4 bản trường ca của Việt Nam
Trường ca cũng là một bài ca, nhưng so với các bài ca thông thường thì nó lớn hơn về thời lượng và phức tạp hơn về kết cấu, thường...
Trường ca cũng là một bài ca, nhưng so với các bài ca thông thường thì nó lớn hơn về thời lượng và phức tạp hơn về kết cấu, thường gồm nhiều khúc nhiều đoạn mà mỗi khúc mỗi đoạn vừa có thể tồn tại như một bài hát độc lập, lại vừa gắn kết với nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh.
Chẳng hạn như bản Hội trùng dương của Phạm Đình Chương gồm có ba phần: "Tiếng sông Hồng", "Tiếng sông Hương" và "Tiếng sông Cửu Long", thì mỗi phần này có thể là một bài hát riêng. Như phần "Tiếng sông Hương" được danh ca Hà Thanh, Thanh Tuyền hay Phương Dung trình bày riêng ra, nghe vẫn trọn vẹn và hay.
Chủ đề của trường ca cũng thường mang tính cách hùng tráng. Có thể kể đến một số bài như Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ, Bình ca của Nguyễn Đình Phúc, hay Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Cũng có những bản trường ca mang chủ đề tình cảm đôi lứa hoặc nhân sinh như Thiên thai và Trương Chi của Văn Cao hay Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn.
Trong bài này, tôi sẽ viết về 4 bản trường ca mà tôi đã nghe nhiều và có đôi chút cảm nhận. Thứ tự sắp xếp dựa vào thời điểm ra đời của các bài hát:
'Sông Lô’ của Văn Cao
Trường ca Sông Lô được Văn Cao sáng tác để ca ngợi chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận đánh chống thực dân Pháp trên sông Lô. Bài hát được đăng lần đầu trên báo Văn nghệ số tháng 3 năm 1948.
Tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp tiến hành Operation Léa đánh lên chiến khu Việt Bắc, đầu não kháng chiến của ta. Cuộc tấn công này của Pháp đã làm chúng ta thiệt hại nhiều, nhất là đã làm cụ Nguyễn Văn Tố phải hy sinh. Trong kế hoạch phản kích của quân ta, có tập trung vào mặt trận Sông Lô. Văn Cao là một trong những người lính tham gia phản kích lúc đó.
Ngày 24 tháng 10 năm 1947, bộ đội pháo binh của ta bắn hỏng 4 chiếc tàu chiến của Pháp, tiêu diệt hàng trăm lính Pháp, cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải thủy theo đường sông Lô của địch, buộc chúng phải tiếp tế cho cánh quân của họ ở Tuyên Quang bằng đường không (thả dù) và phải cho quân rút lui khỏi Việt Bắc. Trên đường rút chạy, Pháp đã cướp bóc, tàn phá và đốt trụi các làng xóm dọc hai bờ sông Lô. Lúc Văn Cao đi qua, thấy cảnh xóm làng bị đốt trụi, nên ông mới viết:
"Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang”
Nhưng vì quân ta đã thắng, nên:
“Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui trên sóng nước biếc trôi đầy sông bao đám xác thù . dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa.”
Phạm Duy đánh giá bài hát này rất cao, xem nó như “đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung”. Trong hồi ký, Phạm Duy viết:
Bài trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là một kẻ khai phá. Nó là cha đẻ của loại trường ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của tân nhạc.
‘Hòn Vọng Phu’ của Lê Thương
Nhạc sĩ Lê Thương sinh ra ở Hà Nội vào năm 1914, và ông vào Nam vào năm 1941. Trường ca Hòn vọng phu được Lê Thương viết sau khi đã vào Nam, bắt đầu từ 1942 và kết thúc vào năm 1947. Đây là một bản trường ca chịu ảnh hưởng sâu xa của chuyện nàng Tô Thị và tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc, nói về tình cảnh của người phụ nữ có chồng đi đánh trận. Trong bản thu của hãng dĩa Sóng Nhạc, trước khi vào bài hát còn có giọng ngâm thơ của danh ca Hoàng Oanh:
Chúng ta biết rằng Chinh phụ ngâm bắt đầu với cảnh chiến tranh, nhà vua truyền hịch kêu gọi mọi người tham gia chiến cuộc. Người phụ nữ phải đưa tiễn chồng lên đường đánh giặc. Cuộc tiễn đưa lưu luyến kết thúc, người chinh phụ trở về khuê phòng và tưởng tượng ra cảnh sống của chồng nơi chiến địa. Lúc này, nỗi lo sợ bắt đầu xâm chiếm khi cô nghĩ về những khả năng xấu xảy đến với chồng trên chiến trường, và cùng với đó là sự buồn bã cho thân phận đơn chiếc của mình. Đã quá hạn đi lính, qua bao kỳ đào nở sen tàn, mà chồng chưa về, người chinh phụ quanh quẩn trước hiên, sau rèm, vò võ dưới đêm khuya vắng, đối diện với hoa, với nguyệt. Cô không còn muốn làm việc, biếng lơi trang điểm, ngày đêm khẩn cầu mong được sống hạnh phúc cùng chồng. Kết Chinh phụ ngâm không phải là cảnh đoàn tụ thực, mà chỉ là một hình dung của người phụ nữ về ngày chồng mình trở về trong tiếng hát khải hoàn để cùng cô sống hạnh phúc trong thanh bình, yên ả.
Tương tự như vậy, trường ca Hòn Vọng Phu gồm ba phần:
Hòn Vọng Phu I – Đoàn người ra đi (viết xong năm 1943, Dân Tộc xuất bản năm 1949): cảnh tiễn đưa chồng ra trận của người chinh phụ.
Hòn Vọng Phu II – Ai xuôi vạn lý (viết xong cuối năm 1945, Hương Nam xuất bản năm 1946): cảnh người chinh phụ về nhà và không thôi nhung nhớ chồng, mong rằng gặp được ai về xuôi để nàng nhắn gửi đôi ba lời thăm hỏi. Đây là đoạn mà tôi thích nhất. Nhất là câu: “Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ những người mang mệnh biệt ly”.
Hòn Vọng Phu III – Người chinh phu về (viết xong năm 1947, Dân Tộc xuất bản năm 1949): hình dung, tưởng tượng của người phụ nữ về cảnh chồng về.
‘Hội trùng dương’ của Phạm Đình Chương
Trường ca Hội trùng dương là một bản hợp ca của ba con sông: sông Hồng, sông Hương, và sông Cửu Long, hát để chào mừng một ngày được gặp nhau ở biển lớn. Bài hát mở đầu với tiếng biển Đông:
Trùng dương chốn đây ngàn phương, có ba dòng sông cuốn xuôi biến Đông nhớ câu chờ mong. Về khơi sóng muôn triền tới, nước non buồn vui đây hội trùng dương đầy vơi.
Sau đó là tiếng sông Hồng, tiếng sông Hương và tiếng sông Cửu Long. Mỗi khúc sẽ do một giọng thuộc miền đó trình bày:
Rất có thể được viết sau 1954 và trước thời điểm tổ chức tổng tuyển cử cả nước 1956 như được ghi trong hiệp định Genève. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã phế truất Bảo Đại và từ chối tổng tuyển cử, lập ra nền Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam, và hội trùng dương chỉ còn là giấc mộng.
‘Con đường cái quan’ của Phạm Duy
Phạm Duy đã có ý định viết Con đường cái quan từ năm 1954, khi ông đang đi du học ở Pháp về âm nhạc. Lúc đó, ông muốn viết một bản trường ca sử dụng những chất liệu âm nhạc hoàn toàn Việt Nam, từ quan họ đến vọng cổ. Nhưng khi về nước năm 1956, nguồn cảm hứng này của ông lại bị tắt trong hai năm. Mãi đến năm 1958, ông mới bắt đầu viết, và hoàn thành vào mùa xuân năm 1960.
Sau khi hoàn thành, ông đưa cho trường Quốc gia Âm nhạc Việt Nam. Lúc đó, có ông nhạc trưởng người Đức tên là Otto Söllner đã thành lập được một ban nhạc giao hưởng của Việt Nam. Khi nhận được bài Con đường cái quan, ông Otto Söllner rất thích thú và đã soạn hòa âm cho ban nhạc giao hưởng lẫn ban hợp xướng của đài phát thanh – mà trong đó có giọng của Thái Thanh, Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà, Minh Trang, Mai Hương. Bài hát được trình diễn lần đầu tiên ở rạp Thống Nhất, hay nhà hát Norodom, nằm trên đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn.
Nội dung trường ca Con đường cái quan là hành trình của một người lữ khách trên con đường xuyên Việt, đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, đi từ ngày mới lập quốc cho đến khi đã hoàn thành xứ sở, đi trong lịch sử và lòng dân. Đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng. Lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước.
Trường ca gồm 19 đoản ca, chia làm ba phần. Phần thứ nhất là "Từ miền Bắc", mang tính chất hào hùng của miền quê cha đất tổ. Phần thứ hai là "Qua miền Trung", với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa. Và phần thứ ba là "Vào miền Nam", tỏ sự vui mừng của con người cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt.
Từ miền Bắc
Phần thứ nhất "Từ miền Bắc" mở đầu với tiếng hát của một thôn nữ miền Bắc:
Hỡi anh đi đường cái quan! Dừng chân đứng lại Cho em đây than đôi lời
Tiếp đó là giọng của một người trai tráng đáp lời: “Tôi đi từ ải Nam Quan”. Đây là đoản khúc được hát với giọng nam hùng hồn. Trong đoạn này, ta thấy nhắc đến chuyện người trai thời loạn phải “vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán” và chuyện nàng Tô Thị chờ chồng mà ta đã gặp trong trường ca Hòn vọng phu của Lê Thương.
Bài hát lại chuyển sang lời nhắn gửi của người miền núi cho người miền xuôi, và ngược lại, tâm tình nhớ thương của người miền xuôi dành cho người miền núi. Theo dòng nước, người lữ khách gặp cô lái đò đưa anh về miền trung du vào đến đất thủ đô. Phần thứ nhất kết lại ở đây.
Qua miền Trung
Phần thứ hai "Qua miền Trung" bắt đầu với hình ảnh lũ trẻ chạy ra đón chào người lữ khách. Rồi có tiếng bà mẹ hát:
Ai vô xứ Huế thì vô Chớ sợ Truông nhà Hồ, chớ sợ Phá Tam Giang à ơi
Tự dưng lại nhớ bài Chiều trên phá Tam Giang của Tô Thùy Yên. Sau mấy điệu hò của dân làng là đoạn hát của công chúa Huyền Trân. Huyền Trân công chúa là con gái của Trần Nhân Tông, được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu: châu Ô và châu Lý. Cuộc hôn nhân chính trị này đã là đề tài thường thấy trong thơ, nhạc và sân khấu của nước ta. Tôi vẫn nhớ bài hát Lý con sáo mà Hương Thanh hát cũng có nội dung về Huyền Trân:
đêm qua mau tiếng trống Tây lầu vừa sang canh chỉ còn giây phút mong manh rồi nước non ngàn dặm đăng trình lìa xa sông núi quê mình vì cơ đồ, vì bình yên chúng dân Ô Lý ơi xin thế thay Huyền Trân làm đẹp giàu yên vui ấm no cho gấm hoa vang khúc thanh bình ca
Hiển nhiên đây là một sự kiện quan trọng liên quan đến công cuộc Nam tiến của nước ta, nên Phạm Duy đưa vào bài hát là điều hợp lý. Trong hình dung của Phạm Duy, công chúa Huyền Trân như muốn nhắn gửi với người lữ khách rằng: Con đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người, và nàng mong người lữ khách mau nối tiếp con đường đi để nối liền đất nước, để vào lòng người của nàng khi xưa.
Vào miền Nam
Rời sông Hương, chùa Thiên Mụ, rời quê nghèo, ruộng nghèo miền Trung, người lữ khách tiếp tục lên đường vào miền Nam. Vừa mới Vào miền Nam, người lữ khách đã nghe giọng hò của người con gái Nam Bộ:
Bớ anh đi đường vắng đường xa Dừng chân đứng lại Hò ơ ơ ớ ơ… hò Nghe em đây ca đôi lời Chiều về trên cánh Đồng Nai Chờ người xây đắp ngày mai…
Sau đó là những đoạn tả cảnh tả người Nam Bộ, có hương sầu riêng ngọt ngon, có mái tóc xuề xoà, có khoé mắt thiệt thà:
Đôi môi xinh hàm răng xít xa Có áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà Người yên lành như một giấc mơ
Người lữ khách “tình bén duyên thề” với người con gái Nam Bộ, thế là họ kết hôn. Và theo sóng Cửu Long, đôi vợ chồng son về miền Hậu Giang thành lập thôn ấp.
Có thể thấy tâm trạng của người lữ khách trong trường ca Con đường cái quan khi đến miền Nam cũng giống với tâm trạng của những người Bắc di cư năm 1954. Mai Thảo, trong bài viết đầu tiên của số đầu tiên của tạp chí Sáng tạo, tháng 10-1956, đã xem Sài Gòn là thủ đô văn hóa Việt Nam. Những người như Mai Thảo tìm thấy ở miền Nam một quê hương thứ hai và một tương lai mà họ tin tưởng là sẽ tốt đẹp hơn.
Nhưng trong lòng họ, cũng như trong lòng của Phạm Đình Chương khi viết Hội trùng dương, hay của Phạm Duy khi viết Con đường cái quan luôn canh cánh ước vọng về một đất nước Việt Nam thống nhất, không còn chia cắt hai miền Nam Bắc:
Đường đi đã tới… Lòng dân đã nối… Người tạm dừng bước chân vui người ơi Người mơ ước tới… Đường tan ranh giới Để người được mãi Đi trong một duyên tình dài Con đường thế giới xa xôi Trong lòng dân chúng nơi nơi
Hai câu cuối thật là đầy tính tiên tri, khi miền Nam không phải là cuối cùng của cuộc hành trình của người lữ khách, mà còn móc nối với “con đường thế giới xa xôi”. Ta biết rằng Phạm Duy năm 1975 thì ông cũng rời Việt Nam, và chỉ trở lại vào năm 2005, sau nghị quyết 36.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất