Giả mạo hay đạo nhái: Chính xác thì chúng quan trọng đến mức nào?
Những khẩu hiệu “Hãy là chính mình”, “Dám khác biệt” dường như là mẫu slogan, câu cửa miệng thường được các nhóm NLP, diễn giả truyền...
Những khẩu hiệu “Hãy là chính mình”, “Dám khác biệt” dường như là mẫu slogan, câu cửa miệng thường được các nhóm NLP, diễn giả truyền cảm hứng, thương hiệu bình dân cùng những trang tổng hợp tin rằng vaccine gây tự kỷ 3 xu sử dụng. Nghe thì có vẻ nhân văn – truyền cảm hứng, và chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các khẩu hiệu về “sự nguyên bản của cá nhân” này được dùng thường xuyên đến thế. Vậy thực chất, từ khi nào con người lại có nỗi ám ảnh với “tính nguyên bản” hay “sự giả mạo” nhiều đến vậy?
Nếu như các bạn đã đọc những bài về đồ xa xỉ trước đây mình viết, thì chắc vẫn nhớ: khái niệm xa xỉ chưa từng tồn tại trước thời điểm dân chủ tự do (liberal democracy) vào những năm 1950s. Khái niệm này được ra đời dưới sự đỡ đầu của chủ nghĩa tư bản, luôn cổ vũ con người tư hữu ở mức tối đa, đồng thời được trao thêm sức mạnh từ ý tưởng “con người sinh ra đều bình đẳng” vốn chỉ mới được giới thiệu từ thế kỷ 18.
Vào thời kỳ trước khi tư bản xuất hiện, đồ xa xỉ không được coi là xa xỉ, vì những món đồ này chỉ mang tính chất biểu tượng cho hệ thống cấp bậc trong xã hội được áp đặt và không thể bị thay đổi. Một thương gia sở hữu tài sản nhiều gấp 2-3 lần 1 quốc vương vẫn sẽ bị hành hình như thường khi bị phát hiện mặc đồ tím, ngay cả khi vị này thừa tiền mua cả tủ đồ tím đắt đỏ. Trong xã hội quân chủ chuyên chế, không một ai là “con người tự do” theo định nghĩa của xã hội hiện đại, kể cả là quân vương.
Vì vậy, mọi sự cố gắng đóng giả tầng lớp cao hơn/thấp hơn tầng lớp khi sinh ra, bằng cách sử dụng những món đồ xa xỉ/tầm thường nhằm chối bỏ hay làm giả trách nhiệm và nghĩa vụ gắn liền với tầng lớp đó, đều sẽ bị hệ thống xã hội trừng phạt như nhau. Hệ thống này không chứa chấp sự tồn tại của hệ thống “thời trang”, đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân không thể giả mạo danh tính, giả vờ mình là một người khác qua việc sử dụng hệ thống biểu tượng của bất kỳ nhóm nào khác. Ở giai đoạn này, mọi người trong xã hội đều nguyên bản trên 3 tiêu chí vô cùng rõ ràng: không đạo nhái – không chém gió – không giả vờ. Bề ngoài của bất kỳ cá nhân nào đều phản ánh đúng thực tại và bản chất của chính cá nhân đó, những thành phần ba que xỏ lá dám sử dụng các ký hiệu/biểu tượng của nhóm khác sẽ bị xử trảm ngay tắp lự.
Sự phát triển của chế độ trọng thương từ thời kỳ Phục Hưng khiến nhóm tư sản ngày càng giàu có. Tầng lớp tư sản trở thành một thế lực mạnh, các biểu tượng/ký hiệu thuộc về tầng lớp cũ được giải phóng khỏi nghĩa vụ và trách nhiệm. Đây chính là thời điểm đánh dấu sự phát triển của hệ thống thời trang và sức mạnh thần bí của đồ vật: nhóm tư sản có thể giả mạo là giai cấp cao hơn qua trang phục và biểu tượng; đồ vật/ký hiệu tạo ra hào quang về sự giàu có, danh giá, địa vị cho người sở hữu vật đó. Sự giả mạo chính thức xuất hiện, và lần đầu tiên trong lịch sử, những con người sống trong xã hội nhận ra rằng thứ bề ngoài mình đang nhìn thấy có thể phản ánh một bản chất khác hoàn toàn.
Sự phức tạp không dừng lại ở đó, thời kỳ công nghiệp (thế kỷ 19) đẩy mạnh hơn nữa quá trình sản xuất ký hiệu/biểu tượng và biến chúng thành những món hàng công nghiệp đại trà và giống hệt nhau. Ở thời điểm này, các ký hiệu/biểu tượng chỉ cần tiền là sở hữu được, và sự nguyên bản không còn được coi trọng. 1 con lợn khoác áo hàng hiệu có thể trở thành tiêu điểm xã hội dù về bản chất nó vẫn chỉ là 1 con lợn. Những bản chất liên tục bị che giấu nhiều đến mức thực tại trở nên rất mơ hồ, chỉ còn lại hàng hóa – ký hiệu và biểu tượng.
Xã hội văn minh đem đến sự tự do mua bán hàng hóa cho mỗi cá nhân, chi trả đến đâu thì được hưởng thụ đến đấy. Nó tạo ra sân chơi cho con người hiện đại sống hào nhoáng, chẳng hạn như: so sánh xe hơi, nhãn hiệu quần áo, check-in nhà hàng Michelin... và dần dần con người sử dụng tư duy tính năng/giá trị sử dụng – thường được áp dụng với đồ vật – lên bản thân mình bằng cách so sánh mình với những người khác. Bi kịch này ngày càng trầm trọng hơn, khi mạng xã hội và hệ thống truyền thông showbiz định hướng lối sống tiêu dùng nhanh, theo xu hướng, và tư duy so sánh vật chất trên Facebook – nơi những tài khoản chỉ là hình ảnh giả dối của những con người ám ảnh về sự nguyên bản, cố gắng chứng minh tính độc nhất bằng cách đắp thật nhiều biểu tượng lên người.
Thực tại hiện đại là một dải giấy Mobius, nơi ý nghĩa được vặn xoắn để giả là thực, thực là giả, ảo ảnh là thực tại mới còn thực tại thì bị nghi ngờ, không có ranh giới rõ ràng giữa hai cực này nữa. Con người tự do cứ đi tìm cái nguyên bản đã mất, và xã hội thì cứ luôn dẫn những con người tự do nhưng mù lòa đấy từ mê cung này sang một mê cung khác.
Mà cũng chẳng nói đâu xa, ngay cả sự giả mạo cũng có thể biến thành ý tưởng bán hàng: Gucci đang quảng cáo rất mạnh bộ sưu tập Fake/Not, chỉ việc in đúng 2 chữ này lên những sản phẩm đã có và bán ra thị trường như một trò đùa với mức giá không thể đùa. Dự sẽ có 1 trào lưu mới kiểu:
- Tao thích mặc đồ fake cực. Mà là Fake/Not của Gucci!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất