Giống như nhiều thanh niên lứa tuổi 8x – 9x, có lẽ tác phẩm văn học Nhật Bản thực sự đầu tiên được tiếp xúc đa phần là quyển Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Năm tôi đọc quyển sách này có lẽ cũng trạc tuổi những nhân vật trong sách, với kinh nghiệm sống ít ỏi (đặc biệt là tình yêu), thật khó để hiểu hết những tầng ý nghĩa mà tác giả đã cài cắm.
Và khi tôi gần 30 tuổi, tôi lại đọc một tác phẩm khác của Murakami – Những người đàn ông không có đàn bà. Một tập truyện ngắn không cho ta một con dốc miên man xuống đáy cảm xúc như Rừng Na Uy, tác phẩm phẩm này là những cái hố mà Murakami tỉ mẩn đào lên để người đọc bước tới và lọt thỏm trong vũng sình lầy của những mặc tưởng trầm tư. 
Đây là một tuyển tập truyện ngắn với bảy mảnh ghép: Drive My Car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino, Samsa đang yêu, Những người đàn ông không có đàn bà. Nhã Nam có để lại một câu bình luận ngay bìa sách: “Bình tĩnh đến kỳ lạ.” 

Những nhân vật trong quyển sách này đều có những cách biểu lộ cảm xúc rất “bình tĩnh” trước biến cố về người yêu, người bạn đời của mình. Nhưng đó chỉ là cái bình tĩnh giả hiệu, là vẻ bình thản của con thiên nga trên mặt nước, trong khi phía dưới đang vũng vẫy cật lực để không chết chìm trong cảm xúc cá nhân. Đàn ông Nhật Bản có lẽ cũng khá giống đàn ông Việt Nam, định kiến giới khiến cho chúng ta không được phép hiện hình ra ngoài những tổn thương bên trong. Nếu nỗi đau đột ngột mất đi người thương yêu giống như trái tim bất ngờ bị vỡ tan ra thành nước và chảy ra khỏi cơ thể qua đôi mắt. Thì cái đau khi bị phản bội, bị lừa dối bởi người đàn bà ta đã yêu hết mực như một mũi tên xuyên vào trái tim từ đằng sau lưng, ta đành phải thở đều cho đỡ đau, tựa lưng vào tường để che đi vết thương và che đi cả cái tôi đang gào khóc.
Tôi buộc phải đặt sự liên tưởng lên giới kia, liệu họ sẽ xử sự thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh của những người đàn ông này. Chúng ta đã có quá nhiều ví dụ trong lịch sử cũng như văn chương, từ trời Đông sang trời Tây, trừ phi bạn đột ngột qua đời, còn thì tốt nhất đừng đùa giỡn tình cảm với đàn bà, vì cái sự Hoạn Thư, sự tàn nhẫn trong việc báo thù ở đoạn cuối yêu thương là đặc sản mà nhân gian đã mặc định cho đàn bà toàn quyền đun nấu.
Bị phản bội bằng hình thức nào đi nữa, dù chỉ là một cuộc nói chuyện điện thoại thân mật giữa vợ mình và một gã trai nào đó, cho đến những bữa tiệc hoan lạc mà ta phát hiện ra bằng những dấu vết ái tình, thì đều là những nhát cuốc mạnh mẽ vào niềm tin cá nhân của cánh đàn ông. Chúng ta không giận dự vì đó là hành vi phi đạo đức (không hề và chưa từng). Chúng ta căm hận vì sự bội tín, sự dối trá, sự xanh vỏ đỏ lòng… giống như bất kỳ ai đều có quyền tức giận khi đối tác vi phạm hợp đồng, bất kể đó là hợp đồng kinh tế hay hôn thú. Có thể sẽ có những người lựa chọn việc thoả hiệp để níu giữ mối quan hệ giả hiệu, nhân danh con cái, nhân danh cha mẹ và nhân danh tập hợp những cái nhìn ngoài xã hội cho một gia đình văn hoá (đó cũng là một dạng người đàn ông không có đàn bà, nhưng đáng thương và đáng trọng hơn nhiều so với những kẻ bỏ trốn như đa phần trong chúng tôi). Với phần còn lại trong bầy đàn của những kẻ lạc loài, chúng tôi sẽ lựa chọn sống chết với sự cô đơn tĩnh lặng. Không phải là không thể tha thứ, mà chúng tôi không đủ can đảm để tiếp tục làm tổn thương lẫn nhau khi mà tâm trí đã khắc sâu viễn cảnh hình hài dấu yếu đang trong vòng tay của một con đực khác, chúng tôi cần tĩnh lặng để xoá nhoà hình ảnh ấy đi, một lần và mãi mãi!

“Trở thành những người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Đôi khi chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong.”
Những người đàn ông không có đàn bà.
Minh Hiếu
28/10/2020.
Đọc thêm: