Những ngày mưa lạnh ở Tả Liên Sơn
Rồi một bữa chán thiệt chán, bạn muốn bỏ đi đâu đó thật xa, hay ít ra là đi leo núi. Bạn giữ mãi cái ý định đó trong đầu, để một lúc...
Rồi một bữa chán thiệt chán, bạn muốn bỏ đi đâu đó thật xa, hay ít ra là đi leo núi. Bạn giữ mãi cái ý định đó trong đầu, để một lúc nào đó, hi vọng rằng nó sẽ thôi thúc bạn phải đi. Cả năm rồi, cái ý nghĩ ấy cứ lẩn quẩn không thôi, rằng bạn phải đối mặt với thử thách, dù chỉ là một chặng đường dài quẩn quanh hay một ngọn núi mấp mô thôi, nhưng nhất định bạn phải leo tới đỉnh.
Ý nghĩ đó bám riết bạn cả năm, cũng đôi ba lần bạn lên kế hoạch, nhưng rồi đổ bể hết. Vì cái này, tại cái kia. Chính bạn cũng không biết nguyên nhân có phải do mình không nữa?
Rồi một tuần trước kỳ nghỉ, lời rủ rê của Quân khiến bạn chùn chờn. Bạn đã định sẽ về quê thăm nhà như thói quen của nhiều năm trước, nhưng có gì đó thôi thúc bạn phải đi, như lời hứa với chính mình, rằng bạn phải chinh phục một ngọn núi.
Gật đầu thiệt lẹ, chỉ đơn giản bắt Quân hứa rằng chuyến đi nhất định phải có porter. Lẽ giản đơn, bạn sợ. Sợ lạc đường, sợ phải mang vác cái này cái kia. Bạn vốn dĩ chỉ là dân văn phòng, quanh năm mòn gối quẩn quanh bên bàn phím, dù dăm bữa nửa tháng có chạy một hai cây số, nhưng cũng chả khác “bánh bèo vô dụng” là bao. Thứ nữa, cao cả hơn, bạn muốn tiếp xúc gần hơn với người dân tộc, thử chuyện trò dăm ba câu, thử cùng ăn cùng ngủ trong nhà của họ, để sống với những câu chuyện bạn vẫn thường đọc từ vài ba trang sách gối đầu giường.
Cả nhóm hầu như chẳng quen nhau, đều nhờ Quân mà gắn kết. Và dù chẳng hề diễn, câu chuyện lại giống hệt như phim. Quân bị sốt vi rút chỉ hai ngày trước chuyến đi, bác sĩ giữ lại viện theo dõi, không cho về. Cả bọn lắc đầu ngán ngẩm. Bạn nghĩ thầm trong bụng, rằng nếu giờ này mình rút đi, chắc nhóm tan, nên lại cố vực dậy tinh thần.
Bạn nhờ chị đồng nghiệp cũ rải vài lời tha thiết trong hội leo núi, “để xem bắt được con gà nào không”, còn bạn cũng đăng dăm ba câu phải trái lên facebook. Rồi ba con gà tự chui đầu vào rọ, cũng là ba thành viên leo trèo giỏi nhất đoàn, luôn giữ vị trí đầu cho cả chuyến đi, dù ở chặng về, anh trai già nhất đoàn bị tụt lại phía sau.
Nhóm 8 người từ Hà Nội, cộng thêm một bạn trai nước ngoài do anh porter giới thiệu, thành ra lại đông. Trừ đôi ba người quen nhau từ trước, các thành viên còn lại, chắc ai cũng bỡ ngỡ như nhau. Nhưng cảm giác đó chắc chỉ tồn tại vỏn vẹn vài chục giây đầu. Tính bạn thì, trước lạ sau quen, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng. Vớ phải đúng hai đứa Bách Khoa mồm mép tép nhảy, cộng nàng Trang bé lảnh lót như họa mi, thành ra câu chuyện chẳng có mấy lúc dừng. Một cô bé Trang khác, trông ra dáng tiểu thư, mà thành ra lại khỏe gần nhất đoàn, leo trèo phăng phăng, dù hỏi ra thì chưa leo núi bao giờ! Thu, vốn là nữ cường nhân, ngay lúc nghe giọng nói, bạn biết không phải là cô gái bình thường. Phương, dù gần thuộc team chốt đoàn, nhưng bạn biết, là cô gái gai góc hơn bất kỳ chàng trai nào. Nhân vật đặc biệt nhất nhóm có lẽ là Tom, một người mang quốc tịch khác các thành viên còn lại, nhưng thật may lại cùng một tiếng nói. Lúc Nghĩa bảo có một bạn nước ngoài muốn nhập nhóm, bạn cũng thấy lo, sợ rằng bạn kia có thể lạc lõng. Vì cả nhóm người Việt đâu thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh mãi? Rồi khi gặp Tom ở nhà anh Páo, nghe mấy câu tiếng Việt Tom nói, rõ rệt từng từ, bạn thấy tim mình thở phào nhẹ nhõm: thật may, vì sau rốt, sẽ không ai cảm thấy lạc lõng trong đoàn.
Bạn nhớ rõ mồn một cái lạnh đến thấu da, là cơn mưa rỉ rích không ngừng thấm vào từng lớp áo dày sụ. Rồi chiếc ba lô tí hon cứ mỗi lúc thêm nặng trĩu trên vai, chỉ chực chờ lúc nghỉ chân mà buông thõng đôi chút. Và đôi chân thì cứ ngày thêm nặng vì bùn đất. Bạn ước rằng giá thời tiết bớt khắc nghiệt đi chút, nhưng lỡ chọn rồi, nên không dám dừng chân. Bởi chỉ dừng chút thôi, bạn sợ, vắt sẽ bám ngay vào người!
A Páo dẫn đoàn, lúc nào cũng đi phăng phăng, như để chứng minh rằng đây là đất của mình, nơi anh thân thuộc đến từng gốc cây, ngọn cỏ. Không biết do cái nghề tôi dũa hay bản năng, A Páo rất hoạt ngôn, thỉnh thoảng còn biết trêu đùa, khác xa trai bản. Trái ngược với A Páo, A Tứ lại hiền khô. Thỉnh thoảng trêu anh ít nói, anh cũng chỉ biết cười trừ bẽn lẽn. Dù ít nói là vậy nhưng cái cách anh ở lại cùng nhóm trong bữa rượu ngày về, dù chẳng nói câu gì, nhưng cách anh ngồi bên bếp lửa, nghe mọi người trò chuyện, thỉnh thoảng trao đổi dăm ba câu, bạn thấy anh hiền đến lạ. Cả cái cách anh hứa cùng nhóm bạn, rằng sẽ thay đèn xe máy trong ngày hôm sau, khiến bạn tin tưởng rằng lời hứa đó chắc nịch tựa chì. Đến bây giờ bạn vẫn nghĩ, nếu không có hai anh, không biết chuyến đi của nhóm bạn rồi sẽ ra sao? Có an ổn nằm nghỉ giữa trưa khi không có ai đó đốt lửa nhóm bếp, nấu nướng cho mình? Có biết cách tự nắm dây thừng mà đu leo lên bờ vực bên kia của vách đá?
Tất nhiên là cuộc sống thì không có “nếu như”. Bởi chỉ cần thêm một câu “nếu như” thôi thì có lẽ bạn đã bỏ lỡ mất biển mây trên đỉnh núi. Rằng nếu như sáng đó bạn nghĩ đến việc chùn chân, thỏa mãn với những gì mình đạt được thì bạn đã nằm ườn trong chăn ấm đệm êm ở cái lán nhà anh Páo, chờ vài người can đảm xuống núi để quay về.
Bạn nhớ cảm giác lặng im ngắm biển mây trùng điệp, nơi những ngọn núi nhấp nhô thoắt ẩn thoắt hiện. Bạn không còn thiết tha với việc lôi chiếc điện thoại còn chút pin cuối cùng để lưu giữ chút khoảnh khắc tuyệt vời đó. Bên cạnh bạn, Tom thẽ thọt nói ba từ “Rất đáng nhớ” khiến bạn giật mình. Một câu nói rất “cheesy” khiến bạn cười hô hố, phá vỡ cả không gian, khiến chàng thanh niên cũng phải thẹn thùng mà hỏi lại : Không tự nhiên à? Và bạn đáp: y như đang đóng phim!
Bạn cứ nghĩ, rằng, với Tom, chuyến đi này cũng bình thường thôi, như bao chuyến đi khác. Nhưng khi nghe câu nói đó, bạn biết rằng, đó là cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim.
Bữa tối cuối cùng tại nhà A Páo, chị Sâu (ít tuổi hơn bạn) chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho cả đoàn. Sau rốt, cuộc vui nào cũng có lúc tan, bạn không còn lạ. Nhưng khi nghe Phương dặn với theo A Tứ phải nhớ thay đèn xe, nghe A Páo kể câu chuyện cuộc đời của cậu cháu trai A Tứ, bạn lại thấy lòng mình rưng rưng. Bạn tự nhủ, rằng mình sẽ quay lại nơi đây một ngày không xa, không hẳn phải leo núi, mà biết đâu đó, chỉ để chắc rằng A Tứ đã thay đèn cho xe./
Ảnh: Của mình và một số thành viên trong đoàn
Hà Nội, 03/01/2019
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất