“Ghen như Hoạn Thư” là câu thành ngữ dùng để chỉ những người ghen tuông một cách mù quáng. Nhưng nếu nhìn nhận khách quan về nhân vật này, tôi cho rằng “ghen như Hoạn Thư” phải là câu thành ngữ chỉ những người đánh ghen một cách lý trí thì chính xác hơn.
Thư - Sinh - Kiều - "tam giác" ly kỳ của văn học Việt Nam
Thư - Sinh - Kiều - "tam giác" ly kỳ của văn học Việt Nam

Sự ghen tuông có thể làm ta trở thành “phiên bản tồi tệ” của chính mình

Trước hết, bàn về phản ứng khi ghen tuông.
Tôi có một cô bạn học đã lấy chồng từ cách đây nhiều năm. Khoảng 1,2 năm trở lại đây, cứ dăm bữa nửa tháng cô lại đăng status chửi chồng một lần. Từ bóng gió xa xôi cho đến mắng chửi trực diện. Chẳng cần phải dò hỏi lân la, đám bạn học chúng tôi ai ai cũng biết vấn đề của vợ chồng cô ấy. Tại sao người ta lại phải tung hô những thứ không tốt đẹp của bạn đời - người thân cận nhất của mình? Thật tình tôi không thể lý giải được!
Bà nội tôi cũng là một người nổi tiếng về ghen tuông. Kể cả khi bà đã hóa người thiên cổ từ lâu, ký ức về người mẹ gần như dành một nửa cuộc đời để đánh ghen vẫn in sâu trong tâm trí cha và cô chú tôi. Ông nội vốn là người lái xe lam. Những năm 60,70 ở Huế, xe lam là phương tiện di chuyển chính. Cho nên chỉ với một chiếc xe, ông tôi đã nuôi sống cả gia đình 10 người. Tôi không biết liệu ông có người khác hay không. Nhưng qua lời kể của cô tôi, thì bà đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức để đi tìm bằng chứng chồng mình ngoại tình. Hình dung trong tôi là một người phụ nữ trẻ tay lăm lăm con dao cùng bịch ớt bột đi khắp ngõ ngách để rình mò chồng mình. Hình ảnh ấy hiện ra với tôi có chút đáng sợ, đáng thương, và cả thật đáng… buồn cười.
Trên thực tế, mọi người trong gia đình nội tôi đều có xu hướng ít biểu đạt tình cảm và tất cả cô chú tôi đều lập gia đình rất muộn. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng sự thiếu quan tâm đến con cái của bà nội đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha chú của mình sau này?
Ghen tuông có thể biến ta trở thành phiên bản tồi tệ nhất của chính mình
Ghen tuông có thể biến ta trở thành phiên bản tồi tệ nhất của chính mình
Bản thân tôi cũng có một trải nghiệm không mấy vui vẻ. Tôi vẫn nhớ cái lần mình “vô tình” nhìn thấy đoạn tin nhắn của cậu bạn trai cùng một “con nhỏ” khóa dưới. Nhỏ đó thậm chí còn để ảnh đại diện trên Facebook là hình cậu bạn trai tôi. Lúc nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi chỉ biết im lặng và khóc thầm. Cuối cùng, khi không thể tiếp tục khóc như một con ngốc, tôi quyết định nói chuyện nghiêm túc với bạn trai mình. Sau cuộc nói chuyện của chúng tôi, cô gái kia gỡ avatar và thay bằng một hình ảnh khác kèm status trách móc. Thú thật, cô ấy viết gì giờ tôi không thể nhớ nổi. Chỉ nhớ là sau đó không lâu, tôi cũng quyết định kết thúc mối quan hệ yêu đương với bạn trai mình. Dù sao thì, tôi còn trẻ. Tại sao phải dành những năm thanh xuân cho một người không toàn tâm toàn ý với tôi?
Giờ nhắc lại nghe có vẻ nhẹ nhàng. Nhưng bản thân tôi ở giai đoạn đó vừa hằn học, vừa bi lụy, vừa yếu đuối. Có lẽ đó là phiên bản mà tôi tự thấy chán ghét mình nhất. 
Vậy còn bây giờ? Nếu mà ghen tuông thì sao? Tôi mong mình sẽ có một chút “ngầu” của Hoạn Thư. 

Hoạn Thư đã đánh ghen một cách lý trí như thế nào?

Trước hết, tôi không cổ súy cho việc đánh ghen theo nghĩa đen. Trong truyện, có chi tiết có chi tiết Hoạn tiểu thư đã mượn tay nhà mẹ đẻ để đánh nàng Kiều tơi bời trước khi biến Kiều thành người ăn, kẻ ở trong nhà. Còn chúng ta ngày nay, có thể “đánh” mà không cần tác động vật lý đến ai đó. Tất nhiên, chúng ta cũng không có quyền năng để “biến” một cô gái đẹp thành osin trong nhà!
Vậy cách Hoạn Thư “đánh ghen” có gì đáng học hỏi?

Giữ thể diện cho chồng

Theo tiêu chí ngày xưa thì cuộc hôn nhân giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư không thật sự “môn đăng hộ đối” cho lắm. Tuy Thúc Sinh thuộc “nòi thư hương”, nhưng làm sao sánh được gia thế “vốn dòng họ Hoạn danh gia, con quan Lại Bộ”.
Ấy thế cho nên, ngay khi nghe người đời bàn tán về việc Thúc Sinh lén lút sống chung với Thúy Kiều sau lưng mình (Từ khi vườn mới thêm hoa/ Miệng người đã lắm, tin nhà thì không), Hoạn Thư đã ý thức được thân phận cao quý của bản thân mà giữ vững tâm niệm: vững 1 tâm niệm: "Dại gì chẳng giữ lấy nền/ Hay gì mà được tiếng ghen vào mình"
Dù rằng "ngứa ghẻ hờn ghen", "lửa tâm càng dập càng nồng", nhưng Hoạn Thư vẫn nén "nỗi lòng kín chẳng ai hay” và tỏ ra như không có chuyện gì: “Ra vào một mực nói cười như không.” Thậm chí khi gia nhân mách tin ông chủ có vợ lẽ, Hoạn Thư liền ngay lập tức nổi giận răn đe: “Chồng tao nào phải như ai/ Điều này hẳn miệng những người thị phi!”.
Rõ ràng, trong tình huống bị phụ bạc như trên, chẳng mấy ai đủ lý trí để giữ cho gia đình trong kín ngoài êm và giữ thể diện cho chồng như vậy!

Cực hiểm nhưng không cực độc

Chắc hẳn không một cô vợ nào táo bạo đến mức “nuôi” nhân tình của chồng trong nhà, rồi để cho anh ta đau khổ vật vã đến lúc vơi nỗi nhớ thương rồi mới cho họ "đoàn tụ" trong 1 hoàn cảnh không thể ê chề hơn.
Khoảng một năm sau khi nghĩ Thúy Kiều đã chết, Thúc Sinh mới nguôi ngoai và nhớ đến việc về nhà hàn huyên với vợ. Nhưng khi vừa trở về, Hoạn Thư lại dành tặng chồng một điều bất ngờ khiến cả hai “tá hỏa tam tinh”: nàng Kiều giờ đây đã thành Hoa nô trong nhà. Thúc Sinh và Kiều gặp nhau mà chỉ biệt ruột gan rối bời, chẳng thiệt người đối diện là thật hay ma quỷ. Đặc sắc phải kể đến màn tiệc đón chồng mà Hoàn Thư bày ra lại do chính Kiều hầu rượu. Sinh dù đau lòng cũng phải im như hến bởi há miệng mắc quai!
Cảnh hầu rượu của Thúy Kiều được tái hiện lại qua tranh vẽ (mình không rõ nguồn)
Cảnh hầu rượu của Thúy Kiều được tái hiện lại qua tranh vẽ (mình không rõ nguồn)
Cuộc gặp 3 người nhưng 3 vị thế giác nhau. Hoạn Thư đã tự chọn cho mình vị trí khán giả trong vở kịch oái oăm đấy. Vừa để xem thái độ của chồng mình dành cho “tiểu tam”, vừa để Kiều biết người đàn ông ấy hèn đến mức không thể ra mặt bảo vệ mình. Cay độc nhưng không hề tàn ác. Không cần dùng dao vẫn khiến cả chồng và “tình nhân” sát thương cực độ. Cách xử sự của Hoạn Thư đã khiến Kiều tự kinh sợ mà rút lui.

Chừa cho tình địch một con đường lui

Mặc dù ghen tuông là thế, nhưng Hoạn Thư vẫn có lòng trắc ẩn và thương cảm cho Kiều. Là một người được học hành đầy đủ, Hoạn Thư cũng biết yêu cái đẹp, trọng người tài. Nàng thậm chí còn khen Kiều trước mặt chồng như: "Hoa nô đủ mọi tài", "Khen rằng: Bút pháp đã tinh", "Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài". Liệu có mấy ai khen ngợi tình địch trước mặt chồng như thế? Đây rõ ràng là một bản lĩnh hiếm có, khiến người chồng Thúc Sinh vừa nể, vừa sợ.
Việc bố trí cho Kiều ra Quan âm các viết kinh, thực ra cũng là một nước cờ cao tay. Một là vì nguyên cớ thương người tài như đã nói trên, hai là để cách ly một cách có kiểm soát Thúc Sinh với Thúy Kiều. Phép thử cuối cùng là Hoạn Thư giả vờ về nhà vấn an mẹ đẻ, nhưng thực chất là thăm dò động thái của chồng và “tình nhân”. Đúng như tính toán, biết vợ không có nhà, Thúc Sinh liền lẻn ra tình tự với Kiều. Hoạn Thư vốn dĩ đâu có đi vấn an, nàng đang đứng nhón chân “hóng” chuyện đó thôi. Sau khi kiên nhẫn đứng nghe anh và ả tâm tình, mãi cho đến khi Thúy Kiều bày tỏ ý định trốn chạy và Thúc Sinh quyết định dứt tình: “Liệu mà cao chạy xa bay / Ái ân ta có ngần này mà thôi”, Hoạn Thư mới xuất hiện. Nàng vờ như không hề hay biết, đàng hoàng vui vẻ chào hỏi 2 người rồi khoác tay chồng về nhà. Việc còn lại chỉ là tạo sơ hở để Thúy Kiều bỏ trốn mà thôi!
Rõ ràng trong cả quá trình đánh ghen, Hoạn Thư tuyệt nhiên làm như không hề hay biết về mối quan hệ của Thúy Kiều và Thúc Sinh. Vậy mà vẫn khiến đối phương kinh hãi nhưng vẫn nể phục. Chính Thùy Kiều cũng phải kinh ngạc mà thừa nhận: 
"Thực tang, bắt được dường này 
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng
Thế mà im chẳng đãi đằng
Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng.'
Nhìn nhận một cách công bằng, Hoạn Thư vốn cũng chỉ là một nạn nhân của cảnh đa thê. Dù nàng có đủ nhan sắc, danh vọng, phú quý, nhưng cũng chẳng thể tránh được cảnh chồng “bao nuôi” người phụ nữ khác bên ngoài. Đó là thời đại ngày xưa. Chứ nếu ở hiện tại, với một người phụ nữ bản lĩnh và có đủ năng lực như Hoạn Thư, thì có lẽ nàng sẽ chẳng thiết tha một người chồng hèn kém như Thúc Sinh! Sau khi nhận ra thói phụ bạc của người chồng, tiếc chi mà không cho người đàn ông đó một bài học, rồi chấm dứt mối quan hệ và tự tìm một hạnh phúc khác cho riêng mình?