Gặp content "bẩn", bạn làm gì?
Trước khi nghe câu trả lời của bạn, tôi muốn chia sẻ một chút từ phía của tôi, một người hay suy nghĩ về những ảnh hưởng của việc mình...
Trước khi nghe câu trả lời của bạn, tôi muốn chia sẻ một chút từ phía của tôi, một người hay suy nghĩ về những ảnh hưởng của việc mình làm ra.
Tôi làm gì trước content "bẩn"?
Một tuần trước Tết, tin tức, MXH xôn xao vì video một tiktoker đem người nghèo ra làm trò đùa để kiếm fame.
Tôi làm về tâm lý, cũng chỉ mới bước chân vào lãnh địa muôn màu của truyền thông, nhưng cũng có một số bạn hỏi ý kiến tôi để viết bài đăng cho kịp cơn sốt "chị nghĩ gì về content BẨN?".
Trước tiên, tôi không có nhu cầu lên tiếng để tiếp thêm sự nổi tiếng cho cái bạn tiktoker nào đó. Nếu như chỉ hỏi một câu vu vơ, thú vị, không có mục tiêu cụ thể cho tôi trả lời để đưa bạn ấy lên báo một lần nữa thì tôi thấy lấn cấn lắm.
Nghĩ mãi, tôi không nghĩ ra nổi hướng trả lời nào có ích cho câu hỏi này nằm trong phạm vi kiến thức của mình. Các nghiên cứu trong tâm lý và giáo dục có thể đưa ra:
1) Một số phỏng đoán cho các câu hỏi về hành vi con người như "Vì sao khán/độc/thính giả lại thích các thông tin trái chiều hoặc các thông tin đánh vào cảm xúc", "Vì sao một số người biết mình làm là sai nhưng vẫn làm" hoặc
2) Một số giả thuyết cho các câu hỏi khái quát hơn như "Khái niệm bẩn và sạch được định nghĩa như nào?", "Tư duy về đúng sai của con người phát triển ra sao" hoặc
3) Ảnh hưởng của mạng xã hội lên sức khoẻ tinh thần và năng lực tập trung/học tập
4) Một số gợi ý để thay đổi thói quen sinh hoạt, thời gian sử dụng MXH.... (MÀ AI CŨNG BIẾT NHỮNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ ĐỦ NỘI LỰC VÀ NGUỒN LỰC HỖ TRỢ ĐỂ LÀM)
...tôi thấy, những câu trả lời này đều không đưa ra một hướng đi nào có ích giúp người xem chọn lọc thông tin tốt hơn nên tôi từ chối trả lời.
Từ chối xong, tôi vẫn băn khoăn mãi về câu hỏi "Thế thì phải làm gì với content "bẩn"?" trong khi việc định nghĩa của khái niệm "bẩn" hay "sạch" không nằm trong giới hạn quyền lực của cá nhân tôi mà phụ thuộc vào thế giới quan của mỗi người.
Trong các nghiên cứu về tính thuyết phục của truyền thông, các nhà tâm lý học đã tìm ra rằng, một thông điệp có thể trở nên thuyết phục hơn nếu như người đưa ra thông điệp CÓ VẺ ưa nhìn, uy tín hoặc được gắn mác "chuyên gia". Liệu cách làm này có khiến một thông điệp trở thành "thông điệp bẩn"?
Nhiều người sẽ cho rằng "nếu thông tin đó không CHÍNH XÁC" thì sẽ là thông điệp bẩn. Nhưng như thế nào mới là "chính xác"? Một số chế độ giảm cân không do bác sĩ chỉ định hoàn toàn có nguy cơ xấu lên người tiêu dùng. Việc uống thực phẩm chức năng để cải thiện sức khoẻ cũng không phải cái gì cũng được nghiên cứu cụ thể, v...v... nhưng có ai gọi đây là content "bẩn" không? Không hẳn. Chưa kể tới những lĩnh vực còn đang tiếp tục được nghiên cứu. Việc chỉ nói về những ích lợi của một mặt hàng mà không nói đến những rủi ro bạn có thể gặp phải có là "bẩn"?
Một số người khác lại cho rằng "nếu thông điệp đó cổ suý cho những GIÁ TRỊ SUY ĐỒI" thì đó là thông điệp bẩn. Giá trị nào là suy đồi? Nếu tẩy chay tiktoker này, cũng hoàn có thể tẩy chay một bộ phim tài liệu nào đó vi phạm thuần phong mỹ tục?
Kể có một thông điệp nào đó rõ mười mươi là đi ngược lại giá trị đạo đức phổ quát như bạn tiktoker ngày đó, và gần đây là một bạn nữ youtuber khác, thì tôi cần làm gì?
Việc đăng thêm một bài post chê bai trong hàng nghìn bài post và lượt share khác cộng hưởng khiến họ nổi tiếng đúng như ý nguyện liệu có tốn thời gian của tôi quá không? Ảnh hưởng của bài post đó sẽ là gì?
Những câu hỏi trên, tôi không đủ kiến thức để trả lời. May mắn, đây lại đúng là lĩnh vực nghiên cứu của Vũ Hoàng Long, người vừa mấy tuần trước đó quay cùng tôi số podcast về cái chết. Những chia sẻ của Long thực đúng không làm tôi thất vọng.
Thay vì chỉ bạn làm cái này, cái kia, chúng tôi hy vọng sẽ đưa cho các bạn một bức tranh lớn hơn về lĩnh vực truyền thông. Tiếp đến là những câu hỏi để tự bạn có thể phê bình một thông điệp truyền thông trước khi quyết định nên xem, nên tắt đi, nên phản biện, hay làm gì khác với chúng.
Vậy, bạn sẽ làm gì trước content "bẩn"?
Đây là mô hình nghiên cứu về truyền thông mới nhất, nơi một thông điệp phải trải qua một tiến trình phức tạp trước khi đến được với khán giả, độc giả, hay thính giả. Bất kể một sự thay đổi nhỏ trong bất kỳ bước nào cũng có thể thay đổi cách thông tin được đón nhận.
Vì vậy, thay vì gói gọn truyền thông vào hai từ "sạch" và "bẩn" để đánh giá và chỉ trích, chúng ta cần soi xét tới nhiều yếu tố hơn thế. Trong podcast, ThS Vũ Hoàng Long có chia sẻ 5 câu hỏi nhỏ tương ứng với các cấu phần của mô hình trên để bạn tự đánh giá mỗi thông điệp truyền thông và đưa ra cách trả lời phù hợp.
Từ sau khi quay số này cùng Long, tôi thấy mình tỉnh táo hơn trên môi trường truyền thông. Trước khi thả một vài cái like xã giao, tôi nghĩ nhiều hơn về mục tiêu của bài viết/người chia sẻ, về cả cái persona hay bản thể truyền thông họ tạo ra, và cả cách họ dụng công để sản xuất ra một video, một album ảnh trông hoàn toàn tự nhiên như đời thực. Hay trước khi khó chịu giận dữ với bài viết/comment "bẩn" nào đó trên mạng xã hội, tôi nhắc nhở bản thân mình về những giới hạn của các nền tảng này trong việc thúc đẩy những thông điệp chỉnh chu hơn hoặc những cuộc trao đổi "người" hơn. Bản thân mỗi phản hồi của tôi trước một vấn đề nào đó cũng được cân nhắc kỹ hơn, để ít nhất là không tốn thời gian ngồi gõ máy, đem lại một ý nghĩa nào đó hay ít nhất là niềm vui thay vì sự bực dọc.
Quan trọng nhất với tôi, khao khát trở về thực tế ngoài kia của tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết, những cuộc nói chuyện chân thật mặt đối mặt không cắt xén, những gương mặt thật không filter, những con người với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, những cảm giác da thịt bên ngoài trời nắng gió và cả chính bản thể của tôi khi không phải quan tâm ai đang xem gì hay nghĩ gì về mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất