Đợt cuối tháng 12 vừa rồi mình có 1 hôm nghỉ phép để tham dự 1 buổi training của ACCA, thế là tranh thủ buổi chiều về sớm, mình phi lên hiệu sách Mụ Hoa, số 5 Đinh Lễ. Có khi không nhiều người biết đến hiệu sách này, nó nhỏ nhỏ, nằm ngay cạnh 1 nhà sách to là nhà sách Lâm. Trước đây mình hay mua ở Lâm, nhưng vài lần mình bắt đầu chú ý đến sách Mụ Hoa bên cạnh. Có cái nét gì đó rất độc đáo ở hiệu sách này, những cuốn sách bày ra ngoài cũng không phải dạng "hot" như những nhà sách khác. Sách bày ra sẽ là những quyển sách về văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý học, triết học..., tức là những thứ kén khách chứ chẳng đùa. Nhưng kén khách cũng đồng nghĩa với việc ai đã thích rồi thì cứ thế mà đến thôi. Hôm đó mình đến gặp 1 anh rất lãng tử, mình còn đang loay hoay chọn sách thì anh ấy đã vác về tầm 20 quyển, toàn chủ đề khó, dày cộp. Mình chọn 3 quyển, trong đó có Đi trốn của Bình Ca.
Mình đã đọc Quân khu Nam Đồng của Bình Ca năm ngoái và cực kỳ thích tác phẩm đó. Thế nên mình tần ngần khi nhìn thấy Đi trốn. "Lại 1 tác phẩm về thời niên thiếu giống như Quân khu Nam Đồng à cô" - Mình hỏi cô chủ quán như vậy. Và cô ấy đáp lại rằng nó còn hay hơn cả Quân khu Nam Đồng, thế là trong đầu mình nảy ra 1 ý định: Năm ngoái mình khai xuân bằng 1 quyển sách của Bình Ca, năm nay mình cũng sẽ bắt đầu y như vậy.

Mình bắt đầu đọc cuốn này từ trưa ngày mùng 1/1 (tranh thủ trốn vợ không ngủ trưa :))))., và đến đêm hôm đó là xong. Tổng cộng mất khoảng 3 tiếng. Cứ tưởng có quyển sách nhâm nhi mấy ngày nghỉ lễ, ai dè vù cái đã tiêu hóa xong rồi. Mình đọc cả mở đầu, cả lời giới thiệu của nhà văn Bảo Ninh là đã thấy hay rồi. 
Cuốn sách nói về cuộc đi trốn khỏi trại sơ tán vui vui vài ngày của năm đứa trẻ mới lớn đột ngột trở thành một chuyến phiêu lưu li kỳ và nguy hiểm giữa núi non, hang động, sông nước nguyên sơ hoang dã. Trong hành trình ấy chúng được thiên nhiên kỳ thú tưởng thưởng hào phóng, nhưng cũng phải vật lộn để sống sót, mà nhiều lúc tưởng chừng đã tuyệt vọng. Điều đầu tiên có thể cảm nhận được từ tác phẩm đó là miêu tả phong cảnh đất nước mình đẹp tuyệt vời. Mình cũng đi nhiều nơi, cũng đã hòa mình với thiên nhiên sông núi, nhưng đọc Đi trốn vẫn có 1 cảm giác như thể đang được tác giả đưa đi 1 chuyến du lịch hoang dã, với núi, với rừng, với những con sông phiến đá, có tiếng chim hót, được bắt cá để nấu ăn, rồi đánh nhau với ong, với trăn gấm hay đôi khi nhìn thấy cả hổ nữa. Với mình, sau bao nhiêu ngày đi làm mệt mỏi ở thủ đô, về nhà được hít thở không khí trong lành, rồi đọc quyển này của Bình Ca thấy cuộc sống dễ chịu hơn biết bao nhiêu. Cũng giống như 1 bài hát của Đen có đoạn: 
Những ngày nào đó, khi tâm tư được vẫy vùng
Ta sẽ cùng mở nhạc giữa rừng xanh và nhảy cùng
Là đâu đó giữa chập chùng núi và non kia
Nằm trên đồi hút điếu thuốc và ở trong túi là lon bia.
Điều thứ 2 có thể thấy trong sách là tình bạn của lũ trẻ. Cũng giống như Quân khu Nam Đồng, Bình Ca dường như luôn coi trọng tình bạn, đặc biệt là tình bạn của tuổi trẻ thơ. Nó trong sáng, vô tư, và luôn hết mình vì nhau. 1 đứa cực kỳ sợ trăn, rắn nhưng dám đánh con trăn gấm để cứu bạn, hay như Sơn chịu đau đến chết để giúp Thảo và Tự Thắng tìm được lối thoát. Trong Quân khu Nam đồng là tình bạn thể hiện trong đời sống thường ngày, trong học tập, tình yêu và cả trong đánh nhau tuổi học sinh. Còn ở Đi trốn, tình bạn thể hiện rất rõ trong những ngày đi trốn, trong những ngày phải bảo vệ nhau trước cái đói hoặc trước những con vật hung dữ.
Ở Đi trốn, ngoài việc cho người đọc thấy được đời sống những năm 6x,7x, những năm kháng chiến chống Mỹ, tác giả đôi khi còn lồng 1,2 câu chuyện lịch sử, những câu chuyện nhạy cảm của thời xưa như Cải cách ruộng đất, đấu tố hay là Xét lại. Tuy nhiên xét trong bối cảnh chính của truyện nói về cuộc đi trốn của 5 bạn nhỏ thì những điều trên được tác giả đưa vào rất khéo léo và mình nghĩ là có 1 chút hơi phê phán, nhất là truyện đấu tố dẫn đến 1 người suýt bị oan ức.
Và cuối cùng, không thể không nói đến 1 nét đặc trưng rất lớn của truyện Bình Ca: đó là tính hài hước. Nhiều đoạn mình k dám cười to vì đọc giữa trưa :)). Những câu chuyện về chuồng xí, rồi Tự Thắng sờ ti cô giáo...đem lai 1 cái cười rất sảng khoái, vô tư. Không biết đến năm sau mình có còn được đọc thêm 1 quyển của bác Bình Ca nhân dịp năm mới nữa không, chứ lựa chọn của mình năm nay thì quá đúng đắn rồi :)). Highly recommend cho các bạn nhé.
Đọc thêm các sách mình có review: