Hôm qua, đứa cháu học lớp 2 của tôi về nhà kể rằng một bạn cùng lớp của cháu sắp chuyển trường. Việc chuyển trường đột ngột giữa kỳ như vậy là chuyện hơi lạ nên gia đình tôi có chút thắc mắc.
Cháu tôi kể rằng bạn này vốn rất nghịch. Mấy hôm trước bạn nói chuyện trong giờ, cô giáo không nói được nên đã cho bạn bên cạnh vả vào miệng bạn này để phạt. Và thế là bố mẹ bạn ấy biết được và lập tức cho bạn chuyển trường.
Cháu tôi kể vậy và thấy đó là chuyện bình thường, chỉ buồn vì không được học cùng bạn nữa. Chị gái tôi cũng coi chuyện này chẳng có gì đặc biệt. Trong khi đó, tôi nhảy dựng lên khi nghe rằng cô giáo ở trường cháu tôi dùng hình phạt bằng cách để bạn này vả miệng bạn khác khi nói chuyện trong lớp.
Tôi không biết đó có phải là một hình phạt phổ biến mà các giáo viên tiểu học đang dùng cho học sinh của mình không. Hồi nhỏ tôi cũng từng nghịch và bị thầy giáo phạt bằng cách gõ thước kẻ vào tay. Nhưng vả miệng trước mặt cả lớp thì tôi chưa từng có trải nghiệm.
Nhưng với kinh nghiệm là giáo viên cũng như những gì tôi học trong ngành sư phạm, tôi không thể chấp nhận việc dùng giáo viên hình phạt sỉ nhục công khai với học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt với các bạn nhỏ mới 7 tuổi như cháu tôi thì những trải nghiệm như vậy có thể để lại vết sẹo rất lớn về sau.
Thực sự, về mặt sư phạm, người giáo viên có thể nhắc nhở và có hình phạt phù hợp để giáo dục học sinh, nhưng cách thức phạt cần cực kỳ thận trọng, và tốt nhất nên phạt trong riêng tư khi các bạn khác không có mặt. Khen công khai và phạt riêng tư là một nguyên tắc quan trọng. Việc thưởng phạt phải theo quy định của trường lớp nhưng tuyệt đối tránh việc hạ nhục danh dự nhân phẩm của đứa trẻ.
Bản thân là giáo viên, tôi hoàn toàn hiểu cảm giác bức xúc khó chịu, thậm chí tức giận với những học sinh cá biệt hay có hành vi không phù hợp trong lớp. Chính tôi có nhiều lúc cũng muốn phát điên và chỉ muốn trừng phạt học sinh mạnh tay nhất có thể cho hả dạ.
Nhưng tôi nhận ra rằng có rất nhiều lúc mình là người sai. Học sinh còn nhỏ không thể tránh khỏi chuyện nghịch ngợm, mắc lỗi. Nhưng người giáo viên chúng tôi luôn phải chịu trách nhiệm lớn hơn, về cách xây dựng bài học làm sao để thú vị, làm sao để học sinh cảm thấy hứng thú với việc học, làm sao để kiểm soát cảm xúc của chính mình khi học sinh ứng xử không như mình mong đợi.
Có một sự thật rất nguy hiểm tôi tự nhận ra về nghề của mình. Giáo viên - đặc biệt giáo viên ở châu Á - có quyền lực rất lớn trong lớp học. Vì vậy, rất khó tránh khỏi việc vô tình hoặc cố ý lạm dụng quyền lực ấy. Học sinh thường ít dám phản kháng hay đối chất, nên giáo viên cũng cảm thấy tự do hơn trong việc muốn làm gì thì làm.
Và đôi lúc mọi chuyện có thể đi quá xa, giống như trường hợp giáo viên kéo lê học sinh vì đặt sai bánh sinh nhật, giáo viên chửi học sinh dùng ngôn từ "mày-tao", hay giáo viên cho bạn vả miệng 1 bạn khác trước lớp. Nhưng hành động này thực sự không bao giờ nên xảy ra hay nên được chấp nhận trong môi trường giáo dục, nơi các thế hệ sau được nuôi dạy và trưởng thành.
Còn một điều nữa khiến tôi lo lắng, đó là việc nhiều phụ huynh như chị tôi ủng hộ việc giáo viên dùng những hình phạt này với con mình, cho rằng giáo viên làm vậy là tốt cho con. Tôi phải khẳng định rất rõ với chị tôi rằng có giới hạn trong việc giáo viên được phép và không được phép làm gì trong lớp. Việc công khai hạ nhục học sinh bằng cách vả miệng đã đi quá giới hạn đó.
Và đây là một red flag - một dấu hiệu cảnh báo mà chị cần cẩn trọng hơn xem xét lại tư cách đạo đức của người giáo viên này cũng như triết lý giáo dục của nhà trường. Tôi không cảm thấy yên tâm khi biết cháu mình đang học trong một môi trường như thế (với khá nhiều red flag không chỉ riêng chuyện này), nhưng không thể làm gì hơn khi chị tôi kiên quyết không muốn chuyển trường vì sợ lằng nhằng.
Tôi chỉ có thể chia sẻ những quan điểm và suy nghĩ của mình với vai trò người làm giáo dục, còn mọi quyết định vẫn thuộc về chị tôi - những người cha người mẹ của các bé. Mong sao những câu chuyện như vậy cần được quan tâm đúng mức và ngăn chặn kịp thời, thay vì được coi là "điều bình thường".
Bởi vì nếu việc một đứa trẻ bị vả miệng công khai trong lớp trở thành 1 điều bình thường, thì tương lai của nền giáo dục và của những đứa trẻ đáng thương này thực sự vô cùng u tối.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất