Thế giới này, thế giới này là mái nhà 
nhưng sẽ chẳng bao giờ giống mái nhà
—Andrew Hudgins
1
Tôi đang ước gì ngay bây giờ những gã đàn ông ở ngoài cái nhà nghỉ chấy rận này ngậm hết miệng lại. Đáng lẽ ra tôi đã nên đánh xe đi tiếp cho tới khi tìm thấy một cái Days Inn hay Super 8 hay Comfort Inn hay Quality Inn hay Motel 6 dù rẻ nhưng sạch sẽ hơn, nhưng đến giữa đêm tôi đã mù đường và trở nên cáu kỉnh, nên đành dừng bước. Giờ đang là 2 giờ sáng, và tôi ngồi trên chiếc giường đôi lún xệ bên trong phòng số 66 giữa bóng tối, vẫn còn nguyên quần áo, cố dò đoán từ tiếng động phát ra liệu những thằng cha ngay ngoài cửa có đột nhập vào xe của mình hay không. Đèn neon trên tấm biển nhà trọ hắt qua những kẻ nứt những tấm màn nhựa và rọi xuống dưới cánh cửa mỏng tang xiêu vẹo bám vào khung, đổ bóng khóa và xích xuống sàn nhà. Cánh cửa cứ kẽo kẹt mỗi khi có một chiếc bán tải vút ngang qua, lao trên triền dốc của con đường xuyên tiểu bang I-35.
Đó là đêm đầu chuyến hành trình của tôi. Tôi chạy tám hay chín giờ, từ Minneapoli đến Kansas City, Kansas, hay Kansas City, tiểu bang Missouri, tôi cũng chẳng rõ; dù ở đâu đi nữa, tôi đang tiến về phía tây, do đó đã bỏ qua mọi biển chỉ dẫn về St. Louis, kết luận rằng chúng sẽ dẫn tôi đi ngược về phía đông. Tuy thế, tôi đã đánh dấu quá tay, và thành phố Kansas City mà tôi băng ngang qua đã dẫn về những vùng ngoại ô và những khu mua sắm lộ thiên và Home Depots và những chuỗi khách sạn thượng lưu cứa cổ khách hạng thương gia, không hút thuốc, những con người vương mùi mồ hôi tanh nồng của họ trên tấm trải giường trong phòng. Ta sẽ nhận ra chẳng chút khó khăn, mùi mồ hôi, thậm chí khi có cả mùi đáng nôn mửa của chất tẩy công nghiệp. Do đó tôi cứ chạy tiếp, định sẽ dừng ở vùng ven của vùng ven, bất cứ nơi nào tôi có thể lần ra được một khách sạn vừa rẻ vừa sạch sẽ ở vùng giáp ranh giữa hai thị trấn. Thay vào đó, chỗ ngoại ô chẳng dẫn tôi đến đâu cả, mà tới thẳng vùng hạn Dust Bowl – không nhà nghỉ, không Walmart, chỉ có khung cảnh Mỹ choãi ra khắp mọi hướng khi mặt trời xế bóng.
Viên cảnh sát chầm chậm đánh vòng quanh bãi đậu xe nơi tôi vừa tấp lại, trên con đường chi chít vết bánh xe. Tôi hẳn đã có thể xem đó là điềm xấu. Hẳn đã quay đầu xe và ngoặc trở lại cao tốc, cứ băng thẳng qua bóng tối đen kịt. Nhưng tôi đang lái xe không giấy phép, vì thế tôi chỉ có nước ì ạch về phía màu xanh dương của văn phòng cảnh sát có bắt ngọn neon đỏ. Bên trong, một cô gái chừng đôi mươi có dáng vẻ rắn rỏi khác thường, hay ít nhất là cái e rất là đừng-có-mà-nhây, đang ngồi sau bàn, bộ mặt và mái tóc đỏ tía ánh lên từ luồng sáng màn hình một chiếc máy tính từ thượng cổ. “Xin chào cưng,” cô ả lên tiếng, mặt chẳng nhấc lên.
“Tôi muốn một phòng,” tôi nói.
“Phòng đơn?” Cô xoay người trên chiếc ghế xoay và nhìn tôi, nheo mắt rất khẽ, không tỏ ra kém thân thiện, mà chỉ dò xét thêm về tôi.
“Phải,” tôi đáp.
“Sáu chục đồng,” cô đáp, chẳng buồn hỏi căn cước. Cô lôi ra một quyển sổ, thứ sổ mà ông nội hẳn đã dùng để kiểm kê cửa hàng. Cô ta lần đầu ngón tay dài xanh lấp lánh xuống dưới cuối trang và nắn nót ghi ngày tháng bằng nét chữ xoắn xít.
“Vừa phải thôi chứ.”
“Đó là giá phòng,” cô trả lời.
Hai người đàn ông từ phía sau bước vào phòng, va quệt vào nhau và thều thào với vẻ căng thẳng.
“Bọn tôi không có giấy vệ sinh,” gã thấp người hơn thổ lộ.
Cô ả nhìn tôi xoe tròn mắt như thể tôi là cái gã đang cần giấy vệ sinh. “Nhà tắm ở kia,” cô trả lời. “Sẽ có một ít ở đó.” Hai người lượn ra ngoài, làu bàu. Tôi đưa ba tờ hai mươi xuống quầy. Dùng móng tay như cặp kìm, cô nhặt tiền lên và đặt gọn gàng vào một phong bì dầy những tờ 10 và 20. Tóc cô có màu không thể tìm thấy trong tự nhiên nhưng dẫu thế vẫn rất đáng yêu; cô ấy xanh xao và hơi đậm người và son môi đã lợt đi ngoại trừ một viền cong màu đỏ thẫm. Tôi thắc mắc về cô ta, những điều tôi vẫn thường thắc mắc về những con người tôi gặp thoáng qua: nhà với họ là đâu, và ai đang chờ đợi, và những người kia có thương yêu hay có thể còn ghét bỏ họ, và họ liệu có cảm thấy cô độc không, vì sao họ lại chọn làm ca tối, dù tôi nghĩ ca tối cũng chẳng khác gì ca sáng cả. Còn gì khác nữa phải làm? Ngồi thẳng như họa sĩ Edward Hopper, một con ưng đang ăn tối đâu đó? Vai khuỵu xuống quầy đóng bằng formica và tách cà phê có mùi hăng của pin hay mùi hắn ín đã nguội, hoặc đang nói hoặc không mở miệng với người nữ phục vụ, người có lẽ vẫn còn bị kẻ khác gọi là gái đứng quầy – đó là chức danh của tôi khi tôi từng làm phục vụ thức uống sau quầy trong tư cách một đứa con gái. Vào thời điểm đó rõ ràng chẳng có gì cả, hoàn toàn hữu lý, nhưng giờ rõ ràng cái tên đứng quầy ấy lạc lệch. Ta thắc mắc về những thứ ấy thật chóng vánh, chẳng nhận thấy rằng ta đang bịa ra những câu chuyện dành cho bọn họ mỗi khi đi đó đi đây, thảo ra cuộc sống và ra những chiếc bàn bếp nhà họ trong ánh sáng ban mai của ngày hôm sau, có hoặc không có ai đó đang lui cui chuẩn bị bữa sáng, và mùi thịt xông khói đang sực ra trên chảo thép đúc. Những lọ muối tiêu nhớp nháp dầu mỡ và bàn ăn còn sót mẩu khoai tây trên màu sơn trắng đã sờn. Tấm giấy dán tường bong tróc ở mép trần, vết ố nước từ chỗ rò bồn tắm tầng trên.
Hiển nhiên tôi không hề biết tên cô ta.
Cô đưa tôi chiếc chìa khóa số 66 đính trên sợi khóa. “Chị là người duy nhất ở mé đó của khách sạn,” cô nói, ngồi xuống trở lại và xoay ghế về màn hình. “Nhớ khóa cửa lại.”
Đó là kiểu khách sạn ta khá có thể tìm thấy ở California, kiểu khách sạn có cửa phòng mở ra một lối đi lộ thiên ở tầng một và dẫn thẳng tới bãi xe ở tầng trệt. Xe cảnh sát vẫn còn ở ngoài, nằm yên ở góc khu nhà, đèn tắt. Tôi đánh xe ra, cố không có vẻ gì đáng ngờ, vòng quanh tòa nhà và đậu trước căn phòng số 66. Ở phía xa khách sạn có một tiếng thét rợn óc cách chẳng bao xa văn phòng và cảnh sát. Tôi mở cửa phòng – cửa không khóa – và bên trong đang cài chốt chết và tra cái sợi xích hẳn là vô dụng vào đúng vị trí. Một cú huých mạnh bằng vai từ ngoài chắc sẽ đánh sập nó. Tôi tấn thành ghế xuống dưới chốt cửa và ngồi xuống giường hẹp. Giường kêu kẽo kẹt mỗi khi tôi hít thở. Tôi cứ thận trọng ngồi đó hít vào thở ra, lắng nghe những gã vừa mới xuất hiện đang chí chóe gì đó không thể nghe ra được ngay ngoài cửa.
Tôi quyết sẽ tránh gây sự chú ý. Tôi đốt thuốc và thận trọng ăn một quả táo, nhai thật chậm và khẽ. Hơi thở của tôi thượt ra không khí, xuyên qua ánh sáng mờ ảo của bãi đậu xe. Bọn kia cứ leo lên leo xuống xe. Tôi nghe tiếng gót giày của chúng cứ khua đi khua lại có chủ đích. Đã một giờ sáng, tôi nhủ. Cái quái quỷ gì mà cứ đi đi lại lại vậy? Giờ này thì có gì mà nói mà rằng? Một giờ là khi ta nên tỉnh rụi, rũ rượi vì quá nhiều cà phê mua ở cây xăng, tự khuyên mình đi ngủ, hay nhận ra sẽ không thể nào ngủ nổi và rời giường để ra ghế ngồi ở góc phòng và đốt thuốc trong bóng tối. Bọn họ có thể chẳng thể vào ra xe chừng ấy lần được. Tôi cưỡng lại suy nghĩ lôi cà phê hòa tan ra khỏi túi đồ dự trữ, chỗ mà tôi cũng nhét quần lót và vớ cho ngày mai vào đó. Tôi để lõi táo xuống gạt tàn và dụi thuốc vào. Tôi tự nhớ lại rằng mỗi nhà nghỉ đã từng trú qua, Motel Aqua City và Starlight và Lamplighter và Aloha Inn với hình nhân thổ dân da đỏ khó hiểu sừng sững ở bãi xe, cầm rìu chiến bằng thạch cao và nhoẻn nụ cười thạch cao đỏ chét son môi. Tôi nghĩ về tất cả những chiếc giường đôi tôi từng ngả lưng hay cố thiếp đi, với ai đó hoặc một mình, và tất cả những tiếng ho khan vọng từ bức tường kế, và tiếng đầu giường va vào tường cách đó vài căn. Và tiếng tạch tĩnh điện của TV sau những sô muộn và sô sau đó và chương trình thế giới động vật phát về tập quán giao phối của kangaroo và những bộ phim khiêu dâm nhẹ đô từ thập niên 70 lúc ba giờ sáng tự mở trước khi tiếng léo nhéo của các sô thời sự buổi sáng bắt đầu.
Và rồi bánh xà phòng bọc giấy đề chữ XÀ PHÒNG, chiếc ly bằng xốp bọc nhựa ở bệ nhà tắm, máy pha cà phê kích cỡ đồ chơi nhè ra và nấu chín gói cà phê hòa tan dùng một lần mỗi khi hoạt động.
Và rồi bàn tay nhớp nháp của cái nóng đặt lên trên ngực khi ta bước ra ngoài cửa để chất đồ vào xe. Bóng tối nhấc lên, mặt trời ùa qua bãi, tấm khói đen xì của những chiếc tải bắt đầu khởi động, các tài xế nhảy tòm vào buồng lái.
Những gã bên ngoài đã lên giọng. Gót giày của chúng đập mạnh lên vệ đường. Cửa xe đóng sập, một động cơ rít quá to.
Có một quyển Kinh Thánh ở tủ đôn cạnh giường. Tôi đã ngó qua.
2

Những bản chỉ dẫn đường cao tốc khiến tôi bận tâm: một đường tránh dẫn ta đi đâu, và sau đó dẫn đến đâu. Có lẽ là tồn tại một số lượng đường hữu hạn, như những chuyện kể người đọc tự chọn đường; với X điểm bắt đầu và X kết thúc có thể xảy ra, ta chỉ có thể đạt được X tổ hợp kết quả. Tuy vậy, với những con đường trên đất Mỹ, tôi đoán số lượng đường ra là vô hạn, hoặc gần như vô hạn. Có quá nhiều khúc giao mà ta phải đưa ra lựa chọn: Memphis hay Nashville, Detroit hay Grand Rapids hay Kalamazoo; hay nếu bạn ra ngoài Philly, và bạn phải chọn giữa liên bang I-76 hay I-676, hoặc bạn sẽ lạc đường và sau đó trở lại liên bang I-476 hoặc I-276, về phía New York hay về cao tốc Mason-Dixon. Số lượng tùy chọn có lẽ tăng xét theo hình học thay vì số học, giãn rộng về tất cả mọi hướng, khi ta buộc phải chọn lại một lần nữa và tiếp tục chọn, trong lúc đang chuyển động, giữa nơi này hay nơi nọ, hụt những đường tránh đến mọi con đường nào khác ngoại trừ con đường mà ta muốn tới.
Và rồi chỉ có mỗi công sự của mỗi một mình bạn. Và làm sao bạn biết được? Có hay không một cảm giác đúng đắn về đường đi? Có hay không một cảm giác bị cuốn chỉ về một hướng? Có sức hút, sức đẩy hay không? Có hay không cảm thức về mục đích, một lối đi khắc vào quả đất, như nhành cây của đứa trẻ đang cầm trên tay, một con đường băng qua cát và vôi, bụi bặm và sét đỏ, một vết sẹo trên đường đất xuyên suốt chiều dài đất nước này, xuyên suốt sự kỳ vĩ của thế gian?
3
Xa lộ liên bang I-35 được gọi là cao tốc tiệm biên, nhưng thực sự chẳng phải như vậy; tôi đã đi dọc hết hai đầu của của nó, và con đường chẳng cắt hay thậm chí chạm vào biên giới quốc gia phía bắc hay phía nam. Con đường bắt đầu, hoặc kết thúc, tùy thuộc vào hướng nào ta đang hướng tới, tại một tín hiệu giao thông ở Laredo, Texas, ngay phía bắc dòng Rio Grande; nó kết thúc, hay bắt đầu, ở Duluth, Minnesota, ở bờ Hồ Thượng, hồ sâu đến nổi nước không thể đóng băng và là nơi sập bẫy những tàu thương mại phủ đầy băng tuyết, cắm sâu vào bụng thép của thân tàu, xé toác kim loại, đánh chìm con tàu và thủy thủ và hàng hóa xuống vùng nước giá buốt chẳng gì sống sót được.
Khi tôi và Ruth còn bé, cuối tuổi thiếu niên hay chớm đầu đôi mươi, chúng tôi nghĩ về việc chạy xuyên đất nước trong những chiếc quần cũn cỡn và áo tank top rách rưới, nhễ mồ hôi và bạc phếch phong sương và thùng thình theo cách bọn con gái thị thành thời ấy vẫn thích. Tôi muốn rời Minneapolis đến một nơi khác – đâu cũng mặc xác – và Ruth muốn đi cùng. Chúng tôi yêu nhau và yêu cả tình yêu, và ngớ ngẩn và chuếnh choáng và ngốc nghếch và trẻ trung đến nỗi giờ đây chỉ cái việc mình đã từng trẻ trung dường ấy, ngốc nghếch dường ấy và trẻ trung mãnh liệt dường ấy cũng khiến tôi thấy cả thẹn.
Ruth hút thuốc vì cô nàng nói rằng chỉ hút thuốc mới cam kết được cô đang còn sống: hơi thở phà ra có thể nhìn thấy được chính là bằng chứng. Chúng tôi lúc nào cũng giẫm chân vào nhau và chồng lên người nhau trên ghế, hay khóa mình vào nhà tắm ở Saloon hay 19 Bar. Chẳng ai đoái hoài bọn tôi ở trong đó bao lâu; chẳng ai cần đến phòng vệ sinh nữ trong một quán bar đồng tính nam. Nhạc house giộng mạnh đến nổi chúng tôi không thể nghe được mình nghĩ gì hay hét gì, chúng tôi kéo áo lót cho thẳng và đánh son, trở lại bar, gọi một lượt tequila, liếm muối rưới quanh mép ly và ực. Chúng tôi vẫn chưa giỏi khoản đánh bi-da; đó là một kỹ năng chúng tôi sẽ trau dồi sau nhiều năm trời nốc thật nhiều và quất thật phiêu. Tuy thế, kể cả khi Ruth có thể làm một cú hai băng, mà tôi vẫn chưa thể, tôi có thể break. Tôi lúc nào cũng break bằng một cây 21 ounce và chơi bằng một cây 19.
Có một tấm ảnh chụp hai chúng tôi ít ngày trước khi khởi sự chuyến đi về sau được gọi là Đại phiêu lưu, ngồi cạnh bên nhau trên thềm một tòa nhà xây bằng sa thạch phía bắc. Khi ấy là trước giai đoạn bốc đồng, và chúng tôi là nguyên mẫu của sự tương phản về tính cách: Ruth với mái đầu cạo trọc và quần ngắn Daisy Duke và Birkenstocks, cúi đầu vào ống kính để khoe khe ngực đẫy đà của mình, và tôi, gối giang ra trong chiếc Levi’s sờn và chiếc T- James Dean sắn ống. Ruth có một vẻ nhìn lả lơi, khúc khích cười, và ta có thể nói rằng cô ấy đang chớp mi; tôi để đầu húi cua, đeo kính đen và một nụ cười khóe mép.
Lúc đó là đầu những năm 90, khi đám con gái cạo đầu nhưng không cạo nách và ngủ chủ yếu cùng nhau, tìm cách hiểu thế nào mới gọi là dũng cảm. Chúng tôi dũng tới mức hết rụt rè lại hiên ngang bước vào những quán nước ven đường, đóng những chiếc ủng da sần, ngồi xuống ghế, đá hất chúng ra dưới gầm bàn và lấy lại hơi sau chuyến chạy hết tốc lực không điều hòa dọc theo Liên bang 35 và rồi 25 và rồi các xa lộ tiểu bang và rồi đường tỉnh lộ trên chiếc Toyota màu cam già nua cọc cạch mà tôi lái. Trước khi tôi và Ruth gom đồ cho vào túi, mẹ tôi đã sắm cho cả hai những chiếc mũ mềm để bọn tôi không bị ai sát hại – bà nghĩ đội vào chúng tôi sẽ nom như quý bà – chỉ vì đang là hai con nhỏ đồng tính ngố rừng đi tới đi lui thòi mông ra ngoài quần soóc, dây áo ngực trượt xuống cánh tay. Thế là chúng tôi tấp vào đường liên bang mỗi khi phải tè và khi nhìn thấy biển đổ xăng hay thức ăn, và xông thẳng vào những con đường tiểu bang, đường hạt thẳng băng tên FF hay R20 – những con đường vô danh giao cắt qua lại các thảo nguyên và những tiểu bang Dust Bowl miền Trung, tìm bánh quy và những cái bánh rưới cần sa và trứng để tự chống chọi về đêm khi cửa kính hạ xuống và gió xoắn thành vòng tròn xuyên qua, vốc cả một cơn bão bụi và bùn đất, để có thể tiếp tục chạy trong đôi chân trần và áo lên hai thân thể nhẹp mồ hôi và hai chiếc đầu lâu trơ cảm một lớp đất bám. Chúng tôi thường đứng trước chậu rửa mặt trong phòng nhà nghỉ tối đó, cọ rửa đầu tóc bằng bánh xà phòng, rửa trôi những dòng bụi đen ngòm xoay mòng chảy xuống cống. Chúng tôi trồng nón mềm vào và đi đến bất cứ cái nhà ăn nào, bất kể ở đâu, và tự hỏi vì cái thế quái nào mà ả nữ phục vụ lại ngó lơ còn đám khách còn lại cứ chằm chằm nhìn mình. Đó mới là trước lúc chúng tôi xăm.
Theo kế hoạch chúng tôi sẽ đi xuôi về miền nam bằng đường I-35 thẳng xuống Laredo, quẹo hướng tây-tây bắc (phải) ở biển hiệu giao thông và đánh theo dọc biên giới Mễ, lao đầu vào vùng Coahuila và Chihuahua vì tò mò và vì những cao tốc hẻo lánh dẫn đường, hoặc giả nếu chúng tôi cần nạo lại các gói soda mía và thuốc lá Camel. Nhưng có rất nhiều cách để về phương nam: uốn lượ qua rồi lại như rắn chuông, đi hình chữ s, hay chỉ thẳng boong một đường. Tất cả chỉ tùy thuộc vào nơi ta muốn tới, những gì ta muốn lướt băng qua, đồng ruộng hay Dust Bowl, thị trấn nhỏ hay trấn nghèo hay những kho thóc mái đỏ, bạc phếch nắng và chỏng chơ xiêu vẹo.
4
Tôi không rõ vì sao mình lại đến rồi đi. Tại sao không chứ? Có nguyên do hay lý lẽ gì đằng sau hay không? Làm sao tôi có thể gán động cơ cho điều gì mình làm do thói quen, từ cốt cách hay do hỏng hóc tính tình mà ra được? Có lần tôi hỏi một người bạn, “Vì sao bồ theo đạo Phật?” Hai chúng tôi đang bước đi. Anh ấy trả lời, “Tại sao không?” Tôi cười nắc nẻ tới nỗi phải ngồi xuống vệ đường, vì tôi thấy chuyện thật hài hước vô kể. Anh ấy nhìn tôi, chẳng hiểu mô tê gì, đợi chờ tôi giải thích. Tôi chẳng hiểu logic của anh; chẳng có lý gì để anh ấy theo đạo Phật. Nhưng rồi, anh ấy đã đúng – chẳng có lý gì để không theo. Vào lúc đó, hẳn tôi cũng đã từng tin vào động cơ, vào lý lẽ để chuyện gì đó xảy ra, cái động lực, cái lựa chọn. Vì sao tôi lại rời đi? Vì sao bạn ở lại? Có lẽ tôi đi vì bởi bản năng, như loài chim thiên di về phương nam, biết làm thế nào để tới được nơi muốn tới, biết làm sao để quay về. Tôi vọc cái não bé tị của mình, mà chẳng có chút cớ duyên gì, chẳng lựa chọn gì dù là ủng hộ hay phản đối dành cho một nơi chốn nào cả. Một cơ thể đang vận động thường sẽ luôn vận động. Chẳng có gì khác hơn là cách mà chúng ta quen thuộc. Có lẽ bạn có khuynh hướng lạc trôi, một thói quen đi đó đi đây.
Dù sao đi nữa, chí ít theo những gì tôi biết về các định luật chuyển động, ta có thể đi kiểu gì mà ta muốn. Ta sẽ ở trên con đường đã được trao. Trừ khi có một thứ gì đó đến từ uyên nguyên vũ trụ đang não phiền, ta sẽ chẳng bao giờ chệch ra khỏi chỗ. Ta sẽ giao cắt với những vector khác, đương nhiên; sẽ va chạm với những khối vật chất khác, dội ngược trở lại mà hầu như chẳng mấy suyễn suy; nhưng rồi lại đi tiếp.
5

Tháng 6 năm 1995, tôi hai mươi mốt và chiếc Pontiac cũ của ngoại vẫn lướt băng băng. Tôi thận trọng giảm ga thoạt đầu, nhưng rồi, tăng tốc lên, tôi bắn xuyên qua thảo nguyên trên một dải ruy băng đường cao tốc uốn lượn giữa những hàng cây bắp. Bà tôi đã mất từ lâu; tôi chẳng bao giờ thích hay không ưa gì bà, nhưng chiếc xe thì ngon cơm phải biết.
Tôi trút toàn bộ mọi thứ trong phòng ra ngoài hẻm nhà – một chiếc đệm đơn, một chiếc ghế đọc sách bọc da khổng lồ rách bươm, một chiếc bàn công nghiệp nặng trịch, những chiếc bàn và đèn ngủ thặng dư – lôi tất tần tật chỗ ấy xuống thang vào ánh vàng choang của độ cuối xuân. Những vũng nước tù trong hẻm, những chiếc giày trọi trơ trong rãnh cống, những chai nhựa không đứng dựa vào nền gạch đen-đỏ rẻ tiền của tòa nhà. Người tình dạo ấy bảo rằng tôi có điên mới bỏ đi như thế, cứ quẳng đi tất cả mọi thứ rồi lên đường chẳng có hoạch định gì trong đầu. Tôi nói, “Em có kế hoạch.” Người ấy nói, “Và đích xác thì nó là gì đó?” Phần còn lại của căn hộ chất vào sau xe, cùng chiếc hộp mèo và chú mèo. Tôi ngủ với người ấy thêm lần cuối trên chiếc ghế bành gấp màu hồng tươi, lôi nó ra hẻm rồi đi mất.
Con mèo ấy, tên Shakespeare, sống được mười lăm tuổi – số tuổi khá ít ỏi với loài mèo, nhưng nó lại đi tới lắm nơi nhiều chốn. Nó thường phốc lên nóc xe và choãi người trên mặt đồng hồ điều khiển như một nhân sư. Nó sẽ chờ ở đó tới khi tôi khởi động, mở radio, ngồi yên vị. Khi tôi đã ra tới cao tốc, bọn tôi sẽ tìm ra nhịp của mình: Tôi hát còn nó hếch cặp mắt dửng dung màu vàng của mình trước thế gian đang trờ tới.
6
Tôi yêu thích những nơi xen giữa, những khoảng tạm dừng, quãng ngắt ở không gian. Cái không gian giữa các điểm, các chốn nơi ta băng qua, có thể là để dừng một chốc, trên đường. Tất cả đều có một sự đồng nhất dễ chịu: sân bay, các cửa hàng McDonald, trạm dừng chân, trạm dừng chân xe tải, chuỗi khách sạn. Không khí ở những nơi ấy luôn vo ve ánh sáng huỳnh quang và một cảm thức thời gian rõ rệt. Cơ thể của ta trở nên cực kỳ nhạy: Ta là một cơ thể đang chuyển động, chẳng bao giờ ngừng nghỉ, và vì cơ thể chuyển động sẽ luôn chuyển động, cơ bắp của ta vẫn hơi căng một chút, kể cả khi ngủ, như thể bất thình lình ta cần phải bật đi. Ta luôn chực muốn rời đi. Ai mà đi dùng tủ trong khách sạn? Một số khách sạn còn chẳng buồn trang bị tủ. Đôi khi ta thậm chí chẳng màng mang giỏ vào phòng. Ta chỉ mở cốp xe, tìm kiếm đồ lót và vớ, nhồi vào túi quần và mở cửa phòng 112 hay 203 hay 1768 hay cái gì cũng được, bất cứ nơi đâu. Ta đóng cửa lại và ngồi ở một đầu giường, trong cái xó đánh số của mình, nép người gọn ghẽ vào đó. Ta vẫn sẵn sàng, trồng áo khoác, tai hứng đón bất cứ tiếng động nào xung quanh.
Có những đứa trẻ từ chối cởi áo khoác ra. Tôi đã đọc điều này đâu đó, rằng có gì đó nơi lũ trẻ và vì sao chúng hành động như thế và ý nghĩa hành động đó là gì, và một số từ chối không chịu cởi áo khoác. Chúng đứng sang một bên đầy nghiêm nghị, áo khoác vẫn đơm khuy, hay ngồi vào thành ghế, hai tay chắp vào nhau. Chúng chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống khẩn nào, bất cứ tình huống nào, hay đổi hướng nào, hay lý do báo động nào. Chúng không thích khi ta nghịch tóc chúng. Với một đứa trẻ ngăn nắp, hành động đó cực kỳ tệ hại. Những bím tết vẫn còn hơi hơi ẩm và bết chặt, cơ thể còn thẳng tắp và đâu ra đó, ta xòa tóc để nựng chúng chỉ để khiến chúng căm ta mãi mãi. Thế giới là một chốn đe dọa. Bọn trẻ biết điều đó. Chúng sẵn sàng. Chúng ăn mặc, vali vải của chúng nhồi đầy và dựng đứng trên sàn, phòng khi chúng phải đi bằng tàu điện. Hoặc có lẽ tôi chẳng đọc gì về những đứa trẻ mặc áo khoác. Hay đó chỉ là suy nghĩ của riêng mình tôi.
Chiếc vali vải là một món quà tặng. Tôi không thể nhớ ai đã tặng – một người họ hàng hay một người bạn của gia đình đã qua đời từ lâu, một ai đó hoặc biết tôi rất rõ hoặc hiểu sự kỳ quái của trẻ con. Chiếc vali kích thước bé, đứng tầm ngang hông tôi. Tôi nhồi đầy nó: một chiếc đầm ngủ, bàn chải, hai món đồ lót sạch và một quyển sách phòng khi xảy ra chuyện. Chẳng có lý do gì – thực tế, tâm lý cũng không – mà tôi cần tới nó. Cả cuộc đời lúc nào cũng an toàn, gọn ghẽ, an ổn; bất cứ gì họ có thể nói về những tác động của hỗn mang thông thường lên đứa trẻ, thực tế là tôi hoàn toàn ổn, được ăn mặc, cho trú ngụ, chăm ăn và tặng cơ man nào là sách, nhiều quyển đến giờ tôi vẫn còn sở hữu: Chuyện kể nước Ý của Italo Calvino, giờ vẫn còn trên kệ phòng khách, úa vàng, cong góc, mất bìa trước và sau, dài 900 trang. Theo cách nào đó quyển sách đã sống sót qua mọi chuyến dịch chuyển, tháng năm; một cách nào đó tôi đã tìm thấy lý do để đóng nó vào và lại lôi nó ra trở lại, đặt nó lên kệ nơi có thể nhìn thấy, gần tầm tay nếu tôi có cần, dễ dàng tìm kiếm lần sau. Đó là món tôi sẽ cho vào đầu tiên mỗi khi đi.
Dĩ nhiên là thế nếu tôi có dỡ đồ ra trở lại. Đôi khi tôi không dỡ ra. Khi đụng tới chuyện đến và đi, đôi khi cứ cho mọi thứ vào hộp, và bỏ hộp vào xe thì dễ dàng hơn. Nếu nán lại ít lâu, có lẽ ta sẽ dỡ cả xe xuống. Ở ngôi nhà lần cuối tôi từng ở, tôi đã chất mọi thứ từ xe ra phòng khách, nhưng chẳng bao giờ lôi chỗ sách ra. Hóa ra điều ấy lại là khôn ngoan – tôi đằng nào chẳng phải mang chúng trở lại xe. Tôi có rất nhiều sách. Xe tôi chạy chậm hơn.
7
Hồi lâu lắm tôi có viết một bài thơ về những người phụ nữ trên những chiếc xe khác, những phụ nữ dướn vầng trán của họ vào mặt kính sau, nhìn cảnh tượng đổi thay khi xe lao xuống đường, qua những bãi cỏ và đồi cát thảo nguyên, những hố và đồi non, những vực dựng đứng dốc xuống thành khe, những con sông chạy dọc theo con đường một lúc, rồi ngoảnh lại, hoặc con đường uốn đi theo, hay con sông lắt léo thành dòng suối, dòng chảy, một vệt nước mỏng cong quẹo bên dưới những đĩa địa hình ắp muối của hoang mạc cao, những đồi dốc đứng đỏ au đóng in lên bầu trời. Tôi mô tả khuôn mặt phụ nữ bọn họ như thể tôi rành họ lắm: hốc hác, e thẹn, trống trải. Tôi nói rằng đôi khi ta bắt gặp đôi mắt của mình phản chiếu trở lại, nếu cửa sổ đóng, nhìn trái sang phải như đang đọc địa hình. Tôi viết như thế tôi biết sự thật về cánh phụ nữ, về cửa sổ sau xe, và những quang cảnh băng qua, những dốc núi và thung lũng núi, nhưng tôi chẳng biết những điều ấy hơn gì những thứ khác cả.
8
Mùa hè hồi 2000, người bạn leo núi (cũng là bạn nhậu, bạn chí cốt của tôi) và tôi lôi mấy chiếc ghế từ phòng ra ngoài bãi xe Nhà nghỉ Gringo Pass để ngắm mặt trời chìm dần xuống Sa mạc Painted phía tây. Tên anh ấy là John. Những chiếc ghế có thể từ thời 60 hay 70, bọc đệm vải thô màu vàng. Chúng tôi ngồi ở đó, chìm sâu vào bóng tối bên dưới vòm trời dần buông, nhằm về cùng một hướng. Có lẽ đó là lý do vì sao khó khăn lắm tôi mới hình dung ra được khuôn mặt anh ấy. Theo ước lượng của chúng tôi, biên giới Mỹ-Mexico chạy xuyên thẳng qua bãi xe. Vượt biên chỉ cách đó chẳng bao xa, có lẽ chừng 30 thước. Những chiếc tải tuần biên chầm chậm rảo quanh nhà nghỉ, tìm kiếm xem có rắc rối nào không. Chúng tôi chuyền tay nhau một chai whiskey đến khi cạn hết, rồi lại mở thêm chai nữa. Chúng tôi nghĩ tới việc quẳng chai không vào sa mạc để lắng nghe tiếng chai vỡ toang khi đập vào đá đỏ. Ném đi một cái chai bằng hết sức bình sinh – kéo ngược tay ra sau, xoay hông, chuyền tất cả động năng về một bên và đến hết cánh tay, buông tay để chai vút đi – quả là một sự thỏa mãn vô cùng. Nhìn cái chai chao đảo, chẳng gì cản trở, đánh một đường cong trong không khí. Rồi chúi xuống đất, như bất kỳ vật thể chịu lực nào, chịu tác động của lực hấp dẫn.
Bọn tôi hiếm khi nhìn vào mắt nhau; ta không đối mặt nhau khi đang đi cùng nhau, và hàng ngày chúng tôi lại đi, đậu xe ở bên đường mỗi khi nhìn thấy một khoảng trống ở bụi cây sa mạc và tìm cách tiến vào bất cứ cái gì trông giống một con đường – một lòng suối đã khô cạn, uốn éo qua những trảng cát chưa ai đánh dấu. Chúng tôi có một tấm bản đồ địa chất. Chúng tôi mua nó ở Gringo Pass. Thị trấn có một hiệu chạp phô và một nhà thờ màu trắng, trắng lóa trong ánh mặt trời trong trẻo. Chúng tôi ngồi xếp bằng ở một góc cửa hiệu, bày các tấm bản đồ ra sàn, cúi đầu xuống để nhìn rõ hơn những đường nét.
Các tối, khi về lại xe tải, chúng tôi sẽ chạy tới khi nào gặp một thị trấn, hay ít nhất là một nhà hàng ở mép trấn, và ngồi đối diện nhau, ăn món salad thịt nướng dai nhách, mặn chát. Chúng tôi đói và khát vì đi bộ, nốc hàng vại nước và bia. Chúng tôi cúi người để ăn, khuỷu tay đặt lên bàn, cả cơ thể bụi bặm bằng chính muối của mình. Tôi không nhớ lúc ấy chúng tôi có nhìn nhau hay nói năng gì với nhau hay không. Đương nhiên là có. Tôi chỉ quên mất anh ấy từng trông thế nào hay chúng tôi đã nói gì với nhau.
Tôi không còn nhớ hai đứa chúng tôi đi tìm kiếm điều gì, nếu có, hoặc thậm chí không còn nhớ chúng tôi có biết hay không. Có biết đây là một sứ mệnh tìm kiếm một điều gì đó, hay chỉ đơn giản là một sứ mệnh. Liệu một sứ mệnh có cần tới một chủ thể? Một điều gì đó khắc khoải, một khát khao hoang dại? Nếu quả vậy, chúng tôi có khao khát đó, có cả sự điên rồ đã tạo nên khát khao; nhưng có lẽ chỉ có chừng đó. Có lẽ, như với những cô gái đang trưởng thành thủa thiếu thời, có một khắc khoải, vô hình thù, bất định, cho một cái gì đó; khắc khoải ấy vừa nằm tại vừa không nằm nơi cơ thể chúng ta, vừa là nhưng cũng chẳng là khao khát về động chạm cơ thể. Nó không có chốn nơi, đích đến, chủ thể. Nó chỉ đơn giản như là. Nó chỉ muốn là muốn.
Bạn hẳn vẫn chưa nói rằng chúng tôi là tình nhân. Có lẽ bạn đã nói hai chúng tôi ngủ cùng nhau, và hầu hết đó là những gì chúng tôi đã làm; yêu thương chỉ nảy sinh từ sự ngủ. Chúng tôi chỉ tình cờ ở trên cùng chiếc giường, và cơ thể con người bản năng là tìm kiếm hơi ấm. Kể cả trong hơi ấm ấy, cái ấm của sa mạc, một cơ thể tìm tới một cơ thể khác, bơi trong giấc ngủ đến bờ bến gần nhất.
9

Xê dịch trở thành một tình trạng vĩnh cửu. Xê dịch trở thành một trạng thái tồn sinh, một cách sống thay vì một sự kiện. Chẳng phải xê dịch trong “một cuộc đi,” số ít, hay “di chuyển”, một hay hai lần, sửa soạn để rời căn hộ, vứt đi đống rác tích dần ở góc tủ tối om, quét bụi bẩn sau tủ lạnh, đánh dấu những chiếc hộp để nhắc nhở bản thân (nhật ký của bà, gia vị, chậu, quần áo ấm mùa đông) những gì ta cứ vác theo để đến khi dỡ ra lại cũng dễ dàng: bạn chỉ chia ngăn đồ đạc của mình, cuộc sống của mình, thành những khoang tiền chế và tủ đồ cho nơi mới. Trái lại, tình trạng xê dịch này là một động từ chủ động, thì hiện tại, tôi đang xê dịch, ngụ ý một quá trình, ngụ ý một động lực đang xảy ra, tiến về phía trước, muto, mutare, mutavi, mutatus trong tiếng Latin (danh từ, động từ chủ động, di chuyển, thay đổi, chuyển đổi, đổi) hay chính xác hơn, ut moveo, movere, movi, motus (tôi đi, khuấy, đảo, đánh thức.) Như trong movere se (di chuyển cơ thể; nhảy múa)
Một từ đồng nghĩa lạ hơn của motus, giờ tôi nghĩ lại, là artificium, nhân tạo. Thay đổi một thứ bằng một thứ khác. Như trong artifice, artfulness. Ma thuật của Prospero. Như trong ma thuật. Như trong mánh lới.
10
Hóa ra chỉ có hai dạng kênh phát thanh vô tuyến theo suốt mọi con đường cảnh quang nươc Mỹ: một là thuyết giảng Thánh Kinh, những lều hồi sinh và xưng tụng chúa và lửa luyện ngục, và còn lại là nhạc đồng quê. Dường như bất luận khoảng cách đến bất kỳ thành phố nào đi nữa, sóng vô tuyến về Chúa và sóng  nhạc đồng quê đều đủ mạnh tới mức chẳng đâu mà chúng không phủ tới. Tôi cá rằng việc Chúa xuất hiện đâu đó trên dải rà đài bất kể chúng ta ở đâu hẳn có một điều gì đó khác thường; tôi cá đó là một dấu hiệu. Khi tôi chết đi nó sẽ trở thành một câu đùa cũ kỹ: Tôi sẽ tới bất cứ nơi nào những kẻ tà giáo đặt chân và Chúa sẽ phán rằng, “Hỡi con gái, con ngu hoài vậy sao,” vì tôi đã lỡ mất tất cả các dấu hiệu đó. Ta vặn tiếp bỏ qua tiếng nói và rồi Người lại xuất hiện, và rồi ta lướt thêm nữa và bắt được sóng một đài phát thanh thôn quê có thể đồng hành thêm chừng trăm dặm nữa. Rồi tiếng nói kia cũng phai đi, nhưng một tiếng nói khác xuất hiện, và ta lại băng tiếp qua những dải đất hoang và cánh đồng bắp hay đồng cỏ khô thẳng thớm và những chốn ở đó hai bên đường trổ lên cao và càng cao hơn những tấm đá to, và những bụi cây ven rãnh nước bên đường chuyển từ cỏ sumac sang cỏ dại. Ta sẽ lái đi, lắng nghe đài phát thanh địa phương và tiếng thầm thì các ý nghĩ của chính mình trong tai, tiếng rít của cát và bụi và đất bị bánh xe giẫm lên và cuốn vào cửa sổ trong một cơn gió thốc. Khi đến được nhà nghỉ tay của ta sẽ tráng một lớp bụi đường, và ta có thể dùng ngón tay quệt qua lớp mồ hôi đọng trên khuôn mặt.
Khi sóng phát thanh kết thúc, ta chỉ chạy theo những vụn tẻ của ý nghĩ đang trôi ngang qua, như thể ta đang nằm ngẩng đầu nhìn những đám mây kết tụ trôi ngang và tan thành mây ti để rồi tan biến hoàn toàn vào bầu trời xanh trong trẻo.
11
Ngày tôi rồi Los Ojos trời mưa, mưa hướng về phía tây băng qua các ngọn núi và ùa xuống thảm sa mạc. Tháng Bảy hay Tám – không khí đặc kịt khói bụi và lèo xèo trong cơn mưa thưa. Mưa không thật sự rơi ở sa mạc, hoặc không phải lúc nào như vậy; có những kiểu mưa khác nhau, tôi đoán thế, và chỉ có một số là giông. Có những cơn bão bất chợt xé ngang bầu trời và mưa sẽ trút như thể mưa đã trút từ bấy lâu đến tận bây giờ và mãi về sau, một thiên đường hay địa ngục vĩnh cửu của mưa, mưa xé toạc từ những đầu sấm màu tím thành từng dải. Đó là những cơn mưa lũ quét mà ta có thể thấy từ cách xa vài dặm, trờ tới, không gì cả ngăn, và mới đó chúng đã ngay quanh, chỗ ta đứng và trong chiếc nón tí hin của mình, ta nhỏ bé và thế cô tựa những con mối cát nhỏ li ti lúc nhúc tìm chỗ trú. Mưa xóa đi bất kỳ ranh giới nào từng có giữa đất và trời, xé toang mây và không khí, xé toang trọng lực và khối lượng, xé qua từng tầng đất, quật những dốc đá nằm xuống, ập tràn vào những lũng núi và tạo thêm những lũng núi khác bằng sức mạnh bào mòn của mình. Chẳng có gì đứng chen giữa ta và bầu trời, ta và bụi đất, ta và cơn hồng thủy màu đỏ.
Ánh neon chỉ ghi “Xăm”, nếu trí nhớ tôi còn nhớ đúng; có lẽ trí nhớ chẳng đúng. Có lẽ thật ra tấm bảng ấy ghi là “Mở ra”. Có lẽ hiệu xăm ấy có một cái tên. Có lẽ đấy chỉ là một trung tâm mua sắm ngoài trời ở vùng ven thị trấn, hay cạnh một trạm xăng/trạm dừng chân/nhà ăn ven đường. Nhưng những gì tôi còn nhớ là tấm bảng neon ghi “Xăm” lộ ra sau cơn mưa sình lầy đủ mọi thù hình, và một túp lều nằm ở bên cạnh con đường hai làn. Dường như chẳng thể nào như thế, nhưng có lẽ vậy mà có đó.
Ai cũng có một câu chuyện về hình xăm, hay thậm chí một vài câu chuyện – tùy vào người ấy, tùy vào hình xăm. Tôi không khác gì, dù tôi trơ ra mỗi khi người ta hỏi tôi ý nghĩa của những hình xăm của mình. Chẳng có cách diễn dịch trơn trắng nào cho một hình xăm. Cũng như âm nhạc, hình ảnh không có tương liên trực tiếp trong ngôn ngữ; bạn hỏi tôi hình xăm nghĩa là gì, và tất cả những gì tôi kể được là hình xăm nghĩa là gì. Nếu nó là một đóa hoa, thì nó nghĩa là đóa hoa. Một ống chỉ và đê chỉ. Một chú chim đỏ. Tay tôi có xăm nhiều thứ tiếng khác nhau – Phạn, Trung, Nhật; Tôi là một đứa Mỹ lè phè, đó chẳng phải văn hóa của tôi, và tôi không có sự vụ gì để xăm chúng vào da mình. Tôi chẳng có gì để lý giải, chỉ là nhữg câu chuyện về nơi mà tôi đã xăn, và cách xăm. Như thường lệ, tôi chẳng có câu trả lời cho câu hỏi vì sao.
Lần đầu tiên đó, tôi ngả về sau ghế nha sĩ, bắt chéo ủng, tay phải kê theo tay vịn, trong lúc ông chủ già nua phong trần kê viền cho một hình xăm mà tôi đã chọn từ một poster lên vai, tàn nhang và sạm nâu sau nhiều tháng phơi nắng sa mạc.
Đó chỉ là một búp hồng, kiểu xưa – hai chiều, dọc theo da tôi, đỏ và cam chán lừ. Tôi chẳng nhớ cái gì đã khiến tôi chọn hình xăm ấy. Cạnh sát cuốn hoa cong, tôi nói ông xăm thêm biểu tượng phụ nữ. Thoạt tiên tôi nghĩ mình sẽ can đảm lắm, bảo ông ấy làm cả hai, đan vào nhau, cho Ruth và cho tôi, nhưng tôi lại thiếu can đảm. Tôi mang hình xăm ấy gần hai mươi năm trước khi lấp nó lại bằng một hoa lan đỏ đang rộ nở. Hoa lan sống dai hơn. Búp hoa kia giờ chỉ làm nên phần lõi của đóa lan. Giờ thì hình xăm che hết vai tôi, phủ khắp và tỏa túa ra. Tôi đã làm hình hoa lan ấy ở nhà tắm khách sạn ở New York. Khi ấy tôi đã can đảm trở lại.
12
Còn có gì đang tới nữa? Hay có gì vừa đi? Và đi, rồi đi, lại đi?
Việc đến nơi tiên định hình thù của một vòng tròn. Nó cho rằng thế giới hình tròn.
Nếu ta khởi đầu ở 0 và đi đến một nơi nào đó, nét hiểu thông thường là ta sẽ, hoặc theo lý thuyết ta nên, đến nơi muốn đến. Nét hiểu ấy nghĩa là, khi bé, nếu ta đào một cái hố ở Trung Quốc, ta sẽ xuyên một đường hầm băng qua để rồi sẽ đến nơi. Nó cho rằng chúng ta được sắp đặt ở những điểm trên một hình cầu, thay vì những điểm nằm trên cùng một đường thẳng. Rồi sẽ không rơi ra. Ta cứ tiếp tục đi và đi tiếp, và cuối cùng, nếu ta chạm lòng toàn bộ bàn chân hay chí ít đi theo một đường rất thẳng, ta sẽ quay trở lại điểm bắt đầu, đích đến, điểm kết thúc.
Đương nhiên thực tế chẳng như thế. Đó là một ẩn dụ hay, nhưng không chính xác. Chẳng hạn, chúng ta có thể được sắp xếp như những điểm trên cùng một mặt phẳng, một bề mặt. Ở những điểm nhất định, trên đường, khi ta tới một mức mất nhận thức nào đó về đường đi, chắc chắn ta sẽ cho rằng trái đất phẳng – những bang thảo nguyên, những bang Dust Bowl, những nơi nằm ở Rust Belt, phía bắc rặng Iron. Con đường cứ tiếp nối tưởng như bất tận, không đổi thay, không trồi hay sụp trên bản đồ địa hình để cho thông báo ta hay về điểm tới hạn. Trên những con đường ấy, đường chân trời không cong. Ta không cảm thấy chút gì cảm giác mất thăng bằng khi lái xe. Ta cảm thấy bị bám dính vào mặt đất, con đường ro ro bên dưới. Ta đi ở một vận tốc nào đó nhất định. Nếu vận tốc trung bình của xe là X, và khoảng cách từ A đến B là Y, chuyến đi sẽ mất bao lâu? Nhưng phương trình này hiếm khi tính tới những biến số: trạm dừng, trạm dừng xe tải, các nhà vệ sinh McDonalds, quán nước ở trạm xăng, những giấc ngắn trên xe tấp vào bên đường, ghế hơi ngả về sau, chân vắt ngoài cửa, kê lên kính chiếu hậu.
Ta ngắm mây bay qua bầu trời, ta trồi lên chìm xuống những cơn mơ. Chiếc xe lắc rền mỗi khi xe bán tải băng qua. Ta chao động trong những lưng lửng của những giấc ngủ hờ, cảm thấy nhẹ tênh tênh. Bềnh bồng, hững hờ, ta trôi mất.
Bài gốc:
Ảnh: cá nhân
Marya Hornbacher là một nhà viết luận, nhà báo, tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ và tác giả bestseller của New York Times cho 5 đầu sách. Sáng tác của cô thường xuất hiện ở các ấn bản báo chí và văn chương khắp thế giới, từ New York Times, Boston Globe, Smithsonian Magazine, Crazyhorse, AGNI, Gulf Coast, The Normal School, Fourth Genre, DIAGRAM cùng nhiều tờ báo khác. Quyển sách thứ sáu của cô, một tác phẩm báo chí đa phương tiện về sự phục hồi của sức khỏe tinh thần, sẽ được Houghton Mifflin Harcourt xuất bản năm 2020, và quyển thứ bảy, một tuyển tập các bài luận về cô đơn, sẽ xuất hiện năm 2021. Cô đạot giả Annie Dillard dành cho tác phẩm phi hư cấu và giải Nhân đạo Fountain House cho những hoạt động của mình, hiện là thành viên Logan Nonfiction với Viện Carey for Global Good. Cô giảng dạy chương trình MFA tại ĐH Nebraska ở Omaha và ĐH Augsburg.