[GROW WITH ME]
MÌNH VÀ CÁC KHÓA HỌC ONLINE (MOOCS)
Một bài viết về hành trình tự học của mình với những khóa học trực tuyến. Mong là qua bài viết này bạn sẽ biết thêm một vài thông tin về các công cụ, mẹo và những trang web hỗ trợ việc học trực tuyến. Tuy đã cố gắng hạn chế nhưng bài viết vẫn có chứa các từ tiếng Anh, mình sẽ thêm các chú thích để tạm dịch sang tiếng Việt cho những ai chưa biết. Qua đó biết đâu còn có thể học thêm được vài từ vựng mới nữa đó.
I. MOOCs là gì?
MOOCs (Massive Open Online Courses) dịch ra tiếng Việt nôm na là "khóa học trực tuyến đại chúng mở". Chúng là những bài giảng, video chia sẻ một kiến thức nào đó mà chỉ với internet bạn có thể truy cập được (một số khóa học có tính phí).Mình biết đến các khóa học trực tuyến này đầu tiên là từ cuốn sách "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" của chị Rosie Nguyễn. Có thể nói cuốn sách này là kim chỉ nan đầu tiên hướng mình đến việc phát triển bản thân, tự nhận thức và những kiến thức mới lạ khác. Tuy nhiên trải nghiệm của mình với MOOCs lúc đó chỉ dừng lại ở việc biết. Về sau, càng ngày mình càng được tiếp xúc nhiều hơn với những thông tin về khóa học qua Youtube, đặc biệt là những kênh như Duy Luân dễ thương, The Present Writer, Tina Huang. Đó là những tấm gương tự học trong thời đại mới, truyền cho mình động lực cũng như sự cạnh tranh. Mỗi lúc thấy người khác làm được việc gì mà mình chưa thể mình đều tự hỏi "vì sao người khác làm được mà mình không làm được?". Từ đó, hành trình tự học của mình bắt đầu.
II. Những khóa học đầu tiên
Theo trí nhớ của mình thì khóa học online đầu tiên mình đăng ký là vào năm lớp 8. Lúc đó mình mò mẫm trên Google với từ khóa "lập trình cho người mới bắt đầu". Sau bao nhiêu trang review, thống kê, xếp hạng, mình tới được website freecodecamp và chọn khóa Responsive Web Design. Phần lớn vì nó free, phần còn lại vì nó có certificate (chứng chỉ) khi hoàn thành khóa học.Trải nghiệm đầu tiên của mình với MOOCs là "buồn ngủ". Lớp 8, chưa đủ vốn từ vựng tiếng Anh, chưa có công cụ và cũng chưa có sự kỷ luật và phương pháp cần thiết, học một thứ hoàn toàn mới như HTML hay CSS là một cái gì đó rất tốn sức. Hầu hết những hướng dẫn là bằng văn bản (text) với một vài hình ảnh minh họa. Mình đã phải đấu tranh rất nhiều để không ngủ gục khi tự học. Nhưng freecodecamp cũng có cái hay là nó không yêu cầu phải tải một trình biên dịch về máy (Visual Studio, Netbean, Sublime Text...) mà có sẵn một môi trường biên dịch tự động trên nền web, code xong, bấm chạy là ra kết quả. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, mình bị khựng lại khi làm thử một trang web hiển thị thời khóa biểu nhưng gặp lỗi. Không biết hỏi ai, cũng không biết ở freecodecamp và vô số các trang web khác luôn có những cộng đồng để giúp đỡ, mình dừng việc tự học lại.
Tháng 6 năm 2021, mình trở lại với MOOCs khi biết mình đủ điểm xét tuyển vào ngành mong muốn với khóa học "The Science of Well-Being" của Đại học Yale trên Coursera. Đây là một khóa học miễn phí, mà lúc đó mình rảnh rỗi nữa, nên cứ enroll (đăng ký) thôi. Khóa học này cung cấp cho mình khá nhiều kiến thức mới về hạnh phúc, về những ngộ nhận con người thường gặp phải và cách để duy trì sự thỏa mãn trong cuộc sống để luôn thấy biết ơn, thấy đủ. Cuối năm 12 nên từ vựng tiếng Anh của mình cũng khá hơn trước nhiều, phương thức học là qua video chứ không phải text như trước nữa nên mình có nhiều động lực để hoàn thành hơn lần đầu với freecodecamp. Bên cạnh đó, mình cũng được một bạn chung ngành mới quen ở Đại học chỉ cho ứng dụng Anki và dùng Anki để học những từ mới trong khóa học đó. Không chỉ từ vựng, mình còn dùng Anki để lưu trữ những kiến thức quan trọng được nhắc đi nhắc lại trong khóa học. Cách thiết kế bài giảng cũng cho mình cảm giác là mình đang ngồi trong lớp học và tương tác với cô Laurie Santos. Từ đó, mình đã có thêm thiện cảm với MOOCs nói chung và Coursera nói riêng.
III. Khoảng thời gian ôn thi THPTQG
Như đã nói từ trước, mình khá may mắn khi đậu được vào nguyện vọng mong muốn bằng phương thức xét tuyển nên khoảng thời gian ôn thi THPTQG mình dùng cho việc chuẩn bị những kiến thức trên Đại học. Theo lời các anh chị thì mình tìm hiểu trước về C#, SQL, Winform và cơ sở lập trình qua Howkteam, codelearn.io và những file tài liệu được anh chị chia sẻ.
Howkteam là website dạy lập trình bằng tiếng Việt, khá dễ hiểu nhưng không tránh khỏi vài lỗi nhỏ nhưng website đã giúp mình rất nhiều trong quá trình tự học những thứ cơ bản. Đến những phần như lập trình hướng đối tượng hay C# nâng cao thì mình bó tay :)) Chủ yếu là do mình không phù hợp để đào sâu chứ không phải vì chất lượng chia sẻ của Kteam không tốt. Codelearn.io thì có giao diện khá giống freecodecamp khi có một trình biên dịch được built-in (tích hợp sẵn) trên nền web. Mình thường dùng website này để làm thêm bài tập củng cố tư duy lập trình. Tuy nhiên, codelearn vẫn còn hạn chế về thư viện và tính linh hoạt khi phải dùng đến những hàm phức tạp một chút.
Khoảng thời gian này mình gặp nhiều lỗi khá ngơ ngác khi tự học nhưng khác với năm lớp 8, bây giờ mình đã biết tận dụng cộng đồng và tìm cách fix bug (sửa lỗi). Cứ copy lỗi, dán vào thanh tìm kiếm, enter, và sẽ có một danh sách các cách giải quyết tiềm năng. Nhờ stackoverflow, các tài liệu của Microsoft và những lúc bấm loạn xạ, mình đã chạy được những đoạn code cũng rất gì và này nọ với mình.
IV. Khi vào Đại học
Nhập học, mình được cấp mail có đuôi edu và biết được rằng sẽ được một khóa học miễn phí trên Coursera khi liên kết mail đó với tài khoản có sẵn. Vậy là, mình bắt đầu lại hành trình của mình với Coursera trong chuỗi khóa học "Google Project Management Professional Certificate" gồm 6 khóa nhỏ khác. Mail trường cấp thì chỉ được tặng một khóa học cho một năm nên khi học xong khóa đầu tiên "Foundation of Project Management", mình đã hết được miễn phí.
Lúc này mình lại cầu cứu Google và bắt đầu lại với một khóa học miễn phí trên Google Digital Garage: "The Fundamentals of Digital Marketing". Song song đó, mình còn học thêm những khóa miễn phí trên Linkedin Learning như "Digital Body Language", "Digital Networking Strategies" và "Body Language for Leaders". Điều cần lưu ý khi tự học online qua các video như vậy là phải kiên trì và tập trung. Ngoài ra thì phải biết mình đang học gì, vì sao mình lại học chúng và sẽ áp dụng những kiến thức này vào thực tế ra sao. Như vậy, quá trình học mới có thể suôn sẻ, kiến thức cũng trở nên gắn kết và dễ nhớ hơn rất nhiều. Một mẹo nhỏ là hãy áp dụng phương pháp Pomodoro khi học các khóa MOOCs hay những việc phải nhìn màn hình máy tính nhiều, với 25' học và 5' nghỉ ngơi. Như vậy, có thể vừa đảm bảo năng suất, sự tập trung, vừa giúp giảm căng thẳng cho mắt khi phải liên tục nhìn vào màn hình.
Bẵng đi một thời gian, mình được một người bạn gửi cho một bài viết về việc xin Financial Aid (hỗ trợ tài chính) từ Coursera. Bằng cách nêu lý do vì sao bạn muốn học khóa học này, nó sẽ tác động tới con đường sự nghiệp của bạn ra sao, Coursera sẽ cân nhắc có cho bạn học khóa đó miễn phí hay không. Chi tiết hơn về Financial Aid, cách ghi và những lưu ý, các bạn có thể tìm kiếm thêm trên Google hoặc nhắn tin cho page để được hướng dẫn nha. Từ lúc biết đến Finaid, mình cứ vậy mà xin cho những khóa học trong chuỗi "Google Project Management Professional Certificate". Đến giờ mình đã hoàn thành 6/6 khóa học và nhận được chứng nhận của Google về quản lý dự án. Mình thật sự rất tự hào về chứng nhận này, đây sẽ là một trong những thứ giúp mình nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng giữa muôn vàn ứng viên khác. Ngoài ra, mình cũng áp dụng được những kiến thức từ quản lý dự án cho việc teamwork ở Đại học. Các bạn đều phản hồi là rất thích cách mình tổ chức các buổi họp, phân công cũng như triển khai công việc, sản phẩm làm ra cũng rất tốt.
Review một chút về chuỗi khóa học "Google Project Management Professional Certificate". Đây là một trong những khóa học của Google được tổ chức rất bài bản với những bài tập thực tế, giảng viên thân thiện và luôn cổ vũ người học mỗi khi học đạt đến một cột mốc mới trong bài học. Bên cạnh đó, cộng đồng học tập trên Coursera cũng rất tích cực và động viên nhau trong những bài Peer-graded Assignment (bài kiểm tra chấm điểm chéo).
Chắc bạn cũng đang thắc mắc là làm sao mình có thể tìm ra những khóa học, thông tin như vậy để học và chia sẻ. Câu trả lời của mình là cứ search thôi. "Free online course", "learn how to code", "top online course",... và bất cứ thứ gì bạn quan tâm. Gần đây, mình còn phát hiện ra một trang web để tìm kiếm các khóa học online là Digitaldefynd. Không chỉ dừng ở đó, trang web này còn có chức năng gửi tặng bạn một giấy chứng nhận đã hoàn thành bao nhiêu khóa học, miễn là bạn có thể đưa ra bằng chứng rằng bạn đã hoàn thành chúng. Digitaldefynd làm như vậy vì muốn thúc đẩy việc tự học trực tuyến, một việc có lẽ còn chưa phổ biến lắm. Bật mí nhỏ là từ tháng 6 năm 2021 đến giờ, mình đã hoàn thành được 12 khóa học online tổng cộng. Nếu chia ra thì tương đương 15 ngày cho một khóa học, mình nghĩ đây là một con số mà đa số mọi người có thể thực hiện được. "Vì sao người khác làm được mà mình không làm được?"
V. Con đường phía trước
Trước mắt, mình sẽ tiếp tục xin Finaid cho các khóa học mới trên Coursera như "Google UX Design Professional Certificate" và Learning Path "Become a Data Analyst" trên Linkedin Learning. Mình muốn biết thêm về nhiều thứ để hiểu công việc của mỗi người trong nhóm phát triển sản phẩm, phần khác là để hỗ trợ cho CV có thêm tiềm năng trong thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay.
Bên cạnh đó, mình cũng sẽ giới thiệu thêm những khóa học này với bạn bè xung quanh để cùng nhau học tập, tiến bộ. Đây cũng là một cách mình củng cố và mở rộng các mối quan hệ, tạo dựng một mạng lưới giá trị về sau.
Ngoài ra, mình cũng muốn có những kinh nghiệm thực tế trong môi trường doanh nghiệp ngay từ năm nhất Đại học, từ đó có thể xác định một lộ trình sự nghiệp phù hợp với giá trị bản thân nhất có thể. Nhưng chỉ vài tờ giấy chứng nhận thì chẳng có giá trị gì lắm, mình còn phải tham gia những CLB, phải dạn dĩ ứng tuyển cho các vị trí thực tập, chau chuốt cho CV trên Linkedin và các trang tuyển dụng... Sẽ khó đó, nhưng nếu không thử thì làm sao mà biết được, "just do it". Thời gian của mỗi người là có hạn, dùng nó như thế nào cũng là lựa chọn của mỗi người. Riêng mình thì chọn "hustle" một chút, hi sinh một chút.
Mong là sau bài viết này bạn sẽ biết thêm một số trang web, thông tin về việc tự học các khóa học online và có cho mình một kế hoạch thật phù hợp với bản thân. Nếu có bất kỳ thắc mắc, câu hỏi hay góp ý gì, hãy bình luận dưới bài viết này hoặc nhắn tin với page nhé, mình luôn sẵn sàng trả lời.
Bài đăng số 17
Ngày 14 tháng 11 năm 2021
#growwithme #coursera #financialaid #moocs
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất