Trong những con người đang sống ở nơi Sài Gòn này chắc hẳn không ai không biết đến bắp xào nhỉ? Cái món ăn giản dị mà rẻ tiền có mặt khắp mọi nơi trên cái mảnh đất này. Dạo này, Sài Gòn lại vào mùa mưa. Những cơn mưa bất chợt lúc chiều tối là lúc dòng người hối hả kéo nhau về. Đêm qua, cũng là một đêm mưa. Ngồi trong phòng, tôi nghe tiếng rao quen thuộc "bắp xào, bắp xào đây...". Tôi lại nhớ về thuở xưa. Khi còn là sinh viên, tôi được sống ở một phòng trọ mà trên đó là cái sân thượng. Mỗi khi mưa, tôi thích nhất là co một gốc mà nghe tiếng mưa. Gần nhà trọ tôi ở là một cái ngã ba. Nơi đó, có hai chiếc xe bắp xào kế nhau. Một xe là của một ông lão cỡ tuổi lục tuần, mặt ông khắc khổ nhưng hiền lành. Ông cũng dễ thương. Xe kế bên là của một cô. Cô chắc cỡ hơn bốn mươi, cô nói giọng miền trung. Cô có đứa con gái, cỡ bảy tám tuổi gì đó. Hai mẹ con cô cũng dễ thương. Hoặc là đơn giản tôi luôn có thiện cảm với những người dân lao động như họ. Chúng tôi đều là những kẻ ít tiền ở cái đất này kia mà.
Do lúc xưa tôi không có tiền nên thường trưa tôi mua một phần cơm mười lăm ngàn thêm năm ngàn cơm thêm. Tôi chia ra làm hai bửa trưa và tối để ăn. Nhưng khổ nổi tôi lại hay thức khuya, khi thì học, khi thì phim không thì cũng do làm vài trận Dota 2. Những lúc đó, có chột dạ thì tôi hay xuống mua hộp bắp xào mười ngàn lót dạ. Thường tôi hay mua của ông hơn. Những khi gặp dịp đông người thì tôi mua của cô.  Có mấy hôm tôi mua của ông nhưng ông nói "ông bận tí việc, con mua của cô nha.". Lúc đó, tôi ngớ người tí nhưng cũng phóng qua xe cô ngay. Cô thì cười ngặt nghẽo mà nói "ông này, lại vậy nửa". Tôi liếc vội qua thì thấy ông cười tươi một mình. Tôi cũng chả quan tâm lắm, chỉ thấy là lạ nhưng lạ riết cũng quen việc đó. Con nhóc con của cô dễ thương lắm. Cứ líu lo cái mồm. Nó hay chơi đùa với ông lắm. Những lúc đó cô lại la nó "con để cho ông bán xem nào". Ông thì cười xòa và nói "tôi có bận gì đâu cô, để nó chơi với tôi tí cũng được.". Cô thì nghiêm lắm. Đêm nào tôi ra cũng thấy nó ngồi trên hai cái ghế nhựa một thấp, một cao. Cái ghế cao, nó để làm bàn. Cứ cắm cúi viết chử dưới cái ánh đèn của xe bắp xào. Thỉnh thoảng có từ nào là lạ hoặc nghe được đâu đó khi đi học, nó lại hỏi cô hoặc ông cái này là gì, cái kia là sao. Cái hình ảnh ba con người đó dưới cái đèn đường kia đến giờ vẫn là thứ làm cho tôi thấy chút ấm áp khi nghĩ về.
Những hôm mưa như những những ngày này, họ vẫn bán ở đó. Không chỉ có họ mà còn một xe bánh mì thịt nướng và một xe bánh bò nửa. Ông và bà mặt áo mưa vẫn đứng bán. Con bé thì ngồi dưới một cây dù và đọc bài ê a. Đến một hôm nọ, cũng trời mưa lâm râm. Nhưng khác là con nhóc nay được mặt một cái áo gió thun màu hồng. Tôi nhìn rồi cười nói "hôm nay, ai mặc áo mới kìa". Ông nghe thế cười nhe răng ra. Cô quay sang nói "ông mà cứ chiều vậy riết nó hư cho coi". Ông lại cười xòa nói "tại tui thấy cái áo đẹp thì tui mua thôi, mùa này lạnh với mưa. Để nó co ro vậy bệnh là mệt lắm đó cô". Lúc đó, có tiếng rao của xe kẹo chỉ. Con bé nói nũng nịu với mẹ: 
- Mẹ mua kẹo cho con. Mẹ nha.  
- Không ăn gì nha, mẹ đang bận xào bắp cho chú đây - Cô lườm nó
    Nó vừa định xù mặt xuống thì ông lại vẫy vẫy tay 
- Kẹo chỉ, kẹo chỉ ơi. 
    Cô ngó qua nói "kìa ông, khéo nó hư thật đấy". Con bé nói kéo áo mẹ nó nói 
- Con hứa con sẽ được thêm nhiều điểm mười. Mẹ cho con ăn nha. 
- Hai ông cháu làm sao thì làm. Mai không có điểm mười thì nát đít nha - Cô đáp lại, mặt vẫn nhìn vào chảo bắp xào.
    Con nhóc cầm lấy cái kẹo cười tươi nói:
- Ông thương con nhất.
- Bậy nè, không được nói vậy nghe không. Mẹ con mới thương con nhất. - Ông nghiêm giọng lại với nó.
- Ông với mẹ ai cũng thương con hết. - Con bé nũng nịu.
    Rồi những ngày sau đó trôi qua, mưa mỗi lúc một nhiều hơn. Những cơn mưa lớn dần rơi xuống hàng tối nơi cái quận xa xôi này. Đế những ngày sau đó, không thấy công bán nửa. Gần mười một giờ vào những hôm mưa, ông vẫn đứng bán với chiếc áo mưa và lủi thủi kéo xe đi về. Mấy hôm sau, tôi mới biết con bé bị bệnh nên cô ở nhà chăm nó. Nay nó khỏe rồi, cô mới đi bán lại. Nhưng cô không dám để nó dắm mưa nửa nên dời bán gần chổ trạm xe bus gần đó để nó có chổ trú mưa. Từ dạo ấy, tôi cũng ít mua của cô vì phải đi thêm một đoạn nửa.
    Rồi mùa mưa cũng qua, những cơn thưa Sài Gòn dần thưa thớt đi rồi hết hẳn. Cô lại về chổ cũ, hai người lại bán cạnh nhau. Con nhóc vẫn vậy, vẫn dễ thương. Một hôm, nó mặc chiếc áo trắng. Nó khoe với tôi:
- Chú ơi, con học lớp một rồi. Mẹ mua đồ mới cho con. Ông cho con nguyên hộp viết chì màu luôn nè.
- Sướng vậy ta. Vậy con phải nhớ học cho giỏi nha. - Tôi cười nói với nó.
    Đến một ngày kia cô lại ngưng bán. Một ngày, hai ngày, một tuần rồi gần tháng. Vẫn chỉ có mình ông bán, từng đêm tôi vẫn thấy ông lủi thủi đi về. Một hôm kia, mát trời tôi lại xuống nhưng không mua bắp xào mà thay vào đó là một trái bắp mỹ luộc. Tôi mua xong rồi xuống vệ đường đó nói chuyện với ông tí. Tôi hỏi ông cô đi đâu rồi mà lâu quá không thấy bán. Ông trả lời tôi:
- Hai mẹ con chúng nó dắt nhau về thăm quê rồi. Lúc đi, nó nói không biết có vào lại đây không nửa vì xa xôi cách trở quá. Lại chẳng có giàu có gì. Biết đâu về đó, có bà con bên cạnh rồi lại nhớ quê, lại ở lại. Con bé cũng có bà con, họ hàng. Tốt cho nó.
- Chắc ông nhớ con bé lắm hả. - Tôi cười hỏi
- Nhớ chứ sao không mày.
- Nhớ luôn má nó nửa kìa - Chú bán bánh bò xen vào.
- Cái thằng này, ăn nói gì đâu không. - ông xoay qua nói với ông chú bán bánh bò.
- Em nói thế không phải sao anh. Sao ông anh với cổ không về với nhau. Đùm bọc nhau lo cho con bé cũng tốt mà. Em thấy cô đó cũng dễ thương. Anh cũng thương con bé con nửa. - Chú bán bánh vừa cười xòa, vừa nói
- Đâu có được mày. Tao già quá rồi, bệnh tật liên miên, sống nay, chết mai. Đâu dám mơ mấy chuyện đó. Nói gì nói, nó cũng còn trẻ. Tao giờ đi bất cứ khi nào mày ơi. Thương thì thương nhưng cũng ở một mức độ nào thôi chứ. Con bé nhỏ thì nó còn thương tao chứ lớn lên biết đâu nó lại không muốn tao như thế với mẹ nó. 
- Anh cứ tính xa. Em là em tới luôn rồi.
- Mày trẻ khác tao. Tao già rồi mày ơi. - Ông cười nói.
    Tôi ngồi đó một lúc rồi lảo rảo bước về phòng. Hai hôm sau, tôi chuyển đồ rời khỏi nơi đó. Kết thúc ba năm cao đẳng. Tôi rời nơi gắn bó suốt ba năm của mình để bước vào đời. Từ dạo đó đến đây đã là hai năm rồi, hai năm với bao khó nhọc và gian khó trên đường đời. Đôi lúc, những cơn mưa lại làm tôi nhớ về quá khứ, nơi cái đường xa xôi đó và những con người lao động kia. Buồn cười là tôi chẳng hề biết tên một ai trong số họ. Hai người bán bắp xào, chú bán bánh bò và cô bán bánh mì. Tôi cũng không biết họ đến từ đâu. Cũng phải thôi, chúng tôi cũng chỉ là những con người trôi dạt từ muôn hướng tụ lại ở cái xứ phồn hoa này. Tìm kiếm gì đó khá hơn cho cuộc đời của mình. Đôi lúc, tôi cũng tự hỏi mình liệu cô có quay trở lại không? Nếu trở lại thì ông và cô có đến với nhau không? Rồi tôi cười thầm và nhủ "việc mình chưa đâu ra đâu. Lo nghĩ chi chuyện đời.".
    Để rồi mấy hôm trước, một chiều về sớm, tôi phi xe về lại khu đó. Con đường đó giờ hư hỏng hơn xưa, nhưng khu đó thì nhiều quán xá cafe, ăn uống mọc lên. Nhưng tôi chẳng còn bắt gặp một ai cả. Họ kéo nhau đi đâu cả. Tôi quyết định đánh một vòng rồi về. Bỗng dưng khi đến khu chung cư thì tôi thấy dáng ai đó quen thuộc. "Đúng rồi!" - Tôi thốt lên. Là cô và con nhóc. Tôi chạy xe đến và nói:
- Cho con một hộp bắp xào.
- Có để ớt không con? - Cô hỏi
- Dạ... dạ có nhưng ít thôi cô - Tôi ngập ngừng tí.
    Vẫn là cô, vẫn những động tác xào như ngày xưa. Con bé giờ lớn hơn nhiều. Nó vẫn cặm cùi học hành. Có lẻ họ đã không còn nhớ thằng sinh viên năm nào hay ra mua bắp xào mỗi đêm khuya. Cũng đúng thôi, đời có muôn vạn người. Ai rãnh đâu nhớ chứ. Tôi cũng không định hỏi cô về ông. Tôi muốn giữ lại một chút gì đó mập mờ trong lòng. Đôi lúc biết một điều gì đó lại làm chúng ta buồn hơn, đúng không nhỉ? Tôi cầm hộp bắp xào và phóng xe về. Trong lòng trống rỗng. Ăn thử bắp xào tôi nghĩa thầm "không ngon như xưa nhỉ?". Bắp thay đổi hay tôi thay đổi nhỉ? Nếu đêm nay mưa nặng hạt và trước mặt thay vì là Medium mà là màn hình find game thì chắc vị nó sẽ khác... Chả ai rõ cả. Chỉ có điều, một trong những thứ làm tôi trân quý nhất trong khoảng thời gian đó, cái khoảng đời nghèo khổ đi tìm con chử đó là tôi đã có thể gặp được những con người không tên kia. Họ phần nào cho tôi thêm chút nghị lực, một chút lòng tin về những cái tình đẹp đẽ dù ở nơi tận đáy cũng cái xứ phồn hoa đô hội này. Đâu đó nơi đô thị này vẫn có những mảng tình như thế...