Có một câu chuyện mình được nghe từ đĩa băng thuyết giảng của bà nội (vì bà mình theo đạo Phật) rất lâu rồi. Chắc phải vào khoảng đang học cấp 1, cấp 2 gì đó, nhưng bằng một lí do nào đấy mà đến giờ mình vẫn nhớ rất rõ cốt truyện. Và mình đã nghĩ về nó nhiều lần sau đó, trong một vài tình huống khác mà mình tìm thấy điểm tương tự.
Câu chuyện đó như thế này:
Có một cô gái nọ vừa lấy chồng được vài năm thì chẳng may chồng mất sớm. Sau đó, vì quá buồn khổ mà cô đi đến quyết định gửi đứa con của hai người lại cho bà mẹ của cô chăm sóc. Cô thì một mình đi đến nơi xa xôi hẻo lánh để thực hành tu tâm. Không biết có ai đó đã mách với cô một câu thần chú tên là "Án ma ni bát ni ma", dặn rằng cứ ngày đêm tụng niệm thì sẽ đạt tới an lạc. Và cô đã làm theo như thế thật. Mỗi ngày cô đều sắp ra hai chiếc bát. Một chiếc đựng đầy hạt đậu và một chiếc bát trống không. Cứ mỗi lần niệm một câu, cô sẽ bốc một hạt đậu từ bát đầy sang bát rỗng. Rồi ngược lại. Ngày này qua ngày khác, năm này qua tháng nọ, cô cứ làm như thế. Cô tu luyện thành tâm đến nỗi dần dần mỗi khi cô niệm chú, những hạt đậu đều tự động nhảy sang bát còn lại, cô không cần phải tự tay làm việc đó nữa.
Cho đến một hôm, có một vị tu sĩ đi ngang qua nơi tu luyện của cô và dừng lại ghé thăm. Ông là một người có đạo hạnh cao thâm, sau khi nghe cô niệm thì bỗng giật mình nhận ra bấy lâu nay cô gái (lúc này đã thành một người phụ nữ) đã niệm sai câu chú. Ông ngay lập tức nói cho bà biết, câu thần chú "Án ma ni bát ni hồng" mới thật là đúng, rằng câu chú mà nhiều năm nay bà chuyên tâm theo đuổi đã sai rồi. Người phụ nữ nghe xong trong lòng đang hoàn toàn an lạc bỗng trở nên đau khổ, hụt hẫng và tiếc nuối. Công sức bỏ ra trong ngần ấy năm bỗng nhiên hóa thành tro tàn. Bà ngồi lại vào chỗ tu luyện của mình, đọc lại câu thần chú mới, nhưng những hạt đậu đã không còn nhảy nữa. 
Sau đó thì vị tu sĩ rời đi. Nhưng trong lòng ông vẫn còn day dứt mãi sự việc cũ. Có điều gì đó thôi thúc ông phải quay lại chỗ người phụ nữ kia một lần nữa. Hóa ra, tuy câu chú mà bà ấy niệm là sai, nhưng sự thành tâm của bà ấy bao lâu nay mới là điều quan trọng. Ông đã sai khi khiến cho tâm hồn của bà đang yên tĩnh bỗng nổi dậy những cơn sóng tạp niệm. Ông phải sửa chữa sai lầm này của mình. Thế là ông nói với bà :"Thật xin lỗi vị nữ thí chủ đây, bần tăng mới là người sai. Câu chú mà nữ thí chủ luôn tụng niệm mới là câu đúng." Người phụ nữ lập tức vui vẻ trở lại, bà lại trở về việc tụng niệm như cũ của mình, những hạt đậu đã nhảy từ bát đầy sang bát rỗng. Mọi thứ đều trở về như lúc trước. 
Mình cũng còn nhớ rõ, lúc ngồi nghe đến đoạn vị tu sĩ quay đầu lại và xin lỗi, mình cứ nghĩ rằng kết cục sẽ không xoay chuyển, những hạt đậu vẫn sẽ nằm yên đó mà thôi. May mắn rằng, cuối cùng mọi thứ vẫn ổn.
Có một vấn đề mình nghĩ là đang xảy ra với cả hai nhân vật chính: Họ đều có sự nhầm lẫn giữa điều kiện và kết quả. 
Nhưng trước tiên, mình sẽ nói đại ý về mối quan hệ giữa điều kiện và kết quả mà mình nhắc đến trong bài là gì. Để lát nữa khi đi xuống dưới có chỗ nào bối rối thì mọi người có thể quay về xem lại.
Đại ý
Ở đây, điều kiện là những thứ cần có để dẫn đến một kết quả nào đó. Cùng một kết quả lại có thể có các hình dạng khác nhau, đến từ các tập hợp điều kiện khác nhau.
Ảnh minh họa
Chú thích:
Từ tập hợp những hình tròn, hình vuông, hình tam giác hoặc tập hợp chỉ có  hình thoi và hình đám mâyđiều kiện; sẽ dẫn đến cùng một kết quả là một cái hình chữ nhật có tô màuTuy nhiên, những tập hợp hình (điều kiện) khác nhau sẽ dẫn đến hình dạng của kết quả khác nhau (mình đã tô màu khác nhau cho dễ nhìn hơn)
Nếu lấy hình đám mây ở bên dưới thay thế chỗ cho cái hình tròn phía trên sẽ hông thể ra kết quả giống như trong hình chữ nhật màu đỏ được. Đúng không?
Vậy hai nhân vật chính đã nhầm lẫn như thế nào?
Vấn đề của người phụ nữ
Vị tu sĩ dùng cách tích lũy ngày một nhiều tri thức và kinh nghiệm để đắc đạo. Người phụ nữ thì dùng cách chỉ niệm một câu chú và kiên trì nhiều năm. Đây là hai con đường với những điều kiện khác nhau để cùng đi đến một đích. Hình dạng kết quả của hai người không giống nhau: vị tu sĩ đắc đạo từ kiến thức, người phụ nữ đắc đạo từ niềm tin.
Ảnh minh họa
Hai người này không cần thiết phải so sánh xem ai nhiều tri thức hơn hay ai kiên trì ngồi một chỗ lâu hơn làm gì. Họ đều đạt được cái mình muốn. 
Bình thường, khi đem hai hay nhiều thứ ra so sánh thì phải dựa trên một giá trị cụ thể nào đó. Ví dụ như trong cùng một văn phòng, anh A có chức vụ cao hơn anh B; hay xét theo cùng những quy chuẩn chung về sắc đẹp của thời đại thì chị C xinh đẹp hơn chị D. Nhưng chính nó lại thường gắn vào đó những giá khác trị đi kèm. Lâu dần, trở thành những định kiến, một kiểu phản xạ nhanh trong suy luận của nhiều người khi chưa nhìn hết được bức tranh toàn cảnh của câu chuyện. Anh A chức vụ cao hơn anh B suy ra anh ấy có năng lực hơn, kiếm tiền giỏi hơn, được nể trọng hơn,... Chị C xinh hơn chị D, có nghĩa chị này được nhiều anh theo đuổi hơn, tìm việc dễ hơn, nhiều lựa chọn hay hạnh phúc hơn chẳng hạn. Chính vì gắn theo những giá trị đi kèm đó, chúng ta dễ dẫn đến sự nhầm lẫn, tự đánh lừa.
Rồi, bây giờ nhìn theo vế ngược lại. Những giá trị đầu (chức vụ cao; xinh đẹp) đều chỉ là điều kiện, còn các giá trị đi kèm (kiếm nhiều tiền, được nể trọng; nhiều người theo đuổi, hạnh phúc) chính là những kết quả mà người ta muốn đạt được.
Ví dụ, cái A muốn đạt được là có nhiều tiền. Mà những người có chức vụ cao hầu hết là những người có tiền. Vì vậy, cứ thấy ai có chức vụ cao là A lại tự so sánh mình với họ. Thế là A vừa buồn vì không có tiền vừa buồn vì không có chức vụ cao, trong khi còn nhiều điều kiện khác dẫn đến việc có tiền (ba mẹ làm chủ tịch chẳng hạn)
Quay lại, người phụ nữ trong câu chuyện muốn đắc đạo. Thì rõ ràng bà đã đắc được rồi. Vậy mà chỉ vì vị tu sĩ nói bà niệm sai câu chú, bà lại thấy hụt hẫng. Vì bà đang lầm tưởng rằng chỉ có đọc đúng thì mới đắc đạo. Phần in nghiêng này rõ ràng là một định kiến đúng không? 
Điều này cũng làm mình nhớ  đến câu chuyện (được nghe kể) về một giảng viên trong trường thực hiện một công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa hai vấn đề. Mất mấy năm trời, cuối cùng thì hai vấn đề đó chẳng có mối quan hệ nào cả. Thế là giảng viên đó bỏ qua kết quả, xem như đã không thành công. Cho đến khi một giảng viên khác bảo rằng, công trình này vẫn thành công đó chứ, kết quả của nó là: hai vấn đề không có mối quan hệ nào.Vậy thì ở đây có sự nhầm lẫn rằng, chỉ có tìm ra mối quan hệ thì mới gọi là kết quả.
Ảnh của jane newland. Mình thêm vào cho đỡ buồn ngủ vì phải đọc nhiều chữ thôi
Vấn đề của vị tu sĩ
Việc vị tu sĩ nói ra chỗ sai là việc đúng, xuất phát từ lòng tốt. Nhưng nó chỉ sửa cho một chi tiết rất nhỏ, lại chẳng giúp ích vào chỗ cốt yếu mà bà cần. Thứ bà theo đuổi, đó là sự thanh thản (hay nói đúng hơn là đắc đạo), không phải là việc niệm đúng câu chú. 
Niệm đúng là một chi tiết không cần thiết. Tại sao lại không cần?
Vì những điều kiện của bà với vị tu sĩ không giống nhau. Một người dùng kiến thức, một người dùng niềm tin. Thứ mà vị tu sĩ đem đi sửa cho bà là kiến thức, nhưng với bà nó không quan trọng. Thứ quan trọng là niềm tin. Nên việc sửa đó là không cần thiết mà còn có tác dụng ngược lại.
Chốt:
Như vậy, cuối cùng thì trong câu chuyện của vị tu sĩ và người phụ nữ, vì nhầm lẫn giữa điều kiện và kết quả nên:
Người phụ nữ tự rơi vào thế phủi bỏ kết quả của mình khi so sánh những điều kiện của mình với vị tu sĩ.
Vị tu sĩ khi có ý muốn giúp đỡ lại không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh, áp đặt những điều kiện của mình vào trong điều kiện của người phụ nữ, dù trên thực tế nó không hề giống nhau, mà vô tình quên thứ kết quả mà bà thực sự muốn là gì.
Liên hệ đến vài câu chuyện linh tinh khác
1. 
Ban đầu bạn định viết ra một luận điểm là A, trong đó có các A1, A2, A3 là những luận cứ bổ sung cho A. Thì theo suy nghĩ bình thường, phải tập trung viết tốt A1, A2, A3 thì A mới sáng tỏ. Nhưng trong lúc viết, vì tham vấn đề, muốn viết cho A1 cực kì hay nên bạn liên hệ  A1 với B,C,D,F gì đó. Cuối cùng B,C,D,F chỉ liên quan đến A1 chứ không phục vụ cho việc giải thích A. Oops, bạn bị nhầm lẫn và bỏ quên kết quả mà mình đang theo đuổi.
2. 
Có một cô bạn rất thích trang điểm và luôn mặc những chiếc váy yêu thích của mình. Cô ấy rất hài lòng với bản thân, luôn bước ra ngoài với tâm thế tự tin. Những người xung quanh lại cho rằng gu ăn mặc đó đã không còn hợp thời. Một người trong số đến và nói cho cô bạn nghe về những bình luận đó của mọi người, với mong muốn nhìn thấy sự thay đổi của cô để được nhiều người yêu thích hơn. Từ đó về sau, mỗi khi bước ra ngoài với phong cách của mình, cô lại chần chừ thêm một chút.
Nếu đối với cô bạn này, chuyện mặc đẹp (mặc gì cũng được, miễn đẹp) ở trước mặt mọi người là quan trọng thì sự giúp đỡ kia có vẻ hợp lí. Nhưng nếu việc mặc đúng phong cách yêu thích của mình mới là thứ làm cô vui, thì sự giúp đỡ kia xem chừng có thể mang về tác dụng phụ. Bởi trước và sau khi nghe sự thật, là hai thế giới niềm tin và cảm xúc rất khác nhau. 
Ở đây, mình không phê phán việc nói ra sự thật, mình cũng không nhằm mục đích khuyên rằng đừng nói lên sự thật, càng không muốn ngăn cản việc giúp đỡ một ai đó. Chỉ là việc đó rất cần được cân nhắc theo hoàn cảnh. Bởi vì, ngay cả khi (tưởng chừng) có sự hiểu biết, nhìn ra sự thật, và muốn đến để giúp một ai đó nhận ra, chúng ta liệu có nghĩ đến việc mình sẽ đánh thức điều gì, điều gì mới là quan trọng để cần được đánh thức? Giúp sai công thức thì lại thành ra một thứ gì đó rất khác rồi.
3. 
Cuộc đời của mỗi người được tạo thành bởi những điều kiện rất khác nhau, chúng ta đều có thể nỗ lực để đi đến cùng một cái đích, nhưng hình dạng của cái đích chắc chắn sẽ không thể giống nhau. Việc đem mọi điều kiện của mình mang đi so sánh với mọi điều kiện của người khác là một sự khập khiễng. Vì có thứ điều kiện mình cần, có thứ mình lại không cần. (Umm hmm, thực ra thì nói điều này cũng hơi hiển nhiên)


Thật ra là, lúc trước mình có nghĩ đến vài thứ qua câu chuyện này. Có điều, đó chỉ là những suy nghĩ lộn xộn. Từ sau khi viết lại thành bài, sau nhiều lần viết rồi lại xóa, cuối cùng mình cũng tìm thấy mối liên quan và (tạm thời) tìm ra một tên gọi của những thứ mình thực sự nghĩ đến. Nó có thể chưa được gọi đúng cách, vì vậy mình cũng hi vọng một vài gợi ý nào đó khác đến từ mọi người. Hoặc cũng có khi nó đã có tên gọi từ lâu rồi mà mình chưa biết đến (Mình có cảm giác như có thể mình đã bỏ lỡ nó trong lúc học môn Logic) Bên cạnh đó, mình đoán sẽ có mấy chỗ gây nhập nhằng khó hiểu. Nếu có hãy nói cho mình biết để sửa nha hmuhmu. Bài học rút ra của nó, mình nghĩ đến một lúc nào đó khi các bạn vô tình gặp một trường hợp tương tự như thế thì sẽ chợt nhận ra thôi, giống như mình. Đó cũng là lí do mà mình dẫn thêm vài liên hệ nhỏ ở những góc nhìn khác nhau ở bên dưới. Với cả, lí do trên hết là: mình lười quá, heh 
Cảm ơn ai đó đã đọc bài viết này, link nhạc đính kèm nè: https://www.youtube.com/watch?v=QE-xgcMczO0 
(ah, bản raw của bài thì nhẹ nhàng chậm rãi hơn bản này ý)

.