Hôm trước mình đọc được bài của một bạn trên Động về cái ác, tình cờ cũng là chủ đề mà mấy hôm nay mình nghĩ đến khá nhiều. Vậy nên tự dưng muốn viết ra đôi dòng chia sẻ với các Nhện, và cũng mong sẽ nhận được thêm quan điểm của mọi người về chủ đề này.

Phụ trách ảnh: Anh Google

Thực ra đề tài này trở lại với mình từ một đoạn khá ấn tượng trong cuốn "Nghệ nhân và Margarita" mà mình đọc tuần trước, đoạn chúa quỷ Satan nói với người đệ tử trung thành của chúa Jesus:

Nhà ngươi nói như thể nhà ngươi không công nhận bóng tối, cũng như không công nhận cái ác. Nhưng liệu nhà người có tốt đến mức để nghĩ đến một câu hỏi sau hay không: cái tốt của nhà ngươi sẽ làm gì nếu như không có cái ác, và mặt đất này trông sẽ như thế nào nếu tất cả các bóng đen trên đó đều biến mất? Bởi vì các bóng đen được sinh ra bởi mọi vật và mọi người. Đây là bóng thanh kiếm của ta. Nhưng còn có bóng của cây cối và của các sinh vật sống. Phải chăng nhà ngươi muốn lột trần cả quả địa cầu, mang đi khỏi bề mặt của nó tất cả các cây cối và toàn bộ sinh vật sống, chỉ vì cái mơ tưởng của nhà ngươi muốn được thưởng thức cái thế giới chỉ có ánh sáng trần trụi?

Vậy mới thấy văn học Nga gần gũi với triết lý phương Đông đến thế nào, vì đoạn trích này cảm giác có thể coi như một lời diễn giải của vòng tròn thái cực Yin-Yang, đồng thời cũng phảng phất hơi hướng Vô Vi của Đạo Lão Trang đâu đây.

Lại nhân nói về Đạo của Lão Trang, có một đoạn trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử cũng đã làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ của mình về cái ác. Đó là khi Trang Tử đặt ra câu vấn: Liệu con cọp con beo có gọi là ác không, khi chúng giết các sinh vật khác để có thức ăn cho con cái, và thực ra chúng luôn hết lòng chăm lo cũng như bảo vệ con cái. Liên hệ với con người, đã bao giờ bạn thử nghĩ xem: liệu một người có ác không khi những hành động anh ta làm là vì cơm ăn áo mặc của gia đình anh ta. Hay rộng ra nữa, nếu người ta tàn sát, thực hiện những âm mưu hiểm độc là vì dân tộc, vì đất nước mình, thì hành động ấy ta có thể coi là ác không?
Tất nhiên, khi đã mở rộng ra đến phạm vi đất nước, và mang thêm vào cán cân yếu tố chính trị, mọi thứ sẽ trở nên khó phán xét hơn rất nhiều. Mấy tuần trước mình có nghe một tập podcast "Philosophize this" của Stephen West về Machiavelli, người đã thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Thật ngờ nghệch đến nực cười khi áp đặt cho một người làm chính trị những quy tắc chuẩn mực đạo đức tuyệt đối như trong Kinh thánh hay đạo Thiên Chúa”. Mục đích tối thượng của chính trị gia, theo Machiavelli, là sự ổn định chính trị, vì chỉ có ổn định chính trị thì dân tộc mới có thể phát triển và đi lên được. Và vì mục đích cao nhất ấy, tất cả những thứ được gọi là điều ác nếu xét trên khung đạo đức cá nhân đều sẽ trở nên vô nghĩa với một nhà chính trị. Thêm vào đó, phim "7 years in Tibet" có thể nói là một ví dụ khá rõ ràng cho vấn đề này. Đợt xem, thực sự mình đã hơi sốc với cái suy nghĩ: chính dân tộc nhân từ và thiên Phật nhất ấy lại là dân tộc dễ bị đàn áp, giết chóc và mất đi tự do của mình nhất.

Cảnh phim "7 years in Tibet". Dân tộc toàn nhà sư và người theo Phật, được mô tả là
 đến con sâu cái kiến cũng không giết, khi đối đầu với quân đội Tàu

Kết: Chủ đề thiện ác có lẽ là chủ đề muôn thuở của con người. Nhưng nếu có điều gì mình thực sự nghiệm được từ chính cuộc sống, thì đó là mọi thứ đều phức tạp hơn rất nhiều góc nhìn cá nhân hạn hẹp của chính bản thân mình. Mình nghĩ điều này đã giúp mình bớt phán xét hơn với mọi sự, mà thay vào đó chỉ tập trung duy nhất vào nguyên nhân cho những hành động của bản thân mà thôi.

Còn bạn, có kỷ niệm, hay câu chuyện nào đã định hình, hay làm thay đổi suy nghĩ của bạn về thiện ác hay không? Mình thực sự mong có thể đọc được chia sẻ của mọi người.


A Dreamer

Và chút nhạc chả liên quan, chỉ là dạo này thích nghe Mao Mao, nên muốn share với mọi người thôi :D