Source: depositphotos.com
Source: depositphotos.com
Xuất phát là thằng nhóc được 9,10 điểm văn, cho đến ngày lập trang blog đầu tiên, và trở thành tác giả của bài viết bị chửi um xùm trên mạng xã hội, mình có thể tự tin nói rằng bản thân đã nhận không ít cú tát kể từ khi bắt đầu sự nghiệp viết lách. Hành trình nào cũng thế, mình sẽ không bao giờ ở đây nếu như không chấp nhận những thiếu sót của bản thân, và đây sẽ là năm bài học mà mình muốn gửi đến cho các bạn, những người đang ấp ủ ý tưởng và mong ước biến nó thành câu chữ vào một ngày không xa.

Bài học đầu tiên: "Nếu bạn viết chủ đề nhạy cảm, bạn auto ăn chửi"

Đúng vậy, khoan bàn đến chất lượng bài viết, khả năng lập luận, dẫn chứng hay phản biện, cái chủ đề mà bạn đặt ngay ở title sẽ là thứ quyết định bạn có bị ăn chửi hay không. Vậy lý do tại sao lại như vậy?. Câu trả lời vô cùng đơn giản, sự đụng chạm. Đụng chạm ở đây có nghĩa là khi chủ đề bạn hướng tới sẽ có ảnh hưởng tới quyền lợi và lý tưởng của người đọc. Những ví dụ tiêu biểu nhất chắc chắn là giới tính, chính trị, kinh tế và không thể không nhắc đến giáo dục. Tất cả chúng đều có điểm chung là nhiều định kiến và vĩ mô. Bài viết của bạn có hay đến đâu thì nó cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ trong cái vấn đề khổng lồ ấy. Tuy vậy, mình không nói rằng bạn không nên viết về nó, mà hãy chuẩn bị thật kỹ tinh thần, trang bị đủ kiến thức để bảo vệ quan điểm của chính bạn. Việc bạn đứng lên thay vì ngó lơ cũng đã cho thấy bạn dũng cảm đến mức nào. Và đừng để bất kỳ ai làm chùn bước bạn chỉ vì ý kiến của họ và bạn không đồng nhất.

Bài học thứ hai: "Sân nhà và sân khách"

Mình đã từng nghĩ khái niệm sân nhà và sân khách chỉ có trong thể thao, hay cùng lắm là nghệ thuật, nhưng không, bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ có thứ tương tự. Điều này mình học được sau khi quan sát phản ứng của độc giả qua những nền tảng khác nhau. Để lấy ví dụ, chúng ta sẽ lấy ba nền tảng chính mà Spiderum đang hoạt động bao gồm website, Facebook và Youtube.
Website là sân nhà, vì đa phần các anh chị em ba miền vùng sâu vùng xa đến đây đều chỉ có một mục đích, đó là viết ra suy nghĩ của bản thân. Đương nhiên, đó không phải là thành phần duy nhất, nhưng nó chiếm số đông. Nếu như bạn biết tới website trước các nền tảng khác, khả năng cao bạn là một người thích đọc và viết, chứ không chỉ đơn giản là lướt Facebook và Youtube (hay Tiktok) để rồi bị đập vào mặt.
Để miêu tả ngắn gọn, website sẽ là nơi bạn tự tin nhất để viết bài, bày tỏ quan điểm, vì đa phần các writer ở đây đều hiểu, việc tạo ra một bài viết chất lượng không hề đơn giản, và họ sẽ đón nhận với tinh thần khai phóng hơn.
Còn ở Facebook, bạn sẽ thu hút được nhiều độc giả, nhưng đi kèm là đối tượng đọc bài sẽ vô cùng đa dạng, và mang theo nhiều ý kiến trái chiều. Việc đọc là một hành động đòi hỏi sự tự giác, nên những người đang lướt Facebook đa phần sẽ đọc khá qua loa, dẫn đến hiểu sai, hiểu nhầm ý chính của bài viết (đôi lúc chỉ mới đọc title là đã múa phím rồi).
Và cuối cùng là Youtube, cá nhân mình đánh giá đây là nền tảng dành cho những người thích nghe và xem hơn là đọc. Nhưng điểm yếu là bài viết của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi giọng đọc của các voice talent. Vì để nghe, nên các giọng đọc phải cố gắng hết sức để truyền tải đúng chính xác thứ mà tác giả hướng đến. Chỉ cần hiểu sai ý thì nó hoàn toàn có thể trở thành thảm hoạ.
Bài học mà mình muốn nói ở đây là đừng lo nếu như bài viết của bạn mỗi nơi lại có một ý kiến khác nhau, vì vấn đề không nằm ở tác phẩm, mà là môi trường.

Bài học thứ ba: "Flop"

Đã bao giờ bạn bỏ công sức ra viết một bài thật tâm huyết, và rồi chả ai thèm đọc hay tương tác không?. Nếu có, thì không sao hết, vì mình cũng thế. Mình đã trải qua chuyện đó rất nhiều lần, và mình có thể cho bạn câu trả lời vì sao.
Đáp án ở đây chính là bản thân bạn. Khoan hãy chửi mình, hay cho rằng đó là câu trả lời đương nhiên. Thực ra nó mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Tâm lý của một tác giả đó chính là viết cho người khác đọc. Nếu bạn đã chọn việc công khai suy nghĩ của bản thân, thì trong thâm tâm bạn muốn và cần sự đón nhận. Nếu bạn chỉ viết để thoả mãn, thì bạn đã chọn viết nhật ký thay vì blog. Nhưng bạn phải hiểu rằng, việc một sản phẩm thành công còn mang rất nhiều yếu tố bên ngoài. Đó có thể là quảng bá, thị hiếu của công chúng hay cách mà tất cả mọi thứ kết nối với nhau. Vậy nên, khi viết bài, hãy giảm bớt sự kỳ vọng xuống một chút, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn bạn nghĩ.

Bài học thứ tư: "Tưởng dễ mà khó"

Trước khi chính thức cho ra lò sản phẩm đầu tiên, mình đã đọc rất nhiều báo mạng hoặc blog của các tiền bối, và trong đầu đã nghĩ rằng, viết bài thôi mà, có gì khó. Nhưng không, nó khó hơn mình tưởng.
Sự khác nhau lớn nhất giữa tác giả và nhà báo đó chính là một bên để cung cấp thông tin theo cách ngắn gọn và dễ hiểu, một bên là mang tính cá nhân. Một bài báo cơ bản rơi vào khoảng 3-5 phút đọc, chỉ có thông tin chứ không có quan điểm chính xác. Còn writer hay blogger thì khác, đa phần ý tưởng bài viết đều xuất phát từ trải nghiệm, cảm xúc hoặc tâm tư của bản thân. Và nó không dễ để miêu tả cho mọi người cùng cảm nhận. Ngoài ra, bạn còn phải đáp ứng được chất lượng bên lề của bài viết bao gồm chính tả hoặc dấu câu. Việc này đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ nhất định vì chả ai muốn đọc một bài viết toàn teencode hay chính tả tứ tung cả. Đó là lý do vì sao mình rất nể những anh chị dành ra hàng giờ, hàng tuần hay thậm chí là hàng tháng để triển khai một ý tưởng từ gốc rễ cho đến khi nó hoàn chỉnh.

Bài học cuối cùng: "Diễn đạt"

Một ý tưởng táo bạo, một chủ đề hay ho, một nền tảng kiến thức khổng lồ sẽ chẳng là gì nếu bạn không biết cách diễn đạt chúng. Không chỉ việc viết, mà ở trong giao tiếp thông thường, bạn cũng cần học cách diễn đạt sao cho tinh tế mà không làm người khác hiểu sai cái điều mà mình đang muốn truyền tải, và đây là thứ kỹ năng bạn cần trau dồi trong một thời gian dài để hoàn thiện. Nhưng có sao đâu, chúng ta còn trẻ, và chúng ta hoàn toàn có thể tốt hơn nữa trong tương lai. Đừng vì e ngại mà bỏ đi cơ hội khiến ta trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

KẾT:

Mình mong những bài học trên đã ít nhiều giúp các bạn hiểu thêm về việc làm một writer là như thế nào. Ngoài ra, mình mong đây sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho những bạn đang có ý định theo đuổi nghiệp viết lách sau này. Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và hẹn gặp lại. Peace!