[Nhìn lại năm cũ] Về nguyên tắc viết trong thời kì phá huỷ do sáng tạo
Nhìn lại hành trình chọc chó online cho đến năm Nhâm Dần trong 3753 chữ.
Đây là xê-ri bài viết Nhìn lại năm cũ mà bắt đầu từ năm 2020 tôi quyết định thành lập với tần suất mỗi năm một bài, vừa để nhìn lại việc viết trong năm cũ của tôi ra sao, vừa để đánh dấu quãng thời gian tôi gắn bó với Spiderum, và cũng vừa để có chỗ cho tôi lập ngôn về việc viết lách.
Bình thường người ta hay lấy dịp Tết dương lịch để nhìn lại nhưng bản thân tôi chỉ chọn Tết âm lịch. Tôi thích Tết âm lịch hơn không phải do truyền thống (những ai hay đọc tôi hẳn cũng biết tôi không coi trọng truyền thống cho lắm) mà chỉ do thời tiết. Tết Nguyên Đán luôn đến cùng với mưa phùn, thời tiết hơi nồm ẩm, cây cối sinh sôi, thảy chúng là những tín hiệu lúc nào cũng khiến tôi tràn đầy hứng khởi, trong khi đó ở Tết dương lịch điều tôi cảm nhận được thường chỉ là cái lạnh mà thôi.
Bài viết lần này, như nhan đề, sẽ bàn về nguyên tắc viết trong thời kì phá huỷ do sáng tạo. Phá huỷ do sáng tạo (creative destruction) là thuật ngữ tôi lấy từ nhà kinh tế học Joseph Schumpeter, nó chỉ đến sự phá huỷ cấu trúc xã hội xuất phát từ sự sáng tạo mà thường biểu hiện qua những công nghệ khoa học mới. Internet là một điển hình của sự phá huỷ do sáng tạo khi nó làm xói mòn đặc quyền của nhiều cái cũ và phân bổ lại quyền lực cho nhiều cái mới. Trước sự phá huỷ do sáng tạo, người viết ngày nay cần nhìn rõ để thay đổi một số tư tưởng cũ kĩ lạc hậu nhằm thích ứng tốt nhất với nó; hoặc ít nhất cũng để biết rằng thực chất mình đang làm gì và ý thức được hành động đó sẽ dẫn đến cái gì.
ĐA THANH
Đa thanh (polyphony) vốn ban đầu là thuật ngữ trong âm nhạc, sau này được dùng trong phê bình văn học. Nghĩa của nó rất rộng nhưng ở bài viết này tôi chỉ hàm ý về sự đa dạng trong giọng văn mà thôi. Tôi vẫn thường coi đa thanh là kĩ năng quan trọng cho công việc của mình: Đọc (tiếp thu được nhiều giọng văn và tư tưởng khác nhau mà không nhất thiết phải đồng ý với chúng); Dịch (chuyển tải trung thành được nhiều tư tưởng và giọng văn của nhiều tác giả khác nhau); và Viết (viết được bằng nhiều giọng văn khác nhau đến mức người đọc không nhận ra tác giả).
Về việc viết, thành quả đa thanh đáng chú ý trong năm nay của tôi là việc viết cho Monster Box. Thời gian hợp tác kéo dài nửa năm và chỉ dừng lại vì lí do gần đây Monster Box đột ngột tuyên bố dừng vô thời hạn dự án viết, nửa năm đủ cho tôi viết ở đó 11 bài. Toàn bộ 11 bài này đều viết bằng giọng văn trung tính đến mức không ai phát hiện ra chúng do tôi viết cả, chỉ cho đến khi tự Monster Box công khai danh tính người viết khi ra mắt website.
Khác với tư tưởng thủ cựu rằng văn là người hay giọng văn phản ánh cảm xúc của tác giả, giọng văn như thế nào chỉ là một lựa chọn của người viết và việc người viết có đa dạng lựa chọn hay không hoàn toàn nằm ở trình độ viết của họ. Đúng là có người chỉ viết một màu, nhưng đó là hạn chế ở trình độ người viết chứ không ở đặc thù công việc viết hoặc đặc điểm nhân cách. Cạnh đó, tuy giọng văn khác hoàn toàn nhưng nội dung bài vẫn xoay quanh vài thế mạnh mà tôi đã thể hiện trên Spiderum mà thôi, vẫn là chủ đề về cờ vua, ngôn ngữ, văn chương, khoa học xã hội. Điều này cho thấy rằng nội dung không có mối ràng buộc nào với giọng văn cả.
Tuy nhiên việc khuyến khích viết đa thanh không đồng nghĩa với lối viết khô khan. Giọng văn khô như ngói như một trang Wikipedia là lựa chọn mà cả tôi lẫn Monster Box thống nhất là nên tránh, ít nhất là đối với dạng bài viết dành cho đối tượng đại chúng. Dẫu biết rằng giọng văn Wikipedia là cái có thể hạn chế tối đa cảm xúc ở người đọc, nhưng đánh dấu bản sắc cá nhân lên giọng văn là mục đích chính đáng của người viết và việc viết sao cho vừa lòng người đọc không nên trở thành bất kì mục đích nào của người viết cả. Viết để thoả mãn bản thân là điều nên được đặt lên đầu như tôi đã nhiều lần nói về trong các bài Nhìn lại năm cũ trước đó.
ĐỪNG XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG THÁNH NHÂN
Năm vừa qua có vụ bê bối tương đối lớn về chuyện một người viết nổi tiếng nọ, tạm gọi A, (tôi không nhắc tên anh ta ở đây vì tôi đang thuần tuý bàn về sự kiện chứ không bàn về cá nhân) từng được mời đi talkshow về nữ quyền nhưng rồi bị bóc phốt là thao túng phụ nữ và bắt cá hai tay. Tuy có cáo buộc hiếp dâm nhưng chỉ là đàm tiếu của dư luận chứ chưa đủ cơ sở, vậy nên về cơ bản vụ phốt này xoay quanh vấn đề luân lí của A mà thôi, chứ không phải vấn đề pháp lí.
Sự ấy kéo theo hiệu ứng khá thú vị khi người đọc bắt đầu đánh đồng từ anh ta vào toàn bộ người viết trẻ trên mạng, vốn hoàn toàn không liên quan gì đến anh ta cả. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ toàn bộ giới viết trẻ vô đạo đức, nhiều người còn hả hê kiểu thằng A bị bóc phốt rồi giờ hóng bọn XYZ cũng bị bóc nốt xem sao. Và XYZ ấy bao gồm cả tôi và những người không có quan hệ với A. Dường như dư luận tin rằng nhóm người viết trẻ không ai trí thức và lương thiện như họ thể hiện.
Tôi tưởng tượng rằng những “tội” mang tính luân lí ấy nếu cáo buộc vào những nhóm người vốn dĩ cặn bã như Redpill, Incel, Voz, v.v. thì liệu cơn giận của dư luận có lớn đến vậy không? Câu trả lời là không, vì thực tế lịch sử cho thấy những cộng đồng tôi kể trên có quá nhiều kẻ tội lỗi, thậm chí vài kẻ trong số đó còn vào tù ra tội – tức là gặp vấn đề pháp lí chứ không chỉ luân lí – mà nào thấy dư luận lên đồng như vụ của A đâu.
Lí do cho hiệu ứng này nằm ở cách mà A xây dựng hình tượng bản thân, anh ta đánh Redpill (một giáo phái thù hằn phụ nữ) và thuyết về nữ quyền, nhưng lại hành xử y chang một Redpill chính cống – bắt cá nhiều tay và thao túng phụ nữ. Dư luận lên đồng vì cái hiệu ứng tương phản giữa lời nói và hành động của anh ta hơn là cái “tội” anh ta phạm phải. Bởi cái “tội” ấy không hề hiếm, nó nhan nhản trong cộng đồng Redpill. Nó đúng là đáng trách thật, nhưng sự trách móc ấy không phân bổ cân bằng cho mọi kẻ phạm lỗi.
Nếu ta tự nhận mình thanh cao, người đời xét nét ta bằng chuẩn đạo đức tót vời, nhưng nếu ta tự nhận mình truỵ lạc, người đời ít xét nét ta hơn. Đây chính là điều Oscar Wilde đã nhận ra từ thế kỉ 19, và vẫn đúng đến bây giờ. Vậy nên tốt hơn cả là ta hãy thừa nhận đúng bản thân mình, cả điểm tốt lẫn điểm xấu, và không ngại thể hiện nó ra trước nhân thế. Đặc biệt trong xã hội mà dư luận thường mặc định người viết là thánh nhân.
Ví dụ ngay ở bài viết gần nhất của tôi, một thanh niên hóng hớt được bình luận công khai của tôi với bạn bè rằng tôi đăng bài với mục đích thả xương cho chó cắn nhau. Thanh niên ấy mang ảnh này đi rêu rao khắp Spiderum như thể vừa phát giác tội phạm không bằng. Hẳn tôi đã rất lo sợ nếu như xưa nay tôi phát ngôn rằng biết ơn người đọc này nọ, nhưng không, xưa giờ tôi vẫn công khai mình viết để thoả mãn cái tôi, không hề giấu giếm hành động chọc chó online của mình. Vậy nên thay vì lo sợ, tôi chỉ coi hành động đó là trò hề, và 6 năm viết lách đủ cho tôi gặp không biết bao nhiêu trò hề như vậy.
Biết rằng bản năng con người không thể với đến cái thần thánh, nhưng trí tuệ thì có thể, nên hãy xác định rằng rất nhiều khi con người chứa đựng mâu thuẫn giữa cảm tính và lí tính. Nhưng không việc gì phải chối bỏ tính xấu của bản thân cả miễn sao không vi phạm pháp luật. Chẳng hạn tôi tôn trọng nhân quyền (lí tính) nhưng tôi yêu quý động vật hơn yêu quý con người, đặc biệt khi so sánh với lũ ngu (cảm tính). Tôi phản đối việc dùng đòn roi với trẻ con (lí tính) nhưng tôi không thích sống cùng trẻ con chút nào (cảm tính). Tôi đánh giá rất cao tính chung thuỷ (lí tính) nhưng nhiều lúc vẫn tơ màng người khác khi đang duy trì tình yêu 5 năm của mình (cảm tính). Để dung hoà mâu thuẫn này thì trước tiên chúng ta cần phải thành thật với bản thân và với mọi người, rồi cân nhắc hành động bởi cuộc sống vốn dĩ là công việc cân bằng giữa các khả năng xuất hiện trong đời.
Tôi không tin có một thiên thần điều khiển mỗi người, mà tin rằng có nhiều con quỷ được phân bổ quyền lực và tự chúng kìm chế cái ác của nhau trong mỗi người, chính qua đó mà con người chúng ta trở nên rất người.
TẠO MÔI TRƯỜNG TỬ TẾ TRƯỚC KHI VIẾT CÁI TỬ TẾ
Có hai khái niệm mà người Việt thường chưa phân biệt rõ là đạo đức và luân lí. Đạo đức (morality) là bộ nguyên tắc tốt-xấu của mỗi cá nhân; luân lí (ethics) là bộ nguyên tắc tốt-xấu của mỗi cộng đồng được rút ra từ sự nhất trí của đa số cá nhân. Chính vì lí do này mà đạo đức thường bị đánh đồng với luân lí, nhưng thời đại Internet với sự phá huỷ do sáng tạo càng lúc càng khiến luân lí không thể bắt kịp đạo đức. Chẳng hạn, luân lí Việt Nam cho rằng không sinh con là bất hiếu do ảnh hưởng từ Nho giáo và vẫn bám rễ vào nhóm người trung niên, nhưng giới trẻ nay càng lúc càng nhiều người không cho đó là xấu, bởi đạo đức của họ được thay đổi qua sự giao lưu văn hoá. Mà trong thời Internet, chỉ cần một chiếc điện thoại là mọi người có thể giao lưu với bất kì ai ở bất kì đâu miễn có điện và mạng.
Qua việc trên tôi muốn nói rằng thời nay những lời khen về đạo đức có độ tin cậy rất thấp, và ngay cả khi nó cao thì cũng không bền lâu vì rất có thể một thời gian ngắn sau mọi người thay đổi quan điểm, hoặc không cùng quan điểm ở lĩnh vực khác. Ở trên mạng, một ngày gặp cả trăm người đọc, người viết nếu sa đà vào lời khen của người đọc dễ trở thành “bút nô” cho họ và chẳng mấy chốc sẽ đánh mất bản thân. Và càng tồi tệ hơn nếu người đọc vốn dĩ bước vào với ác ý là chia rẽ và khích bác.
Tôi còn nhớ cách đây không lâu Monster Box lên bài với quan điểm rằng game bạo lực không khiến người chơi trở nên bạo lực, tức trái ngược với quan điểm một bài của tôi ở Spiderum. Người đọc ở Monster Box bấy giờ vẫn tạp nham và rất nhiều kẻ hoan hô hành động khịa đểu của Monster Box với Tornad, trong khi thực tế chúng tôi là bạn và có thể tranh luận gay gắt chứ không bao giờ có chuyện khịa đểu cả. Với người viết, việc trái quan điểm rất bình thường nhưng việc khịa đểu thì không. Giả sử hai người viết không biết nhau mà nghe đám người đọc bơm đểu như vậy thì có thể họ quay ra ghét nhau thật cũng nên.
Những thành phần người đọc như vậy là những kẻ thuộc dạng xem đấm bốc mong thấy chết người, xem bóng đá mong thấy gãy chân, bất cần biết đội ta hay đội bạn gãy chân, họ thiếu mọi phẩm chất để ta có thể hi vọng vào lòng tử tế.
TỰ TIN KHI BẤM NÚT KHOÁ MÕM
Đồng ý rằng sự đa chiều ý kiến là cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, nhưng nó chỉ đúng với xã hội trước khi có Internet và với môi trường không công khai trên Internet. Sự phá huỷ do sáng tạo mà Internet gây ra khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về vấn đề tự do ngôn luận hơn bao giờ hết, có thể kể hậu quả điển hình của nó là phong trào #MeToo và một phần của nó là phong trào triệt hạ (cancel culture), lạm dụng tự do ngôn luận, những người đứng đầu phong trào triệt hạ có xu hướng bịa đặt và dắt mũi đám đông để triệt hạ bất cứ ai họ ghét.
Dưới tư cách người viết, nên biết rằng việc nhận về mọi ý kiến từ đám đông hoàn toàn không phụng sự cho mục đích trí tuệ. Đó là mối quan hệ win-win giữa một đám đông có nhu cầu tuôn xả cảm xúc và một trang tin hoặc người viết cần sự nổi tiếng nhờ cơn lên đồng của đám đông mà thôi, không có vị trí cho trí tuệ ở đây. Mối quan hệ đó không xấu, chỉ là cần xác định rõ nó có thể mang lại cái gì và không mang lại cái gì để chúng ta tuỳ nhu cầu mà hành xử.
Vấn đề là nhiều người, cả người viết lẫn người đọc, ngộ nhận rằng việc mở toang cửa cho bất kì ai (“bất kì ai” bao gồm cả hạng vô giáo dục) được vào nhà lên tiếng là hành động tốt cho trí tuệ của đôi bên. Họ quên rằng trên mạng có bộ phận gọi là troll, nhóm người khét tiếng đến mức đã đi vào meme. Troll chỉ biết phá quấy và họ có mặt ở mọi nơi vì đó là mục đích cho sự tồn tại trên mạng của họ. Càng tranh luận với troll họ càng tưởng trò láu cá của họ có giá trị nên sẽ càng tiếp diễn. Thậm chí bình luận của con troll đầu tiên là thuốc kích thích cho nhiều con troll khác theo vào. Cuối cùng phần bình luận trở thành mớ hổ lốn gây nên ấn tượng xấu khi người đọc nghiêm túc tìm đến để thực sự học hỏi. Có nên hi sinh lợi ích của người tử tế để giữ lợi ích cho hạng vô lại? Hỏi đã là trả lời.
Năm vừa qua tôi đã thẳng tay chặn rất nhiều con troll đeo bám mình nhiều năm (kể từ thời tôi còn vào QRVN) và không giấu giếm việc đó. Tôi còn nhận ra việc trước kia mình để họ tham gia sân chơi khiến họ sinh ảo tưởng rằng đó là quyền hiển nhiên của họ. Họ cho rằng cái sân chơi ấy vì được tự do vào nên cũng tức là được tự do phá một cách hồn nhiên và công khai. Còn tôi thì cho họ biết rằng dẫu chỉ vào chơi thôi cũng không được.
Đây cũng là vấn nạn tôi thấy trên Spiderum, thời gian viết 6 năm ở đây khiến tôi nhẵn mặt nhiều troll vẫn đều đặn vào bài tôi bình luận, đến mức tôi khá chắc rằng họ còn đăng kí nhận thông báo từ tôi. Những thành phần này đáng lẽ đã bị tôi lẳng lặng chặn từ lâu nếu có nút chặn. Hi vọng trong tương lai Spiderum có tính năng chặn, hoặc khoá bình luận với một số người, để họ biết rằng muốn vào bài của tôi chơi cũng không đủ tư cách chứ chưa nói đến vào tìm kiến thức.
VỀ NHÀ MÀ THỂ HIỆN
Nhân nói về nút chặn, tôi thấy đây là tính năng rất hay của nền tảng mạng xã hội so với nền tảng diễn đàn. Nó không vi phạm quyền tự do ngôn luận mà chỉ đang củng cố cho quyền từ chối giao tiếp của mỗi người. Người bị chặn không hề mất đi kênh cá nhân để lên tiếng, họ chỉ mất đi quyền được lên tiếng ở kênh của người khác. Cạnh đó nút chặn giúp những người viết nếu chưa vững vàng trước miệng đời có công cụ để tự vệ, vì người ta chỉ có thể viết một cách năng sản khi cảm thấy an toàn, ổn định, và vui vẻ.
Mỗi người đều có toàn quyền với kênh cá nhân của mình, đây sẽ là nhà của họ, nơi họ được cung cấp công cụ khuyến khích thể hiện bản thân và hình thành lối cư xử riêng, hay văn hoá, ở trong nhà mình. Có nghĩa là họ thích viết bằng giọng văn gắt gỏng hay hiền từ tuỳ thích và không ai có quyền ngăn cản. “When in Rome, do as the Romans do” hoặc “Nhập gia tuỳ tục” chính xác là cách cư xử khi vào kênh cá nhân của mỗi người.
Nói đến đây làm tôi lại nhớ về một meme đã hết thời khác: “Về nhà mà thể hiện.” Nhưng việc về nhà mà thể hiện hoàn toàn không sai, và sẽ là văn minh nếu dùng nó để giải quyết mâu thuẫn. Biết rằng với mạng xã hội, sự thể hiện trong nhà người khác dễ dàng trở thành hư vô chỉ với một nút bấm của chủ nhà; với diễn đàn thì về bản chất chỉ là một ngôi nhà to hơn được toàn quyền bởi nhiều chủ nhà hơn mà thôi, thành viên diễn đàn chưa bao giờ được tự do như họ tưởng, cứ nhìn sự lụi tàn của mô hình diễn đàn trước mạng xã hội là hiểu.
Vấn đề ở đây chỉ là phương cách về nhà thể hiện quá khó làm với đa số mọi người. Bởi tuy ai cũng có quyền lên tiếng nhưng không phải ai cũng có khả năng viết hay để được nhiều người chú ý. Việc về nhà mà thể hiện đối với nhiều người dễ trở thành chui vào xó độc thoại. Thế nhưng đây không phải lí do chính đáng cho việc khóc lóc, bởi trình độ thấp thì cố mà cải thiện, nếu không cải thiện được tức là không có khả năng ảnh hưởng được đến người khác. Dù sao thì khóc lóc ăn vạ cũng không giải quyết được vấn đề.
VIẾT VỚI TÂM THẾ BÀI VIẾT SẼ TỒN TẠI LÂU HƠN NGƯỜI VIẾT
Phần cuối cùng hơi lí tưởng hoá việc viết, nhưng không có gì sai khi chúng ta vừa nhận rõ hạn chế của thực tại lại vừa hướng đến cái cao đẹp của lí tưởng. Bởi vì giữ tâm thế này nên một trong nhiều nguyên tắc của tôi là viết về ý tưởng thay vì viết về cá nhân, và che tên mỗi khi dẫn chứng là một biểu hiện của điều đó (tất nhiên bài dạng bóc phốt thì khỏi cần che).
Bằng việc che tên, dẫn chứng vừa nói lên độ tin cậy rằng phát ngôn đó có thật thay vì do tác giả tưởng tượng ra, vừa không khiến người đọc hướng quá nhiều vào cá nhân của người phát ngôn. Tất nhiên vẫn không ngăn được một số người đọc tò mò tìm khổ chủ, hoặc hài hước hơn là gặp mấy thành phần được che tên rồi nhưng vẫn bô bô tự nhận rồi tru tréo các kiểu.
Quan trọng hơn cả, tôi muốn những bài viết của mình là thứ mà nhiều năm sau với kiến thức lẫn kinh lịch phong phú hơn nhưng đọc lại vẫn thấy có giá trị, rất có thể sẽ thấy nó sơ sài hoặc thiếu khuyết nhưng tốt hơn cả là đừng thấy nó vô bổ và không đáng mỉm cười khi nhìn lại.
Tôi tin rằng với tốc độ của công nghệ như hiện nay thì sự phá huỷ do sáng tạo càng lúc càng lớn và dồn dập, nhưng cũng tin rằng khoa học công nghệ và cấu trúc xã hội thay đổi chứ bản chất con người thì không, vậy nên những giá trị cơ bản của con người thì không bị lỗi thời.
Tái bút, ai muốn đọc bài tôi viết trên Monster Box thì có thể vào đây
Tái tái bút, bài này được tôi đăng sớm so với thời gian dự kiến vì máy tính sắp tạch phải gửi tiệm hehehe, thiết nghĩ Spiderum có thêm chức năng hẹn giờ đăng bài thì hay.
TORNAD
31/1/2022
29 Tết Nhâm Dần
31/1/2022
29 Tết Nhâm Dần
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất