Có một sự thật, rằng tôi chỉ mới đọc Yotsuba&! trong khoảng thời gian social distancing. Bản thân là thế hệ 9x, gắn với thời điểm TVM mua bản quyền truyện tranh Nhật về, nhưng tôi chỉ mới biết đến bộ truyện đó nhờ một người giới thiệu, lý do là họ thấy tôi có năng lượng khá giống cô bé này. Tập đầu tiên tôi được gửi là tập bé chơi thổi bong bóng cùng với những người bạn của mình. “Wow, sao có quá nhiều dụng cụ thổi bóng hay hay mà mình không biết ta”, rồi thì chỉ muốn nhảy cẫng lên. Không biết sao, nhưng tôi thích cách cô bé thích thú tròn mắt và chạy theo những chùm bong bóng quá. Thực sự chỉ muốn rủ một hội ra phố đi bộ chơi ngay và luôn.
Nhân vật chính của bộ truyện là Yotsuba - cô bé năm tuổi nổi bật với bốn chùm tóc màu xanh lá giống cỏ bốn lá. Truyện gồm 13 tập và 100 chapter, mỗi chapter xoay quanh cô bé và một thứ gì đó. Ở mỗi tập, Yotsuba thể hiện sự thích thú nhất định và cuốn mọi người vào cuộc chơi với mình. Ở cô bé luôn toát ra nguồn năng lượng tươi vui có thể khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng trở nên rạng rỡ và hạnh phúc. Những người tham gia trò chơi với cô bé hiếu động này đều lớn hơn cô bé cả. Trước hết là Yousuke Koiwai - cha nuôi của Yotsuba, làm dịch thuật freelance và hai người bạn của anh - Jumbo to lớn làm việc ở tiệm hoa, Yanda nam thần tóc trắng nhưng nhiều lúc hành xử như đứa trẻ chưa lớn, rất nhây với Yotsuba. Chúng ta có những người hàng xóm, là ba chị em gái. Ena - nhỏ tuổi nhất, bên ngoài bánh bèo nhưng bên trong lại vô cùng mạo hiểm, rất hay quan tâm đến bảo vệ môi trường. Fuuka - cô chị giữa thích mặc những chiếc áo thun kỳ quặc và luôn nghĩ làm sao để trở nên xinh đẹp hơn bằng cách giảm cân. Asagi - cô chị cả - cực kỳ xinh đẹp và cá tính, luôn hưởng ứng với những trò chơi của Yotsuba, kiêm luôn crush của Jumbo và hay cho ông này ăn quả phũ phút cuối. Ngoài ra còn mẹ của ba chị em, được Yotsuba gọi là “Mom”, và những người bạn thân của ba chị em kia nữa. Điều kỳ lạ rằng kể cả khi họ đang trong quá trình trở thành người lớn, hay đã trưởng thành, tất cả đều biết cách bày trò và chơi hết mình với Yotsuba.
Tuy nhiên, dù khá thích thú và cảm thấy hoài niệm trong từng trò chơi của bé Yotsuba, nhưng khi đọc Yotsuba&!, tôi không khỏi bất ngờ và có đôi phần hụt hẫng. Nó khác hẳn với những bộ truyện tranh của Fujiko F Fujio mà bố tôi mua về cho tôi thời tiểu học- Doraemon, Siêu nhân Mami hay Nhóc Bakuro. Không bửu bối, không biến hình, chẳng năng lực siêu nhiên. Không có những trận cãi nhau tóe lửa hay những đoạn bùng cháy cảm xúc. Thậm chí chẳng có chi tiết đủ gây cười lăn lộn, nếu có cười cũng chỉ phì cười vì vài sự ngây ngô của cô bé và người lớn. Thậm chí, trước khi biết đến Yotsuba, tôi chẳng hề đoái hoài đến Dunbo - robot carton trong bộ truyện. Yotsuba chẳng hề được quảng bá rầm rộ và có hình tượng như Doraemon, nhưng tại sao nhiều người lại thích đọc bộ truyện đến thế?


“Vì hôm nay luôn luôn là ngày đáng để tận hưởng nhất”

Đó là dòng chữ luôn được ghi ở ngay trang bìa của mỗi tập truyện Yotsuba “Today is always the most enjoyable day”. Trong một bài phỏng vấn năm 2014, Azuma kể rằng ông không biết mình đang nghĩ gì khi bắt đầu bộ truyện, nhưng ông chỉ cảm giác mình đang tìm kiếm điều gì ấy hài hước một cách tự nhiên, và tạo nên nhân vật đứa trẻ là thứ ông nghĩ đến. Chính vì vậy, mọi thứ trong Yotsuba, đơn giản chỉ là rất thật. Mỗi ngày của cô bé đơn giản chỉ là ở nhà, hay đi qua nhà hàng xóm, ra đường thấy thứ gì đó mới và thích thú, quậy đến cùng với chúng. Và việc của người đọc, chỉ là tưởng tượng mình trong câu chuyện ấy, tận hưởng từng cung bậc cảm xúc của cô bé khi khám phá thế giới xung quanh mình. Tôi rất thích cách Azuma phác họa biểu cảm của Yotsuba, lần nào cũng phải tan chảy trước mọi cảm xúc của cô bé.  Mỗi khi gặp ai đó, mắt bé luôn sáng rực lên, miệng cười hết cỡ. Tiếng cười của Yotsuba cũng rất đặc biệt, không phải “haha” như những quyển truyện khác, mà phải là “Ahahahahaha”, mỗi lần cười như vậy mắt bé tít lại. Khóc thì mắt tròn và rưng rưng, miệng mím lại, hai vai run run. Khi nghiêm túc thì nhíu mày và tỏ vẻ cương quyết như người lớn. Những biểu cảm này nếu đưa lên phim sẽ khó khi người làm phim phải làm bật nên cái hồn của Yotsuba, người lồng tiếng phải diễn tả được cử chỉ của cô bé ở mức vừa phải nhưng không quá lố. Và với cốt truyện đơn giản thế này, mọi thứ tốt nhất chỉ nên ở tranh vẽ, vì lên phim nó mất đi tính "tĩnh mà động" rất riêng của bộ truyện này.

Cảnh này cưng đến độ cứ phải xem đi xem lại miết
Cách mà Azuma phác họa Yotsuba khiến người đọc có cảm giác rằng cô bé này đang xuất hiện ngay trước mặt mình, rủ người đọc tham gia vào cuộc chơi thật sự. Chẳng phải hồi bé thơ, chúng ta đã có những lúc nhảy cẫng lên vì vui sướng, khóc khi nghe ai đó chọc rằng ba mẹ mình không yêu mình này, sợ hãi khi đi lạc rồi hét lên tên mình, hay thậm chí đưa người khác vào trò đuổi bắt? Hay thích thú ôm và mân mê món đồ chơi trước khi lựa chọn chúng? Còn nhớ, bạn đã háo hức thế nào khi được người lớn đồng ý cho đi chơi và hụt hẫng khi bị cho nghỉ ở nhà vì bệnh? Chính những cảm xúc và sự thích thú ấy, mới là thứ khiến cho chúng ta học cách hết mình với ngày hôm nay. Nhưng chúng đã đi đâu rồi, khi lớn lên?

Tình cha con trong Yotsuba


Công chúa bao rác =))))
Nếu những tập đầu của Yotsuba tập trung vào những trò nghịch phá và cách cô bé khám phá thế giới xung quanh, những tập ở khúc giữa lại khiến tôi cảm thấy ấm áp về tình cha con. Yousuke Koiwai đã gặp Yotsuba ở nước ngoài và nhận nuôi cô bé. Điều khiến tôi cảm phục ở người cha trẻ này là anh còn trẻ, có lối sống tự do và nhìn bề ngoài có nét nghệ sĩ, thậm chí chưa kết hôn. Tuổi của anh là độ tuổi xây dựng sự nghiệp, có cái tôi lớn và anh lại thuộc tuýp người ít ra ngoài với xã hội. Jumbo và Yanda cũng có nét như trên. Vì thế, việc anh có thể yêu thương cô bé giống như một người đàn ông trưởng thành thật sự khiến tôi nể phục. 
Đơn cử ở tập nói dối: Yousuke biết con nói dối, nhưng anh chỉ lẳng lặng dẫn tay cô bé đến một ngôi đền, thả cô bé vào tượng vị thần nét mặt khá hung tợn để cô bé chứng minh sự thành thật của mình. Khi cô bé òa khóc và thừa nhận lỗi của mình, người cha chỉ nhẹ nhàng nói ai cũng có lúc sai và hào hứng chơi với bé. Hay tập cắm trại, Yotsuba mải mê chơi với những người bạn, nhưng đến lúc ngủ, chui rúc trong chiếc túi ngủ và thấy lạc lõng, òa khóc và đòi Yousuke vỗ về như lúc ở nhà. Mỗi lần nhìn cảnh Yousuke cõng hay ôm Yotsuba, tôi đều sững lại xúc động một chút. Trong sự chuyển động không ngừng của một ngày, vẫn ánh lên sự ấm áp và vui nhộn của tình cha con. Cách yêu thương của người cha nuôi dành cho Yotsuba làm tôi nhớ đến trích đoạn trong truyện Con mèo dạy hải âu bay. Một người làm cha làm mẹ bình thường sẽ không ai có thể làm nổi việc nuôi nấng cô bé, để cô bé phát triển đúng với con người mình. Chỉ có một ai đó thật sự dị biệt, mới có thể hiểu và đưa cho cô bé những gì cô bé cần. Tình cảm Yousuke dành cho Yotsuba là thứ tình cảm giống như cách mèo mun Zorba dành cho chú chim hải âu con trong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay vậy”. Nó cho thấy kể cả khi hai người không cùng máu mủ, khác nhau hoàn toàn, nhưng lại yêu thương và chấp nhận vô điều kiện ở nhau. 
Tuy Azuma từng nói rằng việc xây dựng người cha nuôi của Yotsuba là sự lý tưởng hóa, nhưng bản năng người cha của Yousuke làm tôi liên tưởng đến ông nội và bố tôi. Ở Yousuke toát ra vẻ lạnh lùng và xuề xòa, nhưng bên trong lại là sự kiên nhẫn vô cùng lớn. Anh đưa con đi chơi, để con thích thú chạy nhảy không ngừng, nhưng vẫn ở từ xa quan sát con và đến khi bé gọi. Anh hòa mình vào những trò chơi hóa thân của cô bé, lắng nghe những lời triết lý già đời của Yotsuba. Anh để con học làm mọi thứ và từ từ đợi con hoàn thành. Nhìn sự vui tươi của Yotsuba, tôi hiểu tại sao cô bé lại mang tên của loài cỏ bốn lá. Có lẽ cô bé may mắn khi có một người có thể thấu hiểu và yêu thương cô bé đến vậy.
 Lớn lên trong sự chiều chuộng từ ông nội và bố, tôi hiểu rằng người đàn ông có một sức mạnh rất riêng so với người phụ nữ trong việc đối xử và nuôi dạy con cái. Điều đó ảnh hưởng lên cả cách người con gái tìm kiếm và lựa chọn người bạn đời mà họ gắn bó sau này. Đó là cách chiều chuộng, nâng đỡ từ xa. Một người cha nóng tính, sẽ không thể nào nhẹ nhàng nói xin lỗi với những người xung quanh hiểu cho cô bé. Một người bị lao tâm khổ tứ về gánh nặng cơm áo gạo tiền sẽ không đủ sự bao dung và vui tươi để hào hứng tham gia trò chơi của con trẻ. Và chính mỗi đứa trẻ trong những người đàn ông sẽ là thứ khiến đứa bé có thể phát huy hết năng lượng của chính mình.

Gì chứ mùa này dễ đói kiểm soát bản thân nha mấy đứa =)))

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ chỉ vẫn đẹp khi Yotsuba ở tuổi lên năm

Tôi nghĩ Azuma đã cố tình dừng lại khi Yotsuba năm tuổi. Đã có những lần Yousuke băn khoăn khi Yotsuba năm sau sẽ đi học. Có những tập thể hiện cô bé đã rất hào hứng khi cùng tham gia với những cô bé hàng xóm khi làm bài tập. Nghĩ đến chuyện đi học của con gái, ánh mắt của Yousuke thoáng buồn.
Điều này khiến tôi thầm nghĩ rất nhiều lần. Sẽ ra sao nếu Yotsuba với mái tóc màu xanh lá cây chỉnh tề mặc đồng phục ngồi yên ở lớp? Điều đó là bất khả, vì cô bé giống như một chú chó vậy - tăng động và thích thú với mọi thứ xung quanh. Chưa kể rằng ngoại hình cô bé không giống những đứa trẻ Nhật Bản bình thường. Tôi từng đọc một bài phỏng vấn về một cô người mẫu da màu, suốt tuổi thơ phải trải qua việc bắt nạt học đường tàn bạo. Làm sao Yotsuba có thể sống sót được ở một ngôi trường bình thường, khi việc phân biệt chủng tộc ở Nhật còn xảy ra mạnh mẽ? Và cô bé cũng không thể đi học được với sự hiếu động và triết lý già trước tuổi. Tôi chợt nhớ đến tác phẩm “Tottochan-cô bé ngồi bên cửa sổ”. Tottochan ngay từ buổi đi học ở trường công đã bị đuổi vì cứ thò đầu ra cửa sổ quan sát mọi thứ xung quanh trước khi đến Tomoe. Nếu Yotsuba cắp sách đến trường, thì ngôi trường đó sẽ phải giống trường Tomoe. Còn không, cô bé sẽ phải khổ sở và một cách gượng ép, khước từ con người thật, gồng ép và đeo chiếc mặt nạ để học cách làm người bình thường. Vì chính Yousuke, cũng là môt người khác biệt khi chọn lối sống làm việc tự do. 
Nghĩ đến những điều đó, tôi lại nhớ về khoảng thời gian chật vật của mình, khi bị mọi người đánh giá là “nhoi”. Tôi nhớ về sự khó chịu của những người lớn thân thuộc khi nhìn thấy sự tăng động của tôi, họ cố gắng chỉnh ép tôi về sự bình thường. Trong một chuyến đi hồi năm tuổi với những người lớn, người lớn đã khó chịu với việc tôi luyên thuyên, và những người lớn đã nói người da đen kia là Bin Laden. Tôi đã khóc và hoảng sợ không ngừng. Đó là một vết thương không bao giờ lành. Sự nói dối của người lớn để bản thân họ yên ổn đã hằn sâu và khiến tôi học cách đóng dần thế giới của mình trước mặt người khác. Điều đó ám ảnh tôi trong suốt thời đi học, luôn phải để ý việc mọi người đánh giá là “nhoi”, rồi học cách khép mình. Mãi đến khi đi Nhi và làm ở những nơi dành cho con nít, tôi mới hiểu rằng có được nguồn năng lượng như Yotsuba&! là điều vô cùng quý giá. 
 Yotsuba&! để lại bài học quý giá với người lớn, rằng nếu thực sự yêu trẻ con, hãy học cách thực sự chơi với chúng và trở thành đứa trẻ. 

Cảm ơn, Yotsuba&!

Có một chị Youtuber bảo hồi bé đọc bộ này thấy chán, đến lúc lớn mới thấy thích. Tôi hiểu chị. Vì tôi đã từng thích đọc truyện tranh cho đến độ tuổi thiếu niên, tôi phản bội lại người bạn tuổi thơ để đọc truyện chữ. Khoảng thời gian đọc Yotsuba trong giai đoạn cách ly xã hội đã giúp tôi học lại cách chăm chú say sưa khi đọc một bộ truyện, thứ cảm giác đã mất rất lâu kể từ khi mạng xã hội, game ứng dụng khiến tôi từng xao lãng. Yotsuba kể cả khi té ngã, cô bé vẫn cứ “Ahahahaha”. Bị sóng đánh lúc đi biển, cũng ngóc đầu lên và cười. Càng lớn, chúng ta càng sợ sệt trước mọi thứ. Chính Yotsuba, có thể nói là bộ truyện cho những ai từng là đứa trẻ, trong quá trình lớn lên dần đánh mất niềm vui trong mình. Chúng ta đọc Yotsuba là nhớ về những thứ chúng ta lỡ chừng đánh mất, hay mơ về những thứ mình không có. Và nhớ rằng bản thân từng là đứa trẻ, ít nhiều cũng có niềm vui. Nhớ rằng, chí ít mình cũng sẽ tìm được một ai đó, cùng chơi và chấp nhận sự kỳ dị của chính mình. 
Vĩnh Anh