"Mất điện. Đành gập chiếc laptop lại với dòng status chưa kịp đăng. Đi xuống dưới nhà. Tôi gặp vài người lạ... trông họ cũng khá thân thiện và niềm nở..." 
- St -

Có lẽ những thay đổi rõ rệt tầm vĩ mô mà kỷ nguyên công nghệ đem lại, cả tích cực lẫn tiêu cực trên các mặt trận kinh tế, y tế, giáo dục... đã được bạn đọc nhiều trên các bài báo, hay những chủ đề thường nhật hơn như sự thay đổi trong giấc ngủ, nghiện mua sắm... cũng là chủ đề được đem ra tán gẫu với bạn bè khi đi cà phê cuối tuần cũng đến hóa nhàm rồi.
Nhưng trong khuôn khổ bài này, mình chỉ nêu lên những thay đổi vô hình nhỏ nhặt mà mình cảm nhận được từ khi có sự xuất hiện của internet (mình thuộc thế hệ 9x). Có khi đó là những tương tác xã hội rất nhỏ với bạn bè gia đình, có khi chỉ là vài thói quen bé tí tẹo của bạn. Mặc dù cảm nhận được sự thay đổi và thấy có gì đó sai sai, cấn cấn nhưng bạn không biết miêu tả thế nào và rồi cũng tặc lưỡi cho qua. Đây là góc nhìn của riêng mình, có thể không giống nhiều bạn, nhưng mình tin cũng có nhiều bạn giống mình. :)

Let's go.


I. TÁC ĐỘNG BÊN TRONG BẠN.


1. Ma lực vẫy gọi: "Thông báo mới".

"Ping. Ai đó đã dislike bài viết của bạn."
"Ping. Ai đó đã không nhắc đến bạn trong một bình luận."
"Ping. Crush của bạn đã đăng bài viết đầu tiên sau một khoảng thời gian. Hãy vào thể sự quan tâm tới cô ấy nào. Mặc dù cô ấy cũng không đến quan tâm bạn lắm đâu."
Chắc hẳn ai đang dùng smartphone cũng từng hoặc đang đều có cảm giác giống như mình, khó có thể bỏ qua tiếng thông báo, cái rung hay sự lóe sáng của màn hình điện thoại. Tuy là đang ở trong những thời điểm quan trọng và không muốn bị phân tâm như cuộc họp hay bữa cơm tối bên gia đình.
Các nhà phát triển ứng dụng ngày nay rất khôn khéo trong việc sử dụng đẩy thông báo để làm mồi nhử dụ dỗ bạn mở đứa con cưng của họ lên và dính chặt vào nó. Mặc dù chẳng có gì đáng để thông báo. Dạo gần đây Facebook mới cập nhật tính năng cho thông báo khi bạn bè của bạn đăng hay share bất kỳ bài viết nào, thường là những người hay tương tác với bạn. Mới gần đây thôi, và giờ mình tắt hẳn thông báo fb luôn rồi.
Tristan Harris, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất hiện nay, về nâng cao nhận thức ảnh hưởng của công nghệ đối với sự chú ý, hành vi và sức khỏe tổng thể. Trước đây, ông là product philosopher tại Google và là người đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ Con người (và phong trào vận động Time Well Spent). Trong một bài luận, Harris giải thích rằng smartphone và các ứng dụng chạy trên chúng đang hoạt động như những chiếc máy đánh bạc (slot machine). Kết quả là, một người bình thường sẽ kiểm tra điện thoại của họ 150 lần một ngày, thường là trong vô thức, hiệu ứng tâm lý này gọi là "variable reward" (tạm dịch: thành quả bất định). [1]
Nghĩa là sao? Thế có liên quan máy đánh bạc chỗ nào? ....Có đấy! Nhờ hiệu ứng này mà slot machine kiếm được nhiều tiền ở Mỹ hơn cả bóng chày, phim ảnh, và công viên chuyên đề… cộng lại. Khi đem so sánh với các hình thức cờ bạc khác, người ta ‘mê mẩn một cách khó hiểu’ với nó nhanh hơn 3-4 lần, theo như giáo sư NYU Natasha Dow Schull, tác giả cuốn Addiction by Design. Bạn gạt cần điều khiển và ngay lập tức nhận được một phần thưởng thú vị nào đó hoặc… chả được gì cả. Sự nghiện ngập được tối đa khi tỷ lệ thành quả có sự khác biệt siêu lớn. [2]
  • Khi kéo chiếc điện thoại khỏi túi, chúng ta đang chơi một lượt slot machine để xem thử chúng ta được noti gì.
  • Khi kéo chiếc điện thoại khỏi túi, chúng ta đang chơi một lượt slot machine để xem thử chúng ta được email mới nào.
  • Khi trượt ngón tay xuống để cuộn Instagram feed, chúng ta đang chơi một lượt slot machine để xem thử hình ảnh nào chúng ta sẽ thấy tiếp.
  • Khi vuốt mặt sang trái/phải trên các ứng dụng như Tinder, chúng ta đang chơi một lượt slot machine để xem thử ta có match nào không.
  • Khi nhấn vào phần số trên notification đỏ choét, chúng ta đang đang chơi một lượt slot machine để xem thử bên dưới có gì.
Ừ thì chắc hẳn không phải ai cũng bị dính bẫy của cơ chế thưởng này đến thế, mình tin nhất là đối với mấy bạn nữ, thông báo với tin nhắn họ đầy rẫy, đâu có thời gian mà kiểm tra liên tục được, nhưng mà một số bạn nam như mình thì mở fb lên là y chang cái hình minh họa phía trên ấy. 
Thế mà hở tí là vẫn mở lên xem cơ chứ! Haizz...

2. "Năng lượng tâm trí - 1%":

Thật ra ngoài tiêu thụ nguồn năng lượng là điện, điện thoại còn nuốt luôn không gian tâm trí của bạn!
Có bao giờ bạn cố gắng gạt điện thoại và các thiết bị điện tử qua một bên để tập trung học bài hay làm việc, nhưng rồi sau đó khoảng một lúc bạn gặp phải vấn đề gì đó chưa giải quyết ngay được, bạn đảo mắt xung quanh suy nghĩ ưu tư trầm ngâm thì ánh mắt của bạn vô tình bắt gặp chiếc điện thoại. Một lực hút vô hình nào đó bảo bạn hãy cầm nó lên. 
"Oppa, nắm lấy em đi anh!"
Cầm lên rồi bạn lại đắn đo :"Hay là mình giải trí một chút thôi nhỉ? Biết đâu đầu óc sáng sủa hơn thì sẽ giải quyết được vấn đề hiệu quả hơn." Bạn tự nhủ sẽ chỉ vài phút thôi, bạn mở lên. Lạc vào một thế giới nơi những phát biểu chẳng có nghĩa gì, có khi chỉ là ngẫu hứng lại thành xu hướng như chân lý Mác Lenin: trứng rán cần bơ, bắp cần mỡ; có nàm thì mới có ăn không nàm thì ăn... gì gì đó. 

Và rồi "Bùm!". Hết ngày, đã đến giờ đi ngủ. 

Nếu bạn thấy mình trên câu chuyện trên thì chúc mừng, thì cho dù bạn có ế hay là một đứa lập dị không ai chơi, thì tính ra bạn cũng không cô đơn, mình và nhiều bạn khác cũng vậy đây!
Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas ở Austin, Đại học California, San Diego và Disney Research đã tìm ra rằng việc để điện thoại thông minh ở gần bạn, ngay cả khi bạn không sử dụng hoặc nhìn vào nó, thì vẫn có thể ảnh hưởng đến nhận thức của bạn.[3]
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành hai thí nghiệm trong phòng thí nghiệm với 800 người tham gia. Thí nghiệm một, những người tham gia phải hoàn thành giải các bài toán đồng thời ghi nhớ các chữ cái ngẫu nhiên, nhằm kiểm tra khả năng theo dõi thông tin trong khi tham gia vào một tác vụ phức tạp. Thí nghiệm còn lại, các nhà nghiên cứu đã bày ra cho những người tham gia những mẫu hình ảnh bị khuyết và yêu cầu họ chọn ra một từ trong một bộ hình khác để hoàn thành từng mẫu, việc này thử nghiệm lập luận và giải quyết vấn đề.
Trước đó, họ đã yêu cầu một số người tham gia để điện thoại về chế độ im lặng - không rung, một số khác thì yêu cầu tắt nguồn. Tiếp đến, họ chia những người tham gia ra, một số người được yêu cầu đặt điện thoại úp trước mặt, những người khác cất điện thoại vào túi, những người còn lại thì được giữ giùm ở phòng khác. Những người tham gia có kết quả tốt nhất là những người nhóm sau cùng, tức những người để điện thoại ở phòng khác, tiếp theo là những người cất trong túi. Những người có kết quả tệ nhất là những người có điện thoại trên bàn trong khi làm thí nghiệm.

"Việc suy giảm năng lực này giống như hiện tượng thiếu ngủ đem lại". 

Những người tham gia có điện thoại ở gần đó thể hiện khả năng học hỏi, suy luận và phát triển ý tưởng sáng tạo giảm dần cho dù điện thoại họ bật hay tắt. Các nhà nghiên cứu tóm tắt nghiên cứu trên Harvard Business Review.
Lý giải cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng "con người có xu hướng tự động dồn sự chú ý về những thứ liên quan đến thói quen của họ, ngay cả khi bạn đang tập trung làm việc khác." Điển hình như việc bạn có thể nghe rõ ai đó gọi tên bạn từ căn phòng bên cạnh, hay ngay cả khi bạn đang trò chuyện với ai khác. Khi bạn phải cố gắng phớt lờ sức hút của điện thoại, bạn tốn một phần nỗ lực đáng kể để kìm nén sự thúc giục này, đây là một sự phân tâm khiến bạn suy nghĩ kém hiệu quả.
Tới đây rồi khỏi nói rồi, mình tin chắc các bạn biết sức hút của điện thoại nó lớn cỡ nào, đi ra đường quên não cũng được chứ chưa quên đem điện thoại theo bao giờ. Sức hút của crush khiến bạn phải nhìn khi cô ấy đi ngang qua cũng không có tuổi với lực hút đi ngang qua điện thoại mà đố bạn không cầm lên đấy. Bạn bỏ crush của bạn được, chứ đố bạn bỏ được điện thoại đấy. 
Tại sao mình biết rõ thế á? Tại mình mãi là thằng loser ở nhà ôm điện thoại, thay vì ra ngoài thể dục thể thao, học hỏi, xây dựng phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu...
Cơ mà, ở nhà trong mùa dịch này vẫn tính là có đóng góp trong đất nước rồi nhé :))

3. Cá vàng và bể bơi thông tin.

"Ủa cá vàng với internet liên quan gì cha nội?" 
Có liên quan đấy, thú nhận đi! Có phải bạn lướt fb mà bắt gặp post nào có phần xem thêm thì bạn cũng dễ dàng bỏ qua hơn so với những post không có. Trừ khi mấy bài bóc phốt hay drama hóng hớt gì đó thì đọc hết cho bằng được :)) Hoặc nếu thậm chí bấm vào xem thêm thì cũng phải lướt xuống tận dưới cùng thử xem có dài quá không? "Ôi dài quá. Thôi xin kiếu."
Lỗi không phải tại bạn hoàn toàn, mà cũng tại bạn một phần. FB thuật toán của họ là dựa vào những gì bạn click để chọn lọc nội dung cho bạn, những bài ngắn ngủi, thông tin nhanh dạng mì ăn liền đương nhiên tương tác sẽ nhiều hơn những bài dài đằng đẳng cần thời gian tiêu hóa và nghiền ngẫm hơn. Những bài giàu thông tin chết hẳn với lượng tương tác bị bóp ngạt, chỉ còn lại những câu quote deep deep, những câu phát ngôn không suy nghĩ của một hot girl nào đấy, vài cái drama hít cho bổ phổi trong thời gian ở nhà.
Thì tui lướt face để giải trí, hóng hớt mà, đâu phải ai cũng cần kiến thức. Ôi ông cụ non! 
Bình tĩnh bạn tôi, đọc tiếp đã.
"Mười năm trước, trước khi iPad và iPhone là chủ thị trường một người bình thường có khoảng thời gian chú ý khoảng 12 giây", Adam Alter, tác giả của sách Irresistible: The Rise of Addictive Technology And Business of Keep Us Hooked (Tạm dịch: "Không thể cưỡng lại: Sự trỗi dậy của công nghệ gây nghiện và kinh doanh khiến chúng ta là những con nghiện") trong cuộc phỏng vấn với NPR's Fresh Air, ông phát biểu. "Nghiên cứu về đề xuất cho thấy rằng sự chú ý của chúng ta đã giảm từ 12 xuống còn 8 giây ... ngắn hơn sự chú ý của con cá vàng trung bình, tức là chín giây." [1]
Bởi vì có quá nhiều thứ để xem trực tuyến, với các hyperlink, thông báo tràn lan của các trang web và ứng dụng, rất khó chúng ta có thể chống lại. Tweets, trước khi chỉ tối đa 140 ký tự (bây giờ thì được 280 rồi), có thể dễ dàng đọc lướt và các bài đăng trên các nền tảng truyền thông xã hội khác thường dễ tiêu hóa ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Chúng ta đã lập trình thần kinh để tìm kiếm niềm vui hoặc phần thưởng cho não bộ bằng những mẩu nội dung ăn liền - kích thước vừa đủ cho một lần cắn, khiến chúng ta bước vào một "vòng lặp dopamine", nhà tâm lý học hành vi của Susan Weinschenk giải thích trên tờ Tâm lý học ngày nay. 
Wechenchenk viết. Với mỗi bức ảnh bạn cuộn qua, tiêu đề bạn đọc hoặc liên kết bạn nhấp vào, bạn đang tạo ra vòng lặp khiến bạn muốn nhiều hơn nữa. Phải mất rất nhiều để đạt đến bão hòa, và trên thực tế bạn sẽ có thể không bao giờ hài lòng. Khả năng là bạn chỉ dừng lại khi có ai đó khác ngăn bạn lại.
Điều đó có nghĩa là, bạn chỉ có 8 giây chú ý đến một bài viết và quyết định có đọc nó hay không. Những bài viết quá dài sẽ bị bạn loại ngay từ những giây đầu, thay vào đó những tin giật gân sẽ được bạn chú ý hơn với chỉ 8 giây ngắn ngủi này. Mà thực sự lướt cả ngày với những thông tin giải trí như thế thì cũng chẳng đọng lại gì. Kiểu: "Không biết hôm nay mình đã làm được trò trống gì mà hết ngày rồi nhỉ"
Nếu chỉ dừng lại ở thế cũng chả gì to tát, nhưng mà thực sự cũng hơi to đấy! 
Bởi vì nó thay đổi Văn hóa đọc. 
Thay vì đọc hết nội dung để hiểu được bản chất vấn đề, mình hay trượt xuống phần cmt xem có ai tóm tắt nội dung không, hay xem có twist gì không? Thói quen xấu lúc trước này giúp mình chỉ nắm bắt được bề nổi vấn đề hoặc... vài fact. Không chỉ dừng ở không gian mạng, khi cầm trên tay những quyển nguyên lý thị trường hay bàn tay vô hình gì đó dày cộm, mình chỉ muốn vứt vuốt qua nó như vuốt qua một bài viết vậy, hệ quả là lại lên mạng tìm thử có ai tóm tắt dễ hiểu không. Sau cùng chỉ biết được bề nổi của tảng băng và vài cái fact thú vị. Một là để qua môn, hai là để chém gió với mấy thằng bạn khác ngành cho chúng nó lé mắt chơi (thi thoảng cũng dùng với các bạn nữ mà không có hiệu quả lắm). Nhưng lâu lâu đụng mấy ông nội ham hiểu biết, tò mò, hỏi xoáy một câu là cứng họng luôn.
Anh việc gì cũng giỏi. Nhưng giỏi nhất là bốc phét!
Các bạn có thể đọc thêm về internet ảnh hưởng văn học đọc thế nào của Monster Box. Bài viết khá hay.

Lời kết: Đây là lần đầu viết tâm sự. Mong mọi người đón nhận và góp ý.
PHẦN 2. CÁC TÁC ĐỘNG KHÁC:
1. Bảo mẫu Zootube.
2. Gia đình có thành viên mới: Smartphone.
3. Tôi đang rất không vui vẻ trong một cuộc gặp mặt.

Tham khảo:

Wynn Levi
10.30 PM
29/04/2020

Update: 11.30 a.m 2/5/2020
Link nghiên cứu về việc rút ngắn thời gian chú ý của con người:
Nghiên cứu này có gây tranh cãi, BBC nói do số liệu nghiên cứu còn mập mờ:
Cho nên, các bạn có thể tạm bỏ qua phần này.