32 con người sau đây, ở 32 độ tuổi khác nhau đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của toàn dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ là những đại diện rất nhỏ trong rất nhiều con người khác đã gồng mình, chịu đựng bao khó khăn, gian khổ, hy sinh cả máu xương, da thịt, tính mạng và cả người thân của mình để cùng dân tộc này, đất nước giành lấy “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Nghiêng mình tưởng nhớ và biết ơn!

Những anh hùng ở độ tuổi của Gen Z ngày nay: Từ 10 tuổi đến 25 tuổi

10 tuổi, “Em bé Hà Nội” bị bắt đầu hành trình đi tìm lại bố mẹ và đứa em gái bị mất tích sau đợt dội bom B52 của quân đội Mỹ ở Hà Nội năm 1972. Dù chỉ là một nhân vật hư cấu trong bộ phim cùng tên của đạo diễn - NSND Hải Ninh, nhưng đây cũng chính là hình ảnh của hàng triệu em bé Việt Nam đã mất đi gia đình, người thân trong thế kỉ XX. NSND Lan Hương, người thủ vai em bé cũng vừa đúng 10 tuổi vào thời điểm sản xuất bộ phim năm 1974.
"Em bé Hà Nội"
"Em bé Hà Nội"
11 tuổi, sau một trận càn quét của quân Pháp vào làng mình, cậu bé Trương Văn Tôn đau xót và phẫn uất khi nhìn thấy mẹ cùng 4 người nữa bị giặc Pháp bắn chết. Từ ấy, Trương Văn Tôn quyết một lòng theo cách mạng để trả thù. Một năm sau, khi đang làm nhiệm vụ giao liên, Tôn bị bắt, tra tấn đến chết nhưng vẫn hiên ngang chịu đòn, không nói một lời. Anh hùng LLVTND Trương Văn Tôn là liệt sỹ nhỏ tuổi nhất của Việt Nam.
12 tuổi, Anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh, người có biệt danh “Bé Đi” đã bắt đầu cuộc đời cách mạng của mình với nhiệm vụ giao liên ở nội thành Sài Gòn những năm 1960. Nhiều lần vào tù ra khám, ông không ngừng đấu tranh bằng nhiều hình thức, thậm chí là tự mổ bụng mình để phản đối những đòn đàn áp dã man của địch.
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV
13 tuổi, Anh hùng LLVTND Kơ-pa Kơ-lơng người Gia Rai đã xin tham gia đội du kích nhưng bị từ chối vì tuổi còn nhỏ. Kơ-lơng tự làm lấy nỏ, vót tên, phục kích hạ liên tiếp 3 lính địch để thuyết phục các chỉ huy lực lượng tại địa phương. Cuối cùng ông cũng được toại nguyện, và với tài thiện xạ của mình, ông được vũ trang, trở thành đội trưởng đội du kích huyện Chư Prong, Kon Tum. Tương truyền ông có biệt tài bắn “xuyên táo”, tức hạ nhiều tên địch với một viên đạn duy nhất.
14 tuổi, Anh hùng LLVTND Kim Đồng hay Nông Văn Dền đã hy sinh trong một lần đi liên lạc. Chuyện kể rằng khi cán bộ đang có cuộc họp, anh phát hiện có quân Pháp đang tới nơi cư trú của cán bộ, Kim Đồng đã đánh lạc hướng họ để các bạn của mình đưa bộ đội về căn cứ được an toàn. Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng vào anh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng).
15 tuổi, Anh hùng LLVTND Vừ A Dính trong một lần liên lạc, anh bị quân Lê dương Pháp vây bắt được và yêu cầu anh chỉ điểm nơi ở của cán bộ Việt Minh. Vừ A Dính chống lại và bị tra tấn, nhưng Pháp không khai thác được tin tức gì. Vào một ngày, quân Pháp đã bắn và treo anh lên cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn.
16 tuổi, Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu – nữ đội viên Công an xung phong Đất Đỏ đã tiến hành tập kích bằng lựu đạn tại lễ kỉ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14/71949 tại Đất Đỏ, gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ.
17 tuổi, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào lên đường nhập ngũ và ngay ở chiến dịch đầu tiên tham gia ở Đường 9 – Khe Sanh, ông đã tiêu diệt 78 lính thủy đánh bộ chỉ trong 02 ngày chiến đấu.
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV
18 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Sinh đã xung phong đi bộ đội. Trong vòng 4 năm với 1089 ngày làm việc, ông Nguyễn Viết Sinh đã mang được hơn 55 tấn hàng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025 km. Số km này tương đương với 1 vòng trái đất theo đường xích đạo.
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV
19 tuổi, Anh hùng LLVTND Lê Thị Thu Nguyệt đã khiến thế giới rúng động khi đánh nổ tàu bay FHA007 với 300 quân Mỹ, bao gồm cả 80 sỹ quan cấp cao. Chính nhờ chiến công này, bà được mệnh danh là “chim sắt”.
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV
20 tuổi, Anh hùng LLVTND Đặng Đức Song cùng đồng đội kiên quyết bám giữ khu vực Đồi Xanh (Đồi 781) trong 32 ngày đêm, không cho quân nhảy dù Pháp xuống Điện Biên Phủ để xây dựng căn cứ điểm. Chiến công này một trong những tiền đề quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
21 tuổi, Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển, một nữ dân quân nặng 42kg vác hai hòm đạn nặng tới 98kg (gấp hơn 2 lần trọng lượng cơ thể) để tiếp tế cho bộ đội trong trận đánh bom ồ ạt, ác liệt xuống cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa của đế quốc Mỹ.
22 tuổi, Anh hùng LLVTND Bế Văn Đàn dù đã bị thương từ trước vẫn không ngần ngại dùng thân mình để làm bệ đặt một khẩu súng trung liên với lời hô vang: "Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!". Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình.
23 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Trỗi, về thăm quê lần cuối cùng trước khi bị bắt và xử tử do âm mưu đặt mìn ở cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Trước khi chết anh còn hô vang “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”
24 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thái Bình, một sinh viên phản chiến Việt Nam bị bắn chết tại phi trường Tân Sơn Nhất sau khi khống chế một chiếc máy bay để thể hiện sự phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Sau cái chết, anh trở thành một biểu tượng cho phong trào phản chiến của sinh viên miền Nam Việt Nam vào thập niên 1970.
25 tuổi, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. 8 năm sau, ông cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.

Những anh hùng ở độ tuổi của Gen Y ngày nay: Từ 26 tuổi đến 41 tuổi

26 tuổi, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy Đại đội xe tăng 9 trong đội hình thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến vào nội đô Sài Gòn. Sáng ngày 29/4/1975, đội hình 4 xe tăng do ông chỉ huy gặp đoàn 24 xe tăng, thiết giáp của địch, sau ít phút chiến đấu đã tiêu diệt 12 chiếc, 12 chiếc còn lại bị bị bắt sống.
27 tuổi, Anh hùng LLVTND Bùi Quang Thận là người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.
28 tuổi, khi còn cách cửa ngõ Sài Gòn 30 km, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng bị thương hỏng hai mắt và ngất đi vì trúng đạn súng chống tăng. Trong lúc nguy kịch, nghĩ rằng mình sắp chết, ngay trên tháp xe tăng 847 đang bốc cháy, ông đã mò mẫm trong đêm tối dùng ngón tay làm bút chấm máu chảy ra từ đôi mắt bị thương của mình để vẽ nên bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh với nền là lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng Cộng sản Việt Nam, phía dưới ghi đậm dòng chữ "Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân" và lại ngất đi.
29 tuổi, cố tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, vị Tổng bí thư thứ tư trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị quân địch xử tử cùng lúc với một số đảng viên cộng sản khác như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, v.v.
30 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy tổ chức đám cưới với bà Trần Thị Niên là đồng hương, học sinh miền Nam. Nhưng chỉ sau đám cưới 45 phút thì chú rể lại lên máy bay xuất kích. Người chồng ấy sau này trở thành Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam, là một trong mười chín phi công Việt Nam đạt cấp "Ách" (Aces) trong Chiến tranh Việt Nam, với thành tích lái MiG-17 bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ. Ông cũng là phi công lái chiếc MiG-17 - loại máy bay bắn rơi nhiều máy bay đối phương nhất trong thời kì chiến tranh Việt Nam.
31 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Viết Xuân bị máy bay bắn bị thương nát đùi phải, song ông yêu cầu phẫu thuật bỏ chân, tiếp tục được vào bờ công sự và chỉ huy chiến đấu, động viên đồng đội bằng khẩu lệnh "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!”.
32 tuổi, Anh hùng LLVTND Phan Đình Giót khi đã bị thương ở vai và đùi, mất máu rất nhiều vẫn vươn người lấy đà, lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai của địch. Ông hi sinh, toàn thân bị bom đạn kẻ thù bắn nát và lấp kín lỗ châu mai, khiến quân Pháp bên trong bị vướng không bắn ra được nữa, quân Việt Nam chớp thời cơ xông lên tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13/3/1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
33 tuổi, Phạm Quang Lễ, đã quyết định từ bỏ sự nghiệp danh giá ở châu Âu để theo Bác Hồ trở về nước tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc. Ngày 5/12/1946, Bác Hồ đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới. Ông chính là người đã chế tạo ra các loại vũ khí đặc biệt, góp phần to lớn trong chiến thắng của cả dân tộc, như bom ba càng, súng Bazooka, súng không giật, bom bay, v.v.
34 tuổi, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm H.63. Sau chiến tranh, "bộ máy" H.63 đã 2 lần trở thành anh hùng với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung (Điệp viên X6 – Phạm Xuân Ẩn), Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba, v.v.
35 tuổi, Trường Chinh, người từng đảm nhiệm 3/4 vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội) đã có bài viết đầu tiên với bút danh Trường Chinh trên số đầu tiên của tờ Cờ Giải Phóng (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương) ra ngày 10/10/1942, đánh dấu bước khởi đầu của một cây bút lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
36 tuổi, Khuất Duy Tiến khi biết tin Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, đã vượt ngục về Hà Nội chuẩn bị tham gia cướp chính quyền. Ông là người đã liên lạc vận động giới công thương Hà Nội yêu nước đóng góp tài chính cho hoạt động cách mạng, trong đó có gia đình ông Trịnh Văn Bô. Tháng 8/1945, ông cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi đại diện giới trí thức tham gia Quốc dân đại hội Tân Trào.
37 tuổi, dù không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Bác Hồ ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng, trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
38 tuổi, “Hùm xám đường số 4” Đặng Văn Việt được phong quân hàm Trung tá và đây cũng chính là cột mốc đáng nhớ cuối cùng trong đời binh nghiệp của ông gắn liền với những chiến tích lẫy lừng trên đường số 4, đặc biệt với các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, tiêu diệt hơn 100 xe giới quân sự Pháp. Ông được nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng xưng tụng là "Đệ tứ lộ Đại vương", còn các binh sĩ Pháp gọi ông với nhiều biệt danh khác nhau như "Hùm xám đường số 4" (le Tigre gris de la RC4), "tiểu tướng Napoléon" (mon petit Napoléon).
39 tuổi, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người giữ chức vị này trong thời gian lâu nhất, được cử vào miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Từ đó, phong trào đấu tranh ở Nam Bộ ngày càng phát triển, từng bước đi đến thắng lợi trong cả 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam.
40 tuổi, nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Định đã lãnh đạo phong trào Đồng khởi Bến Tre, xuất phát từ ba xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (thuộc huyện Mỏ Cày Nam hiện nay), sau đó lan rộng ra cả tỉnh Bến Tre và trở thành một phong trào đấu tranh mạnh mẽ trên toàn miền Nam.
41 tuổi, bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng sang Paris dự Hội nghị Paris về Việt Nam. Trong suốt thời gian 1968-1972, bà nổi tiếng trong các cuộc họp báo tại hội nghị 4 bên tại Paris, với phong cách ngoại giao lịch lãm và duyên dáng, được giới truyền thông đặt cho biệt hiệu Madame Bình. Khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, bà là người đại diện của Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng là người phụ nữ duy nhất trong bốn bên ký vào bản Hiệp định lịch sử này.
----
Bài viết đơn thuần chỉ là một hình thức liệt kê những gương anh hùng tiêu biểu theo cấu trúc độ tuổi, chứ không phải một hình thức xếp hạng hay bình chọn. Vì không chỉ 32 con người này mà tất cả những ai đã trải qua cuộc chiến này, tất cả đều là những người anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Nguồn tham khảo chính từ wikipedia và loạt phóng sự “Những anh hùng thế kỉ XX” của VTV, cùng nhiều nguồn tư liệu online khác.