Minimalists hay là những con người theo đuổi chủ nghĩa tối giản thì ắt hẳn luôn đặt sự giảm thiểu hết mức có thể những thứ không thiết yếu xung quanh bản thân lên đầu tiên. Từ đồ dùng cá nhân, áo quần, các mối liên hệ và cũng như sự tiếp nhận thông tin mỗi ngày.
Unsplash.com
Unsplash.com
Cái hay của lối sống tối giản mang lại cho chủ nhân của nó chính là một cuộc sống nhẹ nhàng và ít phiền toái nhất có thể. Ở đây có nghĩa là xung quanh họ sẽ chỉ là những điều đáng để tâm và ưu tiên thay vì những thứ không mang lại cho họ giá trị nào đáng giá hoặc thậm chí đang gặm nhấm luôn thời gian và sức khỏe cả tinh thần lẫn thể chất của họ.
Từ khi mình biết đến Minimalism, cuộc sống của mình đã thay đổi đi rất nhiều. Và sự thay đổi ở đây mang nhiều ý tích cực hơn là những điều tiêu cực (cho dù vẫn có một số điều mình không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận nó). Bạn đổi đi cuộc sống với sự kết nối rộng rãi với thế giới hay là những những tràng dopamine đang phát đi rộng rãi qua vô số hoạt động thụ động khác trên internet mỗi ngày để lấy lại một cuộc sống thanh đạm, lành mạnh và luôn ý thức rõ được những gì mình có trong tay sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình.
Mình đã từng viết một bài viết về Digital Minimalism trước đây để chia sẻ về cách làm thế nào mình bắt đầu tối giản cuộc sống số hóa. Các bạn có thể tham khảo qua đây.
Còn đây sẽ là cách mình sử dụng chiếc điện thoại trong một ngày để có thể mang đến một hiệu quả tốt nhất trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân.

1. Plane Mode.

Chế độ máy bay có lẽ là trạng thái thường xuyên mình thiết lập trên chiếc iPhone đã cũ kĩ của mình.
Lý do cho việc mình để chế độ máy bay là vì mình hiểu rõ trong quãng thời gian mình cài đặt chế độ này cũng là lúc mình không thể trả lời bất cứ một tin nhắn hay cuộc gọi của bất cứ ai. Đó là các thời điểm như khi mình đang có tiết dạy Online với tư cách là một giáo viên chẳng hạn, hay là lúc mình đang chìm vào trong giấc ngủ (vì mình cũng khá sợ tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm).
Điện thoại mình thông thường sẽ được đặt trong chế độ này vào khoảng thời gian từ 10h tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Còn vào các thời điểm khác sẽ tùy thuộc vào lịch trình của công việc cũng như tính chất của công việc.

2. Thiết lập mức độ thiết yếu của công việc để sử dụng điện thoại hợp lý.

Thông thường mỗi tối mình sẽ duy trì một thói quen nhỏ đó là đầu tiên là nhập tất cả các khoản chi cũng như thu trong ngày vào google trang tính (vì mình sẽ khá tệ trong việc quản lý chi tiêu nếu không thấy được số tiền mình đang hoang phí) và sau đó là viết to-do list cho công việc ngày mai.
Unsplash.com
Unsplash.com
Công việc của mình sẽ được chia làm 3 mức độ 1, 2, 3 tương ứng phải tầm quan trọng của từng công việc.
Đối với mức 1:
Đây là công việc ưu tiên sự tập trung 100% trong quá trình làm việc. Sử dụng điện thoại trong thời điểm này là không nghiêm túc trong công việc cũng như tôn trọng các đối tác của mình nếu có. Vì là mức độ quan trọng nhất nên mình sẽ đặt điện thoại khỏi tầm mắt trong thời gian làm việc và thiết lập chế độ plane mode cho máy.
Ví dụ như khi mình phải hoàn thành gấp một bản kế hoạch cho công việc giảng dạy tuần tới, mình sẽ để điện thoại ở chế độ máy bay và để nó ở một căn phòng khác trong nhà, khác với nơi mình đang làm việc. Như vậy thì mình có thể yên tâm làm việc tuyệt đối mà không phải lo sợ sự sao nhãng sẽ phá hủy cả quá trình làm việc sâu của mình.
Thông thường khi bạn bè hoặc người thân của mình gọi điện trong khoảng thời gian này, họ sẽ không liên lạc được và chỉ nhận lại tín hiệu đang khóa máy. Và tất nhiên không một ai trách tại sao mình không nghe máy cả vì khi không gọi được thì đồng nghĩa rằng họ biết mình đang trong quá trình làm việc nên sẽ chờ đợi cuộc gọi lại từ mình sau, khi mình hoàn thành xong công việc.
Đối với mức 2:
Đây là mức công việc đòi hỏi sự tập trung không cao bằng. Trong quá trình làm việc thi thoảng mình có thể nhấc máy lên để nhắn tin hay kiểm tra các cuộc gọi.
Ở mức 2 này, mình sẽ để điện thoại ở chế độ Me. "Me" là một chế độ bạn hoàn toàn có thể tự thiết lập trên điện thoại của mình trên iOS.
Mình đánh giá đây là chế độ rất hay của Apple khi chúng ta hoàn toàn tự do trong việc sẽ cho phép thông báo của ứng dụng nào hoạt động hay cho phép cuộc gọi từ ai đến trong khoảng thời gian này.
Mình thiết lập sao cho mình chỉ nhận thông báo ở một vài app cần thiết cho công việc như Zalo hay iMess vì đây là nơi thông tin quan trọng cho công việc thường xuyên tới. Và về các cuộc gọi thì chỉ người thân và những người quan trọng sẽ may mắn được mình phản hồi trong khoảng thời gian này.
Ví dụ khi mình đang làm việc cùng với một khách hàng về sản phẩm mình đưa lại cho họ. Mình cần giữ liên lạc qua tin nhắn để nhận thêm thông tin cho sản phẩm cũng như cho phép nhận cuộc gọi để yêu cầu những giải đáp thắc mắc trong quá trình làm việc. Đây là chế độ mình đánh giá hay nhất để có thể làm việc linh hoạt đòi hỏi sự kết nối hay làm việc nhóm.
Đối với mức độ 3:
Đây là những công việc không đòi hỏi sự khắt khe và hoàn toàn thoải mái. Chẳng hạn như đi đóng tiền điện hay đi cafe với bạn bè chẳng hạn.
Unsplash.com
Unsplash.com
Điện thoại được để ở chế độ bình thường và mình sẵn sàng nhận mọi thông điệp từ thế giới bên ngoài.
Đây cũng là thời điểm để mình kiểm tra một số mục được định ra trước như check email hay kiểm tra video mới của Youtuber yêu thích chẳng hạn.
Tuy nhiên mình thường dành khoảng thời gian nhàn rỗi để sống với sở thích của bản thân đó là nghe nhạc và đọc sách.
Mình hay có thói quen đạp xe tới một quán cafe gần nhà mỗi khi xong công việc trong ngày để đọc một quyển sách đang dở dang. Những lúc như thế mình chỉ đem theo sách bên người và điện thoại hoàn toàn bị bỏ lại ở nhà. Bởi vì đem theo điện thoại trong lúc đọc sách làm mình không tập trung hoàn toàn để hiểu nội dung của sách được.

3. Xem điện thoại là phương tiện để liên lạc.

Nếu muốn sử dụng điện thoại một cách hiệu quả mà không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Tốt hơn hết hãy coi nó là một chiếc máy để nghe, gọi, nhắn tin đúng nghĩa.
Mình hoàn toàn xóa bỏ mọi trò chơi, mạng xã hội hay cả youtube trên điện thoại vì không muốn tốn thời gian trên chiếc máy này. Nếu có nhu cầu giải trí, mình sẽ xem trên laptop. Việc phải mở máy lên và ngồi xuống giải trí khiến mình tạo được thói quen giải trí lành mạnh có chủ đích thay vì tiện tay mở điện thoại lên mọi lúc mọi nơi bởi tính tiện lợi của nó.
Unsplash.com
Unsplash.com
Và đó là cách để mình sử dụng điện thoại chơ không để điện thoại sử dụng mình. Với những người theo chủ nghĩa tối giản, điện thoại chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống không phải là một thứ quá quan trọng để dành quá nhiều thời gian vào.
Ngay cả lúc mình ngồi viết bài viết này cũng là khi điện thoại đang không có ở bên người. Mình đang viết tại một quán cafe quen thuộc và trên bàn chỉ có máy tính và tâm trí của mình bỏ vào bài viết này. Hoàn toàn không một sự sao nhãng nào cả.
Cảm ơn và chúc mọi người tìm được cách sử dụng điện thoại cho riêng mình để mang lại hiệu suất cao nhất.