Homunculus là một manga tâm lý kinh dị được tác giả Hideo Yamamoto hoàn tất năm 2011. Truyện xoay quanh hành trình tìm lại ký ức và khám phá chính mình của Nakoshi Susumu kể từ khi anh thực hiện một cuộc phẫu thuật khoan sọ và có được giác quan thứ sáu. Giác quan thứ sáu này giúp anh có thể nhìn thấy được Homunculus – những thực thể có tính biểu tượng được tạo nên từ ký ức, trải nghiệm tâm lý trong quá khứ của mỗi người.
Manga này có thể gợi liên tưởng đến những bộ phim kinh dị của David Cronenberg như Scanners hay Videodrome - với nhân vật chính là những người trải qua các thí nghiệm ghê rợn dẫn đến biến đổi về cơ thể. Tuy nhiên, trong khi yếu tố khoa học giả tưởng và kinh dị ở các bộ phim của Cronenberg chỉ thuần túy nhằm gây sốc và sợ hãi, ở Homunculus, chúng lại đặt ra những vấn đề phức tạp về cuộc sống con người.
Mở đầu truyện, Nakoshi Susumu nằm ngủ trong một chiếc Porsche giữa một khách sạn sang trọng và một công viên đầy những người vô gia cư. Là một chuyên gia định phí bảo hiểm trong kì nghỉ phép dài hạn, Nakoshi dùng thời gian này để ngẫm lại cuộc sống của mình. Anh tạo dựng được một mối quan hệ tốt với những người vô gia cư trong công viên qua việc ăn uống chung và lắng nghe câu chuyện của họ. Họ đã từng là lực lượng lao động nòng cốt của xã hội Nhật Bản: những công nhân đã tham gia xây dựng nên những tòa cao ốc của các tập đoàn lớn và những lao động cổ xanh đã góp một tay vào vận hành cái xã hội tư bản, cơ giới hóa ở Nhật. Để rồi cuối cùng họ bị xã hội quên lãng, không nhà cửa, phải sống trong công viên và ăn bất cứ thứ gì mà họ kiếm được.

Đọc thêm:

Trong một lần quá túng thiếu, Nakoshi nhận được một lời đề nghị trợ giúp từ một sinh viên Y khoa – người đã quan sát cuộc sống của anh qua một thời gian. Anh chàng sinh viên này đề nghị sẽ đưa anh một khoản tiền lớn nếu anh chấp nhận làm đối tượng cho một thí nghiệm về cơ thể người – khoan một lỗ nhỏ ở trán nhằm kiểm chứng việc có hay không sự xuất hiện của giác quan thứ sáu sau đó. Việc này, Manabu Ito, anh chàng sinh viên Y khoa, nói rằng là để thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu về con người mà bấy lâu nay ám ảnh anh ta. Vì cần tiền, Nakoshi nhận lời.
Hideo Yamamoto đã dùng yếu tố giả tưởng và kinh di trong những tình tiết mở đầu chỉ để lôi kéo độc giả. Diễn biến chính của câu chuyện là hành trình khám phá số phận và nội tâm phức tạp của nhân vật Nakoshi. Khác với những người vô gia cư, Nakoshi trở nên nghèo túng là vì anh ta cố tình chọn lựa như vậy. Nakoshi vốn dĩ là một kẻ mất niềm tin vào con người và cảm thấy cuộc sống xa hoa ngày trước thật giả dối, vô vị. Anh không thể trở lại cuộc sống cũ, nhưng đồng thời cũng từ chối nhập bọn cùng những người vô gia cư. Anh cảm thấy mình không giống họ và cũng không thể hòa nhập với họ. Nhưng đồng thời, anh cũng phát bệnh khi những người bình thường nhìn cuộc sống tạm bợ của anh với ánh mắt khinh bỉ. Cứ thế, anh ở lưng chừng của giàu có và nghèo khổ.
Mặt khác, Nakoshi chỉ có thể tìm thấy được sự an toàn và thoải mái khi ở trong chiếc xe của mình. Anh cảm thấy không có một nơi nào thuộc về ngoại trừ chiếc xe của mình. Không chỉ ngủ trong đó, anh còn có một mối liên kết mật thiết với nó như thể nó là một cái dạ con, còn anh là một đứa trẻ chưa chào đời vậy. Homunculus là hành trình đi tìm kiếm nguyên cớ của sự mất kết nối giữa anh và cuộc sống, khiến anh muốn mình được sinh ra lại một lần nữa để bắt đầu lại mọi thứ.














Nhưng những hình thù được gọi là Homunculus ấy không phải là gì khác mà chính là nội tâm của các nhân vật trong truyện, là những dấu tích tâm lý, là bản chất thật ẩn đằng sau vỏ bọc con người văn minh. Chẳng hạn, khi nhìn một gã yakuza, Nakoshi không thấy một tên đầu gấu hung dữ mà chỉ thấy một con robot khổng lồ. Và khi lớp kim loại robot bên ngoài bị loại bỏ, hiện ra một thằng bé đầy sợ hãi. Cái vẻ ngoài hung dữ đầy đe dọa mà gã yakuza khoác lên mình chỉ là để che giấu đi nội tâm sâu thẳm đầy sợ sệt của một đứa trẻ từng phạm lỗi lầm nghiêm trọng ngày thơ ấu. Chính cái năng lực thấu thị, nhìn thấy được bản chất thật của con người này đã mở đầu cho cuộc hành trình khám phá chính bản thân mình của Nakoshi. Càng theo chân anh trên hành trình ấy, người ta càng khám phá ra nhiều câu chuyện rất xúc động và phức tạp về con người.

Đọc thêm:
Nếu hỏi rằng đề tài mà Homunculus nói đến là gì, thực sẽ khó tóm gọn được hết. Với một kiệt tác như Homunculus, mỗi người có thể tìm thấy một liên kết nào đó với cuộc sống của mình và xem nó là vấn đề cơ bản mà tác phẩm muốn đặt ra. Đó có thể là khủng hoảng hiện sinh, là xã hội tư bản hậu hiện đại, là nhân dạng tính dục, là vấn đề tâm-vật, là sự vô cảm, là khoảng cách thế hệ, hoặc là tình thế lưỡng nan vị kỷ - vị tha. 
Thay cho lời kết, tôi muốn so sánh Homunculus như một con búp bê Matryoshka được tạo tác tinh xảo và hoàn hảo mà càng bóc tách các lớp, người ta càng bất ngờ khi thấy ở bên trong nó càng giống mình. Thật thán phục tài năng của Hideo Yamamoto - người nghệ nhân đã tạo nên nghệ phẩm này.