Bác sĩ Park: Chào Changgg, em có vấn đề gì về tâm lý không?
C: Sau khi đọc sách của anh, em thấy mình đã hoặc đang có một số vấn đề. Thật may theo nhận định cá nhân, thì mọi thứ vẫn chưa đi theo chiều hướng xấu.
BSP: Em cho cuốn sách này mấy điểm.
C: Theo hệ 5 thì là 3.5, đây là điểm cho một cuốn sách thú vị nhưng chưa quá xuất sắc.
BSP: Điểm em thích nhất ở cuốn sách này là gì?
C: Đó là sự gần gũi của anh, nó khiến em thấy đồng cảm. Em cũng thích lúc anh phân tích mấy bộ phim nữa :D. Em sẽ xem vài phim mà anh đã đề cập đến.
BSP: Có bài học gì cho riêng mình không em?
C: Có ạ. Ba điều giá trị nhất: Hiểu cho mình, hiểu cho người và niềm tin vào con đường mình đang đi, đó là hướng tới những giá trị bên trong.
Đây là đoạn hội thoại tự biên của mình với tác giả, cũng là những cảm nhận sau khi đọc xong "Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn."

"Học đi con, lớn lên sẽ...", "Sau này lớn nhiều tiền rồi...". Bạn có thấy mẫu câu này quen thuộc không? Những câu mà người lớn hay nói với chúng ta khi còn nhỏ. Ngày trước giống như bạn bè cùng trang lứa, bố mẹ nói với mình là cố gắng học đi lên đại học không phải học nữa. Và kết quả mình có bốn năm rưỡi trầy trật trên giảng đường đại học. 
Có một khoảng thời gian, mình nhận định điều đó là sự lừa dối của người lớn dành cho trẻ con khi muốn chúng nghe lời. Sau này mình biết, có vài người lớn, chính họ ngày xưa cũng là trẻ con, và rất có thể họ lại được nghe những điều tương tự từ người lớn khác. Rồi những điều đó ăn sâu bám rễ vài họ một cách vô thức.
"Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn" là cuốn sách cho ai đã đang và sẽ trở thành người lớn. Về những thứ người ta thường không hứa hẹn và giấu nhẹm đi khi nói về thế giới sau trưởng thành. Cuốn sách được viết bởi một bác sĩ tâm lý cũng từng trải qua trầm cảm và chắp bút một số bài bởi người thầy của anh.
Nếu bạn muốn tìm một tác phẩm chuyên sâu về tâm lý cuốn sách này không phải là một lựa chọn phù hợp. Nhưng nếu muốn có một cái nhìn tổng quan, cơ bản nhất về những hội chứng tâm lý thì "Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn" không tồi. Nó sẽ như một cuốn cẩm nang, với các triệu chứng, các case study, tóm tắt những điều họ đã trải qua, và các phương pháp, lời khuyên để chữa trị.
Nó có thể là những chứng bệnh mà chúng ta đã nghe đến hoặc đọc trên sách báo, như: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tự kỉ ám thị... Cũng có thể là những hội chứng rất dễ gặp phải trong cuộc sống, hiện tại: hội chứng Burnout, rối loạn ăn uống, cảm giác cô đơn, kì vọng của cha mẹ hay những nồi niềm của những working mom. Có lẽ bởi thế, cuốn sách mang lại cảm giác đồng cảm hơn rất nhiều. Cuốn sách cũng có một phần nói về cảm xúc và cách đối diện, phản ứng với nó mà mình thấy khá hay. Điều này không chỉ gói gọn nội dung gắn kết chỉ với việc trở thành người lớn như một số review mình đã đọc. Mà nó còn theo suốt ta mãi về sau, đơn giản như khi ta đóng vai cha mẹ để tránh những tổn thương đến cho con trẻ nữa.
Hôm trước, bạn Linh là khách mời của câu lạc bộ sách của tụi mình. Bạn ấy chia sẻ về những dự án đã theo đuổi trong suốt năm năm qua. Có một ý mà mình rất thích trong buổi chia sẻ đó, rằng bạn ấy nghĩ: Những khuyết thiếu trên cơ thể chúng ta quan sát được, và sẽ có sự giúp đỡ kịp thời khi họ cần. Còn những khuyết thiếu trong tâm hồn ẩn sâu và khó nhận diện hơn, nhưng sức tàn phá thì không hề kém cạnh. Nên bạn ấy muốn đi giúp đỡ, đi chia sẻ để cùng nhau vượt qua những khuyết thiếu của tâm hồn đó. Vì có một sự thật rằng, chúng ta ít nhiều luôn có một tâm hồn sứt mẻ.
Lần đầu nhìn thấy tình trạng của chị Huyền ở cửa hàng, thật sự mình khá sốc. Mình lúc đó đã không hiểu tại sao chị ấy lại có phản ứng kinh khủng như vậy với chỉ một lời nhắc bình thường mà chúng mình vẫn nghe suốt cả năm trời.
Sau này đọc cuốn sách, mình thấy tiếc vì đã không ôm chị một cái thật chặt, để trấn an. Tiếc vì đã không thông hiểu hoàn toàn với những đau đớn chị đã trải qua. Có lẽ đó cũng là giá trị lớn nhất mà cuốn sách mang đến cho mình: Sự hiểu chính mình và hiểu cho người khác.
Điểm quan trọng nhất mình nhận ra đó chính là việc đối diện và chấp nhận bản thân có bệnh về tâm lý chính là bước tiến lớn nhất trong hành trình này. Chỉ khi nào chấp nhận sự thật, ta mới được tiếp thêm dũng khí để cố gắng vực dậy. Cũng đừng tự tin quá khi nghĩ rằng, mình sẽ không bao giờ lâm vào hoàn cảnh đó. Vì tác giả cũng đã từng nghĩ vậy, cho đến khi mọi thứ vượt xa kế hoạch và ngoài tầm kiểm soát. Cuộc đời nếu ai đó tin vào định luật Murphy thì có vẻ vô cùng hỗn loạn. Mà con người thì cũng hệt như vậy. Trung thực với bản thân, hoặc rằng, nếu có lỡ lâm vào hay người bên cạnh có triệu chứng tâm lý, thì ta cũng có thể kịp thời giải quyết hay giúp đỡ.
Sự thấu hiểu và giúp đỡ của những người xung quanh rất quan trọng. Mình từng đứng dưới mưa, nghe hết chuyện của một người lạ. Lúc đấy mình sợ chứ, vì mình đi thể dục buổi tối một mình. Nhưng khi nhìn bóng anh ấy, lặng thinh đứng nhìn dòng nước, mình đơn giản nghĩ, lỡ đâu đây là giây phút quyết định cho nhiều điều, và nếu quay lưng với ý muốn được chia sẻ của họ, mình đã đánh mất đi cơ hội đó. 
Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính bản thân người đó. Chỉ có nội lực, sự kiên trì tự sâu bên trong mới có thể giúp họ chữa lành và hạnh phúc. Hoặc không hẳn là "lành", mà là thuận hoà với những điều ta còn khuyết thiếu. Bác sĩ, người thân, thuốc hay các phương pháp điều trị chỉ là  những chất xúc tác, chính bản thân bạn mới chính là cơ chất cho phản ứng này. Chỉ cần bạn tìm cách, nhất định sẽ luôn có con đường. Biết được điều đó, hi vọng mọi người sẽ có nhiều sức lực và quyết tâm hơn.
Chúng ta khó tránh khỏi những vết xước to nhỏ khi lớn lên. Cách duy nhất đó là xây dựng một nền móng và cốt lõi vững chắc. Không chỉ sức khoẻ, tài chính mà còn cả tâm hồn, tâm lý và hệ giá trị sống.
Lời văn gần gũi, thiên về tường thuật. Mình nghĩ một phần do tác giả là bác sĩ, nhưng qua một số tác phẩm mình đã đọc của Hàn. Thì cảm nhận cá nhân thấy văn phong của họ khá đơn giản chứ không trau chuốt, nhiều tầng nghĩa ẩn dụ như của Nhật hay Trung. Và một ấn tượng nữa là xã hội Hàn Quốc hiện ra với rất nhiều mâu thuẫn, xung đột và xiềng xích lên thân phận con người.
Câu hỏi cuối cùng: Vậy liệu có nên chán ghét việc làm người lớn? Mà thật ra, điều đó là không tránh khỏi được. Kiểu gì cũng lớn, nên đừng hậm hực làm chi ha. Mình tin trẻ con là một món quà tuyệt diệu, tuổi thơ nhiều điều tuyệt vời. Nhưng mình cũng tin đau thương trưởng thành cũng là xứng đáng. Từ đo giúp tôi luyện chúng ta trở nên vững vàng và biết trân trọng mọi điều hơn.
Cuộc đời tính ra cũng ngắn, mà cũng dài. Ngắn dài với những bài học. Bài học của bạn là gì? Bài học trưởng thành của bạn là gì?
Cuối cùng là xin cảm ơn cuộc đời, và những nỗi buồn ai đó đeo mang!

Đọc thêm: