“Tối nhậu không bạn ơi”
“Nay có kèo nhậu to đấy, chuẩn bị tinh thần nhé”
“Thằng này yếu bóng vía mà, bay vào nhậu chết mẹ nó”
"Nhậu"
Là một thằng con trai (thẳng) hơn 20 tuổi, mình không thích “nhậu”, mình cũng không hiểu từ này bắt nguồn từ ai và có từ bao giờ, mình thích những từ nghe có vẻ “nhẹ nhàng” hơn như là đi uống bia hay tụ họp với bạn bè. 
Trong suy nghĩ của mình, “nhậu” là một hoạt động gồm từ 2 người trở lên ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ gọn đầy ắp thịt và những lon bia Sài Gòn hay Tiger đã gắn với văn hóa ăn uống của Việt Nam hàng chục năm nay. Trong chiếc bàn nhậu ấy, mọi người nói chuyện về đủ thứ trên đời, từ gái gú, tiền bạc cho đến chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo, không có thứ gì là có thể bỏ qua.

Đôi khi họ ngồi hàng giờ đồng hồ với một túi đậu phộng tầm 30 hạt, song có thể “dứt” gọn 3 két bia rồi say bí tỉ, lâng lâng về nhà để rồi sáng hôm sau đau đầu thức dậy, mồm đầy mùi cồn mà thấy bứt rứt về mấy trăm nghìn lỡ xài hết từ buổi nhậu hôm qua.
“NHẬU” LÀ GÌ?
Trong wikipedia, “nhậu” được định nghĩa là:
“Hoạt động ăn uống và giao tiếp của xã hội có liên quan đến rượu, bia hoặc thức uống có cồn khác. Nguyên nhân của nhậu bao gồm người uống có nhiều tâm sự, vui, buồn, thậm chí chỉ là thói quen.
Nhậu bao gồm việc con người (thường là nam) chủ động tìm kiếm những cơn say thông qua đồ uống. Các lý do khác bao gồm là hành động hỗ trợ cho một hành động chính cụ thể khác nào đó của xã hội như vai trò thúc đẩy việc giao tiếp mà nổi bật nhất giúp thông hiểu, hợp tác. Chẳng hạn liên quan ký kết hợp đồng làm ăn. Nhậu theo một cách hạn chế có thể góp phần thúc đẩy sự nghiệp một người đàn ông trong cuộc sống xã hội hiện nay”
Blah blah..
Ăn nhậu có thể là một bàn tiệc vui vẻ của gia đình và bạn bè, một chầu “lai rai” giản dị giữa hai anh thợ xây sau một ngày lao động vất vả, một sự “giao lưu gặp gỡ” của nhân viên văn phòng sau giờ tan ca, một buổi “hội ngộ” của những người bạn vài năm không gặp, một bữa tiệc mừng cô dâu chú rể trong ngày cưới, một buổi “đàm phán thương lượng” hoặc “ăn mừng thắng lợi” của các doanh nhân…

NHẬU THÌ CÓ GÌ MÀ GHÉT?
Định nghĩa nhậu thì được hiểu đơn giản như trên
Tuy nhiên, hình ảnh thường thấy ở đây là việc cả đám cùng nâng ly, 123 “dzô” rồi trút cạn bia vào mồm, không quên đưa mắt nhìn xem thằng bên cạnh nó có uống hết ly giống mình không, có đủ sức uống hết két bia mới kêu không.
Không biết từ bao giờ, bàn nhậu đã trở thành ‘võ đài’ và ‘sàn runway’ nơi đàn ông lẫn phụ nữ đều tranh thủ biểu diễn, phô bày khí thế của mình.
“Chăm phần chăm nhé”
“Mày không uống hết bia à? Uống nhanh đi, tao uống hết sao mày không uống hết?”
“Mày không uống được tiếp à? Đm yếu sinh lý, tửu lượng như mấy em gái mới lớn”
“Mày ngồi gắp đồ ăn à? Đm thằng đầu cắt moi chỉ biết bào mồi, uống tiếp đê”
“Uống Tiger Crystal á? Vcl cái loại này chỉ cho đàn bà thôi em ạ”
And so on…

Sau những buổi “nhậu” kiểu kiểu ấy, dù rất quý những người bạn của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những ác cảm nhè nhẹ mà mình dành cho bộ môn đá chai này.
NHƯNG NHẬU CŨNG KHÔNG HOÀN TOÀN LÀ XẤU
Uống rượu là một nét văn hóa có ở tất cả các nền văn hóa, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất kể giàu nghèo, sang hèn, tôn giáo, chủng tộc… có ai mà không biết đến hoạt động thường ngày này của con người? 
Rượu vào lời ra, người thường ngày nhút nhát, khi rượu vào có thể trở hoạt ngôn, bạo dạn hơn. Người có u sầu, nhiều phiền muộn, rượu vào giúp họ dễ mở lòng hơn, có thể nói ra những gì cần nói, thổ lộ những thầm kín đã giấu trong lòng từ lâu, chẳng phải cũng tuyệt vời lắm sao?
Bia rượu không tốt gì lắm cho sức khỏe của con người, mình biết, nhưng đôi khi nhâm nhi 1 chai bia trên tầng thượng với vài người bạn, đắm mình vào không gian xung quanh và suy nghĩ về sự đời lại có cảm giác thoải mái như một liều thuốc bổ nuôi dưỡng tâm hồn. Chẳng mấy khi được quây quần với bạn bè, bỏ hết nặng nhọc mà tận hưởng một phút giây bình yên.

“Nhậu” với mình nó đơn giản và thích thú đến như thế, còn ngồi níu kéo hết két bia, chi li đến từng giọt còn vương trong cốc, bệ rạc và lìu xìu suốt 2 3 tiếng đồng hồ thì thôi, mời bạn đi chỗ khác.
Suy nghĩ của bạn về “nhậu” là gì?