img_0

[Review sách Chomsky – Nhận diện quyền lực]  Về những mặt tối của chính trường Hoa Kỳ ẩn sau những lời nói hoa mỹ

Chú thích: Đây là cuốn sách được mình mua trong  một hội chợ giảm giá hồi cuối năm 2015,  giá 120.000 đồng (so với 160.000 đồng nguyên bản). Một cuốn sách về quan hệ Quốc tế mà mình cho rằng hơi khó đọc với những bạn nào không hay đọc sách chuyên ngành. 
Understanding Power – The indispensable Chomsky (Nhận diện quyền lực – Một Chomsky không thể nào thiếu) thực chất là một tập hợp các buổi tọa đàm và thuyết trình của  GS Chomsky ở nhiều nơi trên nước Mỹ đã được các biên tập viên ghi chép và hiệu đính rồi in thành sách. Nó chứa đựng một lượng kiến thức khổng lồ về chính trị, triết học, kinh tế, xã hội, giáo dục… đã được Chomsky cô đọng và phân tích một cách súc tích và logic nhất có thể, nhưng cũng có thể khiến người đọc không khỏi bị choáng ngợp. Nếu bạn là người yêu thích ngành xã hội học và có sự tò mò về những gì đang diễn ra trên thế giới, đây chắc chăn là quyển sách dành cho bạn. 
Về tác giả:
Avram Noam Chomsky (sinh ngày 7 tháng 12 năm 1928) là nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học nhận thức, nhà logic học, nhà bình luận chính trị và nhà hoạt động người Mỹ hiện là giáo sư danh dự về hưu ở Viện Công nghệ Massachusetts.
Chomsky được cho là người sáng lập ra lý thuyết ngữ pháp tạo sinh (generative grammar), được xem là một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với ngành lý thuyết ngôn ngữ trong thế kỉ 20.
Bắt đầu với các chỉ trích về chiến tranh Việt Nam vào thập niên 1960, Chomsky đã được người ta biết nhiều hơn, đặc biệt là trên quốc tế, về những quan điểm chính trị của ông. Ông thường được xem là một trong những nhà trí thức quan trọng trong nền chính trị cánh tả tại Hoa Kỳ. Ông được nhiều người biết về các hoạt động của mình, và những chỉ trích của ông về quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ và một số chính phủ khác
Image result for noam chomsky


Về cuốn sách:
Bộ sách dày 569 trang là tổng hợp toàn bộ quan điểm của ông về các vấn đề nổi cộm của thời đại xã hội những năm 1989 - 2000.  Sách chủ yếu viết về quyền lực ngầm của chính phủ  Hoa Kỳ trong các mối quan hệ từ đối nội lẫn đối ngoại. Từ những việc thâm cung bí sử như hỗ trợ khủng bố cho lực lượng Contra ở Nicaragua chống lại chính phủ dân tộc chủ nghĩa, ném bom tấn công Lybia nhằm tăng cường chi phí quân sự, ủng hộ đảo chính ở Haiti tiêu diệt phong trào quần chúng biến nơi đây thành cơ sở lao động giá rẻ, tuyên truyền cấm vận Cuba vì nước này “dám” không tuân lệnh của Mỹ, giúp đỡ chính quyền Suharto xâm lược và tàn sát người dân Timor Leste… tới việc chống lại người bất đồng chính kiến ở trong nước,những cá nhân độc lập không theo guồng máy của chính quyền và cả những người nghèo –  tình cờ ở Mỹ lại chủ yếu là người da đen và nhập cư. Từ những vấn đề xã hội như tình trạng kiểm duyệt tin tức trong giới truyền thông Hoa Kỳ, duy trì các tin tức sai sự thật mà bản thân ông gọi là một sự “tẩy não”… cho đến những khám phá mới nhất trong khoa học hành vi và ý thức con người, bất kỳ vấn đề nào thu hút được sự quan tâm chú ý của ông đều được Chomsky đem ra phân tích tỉ mỉ và cẩn thận. Mỗi một vấn đề phức tạp ông nêu ra chỉ được gói gọn trong 3-4 trang sách, khiến cả cuốn sách như một cuốn bách khoa toàn thư có thể thử thách mức độ kiên nhẫn của bất kỳ độc giả nào.
Về nền kinh tế thị trường tự do, GS Chomsky cho rằng đó chỉ là lời nói dối của đế chế Mỹ và phương Tây để cướp bóc ở các nước thế giới thứ ba. Ông lấy ví dụ về trường hợp các nước Đông Bắc Á và Mỹ La tinh. Theo ông, sở dĩ Nhật Bản và các cựu thuộc địa của nó phát triển vì họ không bị nước ngoài bóc lột, là những nước chuẩn nông nghiệp, và dành các nguồn tài nguyên cho giáo dục và y tế. Các nước này có biện pháp phát triển kinh tế thành công: áp đặt mức độ bảo hộ cao, xuất khẩu vốn bị hạn chế nghiêm ngặt, nhập khẩu giữ ở mức thấp. Điều đó trái ngược với với các chính quyền Mỹ La tinh, vì Mỹ khăng khăng các nước này phải mở cửa cho thi trường tự do, vì vậy vốn tư bản Mỹ la tinh thường xuyên chảy về Tây Âu. Đó cũng là điều mà Phương Tây tiếp tục làm để ngăn các nước thế giới thứ ba phát triển.
Điều này còn liên quan tới cả những ngành nghề đòi hỏi nhiều chất xám. Chẳng hạn như về những giả dối trong việc cấp bằng sáng chế:
            “Đến tận ngày nay, phát minh sáng chế được gọi là “phát minh sáng chế theo quá trình” – là quá trình sản xuất loại thuốc được cấp bằng phát minh, chứ không phải chính loại thuốc ấy. Nghĩa là các ngành công nghiệp dược phẩm của Argentina hay Ấn Độ có thể không còn cố gắng tìm ra cách tốt hơn để sản xuất ra loại thuốc tương tự với chi phí bằng nửa giá, nhằm đem nó đến với dân chúng của họ để người dân mua được nhiều hơn. Đây không chỉ là biện pháp bảo trợ cao mà còn là cú đánh chống lại hiệu quả kinh tế và tiến bộ công nghệ. Điều đó cho bạn biết mậu dịch tự do tham gia vào toàn bộ hoạt động này nhiều thế nào”. 
Về các phong trào quần chúng, Chomsky nêu quan điểm rằng bất kỳ một hành động nào cũng cần được bắt đầu bằng việc thúc đẩy nhận thức từ từ trong dân chúng. Người dân cần phải tự hiểu biết về những vấn đề họ đang gặp phải và tự xây dựng nên phong trào và cộng đồng cho riêng mình mà không được phụ thuộc vào bất cứ một phương tiện truyền thông hay một lãnh tụ “giả danh” nào đó. Theo ông, một xã hội văn minh chỉ thực sự phát triển lành mạnh khi nó được xây dựng từ dưới lên, chứ không phải do những áp đặt bởi hệ thống thứ bậc. Do đó, những lãnh tụ phong trào như Martin Luther King ở Mỹ hay Gandhi ở Ấn Độ chỉ là đại diện của một tổ chức những con người tận tâm mong muốn một sự thay đổi trong xã hội. Họ chỉ thành công nhờ sự giúp sức của các phong trào quần chúng mong muốn tạo ra một xã hội thịnh vượng và tốt đẹp hơn.
Hay những phản bác của ông về hệ thống giáo dục Mỹ :
            “Có một cuốn sách nói về cơ bản là giáo dục phải được thiết lập giống kiểu biến thể của thủy quân lục chiến, trong đó các sinh viên buộc phải diễu hành qua một chuân của “các tư tưởng vĩ đại” nằm trong tập tài liệu nào đó, họ phải ngồi xuống và học chúng, đọc chúng và có khả năng nhắc lại chúng. Bật kỳ người nào từng đi học đều biết rằng hậu quả của nó là người học sau khi học xong hầu như không biết hoặc không hiểu gì cả. Tư tưởng vĩ đại thế nào không quan trọng, nếu chúng bị áp đặt vào các bạn từ bên ngoài và bị nhồi nhét mớ kiến thức ấy từng bước một, sau khi hoc xong các bạn quên hết chúng. Các bạn chỉ học được  và học cách tư duy thế nào nếu có mục đích nào đó, một lí do nào đó xuất phát từ chính minh. Toàn bộ phương pháp luận trong giáo dục không nhiều hơn thế - bắt người học muốn học. MỘT KHI MUỐN HỌC, HỌ SẼ TỰ HỌC.”
Không chỉ vậy, Chomsky con đưa ra  bằng chứng về một số tác động tích cực cũng như tiêu cực của công nghệ như Internet, Email và sự nguy hiểm của nó với hệ thống chính trị. Mặt tích cực, theo ông, nó sẽ là công cụ dân chủ hóa cao. Đó là việc bạn có thể tiếp cận rất nhiều thông tin mật mà chính phủ Mỹ không muốn bạn tìm thấy, cũng như việc liên lạc giữa với các tổ chức dân sự có thể diễn ra tự do mà không chịu kiểm soát của chính quyền. Tuy nhiên, mặt trái của nó , đó là không gian ảo có thể chia tách các mối quan hệ xã hội vốn có giữa người với người. Thay vào đó, nó có thể được sử dụng như thủ thuật để các công ty kiểm soát và thao tác, giữ người ta trong vai trò của mình như là những người tiêu dùng giản đơn về những thứ mà họ không thực sự muốn, đánh lạc hướng sự chú ý của người dân khỏi những vấn đề thực sự quan trọng. Đây là điều mà có lẽ hầu hết các bạn trẻ chúng ta đều nhận thức rõ.
Ở cuối cuốn sách, Chomsky cho rằng xã hôi Mỹ đang đi đến bờ vực của sự sụp đổ xã hội công dân, khi những dân thường không còn tin tưởng vào bất kỳ thứ gì trên đời ( không còn tin tưởng Chính phủ, không còn tin vào “Giấc mơ Mỹ”, cũng chẳng còn để tâm vào sự thật). Nếu không cẩn thận, chính nước Mỹ sẽ rơi vào hoàn cảnh của nước Đức năm 1930, một xã hội văn minh cuối cùng trở thành một nhà nước phát xít bằng việc khích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài Do Thái, thành lập một nhà nước Đại Aryan đòi thống lĩnh thế giới.
Image result for trump and hitler


( Có thể liên hệ thực tế hiện nay ở Mỹ với các chính sách dưới quyền Donald Trump – kêu gọi chống nhập cư, chống Hồi giáo, kêu gọi đưa nước Mỹ trở lại thành một quốc gia vĩ đại )
Kết luận:
  Không đưa ra những quan điểm mang tính cảm xúc cũng không hề nêu lên những giải pháp cho các thực trạng trên, ông chỉ đơn giản phơi bày tình trạng xã hội thực tế mà ông đã tìm tòi và nghiên cứu, những trăn trở mà ông chia sẻ nhằm mục đích buộc mỗi người dân phải tìm cách để giải quyết thực trạng này. Như trong câu kết của cuốn sách:    
            “Tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhanh khi có nhiều người bị đặt ra ngoài lề hơn vì họ không có vai trò trong việc kiếm lời, mà việc này được người ta xem là giá trị con người duy nhất. Và có một khả năng hợp lý, rằng trong một vài tram năm nữa mực nước trên các đại dương sẽ tăng đến điểm hầu hết đời sống con người sẽ bị hủy hoại. Nếu chúng ta không bắt đầu hành động về điều đó ngay bây giờ, thì nó có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, câu trả lời là: nếu các bạn bị dặt ra ngoài lề, thì sẽ không có nhiều vấn đề lịch sử để lo lắng. Liệu người ta có phản kháng hay không, thì ai biết được đâu? Tất cả mọi người đều phải tự quyết định".
Đây có lẽ là cuốn sách táo bạo và hay nhất mà tôi may mắn được đọc . Các bạn trẻ, những người yêu sách, hãy tự tìm đọc để hiểu và hành động theo mục tiêu và lý tưởng của riêng bạn.