Tôi phải tìm xem lại toàn bộ những cuốn sách giáo khoa môn Âm Nhạc hiện hành từ lớp 1 đến lớp 9 để xác nhận một điều: Người ta không dạy bài hát nào của Lê Thương. Chỉ có những Phạm Tuyên, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Hoàng Lân, Hoàng Hiệp, Huy Du, Phạm Trọng Cầu, có Nguyễn Xuân Khoát, có Văn Cao, có cả Trịnh Công Sơn, nhưng không có Lê Thương. Hình như có nhắc đúng một dòng về Lê Thương và bài Chú cuội (mặc dù tên đúng của bài đó là Thằng cuội). 
nhạc sĩ Lê Thương và bạn hữu
nhạc sĩ Lê Thương và bạn hữu
Ta biết rằng Lê Thương không chỉ là một nhạc sĩ, mà còn là một nhà giáo. Trước khi vào Nam ông đã dạy học ở miền Bắc. Sau khi vào Nam, theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, ông dạy Sử Địa tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng, dạy Pháp Văn tại trường trung học Petrus Ký, và cũng làm giảng viên ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. 
Và có lẽ vì là một nhà giáo, nên ông rất bận tâm chăm lo cho đời sống tinh thần của trẻ em qua các bài nhạc của mình. Bài hát nổi tiếng nhất viết cho thiếu nhi của ông có lẽ là bài Thằng Cuội, vốn gần đây được hát nhiều trở lại nhờ bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Rồi kế đến là bài Tuổi thơ:
trẻ con theo tánh ưa trái cây ưa bánh hàm răng hay sún vì chua mà ai cho bánh thì ưa
Và có một bài nữa mà cá nhân tôi rất thích, đó là bài Ông Ninh ông Nang, một bài hát rất vui và dễ thương. Nghiêm trang hơn thì có bài Học sinh hành khúc, viết năm 1950, thường được hát trong các trường học miền Nam ngày trước:
Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai saụ, Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao, Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền độc lập, Học sinh nề chi tuổi xanh chung sức phấn đấu, Ðem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên
Có thời gian Lê Thương còn cùng Lê Cao Phan phụ trách chương trình phát thanh văn nghệ măng non cho trẻ em, phát thanh truyện cổ tích, dân ca, bài ca nhi đồng.
Chính vì Lê Thương là một nhạc sĩ luôn chăm lo cho đời sống tinh thần của thiếu nhi Việt Nam, lại viết rất nhiều bài hát hay cho thiếu nhi, nên tôi cảm thấy thật hết sức bất công khi chương trình giáo dục âm nhạc hiện hành gần như xóa tên ông khỏi lịch sử âm nhạc.

Trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương

Bài hát nổi tiếng nhất của Lê Thương có lẽ là trường ca Hòn vọng phu, viết trong khoảng thời gian từ 1942 đến 1947. Khác với nhiều bản trường ca khác, Hòn vọng phu được viết theo âm giai ngũ cung. Tiết tấu nhiều chỗ rất đáng chú ý, chẳng hạn như đoạn sau có nhịp nghe như nhịp ngựa phi, đều đặn, sung mãn:
Đường chiều mịt mù cát bay toả bước ngựa phi. đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió.
Tôi có một kỷ niệm cá nhân với bản Hòn vọng phu của Lê Thương. Đó là vào lúc còn rất nhỏ, khoảng lớp 4, lớp 5 gì đó. Trong lúc chơi bời lục lọi cái rương quần áo của dì tôi, tôi thấy sheet nhạc bài Hòn vọng phu. Ấn tượng của một đứa con nít như tôi lúc ấy là đó là một bài hát của những người già; Tôi chỉ thực sự nghe Hòn vọng phu thời gian trở lại đây. Nhưng giờ ngẫm lại tôi cảm thấy cái sự việc đó có khá nhiều ý nghĩa. Vì dì tôi từng yêu và có con với một người đàn ông đã có vợ, nên ông ngoại không cho cưới. Dì tôi vẫn quyết định giữ đứa bé, nhưng sau này đứa bé ấy chết sớm khi chỉ mới có một, hai tuổi thôi. Đó là một câu chuyện buồn. Tôi tự hỏi, liệu việc dì tôi, với một chuyện đời éo le như thế, giữ cái sheet nhạc Hòn vọng phu, trong đó có những câu như: «Người vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ. Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về», là một việc cố tình hay vô ý? Tôi không hỏi.
Thời điểm Hòn vọng phu ra đời cũng rất có liên hệ với tình hình chung của đất nước trong thế kỷ 20. Năm 1947 là năm chính thức bắt đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc đó, hàng vạn người trai tráng tham gia quân đội để chiến đấu, hẳn bỏ lại nơi các vùng tản cư những người vợ nuôi con một mình. Nếu như trường ca Sông Lô cũng viết vào năm 1947 nói về chiến thắng ngoài tiền tuyến, thì Hòn vọng phu của Lê Thương nói về tâm tình của người ở hậu phương. Nó làm chúng ta nhớ đến những câu trong bài Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông:
Đêm đêm chiếc bóng bên trời vầng trăng xẻ đôi vẫn in hình bóng một người xa xôi cánh chim tung trời một vùng mây nước cho lòng ai thương nhớ ai
Mà rộng hơn nữa, nó móc nối với câu chuyện muôn thuở của các gia đình Việt Nam thời loạn, đã được điển phạm hóa bởi chuyện dân gian về nàng Tô Thị hay tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm dịch sang chữ Nôm: câu chuyện ly tán như vầng trăng chia hai nửa, “nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường”.
Người đi ngoài vạn lí quang sang, Người đứng chờ trong bóng cô đơn. Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng, Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nuối ngàn trùng.

Lê Thương giữa những người cùng thời

Những người từng tiếp xúc với Lê Thương đều nói rằng ông là một người uyên bác nhưng khiêm nhường, giản dị, có giọng nói sang sảng, thích nói chuyện tiếu lâm. Trần Văn Khê bảo rằng, trong những người nhạc sĩ ông thân thì thân nhất là Lưu Hữu Phước, kế đó đến Lê Thương, rồi mới tới Phạm Duy. Phạm Duy thì ghi trong hồi ký của mình rằng: «Trong số những bạn đồng nghiệp, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương…» và, «…Tôi cũng cho rằng trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng một thông điệp…».
Lê Thương là thầy dạy nhạc của danh ca Hoàng Oanh. Nghệ danh Hoàng Oanh được gợi cảm hứng từ một chi tiết trong bài Bản đàn xuân của Lê Thương, và việc Hoàng Oanh ngâm thơ trước khi hát cũng bắt đầu từ khi cô ngâm mấy câu thơ cho bản thu âm bài Hòn vọng phu của Lê Thương.
Nhạc sĩ Văn Cao thừa nhận ông chịu ảnh hưởng bởi Lê Thương với phong cách âm nhạc dung hòa giữa thất cung Tây phương và ngũ cung Việt Nam.
Trước khi di cư vào Nam, thời gian ở Hải Phòng, khoảng giữa thập niên 30, Lê Thương cùng với Hoàng Quý, Tô Vũ, Phạm Ngữ, Canh Thân hợp thành nhóm Đồng Vọng, thường sáng tác và trình diễn với đoàn kịch Thế Lữ.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Lê Thương có soạn một ca khúc nổi tiếng, Lòng mẹ Việt Nam hay Bà Tư bán hàng, nói về một bà mẹ thành phố có các con tham gia kháng chiến. Và bài hát đó là một trong những lý do Lê Thương bị Pháp bắt giam vào khám Catinat cùng Phạm Duy và Trần Văn Trạch năm 1951.
Lê Thương từng đóng vai linh mục trong phim Đất khổ của đạo diễn Hà Thúc Cần, bộ phim có sự góp mặt của nhà văn Sơn Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kỳ nữ Kim Cương (con gái của Bảy Nam), và cả nghệ sĩ Thành Lộc.
Lê Thương tại nhà riêng, những năm cuối đời.
Lê Thương tại nhà riêng, những năm cuối đời.
Sau năm 1975, Lê Thương không vượt biên. Ông chia sẻ rằng mình không muốn bỏ quê hương mà muốn ở lại quê hương đến tận cùng. Nhạc sĩ Lê Thương mất vào năm 1996 tại Sài Gòn.
Tôi viết ra đây một vài thông tin mà mình tìm hiểu được về Lê Thương. cũng như tôi đã viết về Đặng Thế Phong, Văn Phụng, Cung Tiến, Lam Phương, Trúc Phương, hay Lữ Liên là để góp phần gìn giữ, lưu truyền những gì mà tôi cho là quý giá, là sự thật, đáng được gìn giữ, lưu truyền.
18.10.21