Vấn đề làm thêm giờ trong ngành IT
nguồn: internet Viết cho những người bạn của tôi - những người trẻ mới ra ra trường nhưng có mindset rất tốt về qui trình làm việc,...
Viết cho những người bạn của tôi - những người trẻ mới ra ra trường nhưng có mindset rất tốt về qui trình làm việc, có sự cẩn thận tỉ mỉ của một lập trình viên, có tinh thần cầu tiến học hỏi không ngừng và một sự cầu toàn đến khó tin, chính các bạn đã trở thành tấm gương để tôi học tập và noi theo. Chắc hẳn nếu các bạn đang theo ngành IT thì đều biết công việc bận lòi cả mắt như thế nào (à cũng có những lúc rảnh rang cả ngày). Nói qua về tính chất làm outsource với công ty Nhật thì là thế này: khách hàng luôn muốn nhận được một sản phẩm phần mềm chất lượng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất có thể để có thể tiết kiệm tối đa nguồn nhân lực hoặc để phù hợp với campain của công ty. Khách hàng đưa ra yêu cầu thông qua project manager (PM) của dự án, manager thực hiện thiết kế tài liệu đặc tả sản phẩm (specs) rồi sau đó triển khai tới các member khác trong team là designer, developer và tester. Tuy nhiên trong thời gian team tiến hành code hay test thì luôn phát sinh nhiều điểm trong specs cần phải confirm lại với khách hàng, tiến độ của dự án phụ thuộc vào phản hồi của khách hàng nhanh hay chậm. Đồng thời khách hàng cũng đưa ra 7749 yêu cầu về thay đổi tài liệu thiết kế (change requirement) khiến cả team trở tay không kịp, trong nhiều trường hợp dù được dãn deadline thì vẫn phải vắt chân lên cổ mà làm. Trong lúc deadline sắp đến mà dự án còn phát sinh nhiều bug hóc búa nữa thì đảm bảo không khí trong team sẽ căng như dây đàn. Team tôi cũng đã trải qua những giờ phút làm việc ăn ngủ nghỉ tại công ty cho tới...ngày hôm sau. Tôi có đọc một số bài trên Spiderum nói về quan điểm người trẻ đang bán sức lao động cho tư bản, hy sinh thời gian cá nhân, không có thời gian gặp gỡ bạn bè tạo dựng mối quan hệ mới và quan trọng nhất là rèn luyện sức khỏe. Tôi không phải là người thích làm thêm ngoài giờ và cũng hiểu sự quan trọng của việc work-life balance tuy nhiên tôi không thể thực hiện đều răm rắp ngày nào cũng đúng 17:30 xách cặp ra về được. Khi đọc những bài như thế tôi đã tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: Liệu có phải ngành IT đang mình biến thành những "con người bán sức lao động" như trong các bài viết kia đề cập không? Vì vậy tôi cũng muốn viết ra những suy nghĩ của mình và cũng là để mọi người có góc nhìn khách quan hơn đối với việc làm thêm giờ trong ngành IT.
Trong dự án tôi làm ở vị trí tester. Ngày chập chững bước vào nghề tôi cũng như các fresher khác còn non về kinh nghiệm test, viết tài liệu test chưa ổn cộng với vốn tiếng Nhật ít ỏi (hậu quả của việc chỉ học để thi LJPT mà chưa có thực hành nhiều). Qua review công việc với leader tôi được nhận xét là tài liệu test của tôi thiếu trường hợp test, bố cục trình bày chưa logic và tiếng Nhật thì sai ngữ pháp nhiều. Tôi xém khóc khi nghe leader review nhưng cũng nhờ vào những lời nhận xét thẳng thắn mà tôi nhận ra được điểm yếu của mình. Tôi thường ở lại công ty sau giờ làm việc để đọc thêm tài liệu test của các bạn khác trong team, đọc tài liệu thiết kế phần mềm, tập viết testcase để tự train và học thêm tiếng Nhật. Tôi chọn ở lại công ty thay vì mang việc về nhà đơn giản là ở công ty tôi được trang bị hai màn hình máy tính siêu to khổng lồ, máy lắp ổ SSD chạy siêu mượt, không gian yên tĩnh thoải mái tập trung suy nghĩ. Không chỉ mình tôi ở lại công ty, cô bạn đồng nghiệp ngồi cùng bàn là sinh viên mới ra trường, hàng ngày làm việc rất siêng năng. Bạn có tâm sự với tôi rằng "Em làm việc chăm chỉ để có thêm nghiệm và nâng cao khả năng sử dụng tiếng Nhật để được công ty cử đi làm việc tại chi nhánh bên Nhật". Đây cũng là người bạn đầu tiên trong công ty mà tôi thầm ngưỡng mộ - người đã truyền cho tôi cảm hứng về sự nỗ lực trong công việc.
Tôi cũng nhìn thấy mấy tụi dev trong team làm việc xuyên trưa không ăn cơm, khi tôi hỏi thì tụi nó trả lời "Đang lúc có idea code nên phải làm luôn". Cũng có khi là bug được khách hàng yêu cầu cần sửa gấp thế là nguyên cả team phải nhanh chóng giải quyết vấn đề để có thể báo cáo với khách hàng trong thời gian sớm nhất. Đây cũng không phải là hết mình vì công việc mà còn vì trách nhiệm của những người làm phần mềm. Bởi việc bug phát sinh trên môi trường thật có thể gây ảnh hưởng tới người dùng, gây tổn thất về tài chính cũng như uy tín của công ty khách hàng. Công việc lập trình đòi hỏi việc tập trung suy nghĩ mà một khi công tắc ý tưởng đã được bật sáng thì cũng giống như là hormone dopamine được giải phóng, dev có thể code say sưa đến nỗi quên cả thời gian. Dev cũng không vì chạy theo deadline mà code ẩu, tuyệt đối không đồng ý bàn giao sản phẩm phần mềm khi sản phẩm đó chưa được test cẩn thận. Tôi cho rằng làm việc 8 tiếng đạt được năng suất hiệu quả thường xảy ra nhiều ở các công ty Châu Âu nơi mà không gian làm việc tuyệt đối yên tĩnh, không có các hoạt động ngoại khóa xen vào giữa giờ làm việc như: tổ chức sinh nhật, ăn vặt giữa giờ, mua hàng online, lướt facebook :) Làm việc 8 tiếng hay 12 tiếng một ngày không quan trọng mà quan trọng là bạn đã giải quyết được những khúc mắc còn vương vấn trong đầu trước khi rời khỏi công ty. Ra về với tâm trạng vừa hoàn thành một task khó hay fix xong một đống bug khó nhằn là một cảm giác rất yomost đấy.
Ngoài việc hoàn thành task của mình, việc support các "đồng đội" trong team là việc cần thiết để team có thể hoàn thành được công việc đúng dealine. Trong trường hợp deadline gấp, các member trong team tôi sẽ support lẫn nhau. Không phải ai cũng thích làm thêm giờ nhưng ra về khi bạn mình chưa xong việc thì lòng cũng không thoải mái. Nhờ những lần làm việc ngoài giờ cùng nhau mà team tôi trở lên gắn kết hơn, dù không khí trong team đang căng thẳng đến đâu mọi người vẫn không quên cà khịa một cách hài hước. Buổi tối cũng là khoảng thời gian tĩnh lặng phù hợp để trút bầu tâm sự, chả thế mà tôi bạn tôi hay đùa rằng: "Làm IT có khả năng ế vì không có thời gian đi chơi nhưng cũng có khả năng sẽ yêu ai đó trong team vì suốt ngày làm việc cùng nhau". Làm thêm giờ vốn có sự căng thẳng mệt mỏi cho đến khi manager thông báo tất cả các bug đã được fix xong và có thể gửi sản phẩm cho khách hàng, cả team reo hò vui sướng, vui vì được về nhà đi ngủ, vui vì làm đúng tiến độ và chắc hẳn trong lòng ai cũng có một chút tự hào nho nhỏ vì đã có trách nhiệm với phần mềm mình làm ra.
Tôi không cổ xúy cho việc làm thêm giờ đặc biệt là đối với những người đã có gia đình cứ mỗi lần ở lại công ty muộn là lại nghe thấy tiếng điện thoại của vợ và con nhỏ hỏi bao giờ bố về?! Tuy nhiên khi còn trẻ bạn nên đầu tư thời gian vào việc học hỏi nâng cao kĩ năng làm việc và tích lũy thêm kinh nghiệm. Ngồi ở công ty không có nghĩa là bạn không mở rộng được quan hệ mà bạn có thể tạo dựng được mối quan hệ gắn kết hơn với các thành viên trong team hay giao lưu với những thành viên team khác. Người làm IT cũng không có nghĩa là khô khan, ít nói, lười chơi thể thao. Thực tế team tôi có những dev vẫn tham gia đá bóng ba buổi một tuần, có team đi chạy ở công viên gần công ty và có luôn cả qui định dev nào tạo ra nhiều bug thì phải trải thảm yoga chống đẩy ngay trong phòng :) Những quan điểm của tôi trên đây dựa vào các trường hợp thực tế của dự án tôi đang làm nên cũng chỉ là một góc nhìn nhỏ trong ngành IT, chắc hẳn sẽ còn nhiều ý kiến khác từ bạn đọc.
Chú thích:
Specs: Tài liệu đặc tả phần mềmDeveloper: Lập trình viênTester: Nhân viên kiểm thử phần mềmProject manager: Người chịu trách nhiệm quản lý dự ánChange requirement: Khách hàng thay đổi yêu cầuBug: Lỗi của phần mềmJLPT: Kì thi năng lực tiếng NhậtHormone dopamine: Là hormone của não bộ mang đến cảm giác hạnh phúc, thích thúQuan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất