Dạo này ba tôi bỗng trở nên xa lạ, ông hoàn toàn xa lánh những hoạt động của gia đình, cho dù cả việc ăn cơm ông chỉ bới một chén cơm, tay run run cầm đũa hoàn thành bữa ăn rồi sau đó bước vào phòng cả ngày.
Tôi thì đã có công việc mặc cho vẫn đang là sinh viên năm cuối, bận bịu cả ngày với cái nghề dạy chữ bèo bọt, chẳng hay khi ba tôi trở nên im bặt, tôi rất lấy làm lạ. Bình thường, tôi vẫn hay nghe ba tôi hỏi đi hỏi lại một câu sáo rỗng, đôi lúc chỉ vì một cái bánh xe chưa bơm của tôi từ tuần trước mà ông cứ hỏi mãi rằng tôi đã bơm chưa? Không bơm rồi sao đi làm? Sợ tôi hoặc ông đãng trí, mặc dù tôi đã giải quyết cái bánh xe từ ngay lúc tôi phát hiện nhưng không biết bao nhiều lần ông vẫn cứ hỏi ngàn lần câu đó. Nhiều lúc tôi cảm thấy phiền cứ càu nhàu và lớn tiếng “ Con làm rồi! Làm gì nhắc hoài thế?”, những lúc đó, tôi thấy ông trầm ngâm một lúc rồi quay người đi bước vào căn phòng ngủ. Những ngày sau, lâu lâu ông cứ khăng khăng là cái bánh xe tôi vẫn chưa được sửa chữa, tôi không hề nói gì mà vặn tay ga lao thẳng lên trường mà dạy cho kịp giờ.
Một hôm, về đến nhà thì tôi thấy ông ngồi trên chiếc võng, ông không nằm mà ngồi trầm ngâm về phía bức tường. Tôi chẳng nghĩ ngợi mà nói ngay câu hỏi mấy hôm nay định bụng mà không hề có thời gian để hỏi
Ba uống thuốc chưa? Dạo này ba im lặng thế?- tôi hỏi
Tao im để mai này để mai này chị em tụi bây quen khi tao chết. – Ông gằn giọng đáp, mắt vẫn nhìn về phía bức tường đối diện
Có vẻ như ba tôi đã quên trả lời câu hỏi đầu tiên, tôi đứng ngây người. Ba tôi vừa nhắc đến cái chết ở một độ tuổi nhạy cảm như thế, nhưng thực ra chỉ có những đứa con như tôi mới cảm thấy nhạy cảm vì bệnh tật triền miên cũng chưa chắc sáng mai ngày tôi mở mắt tỉnh dậy là lúc tôi phải chết đứng chứng kiến ba tôi nằm bất động trên giường.
Gì? – Tôi nhăn mặt để đợi ông xác nhận lại những gi ông vừa nói
Tao đang tập làm quen – ông nói xong rồi đứng dậy bước đi vào lại đúng căn phòng đó.
Tôi cứ nhớ hình ảnh ông ngồi bần thần trên chiếc võng giữa nhà, đèn tắt và chỉ có mình ông ở đó cô độc nhìn vào bức tường đối diện. Tôi chẳng biết ông ngồi ở đó bao lâu từ khi tôi về, thứ ám ảnh tôi nhất là khi ông đáp lại câu hỏi tôi từ lúc đầu.

Ba tôi – một người đầy vết sẹo tâm lý

Thời đó sống sinh thời khắc khổ, quanh ai cũng như ai, gia đình này nghèo thì chục hộ khác cũng y như vậy, cái đói cái khổ làm não nề biết bao người duy chỉ có ba tôi là hồn nhiên, vui vẻ.
Thời đó sống sinh thời khắc khổ, quanh ai cũng như ai, gia đình này nghèo thì chục hộ khác cũng y như vậy, cái đói cái khổ làm não nề biết bao người duy chỉ có ba tôi là hồn nhiên, vui vẻ.
Tôi được chị hai tôi kể về một người gặp sóng là đánh sóng, gặp kẻ ngáng đường là đánh gục. Chị hai tôi còn kể người đó có cực nhiều người quen đa số là tai to mặt lớn vì sống ở chợ cá từ nhỏ, lâu lâu có những đứa em mà người đó kết nghĩa gặp quấy rối thì người đó luôn chọn nắm đắm để giải quyết mọi vấn đề. Đức cao và sĩ diện người đó thâm sâu đến nỗi người đó luôn được kính nể dù cho ở bất kỳ nơi nào, người xung quanh luôn gật đầu chào khi thấy người đó. Sống lâu trong cái vùng đất lòng tự trọng cao này, gia đình người đó cũng phải theo phép tắc hay chí ít như người đàn ông miêu tả: hoàn mỹ. Vợ đẹp, con ngoan là những gì mà người đàn ông đạt được dễ dàng. Được biết, vợ của người đó được cho là đẹp có tiếng khắp thị xã mà giờ đây được sánh vai cùng một Alpha Men thì quả là xứng đôi! Không lạ gì, người đàn ông được nhắc đó chính là ba tôi.
Ba tôi được nhiều người nói là sinh sống lam lũ trong một cái nhà chật hẹp cùng với 6, 7 anh chị em khác gần chợ cá, và chẳng sai khi nói gần nơi có mùi cá nhất định là chiếc thuyền đánh cá. Gia đình nội tôi là một “gia tộc” về buôn bán hải sản, sức ảnh hưởng của nội tôi ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tay lái buôn từ khắp miền quê hay cả thành thị. Nhưng éo le và nghiệt ngã, gia đình nội tôi rất nghèo. Ba tôi là thứ sáu trong gia đình, ngày nay được các thế hệ sau gọi là ông Sáu Hổ hay là chú Sáu. Lúc sinh thời, ba tôi chẳng hề được cơ hội đi học, ba tôi có kể rằng năm lớp sáu ba tôi học rất giỏi nhưng phải gác lại vì gia đình chẳng có nổi một hào, đến cái chén cơm bị bể ra làm hai cũng phải tái sử dụng thành cái muỗng để ăn.
“Nhiều lần môi của tao bị xước đến chảy máu cũng vì việc này” - ông kể.
Thời đó sống sinh thời khắc khổ, quanh ai cũng như ai, gia đình này nghèo thì chục hộ khác cũng y như vậy, cái đói cái khổ làm não nề biết bao người duy chỉ có ba tôi là hồn nhiên, vui vẻ. Lúc đó, trộm cắp vặt hay phá làng phá xóm, đánh nhau ông đều làm hết, nhiều lần mà cây chổi gà mà ông nội dùng đến nổi gãy đôi khi đánh vào mông của ba tôi. Đến lúc tôi là đứa trẻ 12 tuổi, ông vẫn tự hào khoe với tôi rằng có thể bơi từ bờ sông này đến bờ sông kia chỉ với một hơi thở, lúc đó có chuyến phà và phải mất tới 7 phút để phà có thể đi từ bến này đến bến kia của sông, điều đó giúp tôi có thể mường tượng ra dòng sông này rộng đến dường nào, mà ba tôi có thể chinh phục được nó. Lúc còn là một cậu thanh thiếu niên thì đã rất có uy tín khi dẫn dắt một “cái bang” nho nhỏ đi gây sự với đám trẻ từ phường bên kia, ông cao lớn khỏe mạnh, một sải tay là có thể kẹp được cổ của đối phương khiến đứa nào cũng ngán ngẩm khi đối mặt với ba tôi.
Rồi lúc chứng kiến các bạn từng là bạn học hồi xưa của ông đi đinh cư nước ngoài cũng là khi ông sắp đến tuổi lấy vợ, tức là mẹ tôi sau này. Ông kể, mẹ tôi mê ông sau một lần lỡ nhắc ông mua 10 hũ sữa chưa để mẹ thưởng thức lúc đêm, ngặt nổi, đêm đó bão to, gió đủ sức làm đổ một cái cây gần nhà theo lời mẹ kể. Mẹ còn nói lúc đó là tám giờ tối, trễ hơn giờ mẹ đã hẹn, mẹ định đi ngủ nhưng có tiếng gõ cửa, mẹ tôi bước ra thì thấy một cậu thanh niên người ướt như chuột, thân không mặc áo, tay thì ôm 10 hũ sữa chua được gói gọn trong bịch. Thế là mẹ tôi yêu ba từ ấy, yêu thêm cái việc ba tôi chẳng hề rượu bia hay hút thuốc. Rồi được ông bà nội tác thành, ba tôi vay chút vốn liếng từ người quen xung quanh để kinh doanh buôn bán cá ngoài chợ. Công việc rất thành đạt, rồi mẹ sinh ra chị hai tôi, hai người mang nhiều niềm hạnh phúc của một gia đình nhỏ với đứa con gái mới chào đời.
Rất lâu sau này, tôi mới xuất hiện. Chị hai và tôi chênh lệch nhau đến 13 tuổi, mẹ tôi kể lúc đó gia đình đã thử hết mọi cách để mang tôi xuất hiện sớm hơn để chị không cảm thấy cô đơn nhưng đột ngột, căn bệnh tiểu đường khiến việc đó cực kỳ khó khăn. Họ nội tôi bị mắc phải căn bệnh di truyền, ba tôi bị và tôi cũng bị, thể là từ một hình ảnh của một người đàn ông mạnh mẽ kiên cường sau khi chứng kiến ông nội tôi ngã quỵ vì bệnh, bên trong ông đã có gì đó sụp đổ. Sự thật là ông với cha mình không hề thân thiết nhưng được biết, ba tôi có tính hiếu thảo  nên bất cứ ai là người thân ra đi, ông đều suy sụp. Lúc tôi sinh ra, chuyện làm ăn cứ bấp bênh và không tăng trưởng, ông liên tục thua lỗ. Buồn cười là khi bạn biết nghề bán cá không bao giờ đặt cược thứ gì đó, nhưng thật ra ông bị thua cược đi nhiều thứ. Đối với một đứa nhóc chưa lên cấp II, tôi cứ nghĩ việc buôn bán chẳng qua là bạn mua một con cá và bạn bán nó với giá cao hơn một tí để lấy lãi. Thế mà đáng buồn thay, ông hay nợ một khoản tiền rất lớn mà tôi khó mà tưởng tượng được. Tôi còn nhớ năm đó, lúc đó là một buổi chiều, tôi tan học và thời gian đó vẫn còn là học sinh lớp 5, ba tôi kêu tôi vào phòng nói rằng gia đình sắp bán nhà. Tôi khóc cả buổi chiều, đến tận tối lúc tôi đi ngủ, nằm cùng ba và mẹ, tôi hỏi trong tiếng nức nở rằng liệu mình sẽ ngủ dưới hầm cầu như trên phim hả mẹ? Ba tôi cười khẩy rồi bảo tôi ngủ đi và sau khi tôi yên giấc, một thoáng chớp mắt, tôi nghe tiếng khóc mà đến giờ tôi chẳng biết nó đến từ ba hay từ mẹ…
Cuộc đời để lại cho bạn một cái dấu ba chấm bỏ ngõ đợi bạn điền tiếp, nhưng điền như thế nào thì chẳng ai chỉ. Mãi sau này tôi mới biết, vì sự tin tưởng mà ba tôi đặt vào những “bạn hàng” – những người mua sản phẩm của vựa cá với số lượng nhiều – họ đã mừng rỡ khi ba tôi bảo khi nào có tiền thì trả cũng được nhưng ba tôi chẳng hề biết rằng họ cứ thế ôm tiền cùng với niềm tin của ba tôi mà chạy mất. Tiền để trả cho các đầu mối lại thiếu hụt, “các con nợ” cứ thế mà mất tăm, ba tôi như hóa điên thời gian đó. Trước lúc giao nhà cho chủ mới, tôi lấy cắp năm trăm ngàn để mua đồ chơi cùng lũ bạn tiểu học. Không thể kiểm soát cơn nóng giận, trong tiết học buổi sáng, tôi bị ba tôi tát ngay giữa sân trường nhưng vì các chú bảo vệ can ngăn không thì những đứa bạn thân chắc cũng cùng số phận với tôi. Về nhà, tôi thấy ba tôi mua cái két sắt mặc cho gia mình sắp chuyển đi, có lẽ lòng tin của ông đối với tôi cũng đã vơi đi ít nhiều.
Rồi năm tôi lên cấp III, tiền học chồng chất, đứa em trai ngày nào đi xin tiền các anh chị em thì lại nhận được cái lắc đầu lạnh lùng. Cứ thế, ba tôi bị các cô chú tôi từ chối cho vay tiền. Ông bán đi cái xe SH mới mua từ tháng trước với mục đích để đóng tiền học cho tôi và kiếm tiền vốn để kinh doanh bán cá. Rồi ngày chị hai tôi lấy chồng, nhưng rồi ly dị. Ông như lúc tôi lấy tờ năm trăm ngàn vậy, ông tìm và đánh anh rể tôi đến mức bị mời lên phường. Người ngoài chỉ trỏ vào gia đình tôi, họ lấy cái danh xưng “ chợ cá” để lý giải cho những hành động bạo lực của ông, mẹ tôi lẫn chị hai tôi đau khổ khi thấy người ta còng tay ba tôi áp giải lên phường. Sau này chị hai tôi nói rằng lúc đó ba tôi còn nói rằng đừng nói cho tôi biết, để nó ôn thi.
Ông đã dạy cho tôi bài học về sự phản bội và sự bỏ rơi mà không cần dùng tới lời nói
Ông đã dạy cho tôi bài học về sự phản bội và sự bỏ rơi mà không cần dùng tới lời nói
Bỏ rơi, chắc là hai từ tôi có thể nhắc về khi nghĩ về ông. Cái lúc mà ông tìm anh rể, tôi nghĩ cũng có thể vì ông sợ chị hai tôi bị bỏ rơi. Ông sợ cảm giác bị bỏ rơi vì vô số lần va chạm với đời sống thì người ở lại với ông chỉ có gia đình mình, anh chị em hay bạn bè thì hiếm thấy. Ông đã dạy cho tôi bài học về sự phản bội và sự bỏ rơi mà không cần dùng tới lời nói, đó là những viên thuốc trầm cảm ông đang uống bây giờ khi ông đang ở tuổi xế chiều. Tâm trạng của ông bất ổn khi nhiều lần khiến mẹ tôi cãi lộn và khiến bà chuyển đến phòng tôi ngủ thay vì ngủ chung với ông cũng bởi vì vết nứt của sự hoài nghi, ông thường hay hỏi nhiều câu liên quan đến sự chung thủy và tiền bạc khiến mẹ tôi đau đầu khi nhắc đến.
Ông bị trầm cảm là chuyện cả gia đình tôi đều biết, nhưng mẹ tôi chắc là người khó chấp nhận nhất bởi vì những ngày đầu yêu nhau, bà đã yêu vì sự mạnh mẽ trong ông. Có một lần, bà đã lỡ khiến ông tổn thương khi bảo rằng hãy cắt thuốc tâm thần đi vì cái đó tốn kém với vô nghĩa quá. Tôi nhớ lúc đó ông tức điên la lớn cầm nắm thuốc đang chuẩn bị uống trên tay ném vào bà, rồi hai người cãi nhau, cãi nhau vì hai người vẫn đang sống trong quá khứ.
Ông nay đã phải uống rất nhiều thuốc, kể cả thuốc trầm cảm thì có thể ví ông đang thay thế cơm thành mấy viên xanh đỏ ấy vậy. Ông bị mắc chứng suy giảm trí tuệ và trí nhớ, ông khó nhớ 20 phút trước ông đã làm gì. Chẳng trách sao chậu cây lan ông tưới đến úng chết thì thôi. Căn phòng ông nằm ngủ giờ đây chỉ có mình ông và chiếc tivi để giải trí, ông không sử dụng điện thoại. Có một lần ông nhờ tôi mua điện thoại nhưng vì mắt kém, điện thoại dần được ông vứt vào xó tường mà ngay cả ông còn không nhớ đến sự hiện diện của nó. Ông như bóng ma thù lù ngay trong nhà tôi, cứ quanh đi quanh lại trong căn nhà chính mình nhưng nhiều nhất sẽ là nằm ngủ trong căn phòng. Chị hai tôi nhiều lần khổ sở nhắc nhở ông đừng đi xe nữa nhưng ông vẫn lén chạy con Honda đi vài vòng ở bến phà, nơi căn nhà lúc bé của ông, cứ mỗi lần ông đi là người ông đầy sẹo vì ngã xe. Ông thường hay có cái câu phàn nàn mỗi khi mẹ tôi cho uống thuốc là khi chết rồi uống làm gì, câu này làm mẹ tôi giận dữ và chỉ để đổ thêm dầu vào lửa. Lúc ông nói câu đó, tôi thấy ông bực bội vì tôi để ý mỗi lần ông bực bội ông lại gằn giọng lên mà quát tháo.
Gần đây nhất, tôi đã trích tiền lương để dẫn ba tôi cùng mẹ đi xem phim Bố già của Trấn Thành với mục đích làm dịu đi cơn thịnh nộ của mẹ dành cho ba. Song song với đó, cũng đã lâu tôi chưa cùng hai người quan trọng nhất này đi chơi đâu đó. Bộ phim rất hay, phân cảnh nào cũng làm tôi bồi hồi xúc động. Mẹ và ba tôi thì không hiểu lắm, nhất là những phân đoạn của nhân vật con trai quay video vì anh ta làm nghề Youtube, bộ phim được ba mẹ tôi nghiền ngẫm cho đến khi ra về chỉ khen rằng cái màn hình trong rạp sao mà nó to và dàn âm thanh sao mà nó lớn thế, còn nội dung thì không. Tôi nhớ lúc đó ba tôi nói rằng cái rạp này toàn mấy đứa cùng lứa tuổi với tôi mà tại sao dẫn ông đến đây làm gì? Tôi nghĩ một phần ba tôi đã quên mình đến đây để làm gì nhưng một thoáng chạnh lòng, tôi nhận ra, ba tôi đã già rồi. Đúng vậy, ba tôi đã già rồi, còn tôi thì chẳng đủ thời gian.
một thoáng chạnh lòng, tôi nhận ra, ba tôi đã già rồi.
một thoáng chạnh lòng, tôi nhận ra, ba tôi đã già rồi.

“Tao im để mai này chị em tụi bây quen khi tao chết.”

Tôi bị ám ảnh câu này, chắc là một nỗi đau hiện hữu trong người và nó đang ở giai đoạn “Chối bỏ” trong 5 giai đoạn của nỗi buồn. Tôi lại nhớ về chuyện cũ, tôi nghẹn ngào khi nhận ra vì công việc mà chị em tôi chẳng còn thời gian quan tâm đi một người đang cần sự thông hiểu nhất lúc này. Tôi bất giác nhận ra rằng, nỗi sợ lớn nhất của ba tôi đã xuất hiện nữa rồi: Sự bỏ rơi.