Người ngoài hành tinh David Bowie
Ngày cậu bé David Robert Jones được sinh ra, đôi mắt tinh anh của cậu đã khiến người ta phải thốt lên rằng thằng bé này hẳn phải đã...
Ngày cậu bé David Robert Jones được sinh ra, đôi mắt tinh anh của cậu đã khiến người ta phải thốt lên rằng thằng bé này hẳn phải đã từng có mặt trên trái đất và chứng kiến sự phát triển của nhân loại rồi.
Tuổi 15, David lừa thằng bạn thân khiến nó mất đi cơ hội hẹn hò với đứa con gái mà cả hai đứa đều thích. David bị thằng kia cho ăn quả đấm. Cú đấm đó mạnh đến nỗi đồng tử ở con mắt bên trái của David bị giãn to hơn con mắt phải. Kết quả là David có hai màu mắt, màu xanh dương tự nhiên bên mắt phải và màu xanh lá dị thường bên mắt trái.
Tuổi 21, David bắt đầu mê mải tìm kiếm những ý tưởng cảm hứng âm nhạc cho đĩa mới,ngõ hầu chứng tỏ tài năng của mìnhsau album đầu tay David Bowie(1967) không mấy thành công. Khi bộ phim 2001: A Space Odyssey của đạo diễn lừng danh Stanley Kubrick bắt đầu trình chiếu ngoài rạp,David đã đi xem và hoàn toàn bị choáng ngợp. Những khung hình cuối của bộ phim về thực thể ngoài trái đất dường như đập tan lớp vỏ ngoài bảo thủ của bộ não và đánh thức “người ngoài hành tinh” bên trong David. Tại khoảnh khắc đó, một thực thể siêu nhiên đã được sinh ra trên trái đất và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm “danh tính” cho chính mình.
Major Tom
Nhân vật đầu tiên David chọn lựa là Major Tom. Được khai sáng từ chính bộ phim 2001: A Space Odyssey, David biến mình thành một nhà phi hành gia vũ trụ. Nhưng khác với những nhà phi hành gia được miêu tả như những người hùng hết mình vì nhiệm vụ được giao phó, Tom là kẻ cô đơn bên trong con tàu trôi nổi trong bóng đen tĩnh lặng đến naongười. Sự cô đơn lạnh lẽo đó tác động lên suy nghĩ tâm lý của Tom để rồi hắn tự cắt đứt liên lạc với loài người và thả mình vào không gian vô tận.
“Ground Control to Major Tom You're off your course Direction's wrong Can you hear me, Major Tom? Can you hear me, Major Tom? Can you hear me, Major Tom? Can you "Here am I sitting in tin can? Far above the moon Planet Earth is blue And there's nothing I can do"
David không ngần ngại đặt tên album thứ hai vẫn là David Bowie (1969), trùng tên với album trước đó, nhưng hàm ý đưa ra hình ảnh “thật” của mình. Với hình ảnh Major Tom, David cố miêu tả nỗi cô đơn và nhiều tâm trạng của chính bản thân ở thời điểm đó, bao gồm việc chia tay bạn gái Hermione Farthingale, người được xuất hiện trong một track khác với tên “Letter To Hermione”. Người nghe còn có thể cảm nhận việc David tưởng như đã phải vứt bỏ sự nghiệp âm nhạc bế tắc sau album đầu tay, để đi theo Phật giáo(!!!) Thế nhưng, cũng may là David sau đó lại được khai sáng bởi Stanley Kubrick và Velvet Underground, thì nay mới có nhạc cho chúng ta nghe.
Thì đó, nếu như bộ phim của Kubrick khai sáng đôi mắt hai màu dị thường của David rằng có cả một vũ trụ bất tận ngoài kia, thì những bài hát như “I’m Waiting For The Man” của Velvet Underground như tiếng sét thức tỉnh đôi tai của ông. Nhạc của những đại diện ưu tú từ Mỹ như Lou Reed và nhóm Velvet giúp David ngộ ra được một vũ trụ bất tận của hằng hà sa số biến thiên trong âm nhạc, điều hẳn là giúp ông nhận ra việc sáng tác không cần phải đóng khung theo bất cứ “tính cách” nào sau này.
Kết quả phóng thử nghiệm con tàu chở Major Tom thành công đầu tiên chính là “Space Oddity” trong album năm đó. Đó là phần sản xuất nhạc đầy táo bạo mang bầu không khí của giây phút phóng con tàu vũ trụ chở Major Tom lên không gian và sự cô đơn qua tiếng đếm ngược của bộ phận điều khiển trung tâm, tiếng đàn guitar thùng chậm rãi và âm thanh hơi rè đặc của Stylophone - một cái đàn phím đồ chơi bé tí phát ra thứ âm thanh như robot được David sử dụng cực hiệu quả cho “Space Oddity”. Do nội dung “tiêu cực” của “Space Oddity”, bài này chỉ được BBC bật làm nhạc nền lúc đoàn phi hành gia Apollo 11 trở về trái đất an toàn. Nhưng chừng đó cũng đủ để mang lại một bản hit đầu tiên cho David Bowie.
Ziggy Stardust
Sau thành công của Major Tom, David tiếp tục cuộc hành trình thay đổi và tìm kiếm tính cách. Trong đĩa Hunky Dory (1971), ông viết hẳn một bài dành cho nhà sản xuất phim lừng danh Andy Warhol, rồi tự mình hóa thân thành Andy để sáng tác “Song For Bob Dylan”, trước khi trở thành Lou Reed khi viết “Queen Bitch”, và tự mình trở thành cậu con trai tên Zowie khi viết “Kooks” để đặt mình vào những suy nghĩ buồn của người anh cùng mẹ khác cha Terry Burns.
Dạo chơi qua nhiều tính cách như vậy, nhưng David thực ra rất cần một nhân cách có tính biểu tượng, có thể mang đến cho ông một nguồn cảm hứng mới lạ hơn. Vẫn là sở thích tìm tòi và khoái nghe nhạc lạ, David được giới thiệu với âm nhạc của nghệ sĩ có nghệ danh là The Legendary Stardust Cowboy – kẻ bị mọi người mang lên lăng xê để chế nhạo vì cách hát quái đản lệch tông gần như đang đọc lời này. Nhưng David lại có một sự cảm thông với tay nghệ sĩ này vì ông cảm nhận được cái “soul” trong bài hát kỳ quặc của Stardust Cowboy. Bên cạnh đó, David còn được giới thiệu với nhạc của Iggy Pop. Ấn tượng với năng lượng của Izzy và “nội tâm” của Stardust Cowboy nhân vật Ziggy Stardust, một gã ngoài hành tinh với bộ dạng và trang phục ái nam ái nữ cùng mái tóc đỏ được tạo ra.
Ziggy Stardust sau đó cùng ban nhạc của “hắn” gọi là “Spiders from Mars” sáng tạo ra thứ âm nhạc đi vào hàng kinh điển với tên gọi The Rise And Fall Of Ziggy Stardust And The Spiders From Mars (1972). Giống như các đĩa trước, các bài trong đĩa đều mang âm thanh ngày một sáng tạo hơn của David. Tiếp bước thành công của “Space Oddity”, có lẽ là ca khúc “Starman” khiến cả thế giới mới xôn xao về David Bowie, (hay đúng hơn là Ziggy Stardust). Mái tóc nhuộm đỏ, bộ đồ bó sát cùng phong cách trang điểm ái nam ái nữ theo ảnh hưởng của văn hóa kabuki từ Nhật Bản, Ziggy xuất hiện gây sốc toàn bộ những người đã từng biết đến David Bowie.
Không chỉ làm mới ở vẻ bề ngoài, âm nhạc của đĩa Ziggy này là sự tổ hợp của Hard Rock từ đĩa The Man Who Sold The World với Experimental Rock của Hunky Dory. Nhưng quan trọng nhất, có lẽ David Bowie đã khiến thế giới lờ mờ nhận ra ông đang làm chuyên gì đó thực sự nghiêm túc với các nhân vật của mình.
Ca khúc “Starman” thì có một giai điệu khó có thể nào hay hơn. Nhưng điều kỳ lạ với thế giới âm nhạc là, David có thể sáng tác giai điệu đặc trưng dựa trên chuỗi các hợp âm phức tạp mà không hề bị bó buộc bởi tông giọng chính của bài, David dường như đã tạo ra được một Starman bay bổng phiêu du ngọt ngào trên dải Ngân Hà.
Đây nhé, ngỡ như câu điệp khúc “There's a starman waiting in the sky / He'd like to come and meet us …” đã tuyệt vời lắm rồi thì David “Ziggy” Bowie tiếp tục đưa người nghe bay cao hơn với câu “Let the children lose it / Let the children use it / Let all the children boogie”.
Và ...
Ziggy tiếp tục biến hình trong album giàu ảnh hưởng tiếp theo Aladdin Sane (1973), một cách chơi chữ của từ "A Lad Insane" để nói tới Terry Burns, người anh đáng thương cùng mẹ khác cha của David, cũng là người đã giới thiệu cho David đến với nhạc Jazz hiện đại và người phải chịu một số phận bi kịch khi phải vào trại tâm thần do chứng tâm thần phân liệt. Nói đến đây, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy may mắn vì con người “đa nhân cách” như David đã không phải chịu số phận không may mắn như Terry. Ca khúc cùng tên album có phần độc tấu piano jazzy ngẫu hứng của những nốt tréo ngoe hẳn với phần hòa âm đằng sau đầy điên dại như chính người anh của David.
Ziggy sau đó biến mất, còn David tiếp tục hóa thân thành rất nhiều nhân vật khác trong suốt thập niên 70s và 80s, như Halloween Jack trong đĩa Diamond Dogs (1974) và Thin White Duke trong Young Americans (1975) và Station to Station (1976).
Chính sự biến đổi không ngừng trong âm nhạc của David Bowie, mà giới phê bình đã nhận định ông có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai trong lịch sử âm nhạc hiện đại trên thế giới, chỉ sau có mỗi nhóm The Beatles. Cũng giống như Tứ quái, và khác hẳn với phần còn lại là các nghệ sĩ đa phần do dự với những thay đổi trong âm nhạc của họ, thì David đã không ngần ngại liên tục đa dạng hóa màu sắc âm nhạc của mình, không bị rang buộc bởi thành công của một album nhất định, và cũng chấp nhận việc ý tưởng của mình không được đón nhận ngay tức thời (aka đi trước thời đại). Có chăng chỉ là cách thức ông dùng để mô tả sự biến đổi đó khiến người nghe "lơ là" trước chính âm nhạc của ông. Để rồi đến khi ông có được sự ghi nhận của giới phê bình và người nghe nhạc, khán giả lại lục tục đi tìm nghe lại những album từ trước đó của David và nhận ra họ đã có một thiếu sót lớn.
Đáng nể hơn, âm nhạc của David Bowie bao trùm một sự đa dạng khủng khiếp về thể loại trong từng thời kỳ folk rock, heavy rock, experimental rock, pop, soul, funk, new wave, dance v.v. Nhìn lại, hầu như không có mấy thể loại nhạc mà David Bowie chưa thử nghiệm tới. Để thành công trong một dòng nhạc và được ghi nhận sức ảnh hưởng đã là khó với một nghệ sĩ bất kỳ. Nhưng David Bowie lại làm được, không chỉ một lần, mà vô số lần với đủ dòng nhạc.
Sức lan tỏa của ông tới nhiều thể loại nhạc lớn tới mức khó kiếm được nghệ sĩ nào vào nghề sau đó lại không chịu ít nhiều ảnh hưởng từ David Bowie. Sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đồng thời biến đổi liên tục kéo dài từ cuối thập niên 60 đến những ngày cuối đời, kể cả ở những thời điểm ông không có một nhân cách riêng nào rõ ràng.
Ví dụ như đĩa The Man Who Sold The World (1970), dù David không tạo cho ông một nhân vật dành riêng cho đĩa này, đây vẫn là một album xuất sắc. Đĩa này cũng mang đến ca khúc cùng tên kinh điển. Riêng cái trò ông thay đổi giọng bài “The Man Who Sold The World” liên tục giữa A (la trưởng) và C (đô trưởng), giống như một cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát, như chính nhân vật bị hoang tưởng mà David tạo nên trong bài, thì nghe cực kỳ lạ tai và cuốn hút. Cách đi nốt bass làm người ta tưởng như nhạc Blues, nhưng cách chuyển hợp âm thì phong phú không thua gì The Beatles. Bài này sau có lẽ sau được biết đến nhiều nhất vì nó ảnh hưởng tới Nirvana, nhưng có thể thấy ngay lần Nirvana cover lại, họ cũng không thể làm gì tốt hơn hòa âm và câu bass gốc.
Hoặc như bộ ba Berlin Triology với phong cách nhạc Electronic mang không khí ambient có phần ma mị, khác hẳn những gì David đã làm trước đây. Cả ba album Low(1977), Heroes(1977) và Lodger(1979) với sự hợp tác cùng nhà sản xuất Brian Eno cũng không cần David phải “hoá mình” thành một nhân vật tính cách nào cụ thể để cho ra bộ ba thành quả mang tính đột phá như vậy. Bài “Heroes” trong đó nổi lên thành ca khúc kinh điển đậm chất “Bowie”. Cho đến lúc đó, David vẫn lấy cảm hứng của nhịp điệu đều đặn không thay đổi từ “I’m Waiting For The Man” của Velvet Underground. Đã thế chỉ với hai hợp âm chủ đạo D (rê trưởng) và G (sol trưởng) mà ông vẫn tạo nên một ca khúc “Heroes” hào hùng quyến rũ.
Về sau, khi các album của ông có thể không còn lửa như trước nữa, thì đến những năm cuối đời, sức sáng tạo vô tận của ông vẫn tạo được hai tuyệt phẩm cuối cùng là The Next Day (2013) và Blackstar (2016).
Album Blackstar được phát hành đúng ngày sinh nhật lần thứ 69, chỉ hai ngày trước khi David Bowie từ giã cõi đời sau một thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư gan. Trong bài “I Can’t Give Everything Away”, ca khúc cuối cùng trong Blackstar có đoạn:
“Seeing more and feeling less
Saying no but meaning yes
This is all I ever meant
That's the message that I sent
I can't give everything
I can't give everything
Away
I can't give everything
Away”
Hãy thử nghĩ xem, trước khi ra đi, David Bowie chọn làm một “ngôi sao đen” chứ không phải thứ tỏa sáng rực rỡ. Và cùng với đó, là lời David căn dặn với những người yêu quý ông, hãy quan sát nhiều hơn là cảm nhận, cứ nói không nhưng hãy hàm ý là có. Cảm tưởng như, hóa ra lâu nay những nhân vật mà ông mang, kể cả là Major Tom, Ziggy Stardust, Thin White Duke, hay Halloween Jack, đã xuất sắc tạo ra phần bù cho một “nhân cách” mà không mấy được nhắc đến đằng sau tất cả các nhân vật nổi danh kia.
Và cũng vì không ai có thể sống mãi và cho đi tất cả của bản thân mình, David mới thật khôn ngoan làm sao khi để cho thế giới tự cảm nhận phần giao thoa của những tính cách ông trình diễn trong suốt sự nghiệp âm nhạc mà không cần có bất cứ một bài hát hay tính cách nào để mô tả.
Đó chính là sự hiện diện lặng lẽ của David Robert Jones - cậu bé có đôi mắt kỳ ảo.
RIP người ngoài hành tinh David Bowie.
Hẹn gặp lại!
Kink
Đọc các bài viết khác của EmoodziK tại website:
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất