Tỏ tình, một hành động mà nghe cái tên thôi đã thấy có gì đó hấp dẫn và pha chút lãng mạn rồi nhỉ. Đa phần khi nhắc đến ''tỏ tình", chúng ta thường nghĩ rằng mục đích chính của tỏ tình là để bày tỏ cảm xúc của bản thân cũng như để ''dò hỏi'' về cảm nhận của đối phương. Điều này không sai tí nào, việc bày tỏ để xác định xem đối phương có đang đồng điệu trong cảm xúc như chúng ta hay không, và rồi mong mỏi nhận được một lời phản hồi cụ thể ''yes'' hay ''no'' là một trong những mong muốn hiển nhiên khi quyết định bày tỏ tình cảm.
Thế nhưng, có lẽ vì cái khát khao nhận được một câu trả lời rõ ràng khiến cho việc tỏ tình dường như dần trở thành một hành động khó khăn hơn với nhiều người. Bởi lẽ, nếu quá chú trọng chỉ vào một mục đích duy nhất đó chính là đạt được một lời phản hồi từ đối phương, chúng ta sẽ dễ rơi vào ''vùng trời'' thất vọng khi người đó từ chối. Và rồi sau đấy, có thể là cảm giác đau khổ ngập tràn, những hối tiếc, thậm chí những ước ao ''giá như lúc đấy mình đã không nói lời thương''.
Vậy nên thay vì quá đăm đăm chờ đợi một câu phản hồi từ crush, hãy thử chú ý đến những điều ý nghĩa nhỏ bé khác mà mà hành động tỏ tình có thể đem lại. Có thể những giá trị đấy không hạnh phúc và lớn lao bằng một happy ending, thế nhưng việc dũng cảm để bộc lộ tình cảm thầm kín của bản thân thật sự chứa đựng rất nhiều ý nghĩa đằng sau hành động ấy đấy ^^.
<i>Photo by Kelly Sikkema on Unsplash</i>
Photo by Kelly Sikkema on Unsplash

Tỏ tình là dấu hiệu của việc vượt qua những nỗi sợ

1. Nỗi sợ chính bản thân

Cần phải thừa nhận một điều rằng. Nói ra một lời tỏ tình chân thành không hề dễ dàng chút nào, đương nhiên ở đây mình sẽ chỉ đề cập đến những trường hợp chúng ta thật sự có tình cảm và thái độ nghiêm túc với đối phương, còn với những trường hợp chỉ chứa đựng những cảm xúc nhất thời xuất phát từ những ham muốn khác thì khi đấy việc tỏ tình có vẻ dễ dàng hơn nhiều.
Quay lại với việc để có thể nói ra lời tỏ tình, cho dù xuất phát từ con gái hay con trai, mình nghĩ tất cả đều sẽ gặp phải những rào cản nhất định để có thể bộc bạch bản thân. Đối với con gái, ngay từ việc bản thân là con gái đã là một trở ngại đầu tiên họ cần phải vượt qua để có thể chủ động bộc lộ tình cảm. Còn đối với những chàng trai, khi sống trong một xã hội, nơi những những quy chuẩn, yêu cầu dần đè nén nhiều hơn lên những người đàn ông. Điều này cũng kéo theo sự gia tăng của những áp lực họ phải gánh chịu một khi muốn bộc bạch với người mình thương.
Vậy nên, bất kể giới tính nào, vượt qua những nỗi sợ về bản thân chính là bước quan trọng đầu tiên cần hoàn thành để có thể tỏ tình. Những sự hoài nghi rằng mình không xứng với đối phương, từ những yếu tố về ngoại hình, nền tảng giáo dục, địa vị, tiền bạc, tài năng... Những điều này dấy lên sự tự ti, sự chối bỏ về những điều thuộc về chính chúng ta.
<i>Photo by Stefano Pollio on Unsplash </i>
Photo by Stefano Pollio on Unsplash
Khi tương tư một ai đấy, ta thường có xu hướng cố gắng ''nhào nặn'' bản thân theo những hình mẫu lý tưởng mà ta cho rằng phù hợp với crush và rồi cố chạy trốn khỏi thực thể chính mình, hay nói cách khác, chúng ta đang sợ hãi việc chấp nhận chính bản thân mình. Đó chính là những suy nghĩ, cảm xúc hầu hết chúng ta đều trải qua khi đang tương tư người khác, đặc biệt những dòng trạng thái này sẽ lại xuất hiện nhiều hơn đối với những người vốn có sự tự ti kém về chính bản thân mình và không tin vào những giá trị bản thân đang có.
Do đó, ngay giây phút bạn dám bày tỏ tình cảm của bản thân với người bạn thích, bạn đã phần nào vượt qua những sự tự ti, những nỗi sợ, sự hoài nghi về chính bản thân, bạn đã phần nào tin hơn vào chính giá trị của bản thân mình hiện có. Có thể đó chỉ mới là những niềm tin len lỏi và nhỏ nhoi, và ngay cả bạn cũng không nhận ra được điều đó. Thế nhưng chắc chắn một điều rằng nó tồn tại ở đấy.
Bởi lẽ nếu không đạt được một sự tự tin nhất định, bạn sẽ không có đủ dũng cảm để bộc lộ tình cảm của bản thân với người mình thương. Nếu bạn không tự tin vào bản thân, vậy thì không khác nào bạn tỏ tình nhưng rồi lại không đủ dũng cảm để đảm đảm nhận và gánh vác phần hậu quả sau đó. Bởi lẽ, cho dù đối phương có đồng ý hay từ chối thì cũng cần một người đứng ra chịu trách nhiệm với hành động của mình. Bạn không thể nói thích một người rồi sau đấy, ''quăng con bỏ chợ'', hay viện lý do rằng ''tôi chưa đủ tự tin'', ''tôi vẫn còn quá là thấp kém'' để trốn tránh việc chịu trách nhiệm về lời nói của chính mình.
Ở đây mình không khẳng định rằng tỏ tình là cách để đạt được sự tự tin vào bản thân, hay cũng không cho rằng chỉ cần mỗi việc tự tin vào bản thân thì đã đủ để bộc lộ với người mình thương. Mình chỉ đơn giản muốn thể hiện một điều rằng khi bạn tỏ tình, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang dần tin vào những giá trị của bản thân mình hơn. Bạn không tìm cách chối bỏ bản thân quá nhiều nữa, khi đấy bạn đã quyết định học cách chấp nhận con người của bạn, có thể đó là một ''cái tôi'' không được trọn vẹn nhưng ít ra bạn đón nhận nó và mong muốn thay đổi nó theo một hướng tốt đẹp hơn.

2. Nỗi sợ bị từ chối

Có lẽ đa phần những lo sợ mình đã đề cập ở trên đều xuất phát từ một thứ đó là: ''nỗi sợ bị từ chối''.
Đây chắc hẳn là một trong những nỗi sợ không thể thiếu khi tỏ tình. Dường như không chỉ trong những mối quan hệ tình cảm lứa đôi, mà ngay cả trong bất kỳ các mối quan hệ xã hội khác, đa phần con người luôn sợ cảm giác bị chối bỏ. Chúng ta là một sinh vật xã hội, vậy nên từ rất lâu trong quá khứ, cái khát khao muốn được thuộc về, muốn được chấp nhận luôn là một điều gì đấy tồn tại trong tiềm thức của mỗi cá nhân. Do đó việc sợ hãi bị từ chối là một tâm lý dễ hiểu khi muốn tỏ tình với một ai đấy. Cho dù người đấy có những dấu hiệu ''bật đèn xanh'' liên tục với bạn, cô ấy/anh ấy hưởng ứng, thích thú với những trò đùa của bạn, nhưng bấy nhiêu đấy thôi vẫn không thể đảm bảo rằng người đó sẽ 100% say yes. Lòng người là một thứ gì đấy vô cùng khó đoán và đúng vậy đấy, bạn sẽ luôn mang trên mình xác suất 50 /50 khi ra chiến trận tỏ tình với crush.
<i>Photo by Kelly Sikkema on Unsplash</i>
Photo by Kelly Sikkema on Unsplash
Vậy nên, nếu bạn biết rằng sẽ luôn tồn tại một khả năng bị từ chối, nhưng bạn vẫn sẵn sàng để tỏ tình, thì khi đó, bạn đã dần phần nào vượt qua nỗi sợ bị từ chối. Đương nhiên điều này chẳng phải vì bạn tự tin rằng đối phương sẽ đồng ý 100%. Chẳng qua là cho dù câu trả lời của crush là như thế nào, bạn sẽ luôn chuẩn bị sẵn cho bản thân một trạng thái cảm xúc để chuẩn bị đón nhận những điều đó.
Thật ra nỗi sợ này sẽ xuất hiện nhiều hơn ở đa phần những người tỏ tình song quá chú trọng đến việc nhận được một lời phản hồi từ crush. Vậy nên nếu không quá đặt nặng vào kết quả có lẽ áp lực cũng sẽ dần vơi đi. Đương nhiên là không thể chối bỏ hoàn toàn mục tiêu, chỉ là đừng xem nó là thứ duy nhất bạn có thể đạt được, hãy nhìn bức tranh theo nhiều góc nhìn hơn, khi đấy bạn sẽ dễ dàng vượt qua nỗi sợ bị từ chối hơn rất nhiều.
Suy cho cùng, bị từ chối cũng chỉ là bị từ chối mà thôi, nhỉ?

Đôi khi tỏ tình chỉ đơn giản là tỏ tình

Có bao giờ bạn tỏ tình với một người nào đấy cho dù bạn cảm nhận được rằng xác suất bị từ chối là rất cao hay chưa? Hoặc là bạn chỉ đơn giản tỏ tình nhưng không hẳn vì mong muốn tiến vào một mối quan hệ chính thức với đối phương. Vậy thì lúc đấy bạn chỉ đơn giản là tỏ tình chỉ vì muốn tỏ tình mà thôi.
Trong phần lớn các trường hợp, tỏ tình sẽ luôn là bước đầu tiên để bắt đầu tiến vào một mối quan hệ. Và rồi nhiều người cứ từ đó mà mặc định rằng khi tỏ tình thì bắt buộc cả 2 cá nhân phải chính thức quen nhau, hoặc nếu đối phương từ chối, mối quan hệ lại rơi vào một trạng thái ''dở dở ương ương''. Có lẽ bởi vì những suy nghĩ trên khiến chúng ta có xu hướng đề cao ý nghĩa của tỏ tình hơn so với cái bản chất vốn có của hành động đó.
Tại sao lại không nhìn nhận đơn giản việc tỏ tình cũng giống như chính nghĩa đen của nó, rằng đây chỉ đơn thuần là hành động bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình với đối phương. Điều này có thể là xuất phát từ việc bạn mong muốn để đối phương cảm nhận được tình cảm đấy. Hoặc có thể là vì một tín hiệu nào đấy trong bạn mách bảo rằng ''hãy cứ tỏ tình đi'', hay đơn giản chỉ để đối phương biết đã từng, vẫn đangsẽ luôn có một người thương mến họ đến nhường nào.
Nếu suy nghĩ theo hướng đấy, có lẽ bạn sẽ thấy việc bộc lộ tình cảm ''dễ thở'' hơn rất nhiều. Bởi lẽ khi đấy, việc bày tỏ cũng gần giống như việc bạn bộc lộ tình cảm với một người mình thương mến mà chẳng cần một lý do cụ thể nào cả. Mình nghĩ tình cảm là một thứ thật đáng quý, nó thật quý giá nhưng chẳng hề mất tiền để chi trả, bạn không cần bỏ tiền để mua yêu thương hay trao đi yêu thương. Vậy thì tại sao không thể thoải mái hơn để trao đi thứ tình cảm đặc biệt ấy nhỉ?
<i>Photo by Jez Timms on Unsplash</i>
Photo by Jez Timms on Unsplash
Chắc là có người sẽ bảo chỉ có kẻ ngốc mới như thế, bởi lẽ, nếu đối phương không dành tình cảm cho bạn thì bạn chỉ tổ thiệt thân khi nói ra những lời cảm xúc đó mà thôi. Thế nhưng, cá nhân mình, mình nghĩ rằng việc quá so đo, hay đong đếm hơn thua trong các vấn đề liên quan đến tình cảm lại là việc không nên. Tại sao người ta không thương mình thì mình không nên bộc lộ, mình không nên nói với người ta cơ chứ? Tình cảm là một thứ khó kiểm soát, việc ta có cảm xúc với đối phương hay việc đối phương không dành tình cảm cho ta là một việc xuất phát từ trái tim, chẳng ai có thể ép buộc được điều đó cả. Vậy nên nếu tất cả đều được bắt nguồn từ một thứ gọi là cảm xúc, là tình yêu, vậy tại sao không để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên như cách chúng được hình thành. Có khi, nếu đủ dũng cảm để thoải mái cho đi, biết đâu bạn có thể nhận được nhiều hơn những gì bạn mong đợi.
Điều này không đồng nghĩa với việc mình đang xem nhẹ ý nghĩa của một lời tỏ tình, rồi kêu gọi mọi gọi cứ thích thì tỏ tình một cách thoải mái, và chạy trốn khỏi việc gánh vác kết quả của hành động. Chỉ là mình hy vọng rằng, đừng quá đặt nặng và dồn áp lực lên hành động đó, thỉnh thoảng hãy giữ cho việc tỏ tình được tồn tại như đúng với bản chất vốn có của nó. Khi đấy, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn, không chỉ đối với người bày tỏ mà còn với những người nhận được lời yêu thương.

Tỏ tình có thể là cách để bày tỏ niềm yêu thương bản thân

Điều này nghe thật vô lý và buồn cười nhỉ, tỏ tình là việc bày tỏ tình cảm, sự thương mến của mình với người khác. Cớ sao lại là sự yêu thương bản thân ở đây? Thật ra điều này đúng trong một số trường hợp, đặc biệt là với những mối tình đơn phương trong một thời gian dài mà không thấy được những dấu hiệu ''hi vọng''. Để mình giải thích rõ hơn nhé.
Nếu bạn đang cảm nắng một người và người đấy cũng phát ra những dấu hiệu cho thấy họ cũng dành tình cảm cho bạn. Chúc mừng bạn, khả năng thành cặp của 2 bạn rất cao nếu một trong ai nói lời tỏ tình. Thế nhưng, giả sử bạn lại đang trong một mối quan hệ mập mờ, chả đâu vào đâu, anh ấy/cô ấy của bạn ''sáng nắng, chiều mưa'', và rồi bạn cứ thấp thỏm, lo lắng về suy nghĩ, cảm giác của đối phương, bạn có dám chắc mình đủ sức khỏe, tinh thần để cứ phải trải qua những lần ''bấp bênh'' thất thường mà người ấy tác động đến mình hay không? Tệ hơn nữa, đối với những ai đang giữ trong mình những mối tình đối phương và biết chắc rằng xác suất để các bạn thành đôi là vô cùng thấp thì việc duy trì tình cảm lâu ngày sẽ dần trở nên mệt mỏi, và nặng lòng hơn rất nhiều.
<i>Photo by Tim Mossholder on Unsplash</i>
Photo by Tim Mossholder on Unsplash
Việc thầm thương trộm nhớ người khác là một việc đòi hỏi nhiều tâm trí, và tình cảm của chúng ta. Việc nhớ nhung, hy vọng, tưởng tượng, mộng mơ thực chất đó đều là những cảm xúc thông thường mà ta phải trải qua khi tương tư một ai đấy. Mình không cho rằng đó là những cảm xúc tiêu cực hoàn toàn mà chúng ta cần né tránh. Thế nhưng nếu chúng ta để bản thân trở nên phụ thuộc, hay cứ mãi đắm chìm vào những cảm xúc ấy, bản thân sẽ dễ bị lay chuyển theo những ý muốn, tác động của đối phương.
Bởi lẽ nếu đối phương ''tận dụng'' việc bạn thích người đấy vào những mục đích nhất định và rồi lại đẩy bạn sang một bên khi họ chán thì liệu lúc đấy cảm xúc và chính bản thân bạn có còn được tôn trọng hay không. Họ gieo rắc những hy vọng nhưng có thể vô tình hoặc cố ý đem đến cho bạn những thất vọng. Vậy nên nếu cứ bám vịnh vào đấy để có thể vui vẻ, hạnh phúc thì chính bạn sẽ dần trở nên phục thuộc vào đối phương rất nhiều. Bạn không thể lúc nào cũng ngày đêm mơ mộng về ''người ấy'' sẽ xuất hiện để đem đến niềm vui cho mình được mãi.
Do đó, thay vì cứ mãi ôm trong mình những cảm xúc rồi hằng ngày lo lắng, hy vọng, rồi lại thất vọng, ngay lúc này, có lẽ một lời tỏ tình chính là một sự cứu cánh cho cảm xúc của bạn. Hãy tỏ tình để bộc bạch rõ ràng cho đối phương. Chính khi đó, bạn sẽ học được cách dần làm chủ cảm xúc, và bảo vệ bản thân trước những nguy cơ có thể bị người khác đột ngột ''tấn công''. Bạn sẽ tránh được việc tình cảm của mình không được xem trọng, hay bị ''tận dụng'' vào những mục đích khác.
Mình biết nói ra điều này thì thật ''cứng nhắc'' và có phần ích kỷ. Bởi lẽ, nếu thích một người mà lúc nào cũng cảnh giác, rồi bật chế độ để bảo vệ bản thân, thì còn gì là những thú vị của tình yêu nữa. Thế nhưng, mình nghĩ nói việc này ra rất cần thiết, bởi lẽ khi lún vào tình yêu, không ít người trong số chúng ta bị vẻ đẹp và sự hào nhoáng của tình yêu làm mờ mắt và rồi thiếu đi sự lý trí cần có để làm chủ chính mình. Chúng ta sẽ có tâm thế hơi buông lơi và phớt lờ bản thân, bởi lẽ khi đó trong mắt chúng ta chỉ toàn là một bức tranh màu hồng về crush mà thôi. Do đó, việc nhận biết được những cảm xúc bản thân, hay học được cách bảo vệ những xúc cảm ấy là việc hết sức cần thiết.
Đừng cứ mãi chăm chăm vung vén cho cảm xúc của người khác, hãy luôn nhớ dành tình cảm cho bản thân mình, hãy biết đưa ra những quyết định phù hợp nếu nhận thấy cảm xúc của bản thân đang không được trân trọng. Và rồi bạn sẽ nhận ra, trong những trường hợp đó, việc nói với người khác mình thương họ cũng chính là cách để nói yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn.

Tỏ tình đôi khi có thể đem đến những điều ý nghĩa cho đối phương

Có bao giờ bạn thích một người nhiều đến mức bạn muốn bộc lộ với đối phương, nhưng lý do lại không xuất phát từ bạn mà lại từ chính đối phương hay chưa? Bởi vì bạn tin rằng khi đối phương biết được những cảm nhận của bạn, có thể điều đấy sẽ đem lại một lợi ích gì đó cho đối phương rất nhiều. Nghe có vẻ vô lý nhỉ, mình thật sự cũng không biết phân tích sao cho rõ ràng. Thôi thì chắc lấy ngay câu chuyện của bản thân để làm ví dụ rõ hơn về điều mình muốn nói.
Mình từng thích một bạn nam vào những năm cấp 3, nói không khách sáo thì mình dành gần trọn 3 năm để thầm thích cậu ấy. Mình đã dành gần ấy thời gian để thầm thương trộm nhớ bóng hình của một cậu con trai. Thế nhưng kỳ lạ là chúng mình vẫn chưa một lần nói chuyện trực tiếp ngoài đời.
Mình biết điều này thật vô lý, buồn cười và có phần ngốc nghếch. Mình chỉ thích cậu ấy, nhưng mình không hề tiến đến hay chủ động bắt chuyện với cậu. Tất cả những gì mình biết về cậu ấy đều được mình ''moi'' thông tin từ người bạn thân của mình - người học chung lớp với cậu ấy. Mình cứ hỏi người bạn của mình về những thông tin, việc học, rồi sở thích của cậu ấy, mình cười khi nghe những chuyện vui của cậu và tự buồn lòng khi biết được những chuyện gì tồi tệ đã xảy ra với cậu ấy.
Trong khoảng thời gian đấy, mình không hề có cơ hội nói chuyện, hay nhắn tin với cậu, thế nhưng bằng một cách nào đấy, mình vẫn thích cậu ấy. Mình đã ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình dành cho cậu ấy trong một quyển sổ, cứ khi nghe tin dù vui hay buồn gì về cậu, mình lại viết vào đấy những tâm sự của mình. Cuốn sổ giống như một đoạn hội thoại giữa cậu ấy và mình, nhưng tiếc là trong cuộc trò chuyện chỉ có mỗi mình độc thoại mà thôi.
Chỉ đến khi mình học 12, mình còn nhớ lúc đấy là gần cuối học kỳ 1. Khi mọi bạn bè cùng trang lứa tập trung ôn thi tất bật thì cậu ấy lại trốn học đi chơi game. Cậu ấy trốn học nhiều đến mức thầy chủ nhiệm đã dọa rằng nếu trốn học nữa thì cậu có thể bị đuổi học. Mình còn nhớ lúc nghe tin này mình đã buồn và khóc nhiều như thế nào. Bởi lẽ, mình biết rằng cậu ấy là một học sinh tốt, tuy không quá xuất sắc nhưng nếu cậu ấy chịu khó ôn tập thì chắc chắn có thể vào được một ngôi trường Đại học tốt. Mình thật sự không mong rằng người mình thích lại vì vài tháng cuối cùng để rồi ''buông thả'' bản thân và rồi làm ảnh hưởng đến tương lai phía trước.
Thế rồi mình cũng chả biết lúc đấy lại đào đâu ra cái niềm tin rằng ''ôi nếu cậu ấy biết có một con bé vẫn luôn rất quan tâm đến cậu ấy rất nhiều thì có thể cậu ấy sẽ thay đổi không chừng''. Vậy nên với cái suy nghĩ ngu ngơ ấy của một con nhóc 18 tuổi, mình đã bộc bạch với cậu ấy những suy nghĩ, tình cảm của mình dành cho cậu. Mình tặng quyển sổ mà mình đã ghi lại tất cả những tâm tư tình cảm cho cậu ấy mà mình thầm cất giữ trong suốt 3 năm trời.
Và thế là sau đó, bằng một phép màu nào đấy cậu ấy thật sự đã thay đổi, cậu ấy đã không còn nghỉ học nữa và tập trung hơn vào việc học. Mình không dám khẳng định rằng mình là nhân tố chính đã tác động đến cậu, nhưng mình tin rằng đâu đấy, việc biết được những cảm xúc chân thành mình dành cho cậu đã khiến cậu ấy phần nào thay đổi.
<i>Photo by Debby Hudson on Unsplash</i>
Photo by Debby Hudson on Unsplash
Mình chọn câu chuyện này bởi lẽ, khi mình tỏ tình với cậu ấy, lý do chính là bắt nguồn từ mong muốn có thể giúp cậu ấy. Bản thân mình lúc đấy không có ý định, cũng như không hề mong đợi một câu trả lời nào từ cậu. Mình chỉ đơn giản là mong muốn cậu ấy thay đổi tích cực hơn. Tụi mình sau đấy cũng có nhắn tin với nhau nhưng tất cả đều chả đi vào đâu cả, không ngoài dự đoán, cậu ấy đã gián tiếp từ chối mình. Mình không quá buồn vì mình đã chuẩn bị tinh thần từ trước, sau đấy vài tháng cậu ấy cũng đã có người yêu và đương nhiên người đó không phải là mình.
Đôi lúc ngẫm lại chuyện này, một phần trong mình thường thầm trách bản thân sao lại ngốc nghếch thế, cứ để tâm, cứ ưu tiên đến cảm xúc người khác thôi. Thế nhưng, dù nhìn nhận thế nào, mình cũng không hề hối hận với quyết định của mình khi đó, vì mình tin rằng chí ít mình cũng đã giúp đỡ và đã có thể làm được điều gì đấy cho người mình từng thương. Thêm vào đó, suy xét lại, hành động ấy cũng đã giúp mình rất nhiều, bởi lẽ, nếu không tỏ tình thì có lẽ đến giờ này mình vẫn còn mãi ngậm ngùi và nhớ nhung mối tình đơn phương không có hồi kết.
Mình tin rằng cảm giác biết được có một người yêu thương mình, cảm giác biết rằng mình được quý mến và được quan tâm là một trong những mong muốn của nhiều người. Con người chúng ta, ngay từ bé hay có cả lớn lên về già đi chăng nữa thì đều luôn khát khao được yêu thương mà nhỉ. Vậy nên, dẫu biết có thể bị từ chối nhưng vẫn chấp nhận nói ra để mang đến cảm giác ''được thương'' cho người mình thương cũng là một cách để bộc lộ việc bạn rất thương và quan tâm rất nhiều đến đối phương rồi đấy.

KẾT

Thành thật thì những điều mình rút ra được ở phía trên đều là những ý nghĩa mang đến nhiều hơn cho người đi tỏ tình. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại một lần nữa, bạn đang trong một mối quan hệ song phương, thế nên không thể chỉ vì những mong muốn cá nhân, những lợi ích riêng của bản thân mà có thể buông thả để nói lời tỏ tình một cách ''bừa bãi''.
Vậy nên khi tỏ tình đừng chỉ mãi tập trung vào những lo sợ, cảm xúc của bản thân, mà quên đi dự liệu trước việc đối phương có thể có những cảm xúc bối rối hư thế nào. Hãy nghĩ cho bản thân, nhưng cũng cần quan quan tâm đến cảm nhận đối phương, hãy thử cân nhắc xem liệu lời tỏ tình có thật sự gây ra những bất tiện, rắc rối nào thêm cho cuộc sống của họ hay không? Và rồi liệu họ có đủ tâm thể để đón nhận một lời tỏ tình từ bạn hay chưa.
Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều có quyền yêu và được yêu thương.
Cảm ơn mọi người đã đọc ^^.