Những khả ngộ và bất khả ngộ về tình yêu
Có thể mở trường dạy yêu, và học yêu được không?

The kiss ( Klimt)
Một cách vô thức và ý thức, chúng ta đã học yêu ở mọi nơi, bằng mọi cách có thể . Trong truyện “ never let me go” , tác giả Kazuo IÍhiguro ( Nobel văn học ) đã kể một câu chuyện: Những cậu bé cô bé được nhân bản vô tính, nuôi lớn trong 1 trại trẻ, đợi lớn vừa đủ sẽ lấy nội tạng thay thế cho nguyên bản, chúng rất ít cơ hội để phát triển thành một “con người” với những giá trị sống bình thường. Vậy mà chúng cũng vẫn yêu nhau, vẫn tha thiết một cách vô thức về một tình yêu đích thực và “ đúng người”. Nơi duy nhất những bạn trẻ ấy học yêu là xem ở tivi, qua vài ba bộ phim, có những cảnh yêu đương mà bọn trẻ xem đi xem lại, vài ba đĩa nhạc cũ, vài ba hình hình ảnh chụp cặp đôi trong mấy cuốn tạp chí cũ nát lọt vào được trại trẻ ấy… Khi đọc, tôi đã thấy thương tâm quá, thật tội nghiệp cho chúng, cuộc sống của chúng chật hẹp đến mức, chỉ có thể học yêu qua việc bắt chước phim ảnh…
Nhưng rồi, bỗng nhiên tôi nhận ra bản thân và những người xung quanh tôi, chẳng phải cũng cũng vậy sao, chẳng khác gì bọn trẻ nhân bản vô tính ấy. Chúng ta cũng đã chỉ học, thực ra là bắt chước hành động yêu đương mà chúng ta vô tình hoặc cố tình thấy qua phim ảnh, qua truyện đọc, qua sự lặp lại của những người lớn xung quanh, theo đúng cách “monkey see, monkey do”
Bạn đã hôn một ai đó kiểu Pháp có thể vì bạn đã từng thấy cảnh đó trên phim. Não đã ghi nhớ một cách vô thức và sau đó đem ra sử dụng lúc cần.
Khi đọc truyện củaHaruki Murakami, tôi đã rất nhớ một chi tiết mà ông viết: khuỷu tay là nơi ít dây thần kinh nhất, chạm vào đó thì không cảm thấy gì cả, không cảm xúc gì cả, nhưng nhân vật nam đã rất thích chạm vào khuỷu tay của cô gái- nơi biết chắc là không cảm nhận được gì. Và không hiểu vì một lí do sâu xa nào trong tiềm thức của tôi, tôi đã thấy xúc động một cậu bạn chạm nhẹ vào khuỷu tay mình.
Cũng chỉ vì có một hồi say sưa xem Trái tim mùa thu, chàng trai phải lòng một với cô gái, chỉ vì cô gái này nói một câu giống y hệt cô người yêu cũ đã mất “nếu có kiếp sau em sẽ thành một cái cây”. Câu thoại gây xúc động thì phải. Nên tôi cũng từng nghĩ, mình sẽ yêu ngay một ai đó, nếu người ta tặng mình một cái cây.
Chúng ta đã bắt chước mọi nơi, mọi thứ tốt đẹp về tình yêu mà ta thấy. Vì vô thức báo cho chúng ta biết, nó có thể là hạnh phúc, là thứ khiến mình vui vẻ, sung sướng.
Đồng thời, chúng ta cũng học yêu, qua những sai lầm đổ vỡ của những người xung quanh. Chúng ta, cố né những sai lầm ấy cũng bằng cả ý thức và vô thức. Cô bạn tôi ngay từ đầu đã đặt ra tiêu chí phải lấy giàu vì “ không có tiền thì cạp đất mà ăn”- Ngọc Trinh nói cấm có sai”, nhưng biết rõ hơn về cô ấy, tôi mới biết thực ra bố cô ấy là kiểu đàn ông nghèo và hèn, đã làm khổ mẹ con cô ấy suốt cả một đời. Mộtcô bạn thì luôn nghĩ mình là người đồng tính, và luôn mê mẩn các cô gái gái đẹp, mãi sau tôi mới biết rằng, bạn ấy ghét bố, nhưng lại rất tôn thờ mẹ.
