Người tình IELTS - IELTS Sweetheart
Không ở mục English Zone, vì bài không có tips
I. Dẫn nhập
Một lẽ tất nhiên, đó là mình đã có kết quả bài thi IELTS rồi, chứ nếu không thì vì những lí do phong thủy mà người viết bài này đã chẳng dám mở máy, vì có thờ có thiêng có kiêng có lành, khoe khoang nhiều quá bị nghiệp chướng. Mình được số điểm 8.0 Overall, không hài lòng lắm (vì đặt kỳ vọng quá cao tới mức vô lý), nhưng so với mặt bằng chung thì cũng không đến nỗi tồi, nên mới yên tâm viết bài được.
Nhưng với những ai bấm vào bài viết để tìm lời khuyên cho kì thi IELTS sắp tới, thì...không có đâu. Mình chỉ đơn giản muốn ghi chép lại trải nghiệm của bản thân và đúc kết một vài quan sát nho nhỏ mang tính chủ quan về kì thi, vừa là một cách hay để rũ bỏ hoàn toàn gánh nặng IELTS đã đeo bám suốt mấy năm trời, nhưng cũng là một việc làm tốt, gọi là đóng góp cho một biển hằng hà sa số những bài viết về tips Listening, tips Reading... một làn gió mới.
À, và mình lựa chọn thi của Hội Đồng Anh (British Council) tại Hà Nội, nên những ai thi tại những cơ sở khác thì trải nghiệm chắc là cũng không giống đâu.
II. Một tuần trước khi thi
Vì thời điểm mình quyết định thi IELTS là vào đầu tháng 8/2022, và trường mình chưa có lịch học chính thức trở lại (có các buổi học chuyên đề do các thầy cô trong trường dạy, nhưng không tính là học chính thức), nên một tuần trước khi thi của mình khá là thư thả. Mình đơn giản xin phép các thầy cô cho nghỉ một tuần; tạm dừng hoạt động tại các dự án, và rút vào trong phòng, cách ly xã hội.
Điểm đặc biệt đó là mình cũng cách ly với cái điện thoại của bản thân luôn (không thể rời laptop được vì còn phải luyện tập phần Nghe, giữa hai thiết bị thì mình thấy laptop đỡ mất tập trung hơn). Mình tắt nguồn điện thoại, đặt nó một cách trang trọng vào trong một cái hộp gỗ chạm khắc, và cất nó đi (không đi chôn), cố gắng không nghĩ về nó.
Sau đó, quá trình ôn luyện bắt đầu. Phải công nhận là cách ôn tập này không được khoa học cho lắm; mình dành phần lớn thời gian làm các bài test Listening +Reading trong các quyển Cambridge IELTS, với kết quả dao động từ 37-40/40 (như vậy là điểm còn phụ thuộc vào nhân phẩm của người làm chăng?). Trong 1 tuần ấy mình làm hết bộ đề Listening và Reading trong 4 quyển Cambridge, nhưng chỉ làm được tổng cộng 3 đề Writing; còn tệ hơn là không hoàn thành một đề Speaking hoàn hảo nào cả. (Công bằng mà nói thì có muốn luyện Speaking thì chắc cũng chỉ còn cách độc thoại, nhưng mình thích độc thoại nội tâm hơn nên việc này cũng không hiệu quả lắm). Và hiển nhiên là trong tuần ấy mình chỉ suốt ngày ru rú ở trong phòng ngủ mà làm đề, tự cô lập bản thân, không giao tiếp với ai ngoại trừ thành viên trong gia đình; với một số người cách này có thể có hiệu quả nhưng với mình thì có lẽ nó có tác động tiêu cực nhiều hơn, vì nó làm mình bị bào mòn nguồn cơn ý tưởng sáng tạo.
Nhưng đó quả thực là một tuần, tuy không có nhiều sự kiện, nhưng rất căng thẳng, bởi mình luôn làm bài trong trạng thái nơm nớp lo sợ ngày thi đến gần như lưỡi dao sắp rơi vào cổ. Bạn nào mà làm bài kiểm tra tốt dưới áp lực thì sẽ thấy mô hình học này hiệu quả; mình thì đã nhận ra là nó không phù hợp với bản thân lắm, sẽ không áp dụng nữa.
Một điểm đáng lưu ý nữa đó là trong tuần mình ăn nhiều hơn bình thường; không chỉ ở các bữa cơm mà lượng đồ ăn vặt mình tiêu thụ cũng nhiều hơn nữa. Nhưng thôi, thà vậy còn hơn là bị đói.
III. Hai ngày thi
1. Ngày thi đầu tiên: Speaking
Mình đăng ký thi nói trước khi thi 3 kỹ năng còn lại, vào khoảng 4h chiều (nếu thi sớm quá có thể sẽ bị buồn ngủ, thí sinh được phép chọn lựa một khung giờ phù hợp với bản thân từ các lựa chọn được đưa ra trên Website đăng ký). Với địa điểm thi cách khá xa nhà mình, mình lựa chọn khởi hành khoảng 1 tiếng trước giờ có mặt. Sai lầm, vì hậu quả của việc đó là mình đến quá sớm và phải chờ đợi hơi lâu.
Khi trình diện tại 20 Thụy Khuê (địa điểm của Hội Đồng Anh), mình được hướng dẫn lên tầng 5 để đăng ký thủ tục làm bài Speaking. Địa điểm tổ chức bài thi Speaking là một dãy phòng dài (nguyên một tầng, mà trước đây hẳn là phòng khách sạn) được sử dụng để phục vụ cho bài thi, vừa có phòng đăng ký, cũng có cả phòng chờ và bao gồm cả căn phòng diễn ra bài kiểm tra luôn. Mình được một anh nhân viên của ban tổ chức IELTS (Rất dễ nhận ra họ bởi vì tất cả đều khoác áo bảo hộ, nhưng màu đỏ, ở bên ngoài) dẫn vào phòng thủ tục. Điều ngạc nhiên đó là bầu không khí không mang vẻ căng thẳng mà khá là ồn ào, náo nhiệt, các anh chị nhân viên nói chuyện với nhau khá rôm rả, chắc cũng phần nào để át bớt chướng khí bao quanh các thí sinh làm thủ tục. Mình được mời ngồi xuống, điền một số thông tin cơ bản (Nhân tiện nói luôn, thí sinh đi thi IELTS chỉ cần mang hộ chiếu/căn cước công dân và não bộ, không cần mang bất kì thứ gì khác), và được xác nhận danh tính, trước hết bằng cách đối chiếu mặt ngoài đời (bỏ khẩu trang và tháo kính) với ảnh trong giấy tờ tùy thân, sau đó bằng cách ghi nhận dấu vân tay. Một điều đáng lưu ý, đó là nếu diện mạo của ai thay đổi quá nhiều so với giấy tờ thì sẽ nhận được những cái nhướng lông mày đó.
Sau màn kiểm tra giấy tờ sẽ là việc chụp ảnh, sau này sẽ được sử dụng để lưu vào kết quả trả về cho thí sinh. Mình sẽ được yêu cầu ngồi thẳng, bỏ kính và bỏ khẩu trang, tay không đặt lên mặt bàn, và không được cười :) khi chụp ảnh. Chụp xong là khâu gửi đồ (mình được phát thẻ số, một cái đeo vào cổ tay, một cái gắn vào đồ dùng cá nhân mà mình mang theo), sau đó được hướng dẫn vào phòng chờ ngay bên cạnh.
Có vài điểm khá đáng lưu tâm khi đang ngồi ở phòng chờ:
1) Thí sinh thi IELTS cũng có this có that. Hầu hết những người mình gặp đều cùng một độ tuổi (đó là THPT), nhưng cũng có những người đã có thâm niên, đi thi đến lần thứ tư thứ năm rồi.
2) Căn phòng có cách bài trí rất lạ lùng, khiến cho mình càng củng cố thêm luận điểm rằng lúc trước nó là một phòng khách sạn (mặc dù không có phòng tắm đi kèm, phòng gửi đồ thì có phòng chờ thì không): Sàn được lót một lớp thảm hơi nhiều bụi nhưng bước đi khá mềm; đối diện với hàng ghế được xếp cho các thí sinh ngồi chờ được gọi đi làm bài nói là một cái tủ quần áo cũ kĩ; có một cái bàn mà bên trên đặt một cái đồng hồ, và cuối cùng là có cửa sổ rất lớn, để lộ view cây rừng, có lẽ là để dành cho những người không mang điện thoại đến, không có việc gì làm ngồi nhìn cho đỡ buồn.
3) Đồng hồ chạy rất chậm mỗi khi mình nhìn nó và rất nhanh khi mình hướng sự chú ý sang những thí sinh khác - chớp mắt một cái thôi là có thể nửa tiếng đã trôi qua rồi. Chính vì vậy cho nên không nên đến quá sớm dự bài thi Speaking - đơn giản là vì thời gian ngồi chờ trong sự căng thẳng tột độ sẽ rất dài, và chờ càng lâu thì cảm giác bất an trong lòng càng dâng lên, như trong trường hợp của mình là có ảnh hưởng lớn đến bài thi đó.
Chờ đợi hơn nửa tiếng, ngắm mãi ngắm hoài phong cảnh bên ngoài (chủ yếu là cây, không có gì nhiều lắm), cuối cùng mình cũng được xướng tên và được một anh nhân viên hướng dẫn vào phòng thi.
Mình gặp giám khảo ngay từ khi đang ngồi chờ ở bên ngoài cửa phòng; ông đi lấy nước uống. Nhìn thấy mình đang ngồi chờ, với một anh nhân viên đứng cạnh, ông chào mình (rất lịch sự nhé), và mời mình vào phòng thi để bắt đầu luôn.
Bài thi Speaking rất đặc biệt, bởi vì nó...rất nhanh. Thời gian diễn ra bài thi rơi vào tầm 10 phút hơn; nhưng thật sự là đối với mình vào thời điểm đó thời gian đã bị bóp méo hoàn toàn, chớp mắt một cái là đã kết thúc bài thi rồi. Mình bắt đầu với một vài câu hỏi khá thường nhật về tên (Bổ sung thêm chút, đó là bài thi chính thức sẽ được ghi âm lại, và giám khảo sẽ mất khoảng 30 giây độc thoại với cái máy ghi âm cho đúng quy trình), về thời khóa biểu một ngày, rằng mình có hay xem TV không, đại loại vậy. Từ việc ấy cuộc hội thoại sẽ được dẫn dắt một cách rất khéo léo sang các chủ đề khác. Task thứ 2 của mình được dành ra để thảo luận về một người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội; mình chọn Yuval Noah Harari, tác giả của bộ ba quyển sách khoa học đại chúng Homo Sapiens, Homo Deus và 21 bài học cho thế kỷ 21 mà mình rất tâm đắc. Ngay khi nói đến tên là mắt giám khảo đã sáng lên rồi; từ đó cuộc hội thoại - bài Speaking của mình cũng thú vị hơn. Part 3 xoay quanh các vấn đề của truyền thông, nhảy từ sự nổi lên từ các mạng xã hội như Twitter và Reddit, cho đến việc sử dụng hoàn cảnh lịch sử để lý giải tại sao thế hệ trước có thói quen xem TV (Khi mình trình bày về cuộc chiến chống Pháp và cái loa phường, giám khảo kêu một câu "Exactly" đầy hứng khởi), và kết thúc với Farenheit 451 độ, khi được hỏi về cách bảo quản tri thức dưới dạng sách vở trong tương lai. Chung quy lại là mình rời khỏi phòng thi và cảm thấy khá hài lòng.
Nhưng chắc là có nghiệp, vì khi có kết quả mình được 7.0.
2. Ngày thi thứ hai: Combo hủy diệt Listening +Reading +Writing (theo thứ tự)
So với ngày thi đầu tiên thì phần thi đặt bút có phần trang trọng hơn - tức là trang trọng hơn rất nhiều. Không thi ở Hội Đồng Anh, thí sinh đăng ký (Cả Academic và General) đều thi ở khách sạn Fortuna Hotel, 6B Láng Hạ. Vào thời điểm đăng ký thi, mình mường tượng rằng với số tiền bỏ ra (chênh vênh 4.500.000vnđ) thì mình sẽ được ngồi phòng riêng để làm bài giống tiểu thư công tử con nhà quyền quý. Nhưng không, mình được hướng dẫn (có một nhân viên đứng ở trước cửa khách sạn để chỉ đường cho thí sinh vào thang máy - ít nhất, là cho những thí sinh thi lần đầu tiên như mình) lên tầng 4, khu hội trường, để check-in, làm thủ tục. Việc làm thủ tục cũng không khác so với hôm trước là mấy, tuy nhiên có một hai điểm khá đáng quan tâm:
1) Vì cách bố trí nên khu vực check-in được đặt ngay trước cửa hội trường thi, nhưng khu gửi đồ lại nằm khuất về bên trái, mà phải gửi đồ trước khi có thể xếp hàng chờ nhập thủ tục. Công bằng mà nói, thì quy định đã khá rõ, rằng thí sinh chỉ được mang theo căn cước công dân/ hộ chiếu + 1 chai nước lọc (bóc nhãn) vào trong phòng thi, cho nên việc mang thêm túi hay văn phòng phẩm khá là vô dụng; cơ mà chắc hội đồng thi cũng biết là thí sinh lo âu thì mang thừa đồ, nên mới bố trí khu vực như vậy.
2) Thủ tục check-in khá bình thường, nhưng nếu bạn dưới 18 tuổi thì sau khi đăng ký hoàn tất sẽ được phát một cái vòng xanh nước biển để đeo vào tay trong quá trình làm bài - đó gọi là vòng tay Minor Subject, vòng để dành cho những ai chưa đủ độ tuổi pháp lý để làm người lớn. Ngạc nhiên thay là số người đeo vòng không nhiều như mình tưởng, chắc chỉ tầm 1/4- 1/5 hội trường.
3) Không được chọn chỗ ngồi, mà sẽ có vị trí ngồi được gắn sẵn với số báo danh, sau khi kiểm tra là mình không mang thiết bị điện tử nào trên người (thi Speaking cũng có thủ tục này, rà que như ở sân bay luôn á), mình sẽ được chỉ vị trí chỗ ngồi bởi một nhân viên so sánh thông tin trên giấy tờ tùy thân với dữ liệu đăng ký. Vì bản thân hội trường, vốn được dùng để tổ chức sự kiện lớn như hội nghị, tiệc cưới chẳng hạn, rất rộng, nên có khá nhiều dãy bàn được kê; mỗi bàn rất dài và có hai ghế ngồi được kê sẵn ở hai bên; đồng thời số báo danh (6 chữ số) cũng được dán lên mặt bàn, đi kèm với thông tin thí sinh, để dễ nhận biết. Trên mặt bàn cũng để sẵn các tai nghe không dây, có thể bật tắt, có nút chỉnh âm lượng (chứ không dùng loa, nên không lo về vấn đề nghe không rõ nha); và có để hai cái bút chì gọt sẵn và một cục tẩy.
4) Một lần nữa, thời gian ngồi chờ. Rất. Lâu. Thí sinh được yêu cầu có mặt vào lúc 8h, nhưng đến 9h thì việc phổ biến nội quy và kiểm tra chất lượng tai nghe mới bắt đầu, nên có thể nói là thời gian ngồi chờ trong căng thẳng và lo sợ là rất lớn; ai thi lần thứ hai (ai chứ không phải mình) có lẽ sẽ làm quen được với cảm giác bất an này, nhưng những ai thi lần đầu tiên thì sẽ ngồi cứng đơ như đá vì quá lo lắng. (Tất nhiên là cũng có những người nằm ra bàn ngủ - không biết họ thi đến lần thứ mấy rồi nữa).
Phân đoạn phổ biến nội quy và kiểm tra tai nghe là thời khắc đáng nhớ nhất trong toàn bộ bài thi, đơn giản vì nó khá kì quặc. Nội quy được phổ biến hoàn toàn bằng tiếng Anh (Cũng là chuyện dễ hiểu, vì sau cùng IELTS là một bài thi mang tầm cỡ quốc tế), nhưng đến phân đoạn kiểm tra tai nghe thì có khá nhiều trục trặc kĩ thuật. Hậu quả là mình ngồi 40 phút trong sự căng thẳng muốn đứt dây thần kinh, tai liên tục nghe điệp khúc "This is the Listening Test". Có một lần được nghe cả bài hát (chắc vì đến nhân viên cũng chán nghe đi nghe lại mỗi một thứ), đó là bài My heart will go on. Vào thời điểm đó mình đang bị ngạt mũi, lúc tiếng nhạc vang lên thì tự nhiên hết bị ngạt mũi, cả người cũng thư giãn hơn (Nhưng não thì vẫn nghĩ là "My heart will go on, what about my brains?"). Sau đó khoảng 10 phút thì các anh chị nhân viên IELTS (Dễ nhận ra, vì giống hôm thi Speaking họ cũng mặc áo bảo hộ màu đỏ chói) quyết định là các tai nghe đều hoạt động tốt, và chuyển đến công đoạn tiếp theo, đó là phát phiếu trả lời.
Phiếu trả lời có hai mặt, một mặt cho phần Listening, mặt còn lại dành cho Reading, bởi vì màu của hai mặt phiếu khác nhau. Và cũng không cần phải dành quá nhiều sự lo lắng cho việc điền thông tin cá nhân vào phiếu; trên bục của hội trường có màn chiếu rất lớn, khi làm bài thì sẽ đếm giờ, còn khi điền thông tin thì sẽ được các nhân viên sử dụng để hướng dẫn từng chi tiết một. Chỉ có một lưu ý nhỏ, đó là nếu như không được bảo là điền, thì nhất quyết không điền nha, cẩn thận nếu không sẽ điền nhầm vào khu vực dành cho giám khảo chấm thi đó; tiếp nữa là không được nhầm giữa mặt dành cho Listening với mặt của phần Reading - hai mặt này được tô màu khác nhau cho khỏi lẫn.
Và sau khi đã hoàn thành thông tin trên phiếu, thì-
Bài thi bắt đầu.
Bài Listening bắt đầu trước, với 40 phút căng thẳng đến đứt dây thần kinh, cố gắng nghe lọt từng chữ cái một để có thể điền vào. Đối với mình thì part 1 lại là phần gây lo âu nhiều nhất, vì có một số câu đòi hỏi người nghe phải thông thuộc cách phát âm của các chữ cái và số, và chỉ cần sai 1 kí tự là đáp án sẽ không được ghi nhận; hơn nữa, trong bài thi của mình có hai câu với đáp án rất ngắn, là từ rút gọn, khiến cho mình cảm thấy khá hoang mang, không biết có nên viết thêm không (câu trả lời là không nhé). Nhưng bù lại thì các phần tiếp theo diễn ra một cách tương đối là suôn sẻ, đặc biệt là Part 4 - một bài giảng về các loại chất liệu dệt may và ứng dụng, tuy nhiên các đáp án đều rất đơn giản chứ không bao gồm từ chuyên ngành. Kết thúc bài Listening mình khá hài lòng - và khi nhận lại kết quả, thì đúng là hài lòng thật, với số điểm 9.0.
Nhưng để thế cho phần Listening dễ hơn mình tưởng, đó là phần Reading khó lên một cách đáng kể. Vẫn có 3 passage, nhưng chủ đề của nó đã được nâng lên về sự phức tạp: Đoạn đầu tiên xoay xung quanh tiểu sử của một nhà tư sản; đoạn thứ hai nói về khai quật các di tích Ai Cập cổ, và đoạn cuối cùng liên quan tới ứng dụng của sinh học tiến hóa vào việc phân tích và cải thiện hành vi và thái độ trong môi trường làm việc. Phải nói là câu hỏi True/False/Not given ở đoạn 1 làm mình suy nghĩ rất nhiều, nhiều hơn cả những câu hỏi cuối cùng (là dạng chọn từ trong các từ được cho sẵn để hoàn thành đoạn tóm tắt). Và vì cách mình làm bài Reading là đọc chay và cứ như vậy trả lời câu hỏi, chứ không sử dụng các thủ thuật - đọc lướt tìm keyword hay gạch chân ý chính chẳng hạn - nên khi mình trả lời xong 40 câu hỏi và điền đáp án vào phiếu trả lời (Listening cho thí sinh 10 phút để đáp án; Reading có 60 phút cả làm bài cả điền), thời gian dư cũng chỉ còn tầm 5 phút, nên cũng không còn kịp kiểm tra kĩ từng đáp án một cách thỏa đáng. Mình chỉ được 8.5 Reading, sai ít nhất hai câu, hẳn cũng là vì lí do này.
À, và giữa các phần kiểm tra không có thời gian nghỉ chính thức, nhưng sẽ có 10 phút để nhân viên kiểm tra lại số lượng bộ đề thu về và những thôn tin được ghi trên phiếu trả lời. Ngoài ra, trong thời gian làm bài, cũng có nhân viên đi dọc các hàng ghế để kiểm tra giấy tờ tùy thân nữa.
Phần thi cuối cùng chính là phần Writing - đối với bản thân mình, cũng là phần khó khăn nhất. Đặc thù của phần này là viết và gạch xóa rất nhiều, và bởi vì thí sinh chỉ được phép sử dụng bút chì của IELTS, nên độ sắc nét của chữ viết cũng có thể bị ảnh hưởng; nếu được, thì tốt nhất nên tập luyện viết bằng bút chì ở nhà. Tầm khoảng 15 phút một lần, các nhân viên sẽ đi thu những chiếc bút chì cùn và thay bằng bút chì mới. Và như vậy cũng tốt, bởi vì mình viết rất nhiều (Task 1 mình hoàn thành trong giới hạn cho phép, tầm 170 từ, mô tả lại quá trình sản xuất, chế biến và sử dụng lông cừu; nhưng Task 2, với chủ đề tiền bạc như động lực quan trọng nhất trong công việc, làm mình viết cho đến hết dòng cuối cùng của tờ giấy thi được phát, và như vậy, là quá giới hạn 250-300 từ). Mình hoàn thành bài thi khi còn khoảng 5 phút, và có thời gian để đọc lại bài làm một lần để soát các lỗi chính tả hay ngữ pháp - không nhiều lắm. Tuy viết quá giới hạn, nhưng một lần nữa, mình tương đối hài lòng với kết quả của bản thân, với hệ thống luận điểm khá chặt chẽ, cùng với vốn từ không đến nỗi tồi. Sau đó buổi thi kết thúc (12h 40), mình quay trở lại khu vực gửi đồ để thu hồi vật dụng cá nhân, và ra về.
Một lần nữa, đến tận thời điểm này mình vẫn không hiểu tại sao kết quả là 7.0 cho phần viết.
IV. Mười ba ngày trầm cảm & Hậu IELTS
Vì mình lựa chọn thi IELTS trên giấy chứ không phải là trên máy tính, cho nên thời gian chờ đợi kết quả lâu hơn, mất 13 ngày tất cả. Và tất nhiên rồi, trong thời gian đó mình ngừng hoàn toàn các công việc học hành (nhưng vẫn phải hoàn thành các deadline nộp cho các dự án vì sợ bị kick), một phần là vì mình muốn tìm lại sự yên bình sau kì thi bão táp này (theo nghĩa đen - trừ đúng khoảng thời gian mà mình đi thi ra, thì trời đổ bão suốt), một phần khác là mình quá thấp thỏm, lo âu nên khó mà tập trung vào bất cứ công việc gì được. Người bình thường thi xong chắc sẽ đi ăn mừng, nhưng trong suốt 13 ngày này, trừ những lúc phải ra ngoài đi học (nhưng học không vào) thì mình không có đi đâu, nín thở đợi chờ kết quả.
Rồi đến ngày thứ 13 từ sau khi thi, mình được thông báo gọi lên Hội Đồng Anh để lấy kết quả. Dọc đường đi, mình đã bắt chéo cầu may, đã hứa sẽ tu tâm tích đức, cầu nguyện đủ thứ...để được 8.5 hoặc 9.0 Overall (đúng là hy vọng nhiều để rồi thất vọng dữ). Đến nơi, vẫn có thủ tục check-in, xác nhận thông tin như bình thường, rồi cuối cùng cũng nhận được kết quả trong một phong bì bìa cứng rất trang trọng, giấy chất lượng cao có in nổi chữ IELTS liền tù tì ở các hàng. 8.0 Overall; không có dòng nhận xét đặc biệt nào.
Còn về hội chứng hậu IELTS, khi mà thời gian học IELTS đã quá 180 phút một ngày trong nguyên một tuần trời, thì:
V. Đề bạt
Vậy là một trải nghiệm mà suốt ba năm cấp ba (hy vọng) chỉ có một lần, đi thi IELTS, đã kết thúc. Bản thân việc đi thi là một cái gì đó khá thú vị; nhưng điều mình lưu tâm tới, đó chính là quá trình chuẩn bị cho kì thi này. Bao nhiêu năm dài đi đến các trung tâm tiếng Anh; học phí bỏ ra cũng không nhỏ, nhưng phải công nhận là ngoài học cách làm bài thi IELTS ra (trọng tâm của các bài giảng, tất nhiên rồi), những buổi học ấy đã dạy cho mình rất nhiều điều và để lại khá nhiều kỉ niệm: từ việc thuyết trình sao cho sinh động, đến việc chia sẻ những góc nhìn khác biệt về văn hóa và con người với những giáo viên nước ngoài, hoặc thậm chí tìm hiểu về mấy chú lùn mà được treo trên ban công thay vì đặt trong vườn, hành trình chuẩn bị cho hai ngày thì IELTS ấy, đối với mình, tưởng là rất dài, nhưng bây giờ thì đã khép lại rồi, với kết quả đủ để phục vụ cho các mục đích sau này.
Nhưng mà mình sẽ nhớ IELTS lắm.
(But please don't follow me now, now I just want to get away from you)
P.S: Bài này được viết trong trạng thái bất ổn về tinh thần, nếu có lỗi sai chính tả nào, xin được lượng thứ. Thanks:)
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất