Bản đầu tiên cụ viết vào tháng 5/1965 là một bản đánh máy hoàn chỉnh, chỉ chỉnh sửa thêm vài cụm từ viết tay. Cụ đánh chữ theo kiểu chữ ph thì ghi là f, còn gi hay d thì ghi là z, ví dụ tự zo, hạnh fúc, fòng khi, zữ zìn, nhân zân… Qua các năm, cụ thường chọn chỉnh sửa di chúc vào một giờ đẹp sáng tháng 5, tháng có sinh nhật cụ.
Nguồn: TTXVN
Cụ mào đầu rằng cụ đã tới độ tuổi “xưa nay hiếm” nên để lại mấy lời, phòng khi đi xa gặp các tiền bối để đồng bào khỏi cảm thấy đột ngột. Đây là lời của một lãnh tụ để lại cho nhân dân, nó mới gần gũi chân phương biết bao.

Cụ dặn dò việc công rồi mới tới việc tư. Với mỗi phần quan trọng cụ đều cẩn thận gạch chân lại. Nói về Đảng, cụ nhấn mạnh tới đoàn kết, phê bình, đạo đức cách mạng, có kế hoạch tốt để nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống của nhân dân. Cụ khẳng định cuộc chiến chỉ kéo dài vài năm nữa với thắng lợi nhất định về phía ta. Trong bản năm 1968, cụ đã ghi chi tiết hơn, rằng sau khi chiến thắng giặc Mỹ, chúng ta có  nhiệm vụ mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đầu tiên phải chỉnh đốn Đảng, rồi thực hiện trách nhiệm với các liệt sĩ và thương binh, cũng như thân nhân của họ, đào tạo cho các thanh niên, giúp đỡ tạo điều kiện cho phụ nữ, cải tạo những thành phần là nạn nhân của chế độ cũ. Đặc biệt, cụ đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho bà con phấn khởi sản xuất, cải thiện y tế, giáo dục, xây dựng lại đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn.

Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Cụ viết nếu có thể sống tới ngày độc lập, sẽ đi xuyên Việt gặp gỡ chúc mừng đồng bào, rồi đi xuyên thế giới để thăm hỏi và cảm ơn những anh em và đồng chí đã ủng hộ chúng ta trong cuộc kháng chiến. Đúng kiểu phong cách Nguyễn Ái Quốc, người cộng sản chu du khắp đất trời.

Nói về việc riêng, cụ yêu cầu không tổ chức đám linh đình lãng phí, thực hiện hỏa táng và mong rằng cách này sẽ được phổ biến hơn để tốt về mặt vệ sinh và không tốn đất. Khi nào có điều kiện thì điện táng càng tốt hơn. Tro xương của mình, cụ mong được chôn cất trên một quả đồi (cụ còn gợi ý vùng Tam Đảo và Ba Vì), rồi xây một cái nhà giản đơn và mát mẻ để dành lấy chỗ nghỉ ngơi cho người thăm viếng. Cụ mong ai tới thăm thì nên trồng cây, làm kỷ niệm và gây rừng. Cụ còn dặn nếu cụ ra đi trước ngày thống nhất nước nhà thì gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam. Tới năm 1968, cụ lại viết muốn chia tro cốt làm ba phần, gửi cho ba miền Bắc Trung Nam, và mong sẽ được các cụ phụ lão săn sóc mộ phần. Đau đáu nỗi niềm muốn sống giữa vòng tay nhân dân cả nước, chẳng một lời nhắc riêng về nơi chôn rau cắt rốn và tiên tổ của mình.

Và Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể nhân dân Việt Nam và gửi lời chào thân ái tới đồng chí quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Lời cuối ấy thấm đẫm tinh thần một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng vì sự nghiệp chung cho tới hơi thở sau cùng. Cụ là người giàu có nhất, vì gia đình cụ là toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng chí của cụ trải khắp thế giới, di sản của cụ tuy không một cắc bạc cắc vàng, nhưng là tình thương bao la vô tận dành cho mọi thế hệ người Việt và những ai yêu chuộng hòa bình khắp năm châu.

Trong bản công bố chính thức của Bộ chính trị về bản Di chúc, vào ngày 3/9/1969, có một số đoạn không được nhắc tới, do các lãnh đạo cân nhắc tới hiện trạng lúc bấy giờ, khi cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra hết sức cam go. Di nguyện của Người cũng không được thực hiện như miễn thuế nông nghiệp một năm, hay thay vì hỏa táng thì thi hài của Người đã được giữ lại theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân.

Không có gì lạ khi ở Việt Nam, tới cơ quan hành chính hay trường công nào cũng thấy treo dán khắp các ban bệ khẩu hiệu quen thuộc “Sống, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Di sản Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện trong các lời tuyên truyền hay văn kiện, mà quan trọng hơn là ở tinh thần cách mạng ăn sâu trong tim mỗi con dân Việt Nam yêu nước qua mọi thời đại. Bác đã nhắc đi nhắc lại về đạo đức cách mạng trong hàng ngũ Đảng viên và đoàn viên thanh niên, nhất định phải giữ gìn sự trong sạch của Đảng ta - làm tốt vai trò lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tinh thần cách mạng ấy không phải chỉ dùng để đối phó với ngoại xâm mà cần giữ cho sục sôi trong mọi hoàn cảnh, vì chừng nào xã hội còn tồn tại bất công thì chừng đó mỗi công dân cần trui rèn tinh thần cách mạng, để đấu tranh vì một xã hội công bằng hơn, đấu tranh với những mặt chưa tốt của chính mình và người khác. Ví dụ như trong chính cuộc chiến chống dịch bệnh hơn một năm qua, chúng ta đã khui ra đủ kiểu "giặc nhà" vì lợi lộc mà không mang tới sức khỏe của đồng bào mình. Nhưng may mắn là chúng ta có những người cầm lái rất sáng suốt, đầy tâm và tầm, biết phát huy sự đồng lòng của quân và dân nên vẫn có thể yên tâm mà tuân theo chỉ đạo. Là người trực tiếp tham gia thành lập, xây dựng cương lĩnh và trực tiếp dẫn dắt Đảng, tâm huyết và trọng trách Bác dành cho các lớp lãnh đạo kế cận sau này quả thực vô cùng lớn lao mà cũng đầy vinh dự.

Còn non, còn nước, còn người

Thắng zặc Mỹ, ta sẽ xây zựng hơn mười ngày nay!




Mỗi khi tới thăm không gian nhà sàn xanh mướt này, con lại nghĩ về sự bất tử của Người. Nếu có ai đó thế hệ sau này không còn nhớ về Bác Hồ, họ sẽ buộc phải được biết những gì Người đã dành cho non sông này, sẽ được cho đọc các bản di chúc của Người. 
Di chúc của Người, phong cách sống và chiến đấu của Người mãi là tài sản vô giá và cũng là kỷ vật giản dị mà đẹp đẽ vô chừng.
Mỗi người Việt Nam đều xứng đáng được thừa kế tình thương bao la Bác để lại.