Bài viết sau đây được mình chuyển ngữ từ mục 1 và 2, quyển 1 cuốn The Gay Science của Friedrich Nietzsche. Bạn nào muốn đọc thì liên hệ mình nhé.

1

Những kẻ rao giảng về mục đích của tồn tại
Dù cho tôi có nghĩ về con người một cách nhân từ hay một cách độc ác, tôi luôn thấy tất cả bọn họ đều bận lòng vì một nhiệm vụ duy nhất: làm điều tốt nhất để duy trì sự tồn tại của con người. Nhiệm vụ này không xuất phát từ tình yêu thương đồng loại, mà nó chỉ đơn giản là một thứ bản năng thâm căn cố đế, một đặc tính cốt lõi của giống loài. Bằng cái nhìn thiển cận của chính mình, chúng ta dễ dàng phân loại những đồng loại quanh mình thành những kẻ hữu ích hoặc nguy hại, tốt hoặc xấu; nhưng khi xem xét một cách toàn diện hơn, kỹ lưỡng hơn về tất cả mọi người xung quanh, chúng ta bắt đầu hoài nghi sự phân loại này và từ bỏ nó. Bởi ngay cả kẻ nguy hại nhất cũng có thể là một kẻ hữu ích cho sự tồn tại của giống loài, bởi thông qua những tác động của mình, hắn ta tự nuôi dưỡng trong mình cũng như trong những người khác những bản năng mà mà nếu không có chúng giống loài sẽ trở nên nhu nhược và thoái hóa. Lòng căm ghét, cảm giác khoái trá trước bất hạnh của kẻ khác, cái tham ái của việc cưỡng đoạt hay thống trị, và bất cứ những tính cách nào khác bị cho là xấu xa đều góp phần mưu lợi cho sự duy trì nòi giống. Mặc dù những cách mưu lợi này hiển nhiên không màn đến cái giá đắt phải trả, sự lãng phí và nhìn chung thì chúng khá là ngu xuẩn, nhưng chúng vẫn chứng minh rằng chúng phục vụ cho sự tồn vong của giống loài.
Bạn tôi ơi, tôi đã không còn biết liệu bạn có thể sống theo một cách tự hoại chính nòi giống của mình không; nói cách khác, sống một cách “vô lý” và “tồi tệ”. Những thứ có thể hãm hại giống loài của chúng ta chừng như đã bị diệt vong từ ngàn năm về trước và ngày nay hầu như chẳng còn tồn tại. Hãy cứ theo đuổi những khát khao tốt đẹp nhất hay xấu xa nhất của chính mình, và trên hết hãy tự hủy hoại chính mình! Vì dù có chọn con đường nào thì bạn vẫn sẽ là một người ủng hộ, một ân nhân của giống loài – và cũng vì thế sẽ đón nhận vào mình cả những ca tụng, ngợi khen lẫn những gièm pha, phỉ báng. Nhưng sẽ không một ai có thể coi khinh bạn bởi bạn là một cá nhân đã tự thức nhận được những giới hạn của sự thật, được cái tình trạng khốn khổ vô bờ như chim như chó của mình. Từ trước đến nay chưa có bất cứ ai đủ thức nhận về sự thật để được cười thống khoái vào chính mình trước cái tình trạng nghiệt ngã ấy – kể cả những kẻ tài hoa nhất cũng chưa từng. Ngay cả tiếng cười cũng hàm chứa một tương lai. Ý tôi là, khi cái tuyên bố “giống loài là tất cả, cá nhân chẳng là gì” trở thành một phần của nhân loại, và sự giải phóng sau cùng lẫn sự thiếu tinh thần trách nhiệm này đều đạt được bởi mọi thế hệ con người, có thể tiếng cười khi ấy sẽ trở thành một liên minh với sự hiểu biết, có thể chỉ còn lại ở thế giới này “minh triết hân hoan”.
Nhưng lúc này, mọi thứ vẫn rất khác. Lúc này, vở hài kịch của tồn tại vẫn chưa trở thành nhận thức. Lúc này, chúng ta vẫn sống trong kỷ nguyên của bi kịch, kỷ nguyên của đạo đức và tôn giáo. Có nghĩa lý gì cái diện mạo khả biến và luôn mới mẻ của những kẻ khai sinh ra tôn giáo và đạo đức, của những kẻ khơi mào các cuộc chiến chống lại những định ước về đạo đức, của những kẻ rao giảng về sự ăn năn và những cuộc chiến tranh tôn giáo chứ? Có nghĩa lý gì những kẻ anh hùng trong cái vở đại bi kịch này? Luôn có những kẻ anh hùng, những nhân vật chính diện, và những thứ khác phục vụ cho sân khấu của những kẻ anh hùng này, thậm chí những thứ ấy đều nhìn thấy được và rất gần với chúng ta.
Hiển nhiên là những diễn viên bi kịch này cũng thúc đẩy sự thịnh vượng của giống loài, ngay cả khi họ tin rằng họ đang thực thi một sứ mệnh thần thánh nào đó và tưởng chính mình là sứ giả của thần linh. Bọn họ cũng duy trì sự sống của giống loài bằng những rao giảng về niềm tin vào sự đời. Bọn họ hô hào: “Cuộc đời là đáng sống và có ý nghĩa. Ý nghĩa tồn tại trong chính cuộc đời, đằng sau cuộc đời, bên dưới cuộc đời; do đó hãy cẩn trọng!”
Qua thời gian, bản năng duy trì nòi giống, thứ bình đẳng cả ở người cao quý lẫn kẻ bình dân, sản sinh ra những thứ luận lý và niềm say mê. Sau đó, nó, với mệnh lệnh quyền năng và đoàn tùy tùng hoành tráng của luận lý, làm chúng ta quên mất rằng về sâu bên trong nó chỉ là một thứ bản năng, động lực phi lý tính.  Cuộc sống này đáng sống BỞI VÌ…! Con người sẽ làm lợi cho chính mình và cho người khác BỞI VÌ…! Sẽ còn biết bao nhiêu thứ lý do được sản sinh ra tiếp tục sau chữ BỞI VÌ ở tương lai. Nhằm khiến cho những điều diễn ra trở nên cần thiết, tất yếu và có vẻ như có một mục đích nào đó, nhằm khiến loài người tiếp tục sinh sôi nảy nở như đang tuân thủ một mệnh lệnh tối cao nào đó, những giảng tòa về mục đích của tồn tại không ngừng ra đời và tạo lập những cơ chế, hình thức mới mẻ để đội lột cho cái bản chất cố hữu tầm thường của tồn tại. Thực tế, những kẻ rao giảng này muốn ngăn chúng ta làm một việc là cười nhạo chính sự tồn tại, cười nhạo chính mình – hay chính họ. Những sáng tạo và định ước của những kẻ rao giảng này có thể hoàn toàn ngu xuẩn và nồng nhiệt thái quá; họ có thể hiểu sai trầm trọng các cách vận hành của tự nhiên và phủ định các quy định của nó – và tất cả hệ thống đạo đức trước giờ đều thật ngớ ngẩn và phi tự nhiên mà loài người phải dựng lên để mang lại quyền lực cho giống loài của mình – và bất cứ khi nào kẻ anh hùng xuất hiện trên sân khấu đại bi kịch này, một thứ luận lý mới mẻ lại ra đời, một phản đề nữa của tiếng cười minh triết được khai sinh. Và tất cả chúng ta lại một lần nữa cảm thấy mọi thứ cũng đủ thú vị để tiếp diễn thêm một lúc nữa.
Có một điều chắc chắn là về lâu dài chính những kẻ rao giảng về mục đích tồn tại này cũng bị đánh bại bởi tiếng cười minh triết, luận lý và tự nhiên; cái bi kịch ngắn hạn rồi cũng sẽ khép màn, để cái sân khấu cuộc đời này rơi vào màn hài kịch vĩnh cửu của tồn tại; và “những tràng cười bất tận” – dẫn từ Aeschylus – cuối cùng cũng sẽ khuất phục cả tay diễn viên bi đại tài nhất. Và chính vì thế, nhu cầu về mục đích cuộc sống không ngừng tạo ra một diện mạo mới mẻ của những giảng tòa về nó, những giảng tòa nói rằng “cuộc sống này có một mục đích và ý nghĩa cụ thể”.
Dần dà, con người trở nên một giống loài đầy ảo tưởng nhất phải không ngừng lấp đầy cuộc đời mình bằng một lý do nào đó của tồn tại. Loài người không thể thịnh vượng nếu không có một chu trình thiết lập niềm tin vào cuộc sống. Và cứ thế sự cấm đoán tiếng cười minh triết không ngừng tiếp diễn. Và cứ thế luôn tồn tại một phi lý tối hậu trong những phương tiện và sự cần thiết của việc duy trì nòi giống.
Và cuối cùng thì, rồi cái quy luật mới mẻ của sự suy tàn này cũng sẽ đến với chúng ta thôi, hỡi người anh em đồng loại!

2

Lương tri
Có một trải nghiệm sống thường trực mà tôi luôn cố không muốn tin, nhưng nó rõ ràng như sờ chạm vào được: “đám đông” thiếu vắng lương tri. Tôi cảm thấy những người mưu cầu lương tri sẽ trở nên cô độc ngay cả khi anh ta sống trong những thành phố đông dân chật chội nhất. Người ta nhìn anh ta với ánh mắt kì lạ và tự động vận hành các thước đo của chính họ, phân loại nó là tốt và xấu. Chẳng ai mảy may xấu hổ khi anh ta nói với họ rằng cách đánh giá của họ là xem nhẹ vấn đề; cũng không ai cảm thấy bị xúc phạm; họ chỉ đơn giản là cười nhạo những hoài nghi của anh. “Đám đông” không hề cảm thấy chính mình đáng khinh bỉ khi chỉ đơn thuần tin vào một điều gì đó và sống với niềm tin ấy mà không hề tự cân nhắc đến hậu quả hay lợi hại – và sau đó cũng không mảy may tự vấn cách sống lẫn niềm tin của mình. Ngay cả người khả kính và quý phái nhất vẫn thuộc vào “đám đông”. Với riêng tôi, một người chỉ đắc thụ lòng từ tâm, sự cao khiết và tài năng thực sự khi anh ta biết vượt qua những xúc cảm nhu nhược trong đức tin và trong phán xét của chính mình, khi anh ta không ngừng tự vấn những tham ái và muộn phiền sâu kín nhất.
Với những nguyên do cụ thể, tôi không ưa một số kẻ gián tiếp thậm xưng là minh chứng hoặc là người cổ xúy cho một niềm tin đạo đức tuyệt đối nào đó. (Và họ cũng tương tự cảm nhận như thế về tôi). Nhưng nếu đứng giữa những trạng thái lưỡng nan của tinh thần, những bất định mênh mông và cả những phi lý to lớn của tồn tại mà không hề nghi vấn, không hề rung động với những khao khát và hân hoan của nghi vấn, thậm chí không có lấy một sự khó chịu với những kẻ đưa ra nghi vấn, hay thấy được sự trào phúng trong nghi vấn của anh ta – đó chẳng phải là một điều đáng khinh miệt hay sao?
Mong nhận được sự góp ý của mọi người nếu có sai sót trong cách hiểu và cách dịch của mình.