Những bài học từ thầy Kaveh của tôi
Trong cuộc sống có một điều đáng buồn rằng những người ta trân quý thường sớm ra đi. Tôi đang kể câu chuyện về Kaveh, một giáo viên...
Trong cuộc sống có một điều đáng buồn rằng những người ta trân quý thường sớm ra đi. Tôi đang kể câu chuyện về Kaveh, một giáo viên thực nghiệm đã từng hướng dẫn lớp tôi học kỳ trước. Đó là người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, dù chỉ đôi lần gặp gỡ. Chúng tôi luôn mong rằng thầy sẽ sớm quay lại và đi theo chúng tôi đến cuối học kỳ, nhưng cuộc sống đôi khi chẳng cho người được toại nguyện. Đêm nay tôi ngồi hoài niệm lại thời gian học chung cùng Kaveh, ghi lại những dòng kỷ niệm này để những lời thầy dạy mãi không phai nhạt khi thời gian qua đi. Hy vọng mai kia sẽ gặp lại người trên con đường phía trước.
Ai nào biết Kaveh trước kia đã có một gia đình hạnh phúc, một cô vợ xinh đẹp và ba đứa con thơ vừa lọt lòng. Tưởng rằng những năm tháng vui vẻ sẽ kéo dài mãi mãi, thì lại sụp đổ chẳng ai ngờ sau một năm đầy biến cố. Cô vợ đã trở bệnh nặng, một căn bệnh ung không thể cứu chữa dù sống ở đất nước Hà Lan với công nghệ vô cùng tiên tiến. Ấn tượng của chúng tôi khi gặp Kaveh là một ông Tây tầm trung niên nhỏ người làn da ngăm đen với mái tóc muối tiêu và khuôn mặt khắc khổ, quầng mắt sạm đen lại do những đêm dài thiếu ngủ.
Lần đầu gặp Kaveh tôi rất sợ vì trông ông nghiêm khắc quá, tuy rằng ông hay cố gắng giỡn hớt thật nhiều để phân tán sinh viên khỏi những áp lực nhất định khi làm việc ở phòng lab. Trong buổi học đầu tiên với ông, có sinh viên phát biểu rằng:
- Di truyền học là một học về những thứ vô hình. Vì chúng ta biết là gene tồn tại mà nhìn thấy bằng mắt trần thì không thể được.
Kaveh đáp lại rằng:
- Có những thứ vô hình nhưng chứa đựng sự hữu hình trong đó, chúng ta có thể thấy chúng qua trung gian như kính hiển vi hay nhuộm màu chúng. Một người cận thị nặng phải dùng kính mới thấy được, còn không thì thế giới xung quanh đối với anh ta cũng chẳng khác gì vô hình cả. Cặp kính của anh ta chính là trung gian. Vì thế nếu chỉ dựa vào đôi mắt trần mà kết luận một thứ là vô hình thì thật ấu trĩ.
Có lần Kaveh hỏi tôi tên gì, tôi trả lời tên Minh. Ông bảo tên gì khó quá, viết lên áo đi lần sau giáo viên nào cũng đọc được, rồi thảy cho tôi một cây marker cực chất để ghi lại 4 chữ mà dù đã giặt vài lần vẫn chưa phai chút nào. Tôi đã có tên trong phòng thí nghiệm từ đó.
Những ai chưa từng làm việc trong phòng thí nghiệm về gene thì có thể không biết rằng không khí ở đây thường rất khô. Đối với những người da nhạy cảm như tôi thì bàn tay thường nứt vụn từng mảng và rướm máu. Tôi thường chẳng để ý tới nó, chỉ xem nó như vài sự đau đớn vụn vặt. Có lần Kaveh hốt hoảng thì thấy tay tôi có vài vết sứt, ông liền kéo tôi vào phòng giáo viên, từ tốn thoa thuốc sát trùng và giúp tôi băng lại. Những giáo viên khác thì bảo tôi kiếm kem mà bôi vào, tôi cũng chỉ qua loa đáp lại rằng lát ra khỏi lab là hết ngay thôi. Nhưng Kaveh không phải là người lẳng nghe hời hợt, ông đã đáp lại tôi một câu làm tôi nhớ mãi: "Sức khỏe của sinh viên là việc mà người đứng lớp như chúng tôi cũng chịu một phần trách nhiệm, em có nghĩa vụ phải đem theo kem mà bôi, hôm nay em không có kem, tôi đã mang vào một tuýp đây". Rồi Kaveh đưa tôi tuýp kem và bắt tôi bôi ngay trước mặt ông thì ông mới chịu đi. Quả thật tuýp kem đó như thần dược vậy. Sự khô cứng của da cũng như những vết nứt đã biến mất hoàn toàn vài phút sau đó. Thế là tôi đã nghe lời ông, duy trì thói quen thoa kem tay đều đặn trước khi bước vào lab.
Trong thí nghiệm cũng như mọi sự khác trong đời sống, cái sai lớn nhất của con người là tin tưởng mù quáng. Sinh viên bên này cũng thường hay xin dụng cụ và nguyên liệu thí nghiệm từ kĩ thuật viên trực phòng. Đối với Kaveh, họ chỉ là kĩ thuật viên thời vụ, hỏi gì đưa nấy, không bao giờ được tin 100%, dù cho có phải đồ của kĩ thuật viên chuyên nghiệp hay thậm chí giáo viên đưa mà xuất xứ kiểu khuất mắt trông coi thì cũng chỉ được tin 99% thôi, phải chừa 1% kiểm tra lại. Bên này họ không thiếu những cách để kiểm tra chúng, thì ta hà cớ gì nhanh được vài giây mà hỏng cả một công trình lớn. Đó là điều lớn nhất mà Kaveh đã dạy cho chúng tôi.
Ông còn bắt chúng tôi ghi nhớ một điều nữa. Trước khi kết luận về kết quả của thí nghiệm hay bất cứ thứ gì khác, phải tìm hiểu xem điều mình nghĩ đúng chưa và tìm kiếm những khả năng có thể xảy ra khiến nó sai, hoặc dương giả. Đại loại như kiểu thuyết âm mưu vậy. Bởi vì một lần nữa, ông nhấn mạnh không có gì đúng 100%, nó đôi khi chỉ đúng trong vài hoàn cảnh nhất định thôi, nhưng người ta vẫn thường tự tin thái quá về nó.
Vào một ngày nọ, ông hỏi tôi:
- Em có biết cái việc khó nhất trên đời là gì không?
Dĩ nhiên để ông trả lời luôn:
- Em có thể thành công vượt bậc ngoài xã hội nhưng sẽ luôn có một việc khó hơn luôn chờ đời em, đó là làm hài lòng một người phụ nữ. À mà em có bạn gái chưa?
- Dạ chưa... À quên, em từng có thôi.
- Vậy sau này có rồi biết.
Tôi cũng không ngờ rằng, đó là lần cuối ông đứng lớp trước khi tạm từ giã sự nghiệp để dành trọn những khoảnh khắc quý giá nhất cho người vợ đang hấp hối vì căn bệnh đang giày xéo ở giai đoạn cuối.
Sau đó chúng tôi chỉ gặp lại ông đúng một lần duy nhất nữa vào dịp cuối năm trước, khi ông đến chóng vánh để giải đáp vài thắc mắc còn tồn đọng, sau đó chỉ ra đi vội vã. Lớp chúng tôi lúc đó vẫn đang được duy trì bởi giáo viên dạy thế cho tới hết học kỳ. Kaveh bảo rằng, ông hy vọng ông có thể quay lại vào ngày cuối cùng để nói lời tạm biệt và chúc may mắn trước kỳ thi. Và điều ông hy vọng dường như chỉ là ước muốn xa vời. Hôm nay là buổi cuối cùng, ông đã vắng mặt. Cô giáo viên dạy thế chỉ giải thích rằng:
- Vợ Kaveh bệnh nặng lắm, chúng tôi không biết khi nào ông ấy trở lại nữa, có thể một tháng, có thể lâu hơn nữa, nhưng chắc chắn ông ấy sẽ trở lại.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất