16 tuổi: Em có nhiều lo lắng quá, em học không giỏi bằng người khác, không xinh đẹp, cũng không khéo léo. Em thấy mình như một nỗi thất vọng vậy. 
21 tuổi: Ừm rồi 1 năm sau em sẽ không còn quan tâm đến điều đấy nhiều nữa đâu. Em sẽ dần học được cách chấp nhận chính mình. 
16 tuổi: Em cũng nghĩ mọi thứ sẽ dần ổn lên, nhưng chỉ suy nghĩ đó thôi là không đủ. Em biết lo lắng nhiều chẳng để làm gì, nhưng không thể ngừng lo lắng. Nếu được đôi khi em chỉ muốn biến mất, để không phải chịu những cảm xúc này nữa. 
21 tuổi: Chị chỉ biết nói là cảm xúc đấy sẽ không biến mất đâu, kể cả…khi chị 30 tuổi, chị nghĩ vậy. Nhưng thời gian cho em một thứ, mà nếu em chịu khó và chăm chỉ, thì em sẽ có được. Và thứ đấy sẽ giúp em kiểm soát được cảm xúc của mình, giúp em hiểu mình là ai, mình cố gắng vì điều gì, và giúp em tiếp tục sống. 
16 tuổi: Đó là gì? Chị mau nói đi. 
21 tuổi: Đó là thứ mà em sẽ sớm nhận ra, đâu đấy 1 năm nữa. Lúc đầu, em sẽ không gọi tên được nó. Em chỉ cảm thấy nó cho em một thứ quyền lực mà trước giờ em không biết đến. Rồi dần dần, nó ngược lại làm em suy nghĩ nhiều hơn. Chểnh mảng một chút và em có thể bị nó cuốn vào, bị nó điều khiển. Nhưng may mắn là em sẽ vượt qua được, để nó dẫn đường. Nhưng nhớ nhé, trái tim mới là la bàn đáng tin tưởng nhất. 
Em có đoán được nó là gì không? Là tri thức. Đừng nhìn chị bằng ánh mắt ấy. Tri thức không phải là số điểm em đạt được, hay bằng cấp, giải thưởng em có. Tri thức, là việc em nhìn thế giới và chính mình khác đi. Em biết không, một năm nữa, em sẽ đọc được một câu nói của Socrates, đó là “Tôi chỉ biết một điều, là tôi không biết gì cả.” Và câu nói đấy cho em một sự tự do để đi tìm kiếm chính mình. 
Sau đấy, em sẽ đọc nhiều sách hơn, gặp nhiều người hơn, tâm trí em cởi mở để đón nhận mọi thứ hơn. Nhưng tất nhiên, sự bối rối hay băn khoăn sẽ không biến mất. Chỉ là, nếu lúc nào đấy, cảm xúc ấy ập đến, thì chị đã viết sẵn một bài viết cho em. Để nhắc nhớ em, và cũng nhắc nhở chị, về như thế nào là làm người, như thế nào là một con người tự do (và hạnh phúc). 

Làm người là gì? 

Theo Paolo – một triết gia thời cổ đại thì: “Con người là một sinh vật luôn đi tìm ý nghĩa” (của cuộc sống, của mọi thứ…).  Aristotle, một triết gia vĩ đại khác, cũng từng nói: “Con người là một con vật có mục đích sống. Cuộc đời của anh ta chỉ có ý nghĩa khi luôn hướng tới và nỗ lực cho mục đích sống của mình”.
Nếu nhìn lại lịch sử của loài người, chúng ta cũng có thể thấy rằng sự ra đời của tôn giáo cũng là một cố gắng để đi tìm một triết lý sống viện dẫn cho cuộc đời. Phật giáo, Kinh thánh đều dạy các tín đồ của mình những chân giá trị đạo đức để nếu ta tuân theo, ta có thể lên thiên đường, có thể đầu sinh kiếp sau, hưởng may mắn, an lạc. Chúng ta cũng có cả chủ nghĩa triết học hiện sinh đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi cá nhân. 
Còn trong cuốn sách “Đúng việc”, bác Giản Tư Trung cho rằng trong cuộc sống hiện đại, câu chuyện làm người cần được hiểu đầy đủ là “Thế nào là con người tự do/ tự trị?”
Theo đó, con người “tự trị”/ “tự do" là con người sở hữu hai thứ: (1) Tự trọng và (2) Tôn trọng.
(1) Như thế nào là tự trọng? Người tự trọng/ tự trị thường không muốn làm điều xấu, ngay cả khi không ai biết việc họ làm. Họ sẵn lòng làm điều tốt ngay cả khi không có ai biết đến. Họ sẵn lòng làm điều đúng mà không hề để ý đến chuyện có ai ghi nhận việc mình làm hay không.
Một con người “tự trọng” sẽ được dẫn dắt bởi “con người ở bên trong” (tức lương tri, lương tâm, đạo đức, phẩm giá, phẩm hạnh, giá trị, nhân cách, lẽ sống, lẽ phải…). Khi đã có một hệ giá trị vững chắc, hiểu được đâu là điều ta muốn tuân theo, chúng ta sẽ có khả năng “tự trị”/ “nội trị” bởi lương tri và phẩm giá bên trong con người mình, hơn là “bị trị”/ "ngoại trị" bởi tiền tài, địa vị, danh vọng hay bởi cái gì khác bên ngoài con người mình. Như vậy, ta sẽ là con người tự do, tự do với những chi phối từ bên ngoài trong những hành vi của mình.
(2) Như thế nào là "tôn trọng"? Tôn trọng ở đây là tôn trọng sự tư do của người khác. Vì nếu không tôn trọng sự tự do của người khác thì rất khó yêu cầu người khác tôn trọng sự tự do của cá nhân mình.  
Đồng thời, cũng không ai có quyền hạn chế tự do của người khác với lý do là nó sẽ giúp cho người đó trở nên hạnh phúc hơn. 

Để làm “người”, cần có những năng lực nào?

Để làm “người”, cuốn sách chỉ ra rằng cần có hai loại năng lực: Năng lực “khai phóng” và “khai tâm”. 
“Khai phóng” ở đây là khai minh và giải phóng bản thân. Triết gia Immanuel Kant từng định nghĩa một cách ngắn gọn về hai chữ "khai minh" như sau: "Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy" (cách dịch của học giả, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn). Con người cần thoát khỏi tình trạng "không trưởng thành" bằng cách tư duy, nhận thức lại về những quan niệm của chính mình, về những vấn đề quan trọng trong đời. 
Theo đó, mỗi người cần nhận thức được "mình là ai", "đâu là mình", hiểu biết của mình ra sao, mình giỏi cái gì và giỏi cỡ nào, mình đóng góp được gì... Đó là một phần trọng yếu trong năng lực "khai phóng". 
Còn khai tâm, định nghĩa khai tâm đơn giản là một người có trái tim “có hồn”, biết rung cảm trước cái hay, cái đẹp. Một người biết thổn thức trước những nỗi đau, phẫn nớ trước cái xấu. 
Trái ngược với khai tâm không chỉ là vô hồn, vô cảm mà còn có thể là vô hại. Khi ta không làm hại ai, ta cũng không giúp được ai. Hơn thế, chúng ta có thể vô tình tiếp tay cho cái ác tràn lan mà không hề hay biết. 

Làm thế nào để có được “năng lực làm người”? 

Vậy, làm thế nào để có được "năng lực làm người”? Bác Giản Tư Trung đã chỉ ra mô hình bắt đầu từ “TÔI”, đó là: "Ta là sản phẩm của chính mình." Mô hình này gồm 5 yếu tố chính:
- Khai phóng bản thân 
- Tìm ra chính mình
- Làm ra chính mình
- Sống với chính mình
- Giữ được chính mình

1. Khai phóng bản thân

Phần này đã được nhắc đến ở trên về việc "khai minh và giải phóng bản thân để trở thành một con người tự do" 

2. Tìm ra chính mình 

Theo đó, khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm được mình trong hai khía cạnh là: Con người văn hóa và con người chuyên môn.
Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là việc tìm ra được lương tri, phẩm giá, lẽ sống và giá trị sống mình muốn theo đuổi, làm nên chính mình. Về điều này, thấy Trung đã đưa ra một so sánh thú vị rằng đây sẽ là những “chân ga” giúp mình vượt qua đèo cao và “chân thắng” để không rơi xuống vực sâu. 
Còn ở khía cạnh con người chuyên môn (hay con người công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp) thì đó là việc tìm ra được, hiểu được mình thích gì, giỏi gì, giỏi đến mức độ nào để đặt mình vào công việc phù hợp nhất. Theo đó, khi làm công việc phù hợp với “cái chất” của mình thì đấy cũng là sống đúng với con người của mình. 
Vậy nên, vấn đề nhiều bạn trẻ hoang mang không biết mình muốn gì là vì ngay từ đầu, chúng ta đi tìm con người chuyên muôn trước khi hiểu về con người văn hóa. Ta phải biết trước hết là lẽ sống, giá trị sống, mục đích sống của mình là gì thì mới chọn công việc, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó.  
Bạn có thể hỏi: “Làm thế nào để hiểu mình, biết mình muốn gì?” Câu trả lời chính là dấn thân và hành động. Nếu bạn không biết bạn muốn đi đâu thì đâu mà chẳng được? Như bác Giản Tư Trung đã chia sẻ rằng: “Nếu muốn tìm ra "what you love" (đam mê của mình) thì trước hết cần phải "love you do" (dấn thân cho những gì mà mình làm).”
Nếu chưa có "túi văn hóa" và "túi chuyên môn", chỉ cần cố gắng thực học và khổ học (sự học khai phóng) thì rồi bạn cũng sẽ sớm có. 
Nếu chưa tìm ra “chính mình” thì cứ sống dấn thân, làm quên mình thì sớm muộn cũng tìm ra. 
“Và khi đã có năng lực và đã tìm ra mình, ở Việt Nam hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, còn thế giới có hơn 200 quốc gia, chẳng lẽ không có nơi nào khác tử tế để làm, chẳng lẽ không có chỗ đàng hoàng nào khác để dung thân mà cứ phải chui vào những môi trường mà mình không muốn sao!?” 

3. Làm ra chính mình

“Bạn là những gì bạn làm, không phải những gì bạn nói mình sẽ làm” - “You are what you do, not what you say you'll do.” - Carl Jung
Câu quote của này Carl Jung mình nghĩ đã nói lên rất rõ ý nghĩa của việc làm ra chính mình. Hiểu mình thôi là chưa đủ. Tại sao bạn biết có những điều tốt cho bản thân, hướng đến mục tiêu mình mong muốn nhưng vẫn luôn trì hoãn? Bác Giản Tư Trung cho rằng bởi vì trong mỗi người có cả phần “mình” và phần “ta” bản năng. 
Đứng trước những lựa chọn khó khăn của cuộc sống, “mình” đôi khi sẽ nghe theo “ta” để lựa chọn con đường dễ dàng hơn. Để ngăn điều này xảy ra, chúng ta có thể bắt đầu từ việc xây dựng thói quen ứng với mong muốn của chính mình, cho đến khi thói quen ấy trở thành giá trị, bản tính của bản thân. 
Như vậy, hành trình làm ra chính mình cũng là hành trình hướng đến con người tự do/ tự trị/ nội trị khi ta không còn bị trị bởi những tác nhân bên ngoài. 

4. Sống với chính mình 

Khi đã tìm được và làm ra chính mình, ta chỉ cần sống đúng với bản thân ta. Mahatma Gandhi, nhà hiền triết vĩ đại, từng nói:
"Hạnh phúc, là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm nhất quán và hòa quyện với nhau". 
Định nghĩa hạnh phúc của mỗi người có thể sẽ khác nhau. Nhưng để biết được định nghĩa hạnh phúc của mình là gì, bạn cũng cần phải hiểu được những mong muốn của bản thân - tức là tìm được mình. 

5. Giữ được chính mình

Một điều mà nhiều bạn trẻ (bao gồm cả mình) thường ngậm ngùi nhận ra khi lớn lên là “cơm áo không đùa với khách thơ”. Khi không có đủ khả năng để nuôi mình, đảm bảo cuộc sống cho những người mình thân yêu thì ước mơ hay lý tưởng cũng trở nên quá đỗi xa vời. Như Nam Cao đã viết rằng “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”
Cũng như vậy, khi đã có “túi văn hóa” tức là đã biết được những giá trị, mục đích sống mình hướng đến nhưng “túi chuyên môn” không vững thì rất khó để làm được con người tự do. Vì hạn chế về chuyên môn cũng là hạn chế về khả năng lựa chọn, hạn chế về cuộc sống mà ta có thể sống. 
Như vậy, hành trình là chính mình không hề dễ dàng. Tìm ra mình đã khó mà để làm được mình, sống với mình và giữ được mình càng khó hơn. Nhưng có hạnh phúc nào dễ dàng?
Chỉ có thể không ngừng cố gắng để được sống, được làm theo điều mình tin và để trở thành một con người tự do.