ưu điểm cũng chính là nhược điểm. Người càng khéo thì càng khó tính. Trong khi mẹ tôi vốn dễ tính, bà chị tôi làm thế nào cũng xong, cứ chăm làm là được (vì bà cũng lười làm nên để con gái làm). Bởi thế nên lúc sống chung với nhau mới biết trong chăn có rận.
Mẹ chồng giống tính mẹ mình, điều đó giúp bạn dễ thích nghi, dễ chiều và cũng dễ đối phó. Nhìn tính cách mẹ chồng, bạn có thể phần nào đoán tính cách của chồng (hoặc ngược lại). Bởi thế nên cần lưu ý vấn đề này. Biết mình biết người là ở chỗ đó.
Tất nhiên bạn có thể nói "làm sao chọn được mẹ chồng".
Hãy đoán biết tính cách mẹ chồng để có phương án thích nghi, thay vì chọn lựa. Bạn có thể chọn ở chung, ở riêng, chọn thái độ tiếp cận, chọn thay đổi thói quen cũ để cho phù hợp... chứ bạn không thể chọn mẹ chồng.
---
Thực ra còn nhiều lắm những tiêu chuẩn khác. Nhưng thấy cũng dài và nói lên những thứ quan trọng nhất rồi. Hy vọng có thể đem đến cho các bạn góc nhìn mới mẻ về chuyện chọn chồng này.