Những chủ đề manga của Hideo Yamamoto
Hideo Yamamoto khởi nghiệp với tư cách là một tác giả truyện tranh vào năm 1989, và trong suốt 30 năm qua, ông đã tạo ra hơn 10 tác...
Hideo Yamamoto khởi nghiệp với tư cách là một tác giả truyện tranh vào năm 1989, và trong suốt 30 năm qua, ông đã tạo ra hơn 10 tác phẩm. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng phân tích một số tác phẩm nổi bật của Hideo Yamamoto để hiểu rõ hơn về phong cách và tư tưởng của ông.
Okama Report: transvestism & gender bending
Ngay khi mới 20 tuổi, Hideo Yamamoto đã quan tâm đến những biểu hiện của lệch lạc tình dục. Ông được biết đến đầu tiên với SHEEP (1989, đăng trên Weekly Young Sunday của Shogakukan), nhưng ở manga này ông chỉ đóng vai trò họa sĩ thôi, truyện thì do một người khác viết. Chỉ đến Okama Report (1989-91, Weekly Young Sunday), Hideo Yamamoto mới làm việc với tư cách là tác giả từ nội dung đến hình thức. Và ngay từ seinen này, chúng ta có thể thấy transvestism (sở thích và tâm lý của những người ăn mặc như người khác giới) và gender being (việc bẻ cong giới tính) là hai chủ đề đã thu hút ông như thế nào.
Nhân vật chính là anh chàng Shinya Okama, trong một bữa tiệc rượu đã bị bạn bè trêu đùa hóa trang thành một cô gái, nhưng đó là một cô gái rất đẹp. Việc này khiến cho sau đó, anh ta tiếp tục giả gái và dùng một danh tính giả là Catherine. Vấn đề là Shinya Okama lại yêu cái danh tính Catherine của mình, đến mức có lần anh nhìn mình trong gương rồi thủ dâm.
Có thể thấy, ngay từ Okama Report, Hideo Yamamoto đã không ngần ngại thảo luận về những chủ đề tương đối là cấm kỵ. Mặc dù Okama Report bị cộng đồng LGBTQ chỉ trích vì những mô tả rập khuôn và không chính xác về các nhóm thiểu số về giới và tính dục, nhưng sự thực là, qua nội dung truyện, ta thấy bản thân Hideo Yamamoto hé lộ một thái độ vô cùng cởi mở với những khác biệt về sở thích và hành vi tình dục.
Có thể trong quá trình thực hiện Okama Report, Hideo Yamamoto thường ghé thăm các quán bar dành cho người đồng tính nam vì đặc trưng trong quá trình sáng tác của Hideo Yamamoto là ông thường áp dụng cái gọi là “method acting” trong diễn xuất, để nhập vai vào cuộc đời nhân vật. Khi sáng tác Voyeur chẳng hạn, ông đăng ký vào một trường đào tạo thám tử, và khi sáng tác Homunculus, ông đã thử sống như một người đàn ông vô gia cư ở khu Nishi-Shinjuku.
Việc Hideo Yamamoto quan tâm về những chủ đề mang tính thực tế xã hội, thay vì kỳ ảo, cho thấy ông có khuynh hướng quan tâm đến những thứ thế tục. Có thể ông là một người vô thần, hoặc không tin vào thế giới bên kia. Chi tiết giác quan thứ 6 trong Homunculus thực ra chỉ càng khẳng định sự thế tục của ông, vì nó nói lên rằng: Chỉ trong thế giới này mới có thể tồn tại tất cả những hình thức sống điên rồ nhất, và phải đi sâu vào bên dưới bề mặt của cuộc sống hàng ngày mới thấy được những kỳ quặc, những quái đản, những dị hợm vận hành cuộc sống của chúng ta. Ông tham vọng mổ xẻ tâm lý con người thế tục, và thường muốn đẩy những khả năng thể chất lẫn tinh thần của con người sinh lý đến mức cực đoan nhất để xem giới hạn chịu đựng đau đớn và tổn thương.
Okama Report dường như là tác phẩm duy nhất mà ở đó Hideo Yamamoto còn đưa vào yếu tố hài hước, thứ vẫn có thể tìm thấy loáng thoáng trong Voyeurs, Inc., nhưng không còn nữa trong các tác phẩm sau đó. Phong cách sáng tác của ông trong Okama Report cũng tương đối giống shoujo và khác với trong Ichi The Killer hay Homunculus.
Sự quan tâm của Yamamoto đối với vấn đề lệch lạc tình dục cũng có thể được tìm thấy trong Voyeurs, Inc., một bộ truyện tranh xoay quanh voyeurism (việc tìm thấy khoái cảm tình dục trong thực hành nhòm lỗ khóa, nhìn lén những người khác trần trụi hoặc làm tình). Còn Enjokousai Bokumetsu Undou (Hideo Yamamoto viết truyện, họa sĩ là Koshiba Tetsuya) thì nói về enjo kōsai, một hiện tượng ở Nhật khi các cô gái trẻ cặp kè quan hệ với các ông lớn tuổi để được cho tiền. Tất cả các tác phẩm này đều được đăng nhiều kỳ trên Weekly Young Sunday từ năm 1989 đến năm 1997.
Ichi The Killer: bạo lực và sadomasochism
Nếu như trong Voyeurs, Inc. và Enjokousai Bokumetsu Undou, Hideo Yamamoto tạo ra một kịch bản mà dục tính dẫn dụ người ta đến cái chết, thì trong Ichi The Killer (1998-2001, Weekly Young Sunday) Yamamoto muốn xem xem con người có thể tiến xa như thế nào với bạo dâm và khổ dâm.
Bề ngoài, Ichi, hay Shiroishi Hajime, là một thanh niên siêng năng và tốt bụng điển hình, nhưng bên trong, anh là một kẻ bạo dâm bùng nổ (explosive sadist), đồng thời mắc PTSD và rối loạn nhân cách. Chỉ có một thứ có thể kích thích anh là các vết sẹo và vết bầm, và chỉ anh cũng chỉ xuất tinh khi gây đau đớn cho người khác. Mặt khác, Kakihara Masao, một tay trùm băng đảng Yakuza, lại là một kẻ khổ dâm, chỉ thỏa mãn tình dục khi bị trói, đấm, véo, quất, đá, hoặc tra tấn. Khoái cảm với nỗi đau này của Kakihara khiến cho những tên đàn em của gã, dù có bạo lực cách mấy, vẫn nể sợ.
Hideo Yamamoto như thể muốn cười khẩy vào sự lưng chừng thực hành bạo dâm và khổ dâm, khi ông để cho biểu tượng cực đoan nhất của khổ dâm Kakihara gặp gỡ với biểu tượng cực đoan nhất của bạo dâm là Shiroishi, để đi đến nhận định: Hóa ra là một khi đối mặt với cái chết, ngay cả một kẻ như Kakihara cũng phải chạy lấy mạng sống của chính mình. Thông qua nhân vật, Yamamoto lý giải cơ chế tâm lý của chứng khổ dâm là mối tương quan giữa tuyệt vọng và hy vọng: Phần nào của khoái cảm đến từ việc họ vẫn thấy cái khả năng của việc được giải thoát, nhưng nếu đối mặt với bạo lực thực sự chứ không phải giả vờ, thì cơn sợ hãi sẽ trở lại.
Với Ichi The Killer, Hideo Yamamoto đã chứng minh rằng quái vật hoàn toàn không xa lạ với thế giới của chúng ta. Cũng giống như Johan Liebert trong Monster của Naoki Urasawa, Ichi là nạn nhân của việc bắt nạt học đường trong thời gian dài và sau đó là một trò thao túng biến anh thành một cỗ máy giết người. Chính vì bạo lực và điên loạn chưa bao giờ ngừng tồn tại trong thế giới của chúng ta, nên những con quái vật kiểu như thế chưa bao giờ ngừng sinh ra.
Ichi The Killer cũng đánh dấu những thay đổi trong nét vẽ của Yamamoto. Phần background chi tiết và nghiêm túc hơn. Các nhân vật không còn có đôi mắt shojo to tròn long lanh như trong Okama Report hay Voyeurs, Inc.; hẳn vì không còn chỗ cho sự dễ thương ở một xã hội man rợ như Ichi The Killer. Tạo hình nhân vật làm nổi bật được đặc trưng của từng cá thể, từ Shiroishi, Kakihara, Jii-san, Kaneko, đến cặp song sinh Jirou và Saburou.
Cách Hideo Yamamoto thể hiện các mức độ của bạo lực cũng rất đáng chú ý. Chẳng hạn như sự bạo lực của cặp song sinh Jirou và Saburou đóng vai trò như một bước đệm để cho thấy sự bạo lực của Kakihara còn cao hơn, và do đó nó ghê gớm đến mức nào.
Cũng trong Ichi The Killer, Hideo Yamamoto kiểm soát tốt hơn và linh hoạt hơn trong các “camera angle”, thủ thuật vẽ truyện phát triển dựa trên điện ảnh. Đây là nền tảng để Yamamoto thành công với kiệt tác Homunculus sau đó của mình.
Homunculus: body dysmorphia and gender dysphoria
Một đặc điểm nổi bật khiến tác phẩm này khác với các tác phẩm trước của Hideo Yamamoto là “kỹ thuật điện ảnh” (cinematic technique) của nó: Việc kết hợp các góc nhìn và hiệu ứng hình ảnh khác nhau để kể một câu chuyện bằng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trang. Kỹ thuật này ban đầu được đặt ra bởi Osamu Tezuka, cũng kể từ ông mà manga phát triển khác với với comics Mỹ. Manga dùng ít chữ hơn comics trong một trang.
“Ở truyện tranh Mỹ, người ta có khi chỉ dùng một trang truyện (panel) với bong bóng thoại để tường thuật lại toàn bộ sự việc Siêu nhân từng giải cứu Lois Lane trong quá khứ. Ở manga thì khác, người ta có thể dùng đến mười trang và không có chữ nào.”
“Phong cách điện ảnh cho phép các họa sĩ manga phát triển cốt truyện và nhân vật của họ phức tạp hơn, có chiều sâu tâm lý và tình cảm hơn. Giống như những đạo diễn phim giỏi, họ có thể tập trung sự chú ý của người đọc vào những chi tiết vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày - vào những cảnh lá rơi từ trên cây, hay hơi nước bốc lên từ bát mì nóng hổi, hoặc thậm chí bà bầu dừng lại trong cuộc trò chuyện - và gợi lên những liên tưởng và ký ức đang gây xúc động mạnh. (Schodt, 1996)
Kỹ thuật điện ảnh này được Hideo Yamamoto áp dụng một cách khéo léo trong Homunculus (2003-2011, Big Comic Spirits) khi những trang đầu tiên chỉ đơn thuần là những nét tĩnh lặng của cảnh quan thành phố, với rất ít hoặc không có chữ nào cả. Cả bối cảnh và nhân vật trông chân thực hơn so với các tác phẩm trước đây của Yamamoto.
Homunculus làm cá nhân tôi khá cảm động vì bản thân tôi cũng có một số vấn đề về hình ảnh cơ thể. Lý do khiến nhân vật Manabu Ito bị ám ảnh bởi việc khoan sọ để có giác quan thứ sáu là vì anh luôn khao khát được biết về vết thương lòng của bản thân, vốn là một phức cảm đến từ gender dysmorphic disorder (trạng thái tâm lý khi giới tính sinh học không phù hợp với mong muốn của bản thân) và từ mối quan hệ nhiều ẩn ức của anh với một người cha độc đoán và khắt khe. Mặt khác, nhân vật Susumu Nakoshi thì phải đấu tranh lâu dài với body dysmorphic disorder suốt thời niên thiếu, điều này khiến anh lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ và cố tình cắt bỏ ký ức đau buồn của mình để bắt đầu một cuộc sống mới. Anh không thể tiếp tục sống với quá khứ, nhưng đồng thời lại cũng không cảm thấy kết nối với cuộc sống hiện tại nữa, vì anh luôn thấy có gì đó giả dối, thế nên anh muốn trở lại như hồi còn nằm trong bụng mẹ để bắt đầu mọi thứ lại từ đầu.
Vấn đề của cả Ito và Nakoshi đều bắt nguồn từ thực tế là không ai nhìn họ như cách họ nhìn thấy bản thân bên trong, và chỉ những người có giác quan thứ sáu mới có khả năng làm được điều đó. Điều này đề cập đến một vấn đề cơ bản của nhận thức luận: the other-minds problem (tâm trí của kẻ khác), rằng cảm giác của mỗi người là riêng tư và do đó chúng ta không bao giờ có thể hiểu được cảm xúc của người khác. Cái kết bi thảm của Susumu Nakoshi cho thấy cái nhìn bi quan của Yamamoto về thân phận con người và rằng một thế giới không tưởng nơi mọi người hoàn toàn bình đẳng về ngoại hình chỉ xuất hiện trong tâm trí của một gã điên.
Body dysmorphia và gender dysphoria là hai chủ đề quan trọng trong Homunculus. Tuy nhiên, bộ phim chuyển thể live action hồi đầu năm nay đã loại bỏ chúng và đơn giản hóa các vấn đề tâm lý của các nhân vật chính. Đây là một điều đáng thất vọng đối với riêng tôi.
Nhân vật chính Susumu Nakoshi trong Homunculus, với khả năng nhìn thấy các homunculus của những người xung quanh, gợi nhắc chúng ta đến Ko trong Voyeur, người nói rằng anh ta có năng lực nhìn thấy bản chất thật của con người. Tác phẩm tiếp theo của Yamamoto, Hikari-man (2014-2010, Big Comic Spirits) nói về khả năng điều khiển điện của cơ thể người, và Adam and Eve (2015-2016, được vẽ bởi Ryoichi Ikegami, Big Comic Superior), nói về sự vượt trội của giác quan. Cả hai tác phẩm này đều cho thấy Hideo Yamamoto quan tâm đến chủ đề về các tiềm năng và giới hạn của cơ thể người, như thế muốn đặt vấn đề về sự tồn tại của một giống loài người ưu việt hơn con người trần thế hiện có nhưng dựa trên những cơ sở tương đối của khoa học.
Một chân dung về Hideo Yamamoto
Manga của ông thường lấy bối cảnh đô thị đương đại của Nhật Bản, nhưng ông lại muốn đào sâu vào thế giới ngầm của yakuza, về voyeurism, về enjo kōsai, về cross-dressing, về sadomasochism. Điều này chứng tỏ ông muốn tìm cái quái dị trong cái thường tình. Các nhân vật của ông vốn đều chỉ là người bình thường nhưng bị đẩy đến giới hạn và cùng cực của năng lực hay sự chịu đựng.
Khác với Kentaro Miura hay Hiroya Oku, Hideo Yamamoto không vẽ ra thế giới kỳ ảo, mà tìm kiếm cái kỳ quái bên trong thế giới bình thường. Cũng không giống như Naoki Urasawa, người thường có cái nhìn lớn vào diễn biến, trải rộng câu chuyện trên một chiều dài lịch sử và địa lý, đan cài nhiều tuyến nhân vật khác nhau, Hideo Yamamoto tiếp cận vấn đề từ góc độ cá nhân.
Hideo Yamamoto có thể là một độc giả của Sigmund Freud và Lacan. Một người vô thần, bi quan và hay có những suy nghĩ hoang dại về tình dục. Có lẽ vì cái khuynh hướng có vẻ nguy hiểm này mà ông không được biết đến rộng rãi. Hideo Yamamoto vẫn là tác giả manga có một không hai, và chắc chắn là một trong số ít những người vẫn có thể làm chúng ta phải kinh ngạc giữa thời điểm có quá nhiều manga trên đời.
À trong bài viết 10 mangaka đáng đọc nhất của truyện tranh Nhật Bản trên đây, tôi nhầm nhé mọi người. Cái ảnh trong bài đó không phải của ông Hideo Yamamoto truyện tranh mà của một ông khác cũng tên đó, nhưng làm nghề khác. Đây mới là Hideo Yamamoto thật nè:
Otakulture
/otakulture
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất