Mỗi ngày, mình có hàng tỷ tỷ tiếng nói dội lên trong đầu.
"Đừng ăn cốc chè đó nữa. Đổ mẹ nó đi!"
"Thực phẩm chức năng là trò bịp bợm. Có nên uống nốt viên C này không nhỉ?"
"MV của Lisa quá phèn so với Solo của Jennie."
"Team Beautiful Girl hội tụ gần 90k gái xinh Gen Z, chủ yếu thuộc nhóm 10X."
"Đau lưng, mỏi gối, tê tay? Có ngay Tâm Bình."
"Nhịp điệu chachacha.... Anh như gục ngã, ở nơi tận cùng đau đớn."
Bất cứ lúc nào, bất kể lúc làm việc gì, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mình có thể quan sát rất nhiều tiếng nói, lời hát đang chen chúc bên trong. Cứ như thể tâm trí mình là sân khấu danh giá và rất nhiều nghệ sĩ đổ xô về đó để tranh một suất diễn. Có những tiếng nói thì thầm, có những tiếng quát ầm ĩ, có những tiếng lí nhí, có những tiếng như cuồng nộ nhưng chúng chèn ép nhau để có một chỗ đứng, để được điều khiển mình. Mình đã từng nghĩ đó là một dạng bệnh lý cho đến khi mình làm một khảo sát nho nhỏ với bạn bè. Hầu như ai cũng có những tiếng nói đó cả. Đợt mình xem How I Live Now, nhân vật chính cũng được đặc tả bởi rất nhiều suy nghĩ vây quanh như vậy. Những người làm công việc như mình hoặc những người tin vào thứ gọi là "thông điệp của Vũ Trụ" luôn nói rằng: Hãy tin vào tiếng nói bên trong bạn (inner voice). Hãy làm theo điều trái tim mách bảo! Nhưng mình nghi hoặc: Thứ đó liệu có tồn tại? Khi những âm thanh ồn ã liên tục phát ra, làm cách nào để mình nhận ra âm thanh mà trái tim mách bảo?
Chúng ta được giới thiệu các phương pháp thiền, các cách rèn sự định tâm để tắt những tiếng nói đó đi, tập trung vào bản thân, vào hiện tại nhiều hơn. Nhưng như thế nào mới là hiện tại, như thế nào mới là chính mình? Chẳng phải hiện tại chính là tất cả những gì đang diễn biến bên trong mình hay sao? Chẳng phải chính mình là không phải người khác hay sao? Khi mình thiền, mình đóng mắt với thế giới bên ngoài để về với thế giới nội tâm. Và đó cũng là lúc, những tiếng nói ồ ạt xô về hơn bao giờ hết. Nó không nhất thiết phải là âm thanh đi vào tai. Nó đôi khi là một chuỗi các hình ảnh, vài dòng suy nghĩ hay tổ hợp những cảm xúc được nổi lên đồng thời. Chúng thuật lại một cách vội vã và chắp vá câu chuyện nào đó cứ như sợ mình không nghe thấy. Trong một workshop mình tham gia, bạn host có nói rằng:
"Bạn là tập hợp của những câu chuyện bạn kể về bạn, xã hội kể về bạn. Bạn sống trong câu chuyện của bố mẹ, của bạn bè, của những người bạn quen biết. Chúng là những câu thần chú bạn được dạy và vô thức tụng niệm để thôi miên mình."
Đúng vậy, nhiều tiếng nói bên trong mình đến từ quảng cáo, lời người khác. Chúng không thật sự là mình. Có những người mình quen, đến bây giờ, họ vẫn dùng cuộc đời của mình để sống thay đời bố mẹ, họ làm những điều bố mẹ muốn. Có những người sống thay cho yêu cầu của xã hội, họ thành công và nỗ lực như xã hội đòi hỏi. Những tiếng nói "con phải sống có trách nhiệm, phải chăm lo cho em út" là tiếng của bố mẹ mình. Những tiếng nói "là con gái phải xinh" là lời thôi miên trong suốt nhiều năm hấp thụ truyền thông & mạng xã hội. Mình chẳng cần đi theo những tiếng nói đó. Chúng tự đeo bám mình và dần khiến mình dường như "sống theo trái tim mách bảo". Nhưng có thật là như vậy? Những tiếng nói giúp định hình mình là ai, phải hành động như thế nào nhưng cũng vô tình triệt tiêu những khía cạnh khác của mình. Chúng len lỏi, chất chứa trong vô thức nhiều đến nỗi mình không thể phân biệt đâu thật sự là điều mình muốn. Nhiều lúc mình cảm tưởng mình đang sống trong ngôi nhà có nhiều kẻ xa lạ đã từng quen. Xã hội sống trong mình, hòa lẫn với mình. Nó khiến mình tưởng mình hiểu bản thân nhưng hóa ra chỉ đang triệt tiêu khao khát khám phá bản thân. Để thực sự nghe được tiếng nói nào là của mình, mình nghĩ ta cần phân biệt đâu là tiếng nói không phải của mình. Giống như lúc làm bài trắc nghiệm, chúng ta có một phương pháp gọi là loại trừ. Khi đã loại trừ những tiếng nói không phải của mình, tiếng nói của trái tim ắt sẽ hiển lộ. Mình thường bước vào ngôi nhà nội tâm, mời từng thành viên trong đó lên tiếng. Đó là một ngôi nhà rộng, nhiều tầng lớp, nhiều phòng ốc, ngóc ngách. Có những người ngồi ở chính giữa nhà, có những người lang thang ở hầm, ở cầu thang, có những người nằm trên tầng áp mái nhưng tất cả đều ở đó, tất cả đều muốn mình thấy, tất cả đều có thể nhảy vào chính điện.
Chúng là ai?
Chúng là những mặt nạ mình đeo với những mối quan hệ xã hội khác nhau, là những phiên bản của mình ở những thời khắc khác nhau trong quá khứ, là những gì mình đã vô tình hấp thụ từ gia đình và xã hội. Ngôi nhà chung nào cũng sẽ có mâu thuẫn và để giữ bình yên, mình phải nghe chúng, phải tìm thấy chúng, nhất là những phần vẫn vô thức điều khiển ngôi nhà chung nhưng không thích lộ mặt. Mình thường viết ra để gọi tên, để nói chuyện, để hiểu tại sao chúng lại hành xử như vậy. Tại sao chúng lại gây ra những hành động vô thức đó?
Nếu không bước vào hỏi han chúng, mình sẽ luôn nghĩ rằng: Mình là một người hướng ngoại, mình ngăn nắp, mình hiếu thắng. Mình sẽ chẳng bao giờ biết mình cũng có những phần bừa bộn, xuề xòa, mình cũng có những phần an phận, thích yên ổn.
"Em sợ biết chắc chắn mình là ai, nên làm điều gì vì lúc đó em chẳng thể làm ai khác nữa."
"Luôn có những phần mà chúng ta chưa hiểu về mình nhưng với việc biết chắc mình sẽ làm gì, ta thôi hỏi thăm đến chúng. Ta tự dán nhãn bản thân và mặc định những hành động mình sẽ làm."
"Hành trình hiểu bản thân là hành trình không bao giờ dừng lại. Đó là hành trình để ta liên tục đặt câu hỏi: còn điều gì khác về ta mà ta chưa biết?"
Từ lúc nhận ra, bên trong mình là một ngôi nhà đông đúc, một khán phòng chật chội, mình chẳng biến bản thân thành bất cứ hình mẫu hay công thức nào nữa. Mình không còn là "cô sinh viên hiếu thắng", "cô nhân viên chăm chỉ", "người phụ nữ tham vọng", "bánh bèo yếu đuối", "nữ cường với cuộc đời sóng gió", "em gái hiền lành" hay "người trẻ nỗ lực vượt biến cố". Mình là tất cả và cũng chẳng là gì.
Có người bảo mình đánh mất mục tiêu, nhưng mình chỉ cười mà đáp lại: Không, mình vẫn giữ nguyên ba mục tiêu lớn nhất: làm một học sinh tốt, làm một người đàng hoàng và làm một nhà thám hiểm dũng cảm. Mình không cần bất cứ dòng mô tả nào để diễn giải bản thân. Mọi thứ mình làm đều chỉ là công cụ phục vụ ba mục tiêu đó và để tu sửa, chăm bẵm "ngôi nhà với những người xa lạ từng quen" của mình. Những người đó có thể là những phiên bản trẻ hơn của mình, những phần gia đình, xã hội sống trong mình. Nhưng mình sẽ không bao giờ chối bỏ. Là một học sinh, một con người và một nhà thám hiểm, mình sẽ luôn tìm tòi, mình sẽ không ngừng khám phá bản thân và mình sẽ luôn cố hết sức để tử tế - trước là với mình, sau là với người khác.