Bài viết này nói về một thể loại/ một tập thể/ một vài cá thể/ hay một cái gì gì đó cũng được, miễn là về kẻ nào đó hoặc chính thức vô hình, hoặc bị xem như vô hình, bị bỏ vào quên lãng, bị trở thành từ cấm, bị vĩnh viễn không được nhắc tên.



Bạn vẫn còn đi họp lớp chứ?

Nếu có, thì bạn ngồi ở trung tâm, hay ngồi ở ngoài rìa, cạnh thùng rác với con ruồi chẳng bao giờ thèm đậu vào mình, sát mép cửa nhà vệ sinh với mùi hôi ngai ngái? 
Bạn có mở lời nói điều gì chứ? Hay bạn chỉ cười theo phụ họa, và chỉ cất tiếng khi đến lượt bạn trong cái trò chơi gì đó mà lượt chơi xoay đều theo chiều kim đồng hồ và kẻ bắt đầu luôn ở chỗ xa bạn nhất? 
Bạn để ý đến trò đùa về sex nhạt nhẽo của cậu hot boy năm nào, bây giờ là "doanh nhân thành đạt" chứ? Bạn để ý đến các "con cưng của giáo viên" ngày nào đang thao thao bất tuyệt kể về tính năng của cái toilet tự động trong phòng ngủ phụ của họ, cây bút ký hiệu Mont Blanc của chồng họ, điểm 10 tuyệt đối của con họ đang học tại trường đỉnh của điểm chứ? Hay là bạn có thời gian để thả trôi bản thân về quá khứ, cố gắng tìm về những điểm nhấn trong suốt cuộc đời của bạn, xuôi theo dòng suối trơn trượt níu lấy những gờ đá mỏng manh? 
Trôi mãi một lúc lâu thì chợt bạn bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại vang lên trước giờ cơm tầm 15 phút, lúc toàn bộ những con người trên cùng một múi giờ đang buông lỏng bản thân mình để tiếp nhận nhu cầu cơ bản nhất trong tháp nhu cầu, lúc thiên lôi cũng gác búa và thượng đế thì nhắm một mắt, mở một mắt nhìn đời. Ai cũng buông lỏng bản thân mình trừ người đang quay số.
Tôi nhìn sắc mặt của bố tái dần theo từng tiếng "vâng" lạnh lẽo mà thầm nghĩ:
Mẹ kiếp, là đi trễ 2 giây, hay nhắm mất ngủ gật nửa phút, hay là nói hơi to?
Cuộc đời tôi trong suốt những năm đi học chính là thế. Ngoài những lúc làm rác rưởi hôi thối để tôn vinh cái sạch đẹp láng bóng, thì những lúc tôi thành đối tượng xui xẻo để giáo viên "chém gà dọa khỉ, răn đe kẻ khác" là lúc mà tôi nổi bật nhất. Bởi lẽ ngoài những thứ đó ra thì tôi chả có thứ gì để bước vào cái vòng tròn khép kín của những kẻ thuộc tầng lớp trên của xã hội.
Tôi nghĩ đỉnh điểm của các cuộc điện thoại trước bữa cơm như vậy chính là lúc mà cô giáo của tôi thuở đó cho rằng tôi bị thần kinh hoang tưởng, và khuyên bố mẹ nên cho tôi đi khám chuyên khoa. Lý do là? 
Là vì tôi, một đứa trẻ sinh ra sau anh ruột mình 8 năm trên một khu khố vắng bóng trẻ em phải tự tưởng tượng ra "kẻ ác", cầm khúc cây bên đường để "trừ gian diệt bạo", phải tự sinh ra "đồng đội", người sẵn sàng xả thân bảo vệ mình. 

Tôi không biết ai là kẻ đã nói với giáo viên tôi về buổi trưa rong chơi ấy, và tôi cũng không có nhu cầu biết. Nhưng kể từ đấy tôi là kẻ hoang tưởng cần phải đi khám. 

Thế giới này cần kẻ vô hình

Đơn giản thôi, vì chúng ta luôn cần bóng tối để phần sáng được tôn vinh, luôn phải có một ai đó đội sổ để chiến thắng của kẻ dẫn đầu càng thêm phần chói sáng. Những kẻ mờ nhạt thì cần phải đi cạnh người vô hình để họ vẫn còn nhìn thấy hình ảnh của mình, để họ thở phào nhẹ nhõm khi bản thân vẫn còn chút hình hài màu sắc.
Dù ở bất cứ đâu cũng có thể có kẻ vô hình. Dù là lớp chuyên hay lớp thường, tầng lớp lao động phổ thông hay trung lưu trí thức, dù là cao cấp quý tộc hay chức sắc quan lại. 
Và nếu như bạn cũng xui xẻo trở thành kẻ vô hình như tôi, thì hãy vui lên đi, vì thật sự bạn không phải là kẻ vô hình. Hình ảnh thật sự của bạn chẳng qua là không thuộc về cái thời gian, không gian mà bạn bị bó buộc vào một cách ngoài ý muốn. Về căn bản thì bạn bị lựa chọn trở thành kẻ vô hình vì những hình ảnh khác mới là cái mà người ta đang hướng tới, đang tôn thờ, đang bợ đỡ và sân si. 

Điều đầu tiên mà kẻ vô hình làm là gì?

Nhìn. Bởi lẽ bạn không thể làm gì hơn ngoài nhìn khi mà xã hội trân trọng đeo cho bạn một combo bao gồm: bịt mắt, nút tai và kim chỉ khâu dính miệng. Bạn đứng trước gương, cầm trên tay cây bút rồi đồ theo cho giống hình hài của kẻ khác. 
man covering his face standing
Ảnh của Alex Iby tại Unsplash.com
Nhưng kể cả bạn có là họa sĩ thiên tài nhất, thì không bao giờ bạn có thể vẽ hai bức tranh hoàn toàn giống nhau. Và khi bức thứ nhất đã nổi tiếng rồi thì bức thứ 2, thứ 3, thứ n, thứ n+1 chỉ là hàng sao chép, là thứ người ta đặt trong nhà như một biểu tượng của thứ ngoài tầm với. 
Tôi đã tốn rất nhiều thời gian trong cuộc đời của mình để nghe thứ nhạc mà bạn cùng lớp của mình nghe, ăn thứ đồ ăn mà trong miệng họ là "hot hit tuyệt đỉnh", sử dụng những từ ngữ mà họ cho là thời thượng, gật gù cười theo những điều nhạt nhẽo và giả tạo, chỉ để tôi nhận được một cú tát trời giáng từ người mà tôi cho là bạn:
Mày sống kiểu gì như cứt vậy?
Đối với họ, kẻ vô hình như tôi giống như lũ đáng thương cần được ban phát tình yêu, họ chỉ cần chúng ta ở bên khi tất cả những Option A, Option B đều bị gạch bỏ. 
Điều ngu xuẩn nhất tôi đã từng trong cuộc đời mình chính là sau khi nghe câu nói kể trên, tôi đã viết một mảnh giấy hỏi người ta nghĩ gì về tôi rồi gửi cho tất cả mọi người. 
Câu trả lời mà tôi nhận được khiến tôi ngồi một mình trên tầng thượng rất lâu. Lâu đến độ tôi tính được khoảng thời gian từ lúc nhảy xuống đến lúc chạm đất là bao nhiêu giây trong trường hợp có gió từ dưới thốc lên với vận tốc 5km/h, gió từ phía trên tạt xuống 3km/h, gió từ bên phải, bên trái...  Lâu đến độ tôi đếm được mẹ tôi rớt 1313 giọt nước mắt, ngất 13 lần, và bố tôi châm điếu thuốc thứ 133 bên cạnh thân hình lạnh ngắt và vô hình của tôi. Sau giây phút đó, tôi thật sự chết. Hay nói cho phải thì bức tranh đồ nét nguệch ngoạc giả tạo, nhừa nhựa đến phát nôn đã chết. Chỉ còn lại bản thân tôi đối mặt với tất cả, đối mặt với sự thật, rằng nơi này chưa bao giờ, và sẽ mãi mãi không bao giờ thuộc về tôi. 

Rác rưởi thì phải tựa vào nhau mà sống

Tôi chưa bao giờ thấy trong một khu thượng lưu họ giúp đỡ nhau khi có một nhà tán gia bại sản cả, nhưng tôi đã từng thấy những người dân nghèo trong xóm trọ tình nghĩa chia nhau từng lon gạo, muỗng đường. Cũng giống như 3 đứa rác rưởi chúng tôi chia nhau điếu thuốc trộm từ bố của một đứa trong bọn, cùng trốn học im lặng rít điếu thuốc Jet cay xé họng và vứt tâm sự vào biển. Chả ai kể cho nhau điều gì, nhưng chúng tôi đều biết trong lòng mỗi đứa đều có những con quỷ đói khát đang gặm nhấm ba đứa thiếu niên từ trong ra ngoài. Chúng tôi: Thằng hoang tưởng - Con điên - Con les, chẳng ai bảo ai mà cùng mặc đồ đen, cùng rạch chằng chịt những đường cắt rướm máu lên cánh tay khiến ai cũng ái ngại, cùng thi vào một trường Đại Học, cùng sống để cho người bên cạnh mình cũng sống. 
three person looking stars and milky way
Ảnh từ Benjamin Davies tại Unsplash.com
Trở thành những kẻ vô hình khiến chúng tôi mất đi rất nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng cũng trao cho bản thân mình con mắt rõ tường nhất, con mắt nhìn thấu nhân tình thế thái, soi vào cái bẩn thỉu ti tiện, cái giả tạo điêu ngoa, cái bợ đỡ vô sỉ, cái lạnh lùng soi xét, cái đánh giá thản nhiên và những điều mà chỉ có rác rưởi mới cho là đẹp đẽ. Với cái suy nghĩ đấy, chúng tôi cho rằng mỗi người có thể sử dụng chính con mắt của mình để tìm về với nơi phù hợp nhất cho bản thân. 
Lên Đại Học rồi sẽ khác. Vì tất cả đều cố gắng để được xuất hiện ở đấy, chứ không phải bị nhồi vào bất chấp kỹ năng, sở thích, thế mạnh và điểm yếu trong mình. Chúng ta sẽ bắt đầu tất cả lại từ đầu và rồi mọi thứ sẽ ổn.
Chúng tôi lướt qua nhau trên sân trường, vẫn dõi theo và hy vọng mỗi đứa có thể tìm cho chính mình một căn "nhà". Nghe có vẻ hơi buồn, nhưng tôi nghĩ câu chuyện "Bộ ba bất đắc dĩ" nên có một cái kết viên mãn. Chúng tôi khi ấy như những người đã ở cùng nhau suốt 3 năm trong cùng một căn phòng giam chật chội đến nghẹt thở, để rồi sau khi được ra khỏi tù thì dõi theo nhau từ phía xa hy vọng từng đứa có thể hòa nhập lại với xã hội.
Để rồi gần 10 năm sau, Con điên sau ngần ấy năm tìm kiếm bản thân mình, tìm kiếm một nửa của mình, gia đình của mình vẫn loay hoay giữa ranh giới của sự sống và cái chết mặc dù đã có thuốc men và sự trợ giúp tích cực từ bác sĩ tâm lý.
Con les vẫn chán đời thoắt ẩn thoắt hiện sau khi đi từ một tổ hợp này sang một tổ hợp khác, lê theo cái tâm sự nặng trĩu trong cuộc đời mình, một câu chuyện mà không phải ai cũng có khả năng để cùng gánh với nó.
Thằng hoang tưởng thì lắc đầu bước khỏi tổ hợp thứ 1001, lầm bầm:
Lại không phải. Vẫn mãi mãi không phải.
Nó chạy từ đất nước này sang một đất nước khác chỉ để thay sân thượng ngày cấp ba với sông Mur cách Việt Nam tận 23 tiếng bay.
Image result for mur river
Sông Mur, Graz, Styria, Áo.
Chúng tôi mất 10 năm để nhận ra rằng 3 đứa xui xẻo rơi vào trường hợp bi đát nhất trong tập thể những kẻ-vô-hình: trở thành kẻ-vô-hình thật sự. Giống như một vị "hiền triết" nào đó từng bảo rằng vấn đề là do chúng tôi cứ thích nghĩ mọi thứ tiêu cực, nói nôm na theo bàn dân thiên hạ là "thích tỏ ra khác biệt". Tôi không trách bọn họ, căn bản vì họ chưa bao giờ trải qua cảm giác của những kẻ vô hình phải bò từ phía dưới mà lên, phải lần mò dò dẫm trong bóng tối, phải nhìn ra ánh sáng từ trong cô độc.
Ừ đấy, chúng tôi "thích tỏ ra khác biệt", vậy thì ai là kẻ đứng trước gương vẽ lên mình những nét nguệch ngoạc cho giống với mọi người? Ai là kẻ ao ước được một lần trở thành người bình thường, thành người "không điên"? Ai là kẻ chạy từ nơi này sang nơi khác với hy vọng reset lại tất cả, được hòa nhập, được thuộc về nơi nào đó, kẻ nào đó, nhóm nào đó? 


Còn sống là tốt rồi.

Tôi thường nói câu này với hai đứa chúng nó. Bởi lẽ còn sống đến tận giờ phút này có vẻ là gặt hái lớn lao nhất của ba đứa tôi, và những kẻ vô hình khác còn đang lận đận ở đâu đó. 
Đời không dễ với những kẻ khác biệt.

Vienna, 22.2.21