Hôm nay là ngày 24, tức là thêm 6 ngày nữa tôi sẽ nhận được lương lần thứ ba kể từ khi Work from home. Nói dài thì không quá dài, nhưng nói ngắn thì cũng không quá ngắn. Trong ba tháng này, ngoài việc phải làm quen với việc chuyển đổi hình thức làm việc, kìm nén nhu cầu kết nối trực tiếp, thì còn một vấn đề ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý tôi. Đó là việc phải tiếp thu quá nhiều thông tin, và đa số là thông tin tiêu cực.
Chúng ta bắt đầu đọc nhiều tin tức hơn
Chúng ta bắt đầu đọc nhiều tin tức hơn
Thói quen đọc báo nhiều hơn kể từ khi cách ly
Không biết các bạn có giống tôi không, nhưng ngày trước tôi đọc báo khá hạn chế. Chủ yếu tôi xem các chuyên mục của VTC24, đa phần là vì VTC24 rất hay bắt trends và phù hợp với giới trẻ. Một phần cũng là vì tôi luôn dễ tiếp nhận thông tin tốt hơn từ hình ảnh.
Tôi thường đọc báo vào buổi sáng, khi vừa đến công ty và cần nạp một ít infoin. Tôi có cài app VNExpress, app có một tiện ích rất hay, đó là popup tin lên điện thoại, tuy nhiên tần suất vào app của tôi vẫn không quá nhiều.
Chỉ khi đại dịch bắt đầu lây lan nhanh hơn ở Việt Nam, tôi mới bắt đầu chú tâm vào việc đọc báo mạng nhiều hơn. Và tần suất càng nhiều hơn khi Sài Gòn đang trong tình trạng lâm nguy. Mỗi ngày tôi đều cập nhật tình hình về dịch bệnh, vaccine và tỷ lệ người tử vong. Điều này tưởng chừng như tốt, khi mà chúng ta có thể cập nhật được tình hình hiện tại, nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến tôi trở nên hoang mang hơn khi các tin xấu cứ đồng loạt lên sóng.
Những câu chuyện đi vào ngõ cục
Những cuộc nói chuyện với gia đình, bạn bè cũng đa số xoay quanh vấn đề dịch bệnh. Bàn về dịch bệnh, lo về dịch bệnh, và cùng cầu nguyện cho dịch bệnh. Tôi có cảm giác không chỉ dịch bệnh đang trôi nổi ngoài đường kia, mà nó còn len lỏi vào khắp nơi xung quanh tôi. Từ bàn ăn, bàn làm việc, trên điện thoại, Facebook,... Không nơi nào là nó không xuất hiện.
Đừng hiểu lầm tôi đang ám chỉ việc trò chuyện về dịch bệnh là không đúng, chẳng qua tần suất nó xuất hiện xung quanh tôi có vẻ như đang quá nhiều. Tôi đang chết ngạt trong những thông tin mà mình tiếp nhận trong suốt hơn ba tháng qua. Tôi có thể vui mừng khi Sài Gòn số ca nhiễm từ hơn 5000 ca xuống còn 3300 ca, nhưng lại sầu não hơn khi nó lại tăng lên hơn 4000 ca vào ngày hôm sau. Tâm trạng tôi cứ thất thường như biểu đồ Covid vậy.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tăng từng ngày
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tăng từng ngày
Không những vậy, khi mà Covid bắt đầu lan dần qua các tỉnh thành phía Tây quê tôi. Tôi lại mang thêm sự lo lắng cho gia đình, cho người dân quê tôi. Đến nay cũng hơn một tháng kể từ chỉ thị 16 cho các tỉnh miền Tây, mà tình hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp.
Mỗi ngày thức dậy tôi chỉ mong dịch nhanh chóng qua đi để tôi sớm quay trở lại cuộc sống bình thường. Mỗi đợt giai hạn chỉ thị tôi chỉ mong đó là lần cuối, và sẽ là lần cuối. Nhưng tất nhiên, đó vẫn không là lần cuối.
Chấp nhận mình đang trong "thế gọng kìm"
Sau rất nhiều tháng ngày khó chịu, bức bối, lo lắng và ăn nằm cùng với Covid. Có những ngày tôi dành ra hàng buổi trời chỉ để lo lắng về những gì nó đã gây ra, và sẽ gây ra. Và đến một ngày, tôi bắt đầu mệt, mệt vì phải tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực về một vấn đề vốn đã rất tiêu cực.
Tôi bắt đầu dành ít thời gian cho việc đọc tin tức về dịch bệnh hơn, nhưng không có nghĩa là tôi không còn theo dõi. Việc không theo dõi tình hình cũng giống như việc bạn đi trong rừng và tự bịt mắt mình vậy, sẽ không thể biết được bước chân tiếp theo có gì ở đó.
Tôi bắt đầu chấp nhận rằng mình thật sự đang sống trong một thời kỳ bất ổn, và mình không thể làm gì tốt hơn ngoài việc đợi cho nó qua đi. Châu Âu phải mất hơn một năm để họ có thể quay lại trạng thái bình thường mới kể từ đợt bùng dịch từ năm ngoái. Cho nên tôi đã ngừng việc hy vọng rằng Covid sẽ rời xa Việt Nam trong một vài tuần nữa. Tôi chấp nhận rằng đây sẽ là một cuộc chiến rất dài hơi.
Cuộc chiến chống Covid-19 là một cuộc chiến dài hơi
Cuộc chiến chống Covid-19 là một cuộc chiến dài hơi
Việt Nam cần nhiều thời gian hơn
Việt Nam đã từng trụ rất vững trước những cơn sóng đầu tiên của Covid-19, chúng ta đã từng rất tự hào vì điều đó. Không ngoa khi nói rằng thời điểm đó, thế giới nhìn chúng ta bằng một con mắt rất khác.
Nhưng trong cơn bão này, Việt Nam chúng ta cần nhiều thơi gian hơn để có thể dập tắt được nó. Và chúng ta - những con người sinh ra trên mảnh đất hình chữ S, hãy cứ tin tưởng rằng tất cả mọi người trong các tổ công tác phòng chóng dịch đều đang rất cố gắng để khiến cho Việt Nam có thể tự hào một lần nữa.
Việc của chúng ta - những người ở tuyến sau là hãy cố gắng bình tĩnh, chấp nhận tình hình và cố gắng sinh tồn trong khoảng thời gian khó khăn này.
Sinh tồn trong khó khăn
Trong một bài kiểm tra của biệt đội hải quân NAVY SEAL của Hoa Kỳ. Các học viên sẽ bị trói tay của mình ra sau và đưa xuống nước. Các học viên phải tồn tại trong năm phút dưới hồ sâu 9 ft.
Bài kiểm tra dưới nước của hải quân Navy SEAL Hoa Kỳ,
 họ bị trói tay trong năm phút dưới nước
Bài kiểm tra dưới nước của hải quân Navy SEAL Hoa Kỳ, họ bị trói tay trong năm phút dưới nước
Năm phút dưới hồ bơi có vẻ sẽ không quá khó khăn, nhưng hãy hình dung bạn bị khóa tay và không thể bơi bình thường được, đó sẽ là địa ngục, bạn hoàn toàn có thể bị đuối nước bất kỳ lúc nào.
Phần lớn học viên sẽ cố gắng bơi, vùng vẫy dưới nước, điều đó làm họ mau mất năng lượng, tim đập nhanh và rơi vào tình trạng hoảng loạn ngay sau đó. Lời giải cho bài toán này chính là họ sẽ phải thở hết hơi trong phổi của mình ra để chìm xuống dưới đáy, sau đó dùng lực chân để đẩy toàn bộ cơ thể lên và lấy hơi. Cứ đều đặn như vậy, các học viên sẽ vượt qua được năm phút và đỗ bài kiểm tra.
Đối chiếu với tình hình hiện tại, dịch bệnh cũng giống như hồ nước sâu 9 ft, chúng ta đang cùng nhau bị trói tay và bị quăng xuống đó. Nếu chúng ta cứ vùng vẫy trong sự hoảng loạn, chúng ta sẽ rất mau hết sức và chìm xuống dưới đáy hồ. Thay vì như vậy, hãy cố gắng bình tĩnh và hít thở đều đặn và chờ cho "năm phút" đó qua đi.
Nếu nguồn thu nhập chúng ta đang bị tiêu giảm, hay thật chí là chúng ta phải nhận trợ cấp. Cũng giống như việc các học viên ngoi lên mặt nước để hít thở và chìm xuống dưới đáy hồ trước khi bật lên một lần nữa, hãy tận dụng triệt để hơi thở đó dù nó có bị hạn chế hay quá ít. Hãy sử dụng hơi thở hợp lý, và chờ cho tới khi được thở hơi tiếp theo.
Chuẩn bị hành trang cho những cuộc phiêu lưu mới
Chúng ta luôn có rất nhiều sở thích, rất nhiều điều muốn học hỏi, và rất nhiều sách muốn đọc. Nếu như trong những ngày trước đại dịch bạn luôn lấy lý do là không có thời gian để không phải thật sự bắt tay vào làm những việc đó. Thì đây chính là lúc các bạn có thể thật sự cầm quyển sách lên và đọc. Vì trong mùa dịch này, chúng ta không có gì ngoài thời gian cả.
Bạn đã chuẩn bị cho những cuộc phiêu lưu mới chưa?
Bạn đã chuẩn bị cho những cuộc phiêu lưu mới chưa?
Không những vậy, đây cũng là thời gian rất hợp lý cho những ai đang muốn tìm hiểu về những lĩnh vực mới, muốn dấn thân vào những môi trường mới. Đây là thời điểm tuyệt vời để trang bị cho mình những bộ giap tri thức, nâng cao kiến thức cá nhân và từng bước xây dựng đam mê cho bản thân.
Trong mùa dịch này, tôi đã và đang tìm hiểu thêm về lĩnh vực Marketing, và cũng đang học Piano nữa. Đây là những việc mà tôi nghĩ tôi sẽ chẳng bao giờ làm, nếu như đại dịch không xảy ra.
Hãy chấp nhận việc chúng ta đang sống trong một thời kỳ cực bất ổn của Việt Nam và cả thế giới. Đừng quá hoảng loạn trước những thông tin tiêu cực xung quanh chúng ta, hãy tập trung vào việc sinh tồn và phát triển bản thân. Để rồi khi đại dịch trôi đi, bạn sẽ bước ra với một tâm thế tự tin hơn, chứ không trôi luôn theo dòng đại dịch.