Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản cùng với Đức Quốc Xã đứng về phe Trục, cũng là phe phản diện đối với cả thế giới. Trong đó, Thiên Hoàng Hirohito, với tư cách là người đứng đầu quốc gia và quân đội của Đế Quốc Nhật Bản, là người phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng đối với người dân Nhật, ông lại là một vị anh hùng được yêu mến bởi dân chúng vì những gì ông đã làm được cho đất nước của mình. 
Nhật Bản là một đất nước kỳ lạ, tới nay họ vẫn giữ được nền quân chủ lập hiến. Họ trọng danh dự, truyền thống và tôn giáo. Đối với họ, Nhật Hoàng là một thiên tử, là con cháu của thần linh phái xuống để dẫn dắt dân chúng khỏi lầm than. Thậm chí, lịch của họ được tính theo năm các Nhật Hoàng lên ngôi, và một niên đại sẽ kết thúc khi có một Nhật Hoàng thoái vị để truyền ngôi cho thế hệ tiếp theo, mở ra một niên đại mới. Trong các niên đại đã từng tồn tại, chưa có một niên đại nào kéo dài như niên đại của Thiên Hoàng Hirohito. Showa Jidai, hay còn gọi là thời kỳ Chiêu Hoà, kéo dài từ ngày 25/12/1926 cho tới tận 7/1/1989. Vẫn luôn được biết tới với cái tên Hirohito, nhưng đối với người dân Nhật Bản, việc gọi tên riêng của Thiên Hoàng là một hành động phạm thượng, nên hầu hết các tài liệu của Nhật chỉ gọi ông với cái tên là Thiên hoàng Chiêu Hoà, cũng chính là niên hiệu duy nhất của ông khi tại ngôi. 
Hoàng tôn Hirohito được hạ sinh ngày 29/04/1901 tại cung Thanh Sơn, Tokyo. Là con cả của Hoàng thái tử Yoshihito, sau này là Thiên Hoàng Đại Chính, cũng là cháu nội của Thiên Hoàng Minh Trị. Ngay từ thuở thiếu thời, Hoàng tử Hirohito rất hiểu trọng trách của mình trong tương lai nên đã sớm định hình trong mình sự chăm chỉ và thông minh xuất chúng. Vì vậy, không khó hiểu khi người nắm vững kiến thức trong hầu hết tất cả các môn học. Tuy nhiên, hoàng tử vẫn thiếu đi một yếu tố để có thể thực sự trở thành Nhật Hoàng, ấy là cá tính có phần trầm lắng của người. Hirohito là một người nhạy cảm, và phần nào đó thiếu đi sự cương quyết cần có để trị vì một đất nước. Cũng vì cá tính này đã dẫn tới rất nhiều hệ quả tai hại trong tương lai. 
Năm 1921, Hirohito có chuyến viếng thăm các nước thuộc châu Âu trong vòng 6 tháng, khiến ông trở thành thành viên đầu tiên của Hoàng gia Nhật Bản xuất ngoại, phần nào đó mở rộng nhãn quan và học thức của vị Thiên Hoàng tương lai. Không lâu sau đó, ông kết hôn với một người em họ xa trong hoàng thất, nữ vương Nagako. Lịch sử kể lại rằng bà Nagako đã được cha mẹ sắp đặt hứa hôn cùng hoàng tử Hirohito từ khi còn rất trẻ. Tuy vậy, Hirohito được phép tự ý chọn vị phu thê tương lai cho mình là khác hẳn so với truyền thống. Năm 14 tuổi, bà Nagako và một số thiếu nữ đủ tư cách để tham gia một buổi trà đạo tại cung điện Hoàng Gia trong khi hoàng tử Hirohito bí mật theo dõi từ trong bình phong. Cuối cùng thì hoàng tử vẫn chọn bà, và hai người đính hôn từ năm 1919. Tới năm 1924, cả hai kết hôn. Không như những vị Thiên Hoàng tiền nhiệm, Thiên Hoàng Hirohito khi thừa kế ngai vàng đã từ bỏ 39 thiếp thất của mình để tập trung hoàn toàn vào cuộc hôn nhân với chính thất. Trong 10 năm đầu kết hôn, hoàng hậu hạ sinh 4 người con gái, phải tới năm 1933, bà mới hạ sinh được một hoàng tử, đặt tên là Akihito, cũng chính là Bình Thành Thiên Hoàng trong tương lai. 
Trở lại với Hirohito, ông trở về khi cha mình, Thiên Hoàng Đại Chính bắt đầu đau ốm. Vì vậy mà ông trở thành Nhiếp Chính Quan Bạch, thay phụ hoàng để đích thân đảm đương việc triều chính. Cho tới 25/12/1926, Hirohito lên nối ngôi phụ hoàng Yoshihito vừa mới qua đời. Theo hiến pháp của Nhật Bản năm 1889 thì Thiên Hoàng có trong tay khá nhiều quyền hành. Dù quyền lực này được dựa trên thần tích cho rằng dòng dõi Hoàng Tộc là con cháu của Thiên Chiếu Đại Thần (Amaterasu omikami) xưa nay vẫn cai quản nước Nhật. Vì vậy, người dân Nhật Bản nhận Thiên Hoàng như một vị thần linh được phái xuống để dẫn dắt đất nước. Tuy nhiên trên thực tế thì Thiên Hoàng không nhận được nhiều thực quyền tới vậy. 
Trong thời kỳ đầu trị vì của Thiên Hoàng Chiêu Hoà, quân đội hoàng gia Nhật Bản có được đáng kể ảnh hưởng về chính trị. Như là vào năm 1931-1932, quân đồn trú của Nhật tại vùng Mãn Châu đã tự ý chiếm Mãn Châu Quốc mà không cần sự chấp thuận của chính phủ Nhật Bản. Bản thân Thiên Hoàng Akihito thi thoảng cũng tỏ về không hài lòng về sự gia tăng quyền lực của quân đội. 2/1936, ông đã từng hạ lệnh đàn áp các sĩ quan quân đội cấp tiến nổi dậy chống chính phủ tại Tokyo. Dù quan điểm như vậy, nhưng có lẽ một phần do tính cách trầm lắng đã nêu ở trên khiến Thiên Hoàng không có nhiều hành động quyết liệt để ngăn quân đội Nhật tiến tới một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc. Việc Thiên Hoàng xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục và theo dõi diễn tập quân sự cũng phần nào khiến dân chúng tăng cường ủng hộ chiến tranh.
Quân đội Nhật Bản trong thập niên 1930 nhanh chóng mở rộng và bành trướng về quy mô, hệ quả đã khiến Nhật tham chiến trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Mở đầu vào tháng 12/1941 khi không quân Nhật Bản bất ngờ đánh úp vào Trân Châu Cảng tại Hawaii khiến Hoa Kỳ ôm mối thù sâu sắc. Dù Thiên Hoàng không tỏ rõ sự sốt sắng trong quyết định tham chiến của quân đội đế quốc Nhật Bản, nhưng phần nào đó ông vẫn tỏ rõ sự hài lòng sau một loạt các chiến công của quân đội Hoàng Gia. Đến đầu mùa hè năm 1945, với cái chết của Hitler và sự đầu hàng của Đức Quốc Xã, thất bại gần như là một sự chắc chắn với Đế Quốc Nhật. Chính phủ Nhật Bản dần bị chia thành các phe phái giữa các lãnh đạo và các quan chức dân sự, một bên muốn chủ hoà, còn một bên thì muốn đánh tất tay. Thiên hoàng muốn đứng về phe chủ hoà, nhưng không đứng giữa hòa giải bế tắc. Phải cho tới tháng 8, Hoa Kỳ trả đủ món nợ Trân Châu Cảng cho Nhật Bản theo một cách không thể tàn bạo hơn, đó là hai quả bom nguyên tử. Một “chú bé” thả vào thành phố Hiroshima, và một “thằng béo” được thả vào thành phố Nagasaki. 2 quả bom mà Hoa Kỳ gây thiệt hại quá lớn để thống kê, giết ước tính 129.000 tới 226.000 người, hầu hết trong đó là dân thường. Đồng thời, Liên Xô cũng đã chính thức tuyên chiến với Nhật Bản. Những sự kiện này gần như đã đánh sập lòng tự tôn ngút trời của các quan chức chính phủ, các tướng lĩnh quân sự, cũng như phần lớn người dân Nhật Bản. Trong tình cảnh ấy, thủ tướng đương nhiệm Suzuki Kantaro và Thiên Hoàng Chiêu Hoà đã đi tới quyết định cuối cùng. Ngày 15/08/1945, Thiên Hoàng Hirohito phá vỡ tiền lệ im lặng và xuất hiện trên đài phát thanh, tuyên bố sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản trước quân đồng minh. 
Chiêu Hoà và các cố vấn của mình đã có sự lo sợ rằng ông sẽ bị xét xử về tội ác chiến tranh, vì vậy mà đã có những nỗ lực để đặt ông ở xa với các mối liên hệ với các lãnh đạo quân sự của quân đội Nhật. Tuy vậy, tướng Mỹ đặc trách chỉ huy các lực lượng chiếm đóng của Đồng Minh tại Nhật Bản, ông MacArthur, lại có một ý khác. MacArthur cho rằng đặt Nhật Hoàng vào đúng cương vị sẽ giải quyết ổn thoả sự dân chủ hoá của Nhật Bản. Nhật Hoàng sẽ tại vị như là một biểu tượng của sự ổn định và hoà hợp, điều này sẽ có giá trị đối với người dân Nhật, nên ông đã đảm bảo rằng Thiên Hoàng Chiêu Hoà sẽ không bị truy tố tại phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh bắt đầu năm 1946. Dù vậy, đây vẫn là một quyết định gây tranh cãi lớn cho tới tận ngày nay. Vẫn có rất nhiều nhà sử học rằng ảnh hưởng của Thiên Hoàng Hirohito đối với Nhật Bản trong chiến tranh là lớn hơn nhiều so với những gì đã được công khai. 
Ngay sau chiến tranh, Thiên Hoàng Chiêu Hoà đã thể hiện nỗ lực lớn trong việc hồi sinh nền quân chủ. Tháng 1/1946, ngài công bố trên đài truyền thanh, bác bỏ việc thần thoại hoá Thiên Hoàng, thay đổi góc nhìn của người dân về việc tôn sùng nhà vua. Năm 1947, Hirohito công bố bản Hiến Pháp mới do Hoa Kỳ soạn thảo và được sự thông qua của Quốc Hội Nhật Bản. Theo đó, chủ quyền được chuyển giao hoàn toàn cho nhân dân, còn Thiên Hoàng chỉ là một biểu tượng của dân tộc. 
Sau khi mục tiêu của hoàng gia Nhật Bản được thay đổi và làm rõ, Thiên Hoàng Chiêu Hoà tích cực hơn trong việc đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với dân chúng. Giữa giai đoạn hậu chiến tranh từ 1946 tới 1951, ông đi khắp Nhật Bản để cổ vũ tái thiết đất nước. Ghé thăm rất nhiều các trường học, nhà máy, hầm mỏ và các nơi công cộng để khảo sát sự tiến bộ của công cuộc tái thiết. Báo chí quốc gia Nhật Bản cũng lần đầu được phép chụp ảnh hoàng gia, mô tả hình ảnh một cuộc sống nồng ấm và gần gũi, tỏ rõ thái độ thích thú với cuộc sống bình thường của một gia đình thuộc giai cấp trung lưu. Dần dần, Thiên Hoàng xây dựng được thiện cảm của dân chúng đối với Hoàng Gia Nhật Bản, theo một cuộc điều tra công luận vào khoảng thập niên 1950. Về chính trị, Thiên Hoàng Hirohito bày tỏ các chính kiến riêng của bản thân nhưng không gây ảnh hưởng chính thức tới công việc của chính phủ. Ông thực hiện đầy đủ các công việc lễ nghi theo quy định của bản Hiến Pháp năm 1947 như làm chủ toạ khai mạc và bế mạc quốc hội, tham dự các sự kiện tầm cỡ quốc gia như thế vận hội Tokyo năm 1964 và triển lãm quốc tế năm 1970. Với khung thời gian được mở rộng, Hirohito đã đi một vòng 7 nước châu Âu vào năm 1971, trở thành Thiên Hoàng đang trị vì đầu tiên đi ra nước ngoài. Ông còn được tiếp đón nồng hậu bởi Hoa Kỳ trong chuyến thăm vào năm 1975. 
Bên cạnh đó, Thiên Hoàng Hirohito vẫn có những sở thích và thú vui rất đỗi đời thường như một công dân Nhật Bản đích thực. Dân chúng thường thấy ông xuất hiện ở các trận thi đấu Sumo. Hay là Thiên Hoàng có một niềm đam mê mãnh liệt với sinh học hải dương. Sở thích nghiên cứu sinh vật biển đã được ông duy trì suốt từ thời còn trẻ cho tới cuối đời. Hoàng gia Nhật Bản thậm chí đã có hẳn một phòng nghiên cứu riêng để thoả mãn đam mê của Thiên Hoàng, và ông cũng đã để lại rất nhiều sách và tài liệu của mình về lĩnh vực này. Tất cả đều được viết bằng tên thật của Thiên Hoàng. 
Năm 1989, Thiên Hoàng Hirohito băng hà sau một thời gian dài đau ốm. Niên đại Chiêu Hoà đầy biến động của Nhật Bản chính thức kết thúc. Con trai trưởng của ông, Thái tử Akihito nối ngôi cha, lấy niên hiệu mới là Heisei. Thời đại Bình Thành bắt đầu. Mở ra một kỉ nguyên hiện đại mới cho đất nước mặt trời mọc.