Chẳng có trường học chính thức nào. Nhưng từ ngàn đời nay, bằng cả bản năng sống an toàn, cũng như khát khao về những giá trị hạnh phúc, chúng ta đã học, nỗ lực học yêu suốt đời …. Để yêu đúng cách, đúng người, đúng thời điểm, để bước chân vào vùng đất hạnh phúc miên viễn. Nhưng con đường này luôn khó khăn, trắc trở và luôn chưa bao giờ dễ dàng và ngon ăn cả. Biết bao câu chuyện tình yêu đã từng được ghi lại trong sách vở, văn chương, huyền thoại và nghệ thuật. Biết bao tấn thảm kịch thương tâm lấy bao nhiêu nước mắt của con người, tất cả đều xoay quanh hai chữ: Tình yêu.
Ngày nay, khi ngành tâm lý học phát triển. Có lẽ sự bí ẩn muôn đời của tình yêu bắt đầu được giải mã. Các vị thần đại diện cho tình yêu như Erros trong thần thoại Hy Lạp, Cupid trong văn hoá La Mã. Đến Cửu Huyền Thiên, ông Tơ bà Nguyệt trong văn hoá Trung Quốc…. đều bị giải thiêng. Sự bí ẩn, những khúc mắc, những sai lầm trong mối quan hệ yêu đương, những chuyện trớ trêu, oái ăm gây ra những tấn bi kịch thảm khốc, tất cả có vẻ đều được lý giải một cách khá khoa học
Thậm chí có hẳn những khoá học dạy về tâm lý học tình yêu, khá bài bản, Như những học thuyết trong tình yêu, bắt đầu từ chỗ hiểu mình, đến hiểu người, tâm lý đàn ông sao hoả, đàn bà sao kim ra sao, cho đến thang đo sự hấp dẫn ở mỗi người, rồi nghệ thuật hẹn hò, nghệ thuật trò chuyện nuôi dưỡng cảm xúc, vượt qua thử thách, nhận ra dấu hiệu của sự bất ổn, đối phó với chuyện ngoại tình, đối phó với kẻ thứ 3 ra sao…
Tôi cũng vừa xem hết một kênh youtube: Tâm lý học về tình yêu, gồm hơn 20 tập, khá bài bản và đầy đủ các vấn đề về tình yêu, nếu bạn nào thấy cần học về tình yêu thì có thể tự học theo kênh này, nó như một kiểu học khai tâm cho lớp học yêu.
Link ở đây
https://youtu.be/cOpjf4aPxRY?si=w2qgr9pC_fm4ehN6
Nhưng sau khi nghe hết các bài học về tình yêu xong, tôi bắt đầu dấy lên những nỗi nghi ngờ, và thử phản biện, để việc học yêu may ra không bị lầm lạc vào huyễn tưởng.
Tất cả mọi người đều có thể hạnh phúc không, khi ‘cửu âm chân kinh” về tình yêu được công khai bày bán, được phát free khắp mọi nơi, và những người thầy dạy tình yêu rất giỏi, nói về tình yêu rất hay, liệu có phải là người rất hạnh phúc không?
Câu trả lời nhanh là: KHÔNG. Học yêu, cũng như học cách sống, hay học thiền. có bao nhiêu kiến thức, công cụ, trường học, thầy cô giáo dạy giỏi đi nữa, thì cũng khó có thể học và học giỏi được. Tất cả chuyện này luôn cần nó cần có một sự ‘Đốn ngộ’, giác ngộ, hay khai mở, vì nó rất dễ bị ngộ nhận, bị lầm tưởng, huyễn tưởng… Học yêu cũng là một con đường để khai phá “vô minh”. Mà khai phá vô minh thì không phải cứ học là được.
Trong một bài viết có tiêu đề là “ ai rồi cũng cưới nhầm người’ Alain de Botton viết “Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta hiếm khi nào chịu thấu hiểu những phức tạp của bản thân trước khi tiến tới hôn nhân”…”Người bạn đời của chúng ta cũng không khá khẩm hơn trong vấn đề nhận thức bản thân. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta nỗ lực tìm hiểu họ. Ta đến thăm gia đình họ. Ta xem những bức ảnh, gặp những người bạn học cùng họ. Tất cả những thứ ấy khiến ta lầm tưởng nghĩa vụ của ta đã hoàn thành. Nhưng không. Hôn nhân theo cách ấy dẫn đến một canh bạc đầy hứa hẹn, hào phóng và vô cùng tử tế, được chơi bởi hai con người còn chưa hiểu hết bản thân mình là ai và đối phương có thể là ai, tự trói buộc nhau vào một tương lai chưa thể hình dung cụ thể, một tương lai mà họ đã thận trọng tránh né việc phải điều tra kĩ càng….”
Như vậy, vấn đề của yêu nhầm người và cưới nhầm người không phải ở việc chúng ta không tìm hiểu kỹ đối phương(. Tìm hiểu kỹ hay tình yêu sét đánh chắc cũng không khác nhau là bao à) Vấn đề của sự nhầm nằm ở chỗ, chúng ta không hiểu gì về chính mình.
Với môn họcYêu này, mình sẽ thử đi khảo sát hai con đường xem sao nhé!
Con dường thứ nhất: hiểu đúng mình để yêu đúng người.
Oái oăm là, cuộc đời không thể đi theo trình tự đó một cách mượt mà như vậy
Để hiểu chính mình thì theo các thuyết phân tâm học của Freud hay Karl Jung thì đây gần như là điều bất khả ngộ với đa số. Thường thì không ai có thể chạy đua nước rút để kịp hiểu hết về chính mình trước khi yêu và cưới một ai đó , để có thể bước vào một cuộc tình, một cách chín chắn và trưởng thành nhất.
Ngay cả các bác sĩ tâm lý cũng còn không thể tự chữa trị cho bản thân mình. Lori Gottlieb trong cuốn “ Có lẽ bạn phải đến gặp bác sĩ tâm lý” đã thừa nhận rằng: Ngay cả các bác sĩ tâm lý, khi có vấn đề về tâm lý cũng không tự nhận ra bệnh của mình và phải đến gặp một bác sĩ khác để nhận thức và trị liệu căn bệnh đó. Như người Việt vẫn nói “ dao sắc không gọt được chuôi”.
Chúng ta chỉ một bộ não, ta không thể tự phân tách não để nhận ra “điểm mù” của mình. Bộ não của con người đã hoạt động theo đúng cơ chế nguyên thủy của một loài động vật cần phải bảo vệ sự an toàn cho bản thân, nên nó đã dồn nén tất cả những gì mà nó cảm giác nguy hiểm xuống đáy sâu của tiềm thức. Nên trong quá trình trưởng thành, ở điều kiện bình thường, con người gần như không thể tự nhận thức về bản thân một cách tỉnh táo, sâu sắc được.
Các minh tinh của làng giải trí là một ví dụ cho chuyện con người cũng không thể nhận thức bản thân rõ ràng, và rút được kinh nghiệm gì sau những lần yêu đương, nên họ có thể kết hôn đến 8, 9 lần mà vẫn không thể có hạnh phúc:
Angelina Jolie, Jennifer Lopez Demi Moore, Marilyn Monroe cũng từng kết hôn 3 lần. Elіzаbеth Tауlоr cũng từng trải qua tới 8 cuộc hôn nhân.
Hai, ba. Hay thậm chí 8, 9 lần kết hôn thì vẫn là nhầm người thôi. Bởi chúng ta đã không thực sự biết chúng ta là ai, chúng ta cần gì, muốn gì, sự hãi và né tránh điều gì?
Nên có bao nhiêu trường học yêu, bao nhiêu lý thuyết về yêu, bao nhiêu người quân sư đi nữa, thì chúng ta cũng khó có thể trở thành một người học trò giỏi, và thành công tuyệt đối với môn học yêu đương này.
Karl Jung thậm chí cho rằng: Việc nhận thức bản thân khá khó khăn, phải trải qua quá trình học hỏi, va đập. Và nếu như mọi điều kiện thuận lợi, lý tưởng cho việc nhận thức, thì có lẽ đến 50, hoặc 60 tuổi, con người mới có thể có có hội khả ngộ , nhận thức về bản thân mình, và con đường nhận thức ấy phải tịnh tiến theo 5 giai đoạn, mà ví dụ có 100 người, thì việc vượt qua từng giai đoạn để đến giai đoạn thứ 5 ( giai đoạn hiểu được mình là ai) may ra chỉ có 2, đến 3 người.
Vậy đó, làm sao có thể đợi đến ngày mắt mờ chân chậm, hormone yêu đương giảm sút mới có thể bắt đầu yêu được. Con đường để hiểu đúng mình, để yêu đúng người là bất khả thi
Con đường thứ hai: yêu đúng người để hiểu đúng mình
Con đường này, chính ra lại có vẻ khả thi hơn. Bởi vì nếu ta gặp đúng người, thì đó là sự tái sinh một lần nữa. Với tất cả sự yêu thương, trân trọng, bao bọc, che chở, thấu cảm, hòa hợp ta sẽ có cơ hội nhận ra chính bản thân mình. Trí não con người vừa cần có cả cảm giác mạnh để thúc đẩy, nhưng cũng luôn cần có cảm giác an toàn và bình yêu để tự nhận diện lại chính mình.
- Nhưng con đường này lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi của của số phận. Không phải ngẫu nhiên mà các vị thần tình yêu ở thần thoại cả các nền văn minh luôn là kẻ vô tri, một cậu bé Cupis bịt mắt và bắn mũi tên linh tinh, một ông Tơbà Nguyệt già nua, lầm cẩm ngồi xe duyên. Những biểu tượng đó đã nhấn mạnh vào sự may rủi của tình duyên.
Thực chất của các vị thần vô tri chính là các vấn đề tâm lý ở mỗi một con người. Con người bước đến với tình yêu thường không hề thuần khiết, họ sẽ kéo lê phía sau mình những ống bơ của sự tổn thương, đau khổ, lòng kiêu hãnh, tự ái, tự ti, tinh thần định kiến, phán xét, những thứ luôn bị dấu giếm thật kỹ càng dưới đáy tiềm thức, và chính chủ thể còn không nhận ra những tính xấu, sự hạn chế đó có chính mình. Hai con người khi bước lên một cây cầu tình yêu để đến với nhau, sẽ không đi một mình họ, mà họ sẽ kéo theo cả quá khứ, gia đình, bạn bè, sự tổn thương, sự hạn chế…Nên khi bạn yêu một ai đó, bạn không chỉ yêu người đó, bạn sẽ phải yêu cả một tập đoàn đông đúc đang được kết nối với tâm trí người đó bằng một sợi dây vô hình, một hệ sinh thái, một bù khí quyển mà người đó đang sống nữa.
Vì thế, bằng 1 trực giác, linh giác nào đó, bạn có thể cảm nhận được sự hòa hợp với một ai đó. Nhưng việc hòa hợp với cả 1 hệ sinh thái mà người đó đang hít thở, thì gần như là chuyện bát khả
Nên thực chất việc chọn nhầm người, còn nằm ở việc, chính người được chọn, cũng có biết là mình bị chọn nhầm đâu.
Chuyện may rủi của việc cứ yêu đại đi ( vì đằng nào cũng sai thôi) còn nằm ở việc, nếu đó là sự kết đôi ở hai người có kiểu gắn bó tiêu cực thì cái sai của người này sẽ kéo theo cái sai của người kia, rồi lại tác động ngược trở lại, cứ thế nó trở thành vòng xoáy của cảm xúc, và cả hai người sẽ cùng kéo nhau xuống vực. Với mối quan hệ kiểu này, chúng ta chẳng những không học hỏi được gì mà thay vào đó, sự đau khổ, phụ thuộc cảm xúc và ràng buộc trách nhiệm sẽ khiến chúng ta bị giam trong những “Nhà tù hình trái tim” khiến chúng ta càng ngày càng tệ đi. { bạn có thể đọc thêm về Attachment Theory - Thuyết gắn bó của nhà tâm lý học người Anh John Bowlby để hiểu hơn về 4 kiểu gắn bó 1.Secure Attachment (Gắn bó an toàn) 2. Anxious Attachment (Gắn bó lo âu)3. Avoidant Attachment (Gắn bó né tránh) 4. Disorganized Attachment (Gắn bó rối loạn)}
Bài viết “có những người chỉ biết yêu khi mọi chuyện kết thúc” là một trong rất nhiều những trường hợp oái oăm của một sự hợp tác thất bại và luẩn quẩn của tình yêu
“ Sự “khó ở” của những người hay gây rắc rối trong tình yêu chỉ sánh ngang với tài nghệ xin lỗi của họ mỗi khi mối quan hệ đứng bên bờ vực. Kỹ năng hàn gắn của họ chẳng kém cạnh chút nào so với khả năng gây sóng gió. Thế nên, đối phương có thể sẽ hết lần này đến lần khác cảm thấy chán ngấy, nhưng rồi lại phớt lờ lời khuyên của bạn bè và một lần nữa đón nhận họ trở lại..
Vừa mới yên ổn bên nhau thì đối tác yêu đương (kẻ vốn sợ tình yêu) đã bắt đầu phá vỡ mối quan hệ bằng những cách nhỏ nhặt, tinh tế nhưng rất quyết liệt. Một cách vô thức, họ nhắm vào những điểm nhạy cảm của đối phương: có thể họ không thực sự nói rõ mình sẽ đi đâu, đến muộn một chút, hoặc tỏ ra hờ hững, xa cách. Nghe có vẻ như một mưu kế xấu xa, nhưng thực chất đây là một hành vi lặp lại tự nhiên, vô thức của một người từ nhỏ đã luôn khao khát mà chẳng bao giờ được đáp lại.”
Trên đây là trường hợp điển hình khi bạn gặp phải một đối tác lớn lên trong một gia đình không an toàn, né tránh, mang tâm lý nạn nhân, hoặc đổ lỗi, thích phán xét, có khoái cảm khi được nói những lời cay nghiệt, chê bai với người yêu… Sự tương tác qua lại rất dễ khiến bạn rơi vào tình trạng “ hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” …. Bạn có người hoàn hảo cỡ mấy, nhưng ở với những người như vậy, bạn sẽ phải mở khoá cho cánh cổng vào chốn tăm tối của bạn, để thả con quái vật xấu xí giận dữ của bạn ra thôi. Chuyện mà bạn xấu tính đi, thậm chí là xấu tính hơn cả những đối tác là đương nhiên. Sự giận hờn, ghét bỏ, tức tối, thậm chí là điên cuồng sẽ nổi lên. Và lúc đó bạn sẽ thấy ghét kẻ làm bạn xấu xí đi như vậy, thậm chí sẽ ghét cả chính bạn nữa.
Và với canh bạc “tất tay’ này, nếu may bạn có thể có tất cả, nếu rủi bạn sẽ mất tất cả
Đi xuôi cũng không được, đi ngược cũng không xong, vậy thử gom chung cả hai con đường để học yêu, ta có con đường thứ 3.
Con đường thứ 3: cứ yêu (sai hoặc đúng) người, để hiểu mình, để rồi yêu đúng người
Bạn thấy mệt rồi đúng không? Nhưng cảm ơn bạn nào đã đọc đến đây. Tình yêu cũng cần kiên nhẫn vậy đó. Và ai dám kiên nhẫn, kẻ biết chờ đợi sẽ có quà. Bởi vẫn còn có một khả thể nữa cho tình yêu.
Dù sao thì cũng có phải có một lối thoát chứ, xuôi không được, ngược cũng không xong, vậy ta thử kết hợp cả hai lại xem sao.
Hiểu đúng bản thân => yêu đúng người => không thể
Yêu đúng người => hiểu đúng bản thân => Cực kỳ may rủi
Vậy thì cách này: cứ yêu (sai hoặc đúng người) => hiểu đúng mình => yêu đúng người
Sống độc thân, không yêu đương, không phụ thuộc cảm xúc vào ai thì hay rồi, nhưng có một điều rất đở đó là bạn rất dễ ảo tưởng và lầm lạc.
Alain de Botton viết: “Thế nên một trong những đặc điểm của việc độc thân là nó cho ta một ấn tượng về bản thân rằng ta đang là đối tượng thực sự dễ cùng chung sống”
Việc sống một mình, không va đập với ai, né tránh những chuyện rắc rối, trong đó rắc rối nhất là những mối quan hệ yêu đương, rất dễ làm bạn nảy sinh ảo tưởng về bản thân
Vậy thì bước vào một mối quan hệ yêu đương, đấy là lúc bạn đang bước vào một trường học yêu lý tưởng nhất, với điều kiện cần và đủ là cả hai người đều phải học. Bởi nếu chỉ 1 người học, người kia không biết gì, không nhận thức được, thì câu chuyện tình yêu lại càng trở nên đen tối hơn, và nhanh chóng đi xuống vực thẳm hơn. Còn nếu không, thì cả hai đều vô tri, không nhận thức, không học hành chuyện yêu gì cả, cứ bản năng, cãi vã, rồi lại làm lành bằng sự gần gũi thì còn có vẻ kéo dài được hơn.
Như vậy, trong điều kiện lý tưởng ( cả hai sẵn sàng học), thì chúng thấy rằng. chúng ta chỉ thực sự hiểu mình, thấy được mọi tật xấu của mình, khi phải sống chung và va đập với người khác, và trong tất cả các mối quan hệ, gia đình, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp sếp, thì cuộc va đập nảy lửa và khốc liệt nhất vẫn là cuộc va đập với người yêu.
Không phải ngẫu nhiên triết gia Pháp Jean Paul Sartre nói “Tha nhân là địa ngục” (L’enfre, cest les autres/Hell is other people). Va đập với người khác, và bạn sẽ nếm trải địa ngục. Và nếu sự va đập với người khác là địa ngục, thì va đập với người yêu là chín tầng địa ngục.
Vì sao ư? Vì khi yêu, sự tiếp xúc thân mật, sự cho và nhận trong tình yêu, sự gắn bó khiến các chất hóa học dẫn truyền thần kinh trong não hoạt động bùng nổ nhất : Dopamine, adrenaline, Serotonin, Oxytocin, Acetylcholine, tạo ra những cảm xúc mãnh liệt, sự gắn bó, phụ thuộc cảm xúc, sự bùng nổ, sự ham muốn sở hữu độc quyền, sự tức giận, nghi ngờ, ghen tuông…
Nhưng bạn có tin được không, chính cái việc đi qua được những lửa thiêu sân hận, tham ái của các tầng địa ngục đó, mới là cách để bạn hiểu ra chính mình là ai ( nếu bạn muốn học hỏi từ nó) . Bởi những tức giận, đau khổ trong tình yêu sẽ dần dần “giải dồn nén” cho những ẩn ức của bạn, giúp bạn nhìn vào đáy sâu tăm tối trong tiềm thức, nhận ra phần bóng tối trong chính bạn. Đến lúc đó, may ra ta mới có thể hiểu được chính mình. Chính tình yêu sẽ giúp bạn nhận ra bạn thực sự là ai.
Còn nếu như cả hai ( hoặc 1 trong hai) không chịu học hỏi, không nhận ra con người bóng tối của mình (shadow), nếu luôn thấy mình đúng (mr right) thì có lẽ, cả 9, 10 lần yêu hay kết hôn, thì chừng ấy lần yêu sai người thôi.
Nhưng trong con đường khả ngộ này của tình yêu, luôn chứa chấp rất nhiều sự rủi ro. Bởi trong tương tác, thì đối tác của bạn là ai, có hợp tác với bạn, có thể cùng tầng suy nghĩ để có thể chia sẻ những thứ rất tinh tế, những thứ rất dễ chạm vào lòng tự ái, hay những tự ti sâu thẳm của nhau, thì đó đúng là một canh bạc may rủi.
Một tin mừng nữa là, việc thả con quái vật xấu xí ra ấy ( khi chúng ta lao vào cãi cọ, ghen tuông, giận dữ) không phải là bước lùi của cảm xúc đâu, đó lại là một bước tiến trong sự nhận thức tâm trí của bạn. Cãi nhau không hề xấu. Hay nói cách khác, nó bị coi là xấu vì con người định kiến về nó thôi. Lúc này bạn sẽ có dịp nhìn ngắm diện mạo của con quái vật ẩn nấp rất kỹ, ( mà dưới hình thức cãi cọ, bạn luôn nghĩ rằng bạn xấu tính là do người kia, và lỗi thuộc về người kia) và nếu bạn biết rằng, con quái vật ấy thực chất là một phần thuộc về mình, là những kìm nén mà mình phải chịu đựng bấy lâu nay về người kia, hay nếu chịu khó trao đổi với nhau, hai bạn nhận ra đó chỉ là hiểu nhầm, thì những lần cãi cọ thực ra là một bậc thang đi lên trong việc hiểu bản thân hơn, và sẽ hiểu nhau hơn
Nhà tù hình trái tim này có thể địa ngục nhưng cũng có thể là thiên đàng là tùy thuộc vào cả hai, tỉ lệ luôn là 50-50.
Và trong trường học tình yêu, con đường khả ngộ duy nhất là phải có sự cam kết cùng học từ cả hai phía.
À, tất nhiên lại có rủi ro. Đó là có thể cuộc tranh cãi với người này lại có thể là bài học yêu thương với người sau. Và phải đến lần yêu sau, con người mới học được yêu đúng cách. Các cô gái trẻ truyền tai nhau rằng: trai một từ đời vợ là viên Ngọc quý, hơn hẳn trai Tân. Và rất có thể những cuộc và chạm, cãi vã của bạn, là bạn đang đào tạo yêu cho người sau hưởng.
Cuối cùng mình muốn kết thúc bài viết bằng một giả định sau đây:
Phật giáo có đưa ra một đáp số cho việc hiểu đúng mình, mà không cần phải yêu, và dứt khoát không được yêu, đứng dính líu gì đến việc yêu ( vì sở hữu là tham ái, lđầu mối của mọi mê mở, lầm lạc) Và chỉ khi không dính đến việc yêu, bằng việc tu tập theo một con đường khắc kỷ rất chông gai, con người mới có thể may ra hiểu được mình và đạt đến cảnh giới cao nhất của sự giác ngộ, thoát khỏi vô minh ( hiểu rõ bản thân)
Nhưng, mình tự hỏi chuyện từ bỏ sắc dục, yêu đương, liệu có phải là một lỗ hổng trong triết lý của ngài không? Có thể vừa yêu mà vừa hiểu đúng bản thân được không? Và có thể vừa yêu, vừa đạt đến trạng thái của niết bàn được không? Và đây cũng là tham vọng của bài viết này, khi mình muốn chứng minh rằng, thật ra bằng tất cả những giải mã về tâm lý, và học tập một cách nghiêm túc về tình yêu, con người sẽ có thể có trạng thái ấy: vừa yêu đúng người mà vừa hiểu được bản thân.
Thực ra, thì điều này cũng không phải lá một phát minh gì, chính sư ông Thích Nhất Hạnh cũng đã đề cập đến vấn đề này, khi kết hợp triết lý Phật giáo và tâm lý học vào ứng dụng vào trong đời sống: có hiểu mới có thương, thực hành ôm ấp khổ đau và học cách truyền thông thật tốt giữa những người yêu thương nhau..
Lý thuyết thì là vậy, nhưng thực hành với một ai đó là cả một chuyện dài nữa
Và như trên tôi đã nói, người đưa lời khuyên tốt nhất, luôn là người thất bại nhiều nhất :v

Promenade near Argenetuil ( Monet)
Mừng em đã biết xót thương tình yêu

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất