Nguyên lý thị trường
Theo quan sát và ghi nhận của tôi thì có một số nguyên lý và tính chất chung của thị trường tài chính như dưới đây. Bạn có thể tùy ý bổ sung thêm những nguyên lý khác nếu bạn nhận ra chúng thông qua trải nghiệm của mình.
1. Thị trường chỉ là một sản phẩm qui ước của con người, không tồn tại một cái thực thể thị trường riêng biệt nào cả và sự qui ước này lại được xây dựng dựa trên những khái niệm qui ước khác như cổ phiếu, tài khoản, tỉ giá,… Theo góc nhìn của Đạo Trading thì thị trường tài chính là pháp tục đế không có thực tánh, nên các thành viên thị trường thường xuyên làm việc trong môi trường của những quan niệm, khái niệm, tư tưởng nên rất dễ bị chìm đắm ảo tưởng, xa rời cuộc sống thực tế.
2. Thị trường mang đặc tính con người: Thị trường biến động do tổ hợp tương tác của tất cả tư tưởng và cảm xúc giữa các thành viên thị trường nên nó mang nhiều đặc tính con người, rất khó lường. Mặt khác, các sản phẩm tài chính khác nhau thường mang “cá tính” giao dịch khác nhau (phụ thuộc tính cách của nhà cái) bất kể người ta ngày càng ứng dụng tự động hóa nhiều hơn.
3. Thị trường luôn luôn đúng (The market is always right): Khoảng 100 năm về trước, J.Livermore đã tuyên bố câu nói lịch sử này cho thấy ông luôn tôn trọng mọi biến động của thị trường, đúng như bản thân nó đang là tại mỗi thời điểm. Sau này có một số người có quan điểm khác cho rằng thị trường không phải lúc nào cũng đúng như khi so sánh với giá trị (value), do tâm lý đám đông chi phối, hoặc do thanh khoản kém gây sai lệch, v.v… nhưng đó chỉ là sự so chiếu với phân tích tính toán của cá nhân hay tổ chức chứ không phải bản thân thị trường.
4. Tính phi logic: Thị trường luôn biến động theo lý lẽ riêng của nó và bạn không thể lập luận tính toán để biết trước về phản ứng của nó. Khi phát hiện các động thái chuyển mình của thị trường, bạn chỉ cần bám theo mà không cần thiết phải biết lý do.
5. Xu hướng là người bạn (The trend is your friend): Xu hướng biểu hiện tính bản năng bầy đàn của con người trong thị trường tài chính. Khi thị trường đã chọn được hướng đi, đám đông đã bị dẫn dắt, bạn hãy đi theo. Nếu bạn càng thấu hiểu giá trị của xu hướng, công việc giao dịch của bạn càng dễ dàng.
6. Quán tính: Thị trường có khuynh hướng tiếp tục trạng thái đang có (xu hướng hay phi hướng) cho đến khi xuất hiện một yếu tố tác động bất thường làm thay đổi trạng thái đó. Tâm trí con người một khi đã chấp trước vào điều gì thì thường khó thay đổi nếu chưa xuất hiện một sự kiện gây sốc làm nhả nó ra.
7. Cạm bẫy: Cạm bẫy thị trường mang tính tất yếu, bởi đó là cách thức mà người ta giành giật tiền của nhau. Khi chọn nghề này, bạn cần xác định sống chung với lũ, chấp nhận hoàn toàn sự mơ hồ và không chắc chắn nhưng luôn cảnh giác. Nói theo Ed Seykota thì cách duy nhất để tránh thua lỗ do cạm bẫy là hãy bỏ nghề giao dịch này đi.
8. Giá là một khái niệm: Giá thị trường được hình thành qua một phương thức đấu giá. Người nào muốn bán giá nào thì đưa lên, nếu phù hợp thì sẽ có người mua và cứ lần lần như thế mà giá được tạo thành. cho nên giá thật ra chỉ là một khái niệm, chứ không phải là một giá trị sản phẩm nào đó. Một trader mua hay bán một sản phẩm tài chính chỉ cần biết là nếu mua vào thì giá có khả năng tăng nữa để chốt lời không và bán ra thì giá có khả năng giảm nữa để chốt lời không ?
9. Giá là ngôn ngữ của thị trường. Giá luôn thay đổi bởi tác động của mỗi thành viên trong cuộc chơi, tùy theo tin tức kinh tế, diễn biến chính trị,… và tùy theo thái độ cảm xúc của họ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người ra quyết định cuối cùng đều nhìn vào giá thị trường nên có thể nói thị trường có một ngôn ngữ duy nhất đó là giá. Chúng ta nên nghiên cứu và lắng nghe những mách bảo trực tiếp từ giá.
10. BA ĐỊNH LUẬT WYCKOFF: CÁC NGUYÊN LÝ CƠ BẢN NÀY DO R.D. WYCKOFF QUAN SÁT GHI NHẬN THỰC TẾ BIẾN ĐỔI CỦA THỊ TRƯỜNG (ÁP DỤNG TRONG CHỨNG KHOÁN):
- Luật cung cầu (the law of supply and demand): luật cung cầu xác định hướng đi của giá. Khi cầu lớn hơn cung, giá sẽ tăng và khi cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm. Bằng cách sử dụng đồ thị, trader có thể thấy được mối quan hệ cung cầu thông qua giá và khối lượng theo thời gian.
- Luật nhân quả (the law of cause and effect): luật nhân quả giúp tiên đoán mức độ tăng giảm của xu hướng giá sắp tới. Mỗi kết quả xảy ra đều có nguyên nhân của nó và kết quả đó sẽ tỉ lệ với nguyên nhân. Cụ thể, chúng ta thấy năng lượng tích lũy của một vùng giá phi hướng sẽ được chuyển hóa thành xu hướng sau khi bứt phá khỏi vùng đó và có thể ước lượng được mức độ mạnh yếu của xu hướng đó. Sự tăng vọt cung cầu không phải xảy ra ngẫu nhiên, mà bởi ảnh hưởng của các sự kiện quan trọng nào đó hoặc chỉ là kết quả của một quá trình chuẩn bị âm thầm từ trước. Về mặt kỹ thuật thì luật này biểu hiện qua một vùng nến tập trung trên đồ thị.
- Luật tương xứng (the law of effort versus result): luật tương xứng giúp nhận biết dấu hiệu cảnh báo sớm về biến động sắp tới của xu hướng. Biến động giá là kết quả của những tương tác thị trường biểu hiện qua khối lượng nên hiện tượng bất tương xứng (divergence) giữa giá và khối lượng thường báo hiệu một sự thay đổi về hướng đi của xu hướng. Luật này biểu hiện qua nến và khối lượng về mặt kỹ thuật.
- Kết hợp với nhau, ba định luật Wyckoff chỉ ra được ý đồ của nhà cái (thành phần chi phối thị trường), tức là dòng tiền thông minh. Luật nhân quả chỉ ra qui mô chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới của nhà cái, trong khi sự chênh lệnh cung cầu chỉ ra ý đồ của nhà cái chuẩn bị chiến dịch đánh lên hay đánh xuống. Chúng ta có thể phán đoán hành động bứt phá hay đảo chiều sắp xảy ra căn cứ vào sự ủng hộ hay bất tương xứng giữa giá và khối lượng theo luật còn lại. Cần nhớ luật cung cầu là cơ bản nhất và chi phối sự biến đổi của thị trường còn hai định luật kia là hỗ trợ để ước lượng ảnh hưởng của cung cầu.
Sách: Đạo Trading 2020